Tuyển tập thơ ĐÊ CHIỀU 100
HOÀI BÃO CỦA NGƯỜI TĂNG SĨ
(Thay lời tựa)
Nhân dân ta yêu thơ, thích làm thơ cũng là chuyện đáng mừng, bởi ít ra đó cũng là niềm vui nơi trần thế. Đạo Phật nói đời là bể khổ, nhưng hơn bảy mươi năm chìm nổi trong bể khổ ấy, tôi thấy không thiếu niềm vui. Tôi tin, hễ ai tìm được niềm vui cho mình, cho người quanh mình là hạnh phúc. Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng từng nhắc nhở: “Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch/ Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” (Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/ Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền). Phật tại tâm. Tâm tức Phật. Phật tức Tâm. Nếu ai thấy được tâm tịnh thì lập tức thành Phật, nhưng chuyện đó xa xôi quá; theo tôi, trước mắt cứ như lời bài hát của Trịnh Công Sơn: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” trong bể khổ ở cõi Ta bà này là sướng lắm rồi.
Nhận bản thảo tập thơ của thầy Thích Đồng Bổn qua e-mail, tôi vừa vui vừa ngần ngại. Vui là sau đợt đại dịch Covid-19, thầy bị hậu Covid tàn phá phổi và gan, bác sĩ trong và ngoài nước cơ bản lắc đầu, buộc thầy phải đến miền biển hoặc miền núi, chọn chỗ ít người để có được môi trường sống trong lành kèm với thuốc đặc trị mới có hy vọng còn điều kiện “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”. Những anh em quen biết động viên thầy và cũng chỉ mấy lời động viên chứ không biết gì hơn. Và thầy đã chọn vùng núi Sóc Sơn để an dưỡng cùng trị bệnh.
Qua mạng Zalo, tôi thấy ngày nào thầy cũng viết được một vài bài kệ hoặc thơ. Những người quen biết có kết nối mạng Zalo với thầy đều vui lắm. Nhân có hội thảo về Phật giáo Thái Nguyên và hội thảo về Công chúa Huyền Trân với Phật giáo ở Nam Định, tôi đôn đốc thầy viết bài tham dự hội thảo. Không ngờ thầy viết xong trước tôi, hối thúc lại tôi với lời nhắn nhủ viết nhanh cho Ban tổ chức an tâm, mình cũng được an vui.
Lao vào công việc để quên bệnh tật, vui vẻ sống chung với bệnh tật cũng là cách hay trong lúc… hết cách.
Thật lòng mà nói, tuổi càng lớn, đọc càng nhiều, tôi lại mắc bệnh sợ thơ, bởi có những bài không phải thơ mà bắt người đọc gọi đó là thơ và là thơ hay, thì đúng là… Ta bà khổ! Ta bà khổ!
Vài chục năm nay, tôi thích đọc kinh sách các tôn giáo, trong đó có kinh sách Phật giáo. Qua kinh sách, tôi thấy chư Phật, chư Tổ đều “nói kệ rằng:…”, chứ không mấy ai “nói thơ rằng:…”. Các Thiền sư thời Lý – Trần cũng thường viết kệ, ấy mà sau này có người dịch những bài kệ này lại thêm vào từ “thi” thành “thi kệ”. Họ không biết rằng “thi” và “kệ” cũng như “thi” và “ca” hai lối chẳng thể gộp chung được.
Từ điển Tiếng Việt viết rõ rằng: “Kệ: Bài văn vần giảng giải một đoạn kinh Phật”1. Do vậy, trên bước đường hoằng dương chánh pháp, chư Phật, chư Tổ thường dùng “kệ” là vì thế.
Tôi từng viết: “Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (Prajnaparamitahridaya Sutra) là một trong các kinh căn bản và phổ thông của Phật giáo Đại thừa. Trong kinh này có câu đã trở thành một thành ngữ quen thuộc của hàng Phật tử cũng như giới trí thức: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc” (Sắc tức là không, không tức là sắc). Nghe thật đơn giản, song không đơn giản chút nào bởi tùy vào hoàn cảnh, tùy vào tâm tình của người trong cuộc mà hiểu theo cách hiểu của mình để tâm được an vui, dẫu chỉ là một tí tẹo an vui cũng đã thấy cuộc đời đáng sống rồi”2.
Thời nhà Lý, trên bước đường hoằng pháp của mình, Thiền sư Từ Đạo Hạnh (1072-1116) có để lại bài kệ “Hữu không” giảng giải đoạn kinh trên:
“Tạc hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không.
Hữu, không như thủy nguyệt,
Vật trước hữu không không.
Dịch nghĩa:
Bảo là “có”, thì nhỏ nhoi như hạt bụi cũng có
Bảo là “không”, thì tất cả (thế gian) đều không
“Có” và “không” như ánh trăng dưới nước
Đừng có bám hẳn vào cái “có” cũng đừng cho cái “không” là không.
Thiền sư Huyền Quang dịch:
Có thì có tự mảy may,
Không thì cả thế gian này cũng không.
Kìa xem bóng nguyệt lòng sông,
Ai hay không có, có không là gì?”3.
Kinh Pháp Cú (số 363) có viết: “Tỳ kheo điều phục lưỡi/ Khiêm ái không tự cao/ Diễn giải nghĩa kinh điển/ Lời êm dịu ngọt ngào”, nên chư Phật, chư Tổ không phải không biết phân biệt “thi” và “kệ”, để cho hậu thế phải “giúp đỡ” bằng cách ghép “thi kệ” chung một lối.
Vậy, thế nào là thơ? Từ điển Tiếng Việt viết: “Thơ: Hình thức nghệ thuật dùng ngôn ngữ giàu hình ảnh và có nhịp điệu để thể hiện nội dung một cách hàm súc”4. Nhà thơ Carl Sandburg (1878-1967) cho rằng thơ là “tiếng vọng yêu cầu một cái bóng nhảy múa” (an echo asking a shadow to dance). Với nhà thơ Eleanor Farjeon (1881-1965), thì thơ không phải là những điều trần trụi: “Không phải hoa hồng, nhưng là hương của hoa hồng/ Không phải bầu trời, nhưng là ánh sáng trên bầu trời/ Không phải con đom đóm, nhưng là ánh sáng lập lòe của con đom đóm/ Không phải biển xanh, nhưng là âm thanh của biển/ Không phải là tôi, nhưng cái mà nó làm cho tôi/ Thấy, nghe, và vượt qua vài điều mà văn xuôi/ Không thể:…” (Not the rose, but the scent of the rose;/ Not the sky, but the light in the sky;/ Not the fly, but he gleam of the fly;/ Not the sea, but the sound of the sea;/ Not myself, but what makes me/ See, hear and feel something that prose/ Cannot:…), nhưng câu mở đầu và câu kết thúc bài thơ này, Eleanor Farjeon viết: “What is poetry? Who knows?” (Thơ là gì? Ai biết?), v.v...
Như vậy, để có một bài thơ cho ra thơ không hề dễ. Nhưng khi một tác phẩm được xác định là thơ, thì lấy chuẩn nào để định giá bài thơ đó hay hoặc chưa hay? Nếu hay thì hay đến mức độ nào? Khó! Song nói như Phan Khôi – người mở đầu phong trào Thơ mới bằng bài thơ “Tình già” và được Huỳnh Thúc Kháng viết trong Thi tù tùng thoại: “Trong thi các bạn tiễn (tiễn ông đi tù Côn Đảo, tháng 8 năm 1908 – VG), có mấy bài tứ tuyệt của ông tú Phan Khôi là xuất sắc hơn”5 – “bài thơ hay không cốt ở lời mà thôi, cốt ở ý nữa. Cái ý ấy hàm súc trong bài thơ mà không lộ ra. Song cũng không phải là kín đáo mắc mỏ quá; phải làm thế nào cho người ngâm qua thì thấy ý liền, và càng ngâm lại thấy nó dồi dào. Cái ý của bài thơ hay, sau khi ngâm hay đọc, thấy có cái hậu như cái hậu của trà ngon, đằm thắm mà đậm đà, uống vào khỏi cổ rồi mà lưỡi vẫn còn muốn nhắp”6.
Hiểu là thế, nhưng tôi không thể không đọc những trang bản thảo thầy viết trong những ngày chống chọi với bệnh tật và tôi đã thật sự rưng rưng nước mắt khi thầy tâm sự: “Mình đâu luyến tiếc Ta bà khổ/ Nhưng cũng chưa đành gạt lệ đi” (Đi về đâu).
Sinh thời Đức Phật có dạy: “Này các thầy Tỳ Kheo! Nay đến thời hóa độ các ngươi hãy ra đi một người một ngã, đem ánh sáng đạo mầu hoằng truyền chánh pháp vì lợi tha cho quần sanh nhân loại”. Thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sinh là hoài bão của người Tăng sĩ; hoằng pháp là một trách nhiệm thiêng liêng không thể thiếu được. Thầy chưa đến tuổi “xưa nay hiếm”, nên thấy trách nhiệm thiêng liêng của người Tăng sĩ còn đăng đăng đê đê ra đó làm sao “đành gạt lệ đi” được.
Những vật dụng thường ngày, như: Cái quạt, Gương soi, Chiếc áo, Bình hoa, Bếp lò… qua cái nhìn và suy nghĩ của thầy giống như bài pháp khơi dậy Phật tâm, Phật tánh trong người đọc: “Thế gian là nhà lửa đốt thiêu/ Lò bếp tâm sân lửa cháy nhiều/ Đốt tiêu phúc quả bao lâu tạo/ Uổng công tích góp biết bao nhiêu!” (Bếp lò); “Chuyển hướng bè Từ, thăm bến Giác/ Góp duyên chở Đạo, viếng cửa Không/ Nước sạch nước dơ, tùy tâm khởi/ Diệu mầu tính thủy, ý dung thông” (Nước), v.v.
Ai cũng biết thời gian như bóng câu qua cửa sổ, dễ bị dục vọng chi phối, nên với tư cách Trưởng tử Như Lai, thầy dặn dò người đọc cũng là tự dặn dò mình: “Thời gian tựa chiếc bè lau/ Nhắc ta luôn nhớ dồi trau đạo thiền/ Buông tâm mê chấp muôn duyên/ Chờ khi kết quả lên thuyền vãng sinh” (Thời gian trôi).
Đọc hơn 200 trang bản thảo, tôi thấy thầy ảnh hưởng cách nghĩ của người xưa về thơ: “Hữu thanh, vận, khả ca, vịnh chi văn vị chi thi” (một bài văn có thanh, có vần, có thể ca được, ngâm được thì gọi là bài thơ). Nhưng tôi tin “người xưa” này chưa từng lều chõng đi thi, bởi những câu văn xuôi có vần, như: “Con mèo, con chó có lông/ Bụi tre có mắt, nồi đồng có quai” cũng có thanh, có vần, có thể ca được, ngâm được, nhưng không ai gọi đó là thơ.
Bài “Thơ” thầy viết có câu là thơ: “Hồn thơ trở lại nơi này/ Để chàng thi sĩ khẽ lay tơ lòng/ Nắng vàng tràn ngập cõi Không/ Hồn thơ quên thuở phiêu bồng gió mây”, nhưng toàn bài chưa thể gọi là thơ.
Ở bài “Quê hương trở lại” (Riêng tặng chị Hai Thanh Tuyền), có những câu khá xúc động đối với người xa xứ: “Quê hương tình nặng trong ta/ đi xa đến mấy, cũng là quanh đây/ dẫu nhà ở cuối chân mây/ nhớ quê một thoáng, chớm đầy yêu thương”.
Trong tập bản thảo này, có bài tôi rất thích: “Thuở ấy/ hồn nhiên rong chơi trải đời bao thử thách/ Bây giờ/ gối mỏi lưng đau, lao xao chuyện phiếm thế trần/ Gẫm nhìn lại/ đời không là như thật/ chỉ toàn hư vọng hão huyền/ Trường danh lợi/ quá nhiều thị phi, điên đảo, hơn thua, được mất/ Cảm nhận lại mình/ chưa nhận được gì/ chẳng tìm thấy đâu lợi ích/ Hướng về tĩnh lặng/ cố tìm lại dung nhan mặt thật của mình (…)/ Thôi thì xin thời gian/ tạm ngừng trôi cho tôi thêm vài khoảng lặng/ Để góp hành trang/ bù đắp công phu lỡ làng, hơn nửa đời uổng phí/ Chậm cho tôi chút nữa/ để chuyên cần sám hối, niệm Phật, hành thiền/ Ánh sáng từ bi xin soi đường trí tuệ để thêm vững bước/ Và trên quãng đường còn lại/ giúp đời hành thiện, cho đài sen tịnh độ ngát hương” (Tìm lại mình).
Tôi tin rằng, nếu tập bản thảo này được xuất bản sẽ khá hơn rất nhiều những tập được gọi là thơ ồ ạt ra mắt bạn đọc thời gian qua. Tôi cũng tin với tinh thần lạc quan như thế, thầy sẽ còn thể hiện trách nhiệm thiêng liêng của người Tăng sĩ dài dài. Kinh Pháp Cú (số 118) có dạy: “Đã làm được việc thiện/ Nên tiếp tục làm thêm/ Hãy vui làm việc thiện/ Tích thiện sống êm đềm”.
Mùa Vu Lan 2022
VU GIA
1. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2001, trang 486.
2. Vu Gia, Một thoáng tuổi thanh xuân, NXB Hồng Đức, H, 2022, trang 241.
3. https://www.thivien.net/Đạo-Hạnh-thiền-sư/Hữu-không/poem-H_RVDBVqr7xEhbNvmBquxQ
4. Từ điển Tiếng Việt, sđd, trang 954.
5. Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng, Thi tù tùng thoại, NXB Nam Cường, S, không ghi năm xb, trang 29.
6. Phan Khôi, Chương Dân Thi thoại, Nhà in Đắc Lập, Huế, 1936, trang 90.