Tin tức

1.250 ĐẠI BIỂU THAM DỰ ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU PHẬT GIÁO TOÀN QUỐC LẦN THỨ VIII

1.250 ĐẠI BIỂU THAM DỰ
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU PHẬT GIÁO TOÀN QUỐC LẦN THỨ VIII

 

Tin ảnh: Lê Nam
Nguồn: chinhphu.vn

 

Họp báo về Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII.

 

Chiều 13/11 tại Hà Nội, Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức họp báo thông tin về Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII nhiệm kỳ 2017 – 2020.

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII nhiệm kỳ 2017-2020 Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ chính thức diễn ra từ ngày 21-22/11/2017 tại Cung Văn hoá Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội với chủ đề Đại hội "Trí tuệ- Kỷ cương- Hội nhập- Phát triển".

Đại hội được tổ chức nhằm thực hiện các nhiệm vụ: Tổng kết công tác phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VII 2012-2017; thảo luận chương trình hoạt động phật sự Nhiệm kỳ VIII 2017- 2020; thông qua sửa đổi Hiến chương lần thứ VI; suy tôn thành viên Hội đồng chứng minh, suy cử Hội đồng Trị sự Nhiệm kỳ 2017 -2020 và một số phật sự quan trọng khác.

Đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam lần thứ VIII nhiệm kỳ 2017-2022 sẽ thảo luận 9 mục tiêu, chương trình tổng quát, đó là: Phát huy trí tuệ tập thể, giữ gìn kỷ cương, giới luật và nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong xây dựng, phát triển Giáo hội vững mạnh trong hội nhập quốc tế, kiên định lý tưởng Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội. Đổi mới sáng tạo trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, trong phương thức hướng dẫn phật tự. Định hướng phát môn tu tập phù hợp với xã hội hiện đại, với mọi tầng lớp trong xã hội và xiển dương đạo đức học Phật giáo góp phần xây dựng và làm đẹp nền đạo đức xã hội. Nâng cao công tác quản lý chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và tu học tại các cơ sở đào tạo tăng, ni của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam bảo đảm có sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại hội nhập quốc tế. Mở rộng hoạt động đối ngoại đa phương theo định hướng ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân. Chủ động, tích cực trong quan hệ đối ngoại với các tổ chức Phật giáo và tổ chức tôn giáo thế giới. Kết nối chặt chẽ với các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài…

Tại Đại hội này, các đại biểu cũng sẽ tập trung thảo luận nội dung sửa đổi một vài điểm trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phù hợp với thực tiễn điều hành hoạt động phật sự trong giai đoạn hiện nay và phù hợp với luật pháp Nhà nước trong bối cảnh Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo sẽ có hiệu lực thi hành vào tháng 2/2018 nhằm đạt được hiệu quả phật sự cao nhất với mục đích làm ích đạo, lợi đời, đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng.  

Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sẽ có 1.250 đại biểu là Chư tôn đức Hòa thượng thành viên Hội đồng Chứng minh; Chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức Tăng Ni, Cư sĩ thành viên Hội đồng trị sự - Giáo hội Phật giáo Việt Nam; đại biểu các Ban, Viện trực thuộc Trung ương Giáo hội Phật giáo; Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành trong cả nước; đại biểu tăng ni, phật tử Việt Nam ở hải ngoại sẽ về tham dự Đại hội.

Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam trải qua 36 năm trưởng thành và phát triển đã đạt được nhiều thành tựu phật sự quan trọng. Đặc biệt là trong nhiệm kỳ VII 2012 - 2017, Giáo hội đã thành lập Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh: Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, hoàn thành việc thành lập tổ chức Giáo hội hoạt động tại 63/63 tỉnh. Nhiều sự kiện, lễ hội Phật giáo trọng đại đã được tổ chức, nổi bật là Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2014 với chủ đề “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc”. Giáo hội đã khánh thành quần thể chùa tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa: Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh, nâng tổng số chùa ở quần đảo lên 6 ngôi chùa, giao cho Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Khánh Hòa cử chư tăng ra trụ trì, chia sẻ với các chiến sỹ đang ngày đêm bám biển, bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó, Giáo hội khánh thành các chùa ở biên giới như Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc, Trúc Lâm Tà Lùng (Cao Bằng), Tân Thanh (Lạng Sơn), chùa đền sông Bắc Luân (Móng Cái, Quảng Ninh). Đây được coi là những cột mốc tâm linh quốc gia giữ gìn bờ cõi, đồng thời truyền tải thông điệp xây dựng đời sống hòa bình ở khu vực biên giới.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng quan tâm chăm lo đời sống tâm linh của phật tử trong nước và nước ngoài, thành lập Hội phật tử Việt Nam tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Angola…, củng cố hội phật tử tại Lào và Campuchia. Công tác từ thiện xã hội, chăm lo an sinh cho cộng đồng được chú trọng, với số tiền ủng hộ, hỗ trợ lên đến hơn 6.000 tỷ đồng.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 21
    • Số lượt truy cập : 6795560