PHẬT PHÁP GIỮA ĐỜI THƯỜNG 7
PHẬT PHÁP GIỮA ĐỜI THƯỜNG 7
LỜI TỰA
Những lời Phật dạy phần lớn mang tính phương tiện. Nếu ta chấp chặt từng chữ, từng lời sẽ khó hiểu được hết ý nghĩa thâm sâu bên trong. Chúng ta - những người học Phật ngày nay - rất cần nhận biết đâu là phương tiện, đâu là chân lý trong những lời Phật dạy để không rơi vào cực đoan và thiên kiến. Ngoài ra, người học Phật cũng cần chú tâm vào thực hành để tự mình thực chứng, để tự tìm ra cách đi phù hợp cho riêng mình.
Giữa lý thuyết và thực hành luôn là một khoảng cách lớn. Nhiều khi ta tưởng mình đã biết, đã ngộ, nhưng khi đụng chuyện thì mới biết mình đang ở đâu, đang ở tầng mức nào trên con đường tu tập. Đạo Phật không phải là một tôn giáo, không chủ trương sùng bái cá nhân. Đạo Phật cũng không phải để cầu xin Phật Trời ban phúc, lánh nạn. Đạo Phật chỉ dạy ta triết lý sống mà qua đó ta phải vận dụng thực hành để soi rọi bản thân, để tỉnh thức trong từng hơi thở trong việc làm chủ thân tâm của mình.
Phúc hay nạn, thực ra không phải do Trời Phật ban cho, mà đó là kết quả của những việc ta làm, phản ảnh mức độ tu tập của ta trong quá khứ và hiện tại. Muốn thay đổi nghiệp thì phải tu và hành. Để tu hành đúng thì phải học và hiểu những lời Phật dạy rồi đưa chúng vào cuộc sống hàng ngày. Có thế, ta mới là một người con Phật đúng nghĩa.