Thư viện kinh sách

TỪ HUYỀN THOẠI TỚI TÂM KINH

TỪ HUYỀN THOẠI TỚI TÂM KINH

 

 

LỜI GIỚI THIỆU

 

Người ta thường cho rằng, khi con người có được hạnh phúc là đã thoát khỏi sự khổ đau. Nhưng khi có hạnh phúc, người ta lại quên mất bản tâm mình đang đắm chìm trong mê lầm và sự khổ đau lại xuất hiện. Phật giáo gọi cái đó là hạnh phúc thế gian, do duyên mà biểu hiện, hết duyên là biến diệt.

Do đó, để được tâm bình an thật sự thì điều quan trọng là chúng ta phải tự huấn luyện tâm. Một khi tâm vượt lên trên cả khổ đau và hạnh phúc, vượt ra ngoài cái đối đãi của thế gian như thiện và bất thiện hay có và không để không còn chấp giữ điều gì thì lúc đó chúng ta mới có được chân hạnh phúc và bình an thật sự. Đây chính là bản tánh của tâm. Bản tâm cũng được biết như là tâm thanh tịnh, tâm không dính mắc và cũng  chính là Niết Bàn. Niết Bàn là mục tiêu tột cùng của Phật pháp, là an lạc và giải thoát tận cùng của hành giả, không còn gì hơn nữa.

Tác phẩm “Từ Huyền Thoại Tới Tâm Kinh” là cuốn sách tổng hợp các bài viết về Phật học, với các đề tài có tính cách thực tiễn, thực dụng mà sau khi đọc độc giả có thể nắm bắt và thực hành ngay trong khi đi đứng nằm ngồi.

Nội dung chủ yếu mà tác giả muốn nói rõ chính là bản chất cố tủy của Phật Giáo, đó là nhận rõ bản tâm (Original Mind) của mình, tức là Thấy Tánh. Thấy Tánh là thấy tâm nơi không một pháp nào dính vào, nhìn thấy tâm nơi chỗ rỗng rang tịch lặng, thấy sanh diệt huyễn hóa, thấy duyên khởi tánh không, thấy các pháp đều không hư, nhìn thấy tâm nơi khởi lên và biến diệt, nhìn thấy tâm vô tác, vô tướng... Thấy được tánh các pháp như thế, là giải thoát.

Như khi nhìn bọt nước, nhìn hạt sương mai, nhìn như cảnh huyễn, như mộng, huyễn, bào, ảnh.  Đó là pháp Thấy Tánh. Đức Phật bảo phải nhìn, không bảo chúng ta phải ngồi tu luyện công phu. Ai thấy tất cả các pháp cõi này như thế trọn ngày, tự nhiên, là không còn pháp nào dính vào tâm nữa, và tức khắc giải thoát vì không còn gì ràng buộc.

Trong sách tác giả nhắc nhiều lần đến nhóm Kinh Nhật Tụng Sơ Thời, tức là nhóm kinh được chư tăng tụng hàng ngày trong những năm đầu Đức Phật hoằng pháp, có Kinh Bahiya Đức Phật dạy pháp khẩn cấp và ngắn gọn mà hễ thực hành miên mật là đưa đến giải thoát ngay trong đời, “khi nghe chỉ là cái được nghe, khi thấy chỉ là cái được thấy…” và lúc đó sẽ nhận ra không có ai đang nghe hay đang thấy. Thêm vào đó có Kinh Sn 5.10, trích lời Đức Phật dạy rằng “không sở hữu gì hết, không dính mắc gì hết” sẽ thoát được trận lũ lụt già chết. Tương tự như vậy nơi Kinh Kim Cang dạy rằng: “ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm”, tức là khi không còn chỗ nào để dính mắc, thì kỳ tâm, tức là tâm vô sanh hay Niết bàn Diệu tâm, mới hiển lộ.  

Tác giả là một vị Cư sĩ đã ở Hoa Kỳ lâu năm, từng tu học với một số thiền sư tiền bối nổi tiếng trước 1975 như quý ngài Tịch Chiếu, Thường Chiếu, Thiền Tâm và Tài Quang. Cư sĩ Nguyên Giác không chỉ là một nhà học giả uyên thâm về Phật học mà còn là một hành giả thiền với nhiều kinh nghiệm tu tập. Ông đã xuất bản 12 cuốn sách về Thiền.

Tác phẩm “Từ Huyền Thoại Tới Tâm Kinh ” là cuốn thứ 13, đã được phát hành trên mạng Amazon và bầy bán trên các kệ sách của Amazon ở Âu Châu, nay xin được trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.

Các chữ viết tắt trong sách này dựa theo tiêu chuẩn quốc tế, độc giả có thể tìm đọc ở Thư Viện Hoa Sen với các kinh: DN là Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya), MN là Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya), SN là Tương Ưng Bộ Kinh(Samyutta Nikaya), AN là Tăng Chi Bộ Kinh(Anguttara Nikaya), Sn là Kinh Tập (Suttanipata) trong Tiểu Bộ Kinh, Ud là Kinh Phật Tự Thuyết (Udana), và SA là Tạp A Hàm.

Trân trọng kính giới thiệu.
Nhà xuất bản Ananda Viet Foundaton | Tâm Diệu

 

TỪ HUYỀN THOẠI TỚI TÂM KINH - (File PDF  2,27 MB)

 

Tin sinh hoạt phật sự

Video bài giảng

Pháp âm

  • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
  • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
  • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
Pháp âm khác >>

Thống kê truy cập

  • Online: 31
  • Số lượt truy cập : 6471969