Tin tức

ẢNH HƯỞNG CỦA TỊNH ĐỘ TÔNG

ẢNH HƯỞNG CỦA TỊNH ĐỘ TÔNG

TRONG HÌNH THÀNH TÔN GIÁO Ở NAM BỘ

CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ XX

 

NGUYỄN VĂN QUÝ 


 

Mỗi tôn giáo không thể thiếu các thành tố như kinh sách, cơ sở thờ tự và đối tượng thờ phụng của tín đồ tôn giáo ấy và đạo Phật cũng vậy, đó chính là Tam bảo (Phật – Pháp – Tăng). Đạo Phật trong quá trình phát triển cũng trải nhiều thăng trầm, và ở mỗi nơi, mỗi thời điểm, đạo Phật đều có những phương thức uyển chuyển để thích nghi với môi trường, với phong tục, tập quán của nơi nó truyền đến. Do đó, đạo Phật cũng trở lên đa dạng hơn, phong phú hơn và cũng phức tạp hơn với sự xuất hiện nhiều hệ phái, tông phái... Thậm chí, ngay trong phương pháp tu hành, đôi khi cũng có sự dị biệt, điều này dường như không quá quan trọng, bởi cốt làm sao dẫn dắt hành giả chứng ngộ được chân lý tối thượng…

Nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Phật giáo Việt Nam là sự kết hợp giữa Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông,… Tuy nhiên, cũng khó phân tách một cách rõ ràng đâu là Thiền tông, đâu là Mật tông và đâu là Tịnh độ tông nếu không xem xét chúng trên các bình diện khác nhau, chẳng hạn như lịch sử, lịch sử tư tưởng của từng tông phái, giáo lý, phương pháp tu tập, đối tượng thờ phụng được biểu tượng hóa thành tượng thờ trong các cơ sở thờ tự,... Nhưng rõ ràng là, Tịnh độ tông đã và đang có một vị trí quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Đối với Phật giáo Việt Nam, vào những năm cuối thế kỷ XIX, nhất là những năm đầu thế kỷ XX, làn sóng chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của tín đồ Phật tử trong cả nước. Nhưng về cơ bản, tư tưởng Phật giáo Việt Nam thời kỳ này vẫn là sự tiếp nối tư tưởng Thiền Tịnh song tu từ thế kỷ XVI, XVII, và còn có sự hỗn dung Tam giáo (Nho, Đạo, Phật) cùng kết hợp với tín ngưỡng dân gian “nhưng vẫn không rời khỏi nền Phật giáo Thiền tông…”11. Đối với Tịnh độ tông, từ khi du nhập, mà bằng chứng rõ ràng nhất là sư Đàm Hoằng (? – 455), một vị cao tăng Trung Quốc tu hành Tịnh độ tông đến chùa Tiên Sơn, Việt Nam tu tập và truyền bá pháp môn này được chép trong Cao tăng truyện của Huệ Hạo12, và đến nay  “tuy chưa có tư liệu nào cho thấy ở Việt Nam có sơn môn/tổ đình Tịnh độ, nhưng có hai đặc điểm nổi bật là Phật học thay cho Phật giáo và Tân Phật giáo thay cho Cổ Phật giáo13. Chẳng hạn như việc hiện đại hóa việc truyền đạo bằng cách tổ chức xuất bản sách báo, trong đó nổi bật nhất vẫn là truyền bá tư tưởng Tịnh độ. Bằng chứng là Tâm Minh Lê Đình Thám thuyết giảng trong 6 số tạp chí Viên Âm, thành bài Pháp môn Tịnh độ mà nội dung cơ bản là “…tư tưởng Thiền Tịnh song tu, nhưng thiên về Tịnh hơn Thiền. Sự canh tân thể hiện ở chỗ quay về Phật giáo dân gian vốn đậm tư tưởng Tịnh độ (với việc thờ A Di Đà và Quán Thế Âm), nhưng nâng cao về mặt lý luận một bước…”14 hay báo Đuốc Tuệ xuất bản trong hai năm từ 1941 đến 1942, báo Phương Tiện từ năm 1949 đến năm 1950 đã dành hẳn một chuyên mục Tôi tu Tịnh độ, so sánh pháp môn Tịnh độ dễ tu dễ chứng hơn với các pháp môn khác để thuyết phục mọi tu hành theo pháp môn này. Điều đặc biệt chính là Tâm Minh đã vận dụng pháp môn Tịnh độ vào xã hội đương thời và luận bàn tính tất yếu cho việc vận dụng này. Ngoài Viên Âm còn có các tạp chí như tờ Từ Bi Âm, Tiếng Chuông Sớm… và nhiều hệ phái đã nhân danh Tiểu thừa, Đại thừa, Thiền tông, Tịnh độ,… dẫn đến cuộc tranh luận giải thích giáo lý Phật giáo, tuy không đưa ra một tư tưởng Phật giáo mới nào, nhưng với sự hoạt động mạnh mẽ của cư sĩ và trí thức Phật giáo đã khiến cho tư tưởng Tịnh độ nổi trội. Và còn phải kể đến Hội Phật giáo tương tế, Hội Lưỡng Xuyên Phật học, An Nam Phật học, Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học... đã đưa nhiều chủ đề xoay quanh giáo lý Phật giáo được đưa ra bàn luận. Hình ảnh nhà sư trẻ Thiện Chiếu15 với những hành động, việc làm làm nức lòng các nhà tu hành ở Nam Bộ bấy giờ. Như vậy, qua cuộc vận động chấn hưng Phật giáo không chỉ cho thấy sự kết hợp có ý thức giữa đạo và đời của Phật giáo Việt Nam mà còn cho thấy sự ảnh hưởng, tính nhập thế tích cực của Phật giáo Đại thừa nói chung và Tịnh độ tông nói riêng trên các phương diện, quan niệm về về cứu khổ cứu nạn trong một bối cảnh lịch sử nhất định.

Ảnh hưởng của Tịnh độ tông

Như trên đã nói, từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhiều tôn giáo nội sinh được khai mở, trong đó có một số tôn giáo được kiến lập dựa trên nền tảng giáo giáo lý, phương pháp tu tập của Tịnh độ tông nhưng được giáo chủ các tôn giáo này đơn giản hoá hơn để phù hợp với nhân dân Nam Bộ lúc bấy giờ. Vì sao có hiện tượng này, một mặt đây là kết quả của phong trào chấn hưng Phật giáo trong một bối cảnh lịch sử nhất định của con người và vùng đất Nam Bộ và một mặt mang ý nghĩa sâu xa hơn đó là “quả” của hơn 2.000 năm truyền bá đạo Phật vào Việt Nam. Mặt khác, như L.Cadière cho rằng: “Các dân tộc Viễn Đông, đặc biệt là người Việt Nam, là người mang đậm tâm thức tôn giáo”16 và ông cho rằng: “Nếu quan niệm tôn giáo là niềm tin và thực hành ảnh hưởng đến cách ứng xử theo lẽ phải của cuộc đời, đến một thế giới siêu nhiên, thì ta thấy người Việt Nam có cái đức tính đó ở mức độ cao”17. Như vậy, có thể thấy, kể cả những người theo tôn giáo độc thần, nhưng tâm thức tôn giáo của họ vẫn là phiếm thần/đa thần và ở Nam Bộ, các tôn giáo nội sinh một mặt gắn bó chặt chẽ với nền sản xuất nông nghiệp, mặt khác lại biểu hiện tinh thần chống thực dân Pháp cao độ và thường có sự kết hợp nhiều loại hình tôn giáo tín ngưỡng khác nhau, trong đó đạo Phật, hay một tông phái của đạo Phật là Tịnh độ tông có ảnh hưởng sâu sắc trong sự hình thành một số tôn giáo này.

Cần thiết phải nêu ngắn gọn về tông phái này. Tịnh độ tông là một tông phái thuộc Phật giáo Đại thừa do Huệ Viễn (333-416) người Trung Quốc sáng lập vào thế kỷ thứ V. Nền tảng giáo lý và phương pháp tu tập được kiến lập trên ba bộ kinh tạng, đó là A di đà kinh, Vô lượng thọ kinhQuán vô lượng thọ kinh18. Nội dung giáo lý của tông phái này thể hiện đầy đủ tinh thần Giới, Định, Tuệ của đạo Phật. Trong đó, 48 nguyện của Phật A Di Đà là giáo lý cốt lõi, nó thể hiện sự cứu độ, lòng từ bi vô lượng của Phật A Di Đà và hai trợ thủ của ngài là Bồ tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. Đó còn là sự thiết lập cõi Tịnh độ19 với những phẩm, bậc khác nhau20 để chúng sinh thấy mà có niềm tin tuyệt đối trên con đường tu tập hướng đến Tây phương Cực lạc. Phương pháp tu tập được nêu rất rõ trong kinh A di đà và kinh Vô lượng thọ, chỉ ra con đường thực hành niệm Phật (vì thế còn được gọi là pháp môn Niệm Phật, hay pháp môn Tịnh độ)21, thiền quán hay tu tạo phước huệ hồi hướng vãng sinh Tịnh độ. Như vậy, trong giáo lý và phương pháp tu tập và thờ phụng của Tịnh Độ tông không chỉ đơn thuần cứu rỗi tinh thần con người nhờ Phật lực, mà còn đòi hỏi sự nỗ lực của chính bản thân người tu hành có tinh thần hướng thượng, làm việc thiện vì con người và cũng là vì chính bản thân người tu hành. Do vậy, có thể thấy, ý nghĩa thiết thực của người tu hành pháp môn Tịnh độ là thực hành niệm Phật ngay trong đời sống này để sớm xa lìa điều ác, giữ tâm tính trong sạch,… đó cũng là những gì giáo lý, phương pháp tu tập mà Tịnh độ tông định hướng cho người tu hành.

(Còn tiếp)


11. PGS. Nguyễn Duy Hinh (2009), Lịch sử đạo Phật Việt Nam, Nxb Tôn Giáo và Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, tr524.

12. Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Tập I, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.749].

13. Nguyễn Duy Hinh (1999), Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Sđd, tr711

14. PGS. Nguyễn Duy Hinh (2009), Lịch sử đạo Phật Việt Nam, Sđd, tr558.

15. Xin xem thêm: Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Tôn giáo (2006), Thiện Chiếu, nhà sư – chiến sĩ cách mạng, Nxb Tôn giáo, HN.

16. GS. Đặng Nghiêm Vạn, Lý luận về tôn giáo và Tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, tr48

17. Đỗ Quang Hưng chủ biên (2001), Tôn giáo và mấy vấn đề tôn giáo Nam Bộ, Sđd, tr48.

18. Ba bộ kinh này còn được gọi là Tịnh Độ tam kinh.

19. Đại sư Ưu Đàm tổng kết và trình bày thành mười loại Tịnh Độ. Đó là Tịnh độ trong kinh Di Đà, kinh Quán vô lượng thọ, kinh Duy Ma, Phạm Võng, Tịnh độ của cõi trời Ma hê thủ la, Tịnh độ được trình bày trong kinh Niết bàn, Tịnh độ được biến hiện ba lần trong kinh Pháp Hoa, Tịnh Độ được hiển bày trên hội Linh Sơn, Tịnh độ duy tâm và Tịnh độ của Phật Tỳ lô giá na cư trú. Nhưng đối với Tịnh độ tông, trong cõi Tịnh độ do Phật A Di Đà làm giáo chủ còn chia thành nhiều cõi khác nhau, như Thường tịch quang Tịnh độ; Thật báo trang nghiêm Tịnh độ; Phương tiện hữu dư Tịnh độ; Phàm thánh đồng cư Tịnh độ…. Do vậy, người tu hành pháp thuộc Tịnh độ tông có nhiều hơn sự lựa chọn cho mình về cõi nào phù hợp nhất, bởi không phải tín đồ nào cũng có sự tu tập, hành trì như nhau, lại càng không có người nào tu hành Tịnh độ có phước huệ như nhau. Xin xem:  Đại sư Ưu Đàm (Thích Minh Thành dịch), Liên tông bảo giám, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr 177-180.

20. Xét trên phương diện thực tiễn thì Tịnh độ tông đáp ứng đầy đủ mọi ý nguyện của nhiều tầng lớp người tu tập. Ba bậc Thượng, Trung và Hạ đều có đặc điểm chung là phải phát nguyện cái tâm Bồ đề và một lòng niệm Phật A Di Đà. Nhưng trong quá trình tu tập, nhận thức và công hạnh của mỗi hành giả khác nhau nên có những sự khác biệt. Thường thì, bậc Thượng dành cho hàng xuất gia. Bậc này gồm ba phẩm (phẩm Thượng thượng, phẩm Thượng trung và phẩm Thượng hạ); Bậc Trung dành cho người phụng trì trai giới, hồi hướng công đức, hiếu dưỡng cha mẹ, chuyên niệm danh hiệu Phật. Bậc này gồm ba phẩm (Phẩm Trung thượng, phẩm Trung trung và phẩm Trung hạ); và bậc Hạ dành cho người biết sám hối tội lỗi sau khi đã lỡ lầm, biết tinh tấn tu hành. Bậc này gồm ba phẩm (Phẩm Thượng hạ, phẩm Trung hạ và phẩm Hạ hạ). Trong ba bậc chín phẩm ấy thì có năm phẩm (Phẩm Thượng thượng, phẩm Thượng trung và phẩm Thượng hạ, phẩm Trung thượng, phẩm Trung trung) là kết quả của sự tu tập nguyện được vãng sinh về Cực lạc. Còn bốn phẩm sau, có những người chưa từng nghe về Tịnh độ, hay nói cách khác là chưa lưu ý đến Phật pháp, nhưng họ hiếu thuận cha mẹ, sống nhân từ (phẩm sáu), thậm chí còn tạo nhiều trọng tội (ba phẩm còn lại)… nhưng nhờ gặp người thiện tri thức, phát được tín tâm trong lúc lâm chung cũng được vãng sinh.

21. Có nhiều phương pháp niệm Phật như: Quán tượng niệm Phật: Quán tưởng niệm Phật: Trì danh niệm Phật: Tham cứu niệm Phật: Thật tướng niệm Phật: Trong thực tế, người tu hành pháp môn Tịnh độ thường hay chọn phương pháp Trì danh niệm Phật vì đây là phương pháp dễ nhất, thích hợp với mọi trình độ, mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, trước hết, đối với Tịnh độ tông dù phương pháp tu tập có khác nhau nhưng có những yêu cầu bắt buộc chung, gọi là “điều kiện” tu tập. Những điều kiện này là tiên quyết để một hành giả có được những tinh tấn trong quá trình tu tập của mình. Đây được gọi là “ba món tư lương” không thể thiếu, đó là Tín, Nguyện và Hạnh. Ba điều kiện này không thể thiếu bất kỳ một điều kiện nào trong quá trình tu tập Tịnh độ. Bởi nếu thiếu, người tu hành không thể vãng sinh Cực lạc. Vì thế, Tín, Nguyện và Hạnh được người tu hành Tịnh độ gọi là “mầm nhân chân thực của đạo nhất thừa, nó sẽ tạo ra quả mầu nhiệm của đạo nhất thừa, tức la bốn cõi Tịnh độ. Gây được nhân, thời quả tất theo nhân mà mọc ra. Cho nên dùng cái tâm tín và nguyện với cái việc trì danh làm tôn chỉ của bộ kinh này”. Xin xem thêm: Tuệ Nhật (dịch), Kinh A di đà yếu giải, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr 38.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 25
    • Số lượt truy cập : 6112530