BỐN HỆ DÍNH MẮC THÂN, THỌ, TÂM, PHÁP
BỐN HỆ DÍNH MẮC THÂN, THỌ, TÂM, PHÁP
BÙI MINH ĐỨC
Đây là bốn nền tảng liên hệ đưa đến dinh mắc gây trở ngại, phiền não, khổ đau, cuối cùng đưa đến hoại và diệt. Đồng thời nó cũng là cơ sở đưa đến hóa giải, giải thoát.
Bốn cơ sở Thân Thọ Tâm Pháp, khởi đầu là Pháp có liên hệ mật thiết với nhau làm nền tảng của Phật pháp và là yếu tố cơ bản của đời sống.
PHÁP
Pháp nói ở đây là Nguyên Pháp.
Nguyên Pháp là nguyên lý, nguyên tắc, chân lý nguyên thủy, cốt lõi, tinh yếu xuất phát từ giáo lý của Phật hay Phật pháp và hiện tượng thế gian.
Nguyên Pháp có tính cách cơ bản và tối thượng.
Cơ bản cho tìm hiểu, nghiên cứu hay thảo luận Phật pháp được dễ dàng và có tánh cách khoa học. Cơ bản cho các phương pháp, phương thức, kỹ thuật thực hành với mục tiêu tháo mở, hóa giải các dính mắc.
Nguyên Pháp là tối thượng vì nó ở trên các nguyên tắc, quy luật phụ thuộc vào nó.
Nguyên Pháp không phải là các nguyên lý suông mà nó có tính cách tác động, chi phối, khống chế, áp đặt, bó buộc...
Có ba Nguyên Pháp, đó là:
- Nguyên Pháp Không.
- Nguyên Pháp Vô Thường.
- Nguyên Pháp Thoát khổ và Khổ.
Các Nguyên Pháp có liên hệ và tương quan mật thiết.
Tác động của Nguyên Pháp tạo nên bậc thang giá trị.
Các Nguyên Pháp tạo nên Nhân và Duyên cho các sự kiện nối tiếp.
Nguyên Pháp (NP) Không
NP Không thể hiện, tác động, chi phối cái Không qua hai trạng thái Vô vi và Hữu vi.
Không Vô vi.
Không này ở ngoài đối đãi nhị nguyên nên không thể nghĩ bàn được.
Không Hữu vi.
Không này có thể dùng đối đãi nhị nguyên để đề cập. Không Hữu vi tạo nên Tánh Không.
Tánh Không bị chi phối qua hai đặc tánh: tĩnh hay yên lặng và không gian rỗng không.
Yên lặng của Thân, Khẩu, Ý.
Không gian rỗng không qua tác động của NP Không đưa đến các tánh: bao dung, tròn đầy, liên tục, liên thông, giác thông, tri giác, hòa đồng, hợp nhất, vững bền, ổn định, quân bình, điều hòa, an lành, cái chung, không riêng tư hay vô tư, không tôi hay vô ngã...
Tác động của NP Không qua các tánh đưa đến hóa giải các dính mắc từ các cơ sở khác.
Nguyên Pháp Vô thường
NP Vô thường tác động, chi phối tánh Động. Động thể hiện qua biến dịch, vận hành.
Biến dịch, vận hành thể hiện dưới dạng sinh sống, hiện tượng thế gian.
Động khởi sự qua gián đoạn. Gián đoạn tạo nên khiếm
khuyết, nhu cầu. Gián đoạn nên cần có kết hợp. Từ kết hợp đưa đến cá thể, tri thức.
Động qua biến dịch đưa đến sự chuyên biệt, riêng tư, cái tôi hay tự ngã, khác biệt cho mỗi tự ngã.
Động, biến dịch theo một tiến trình có tính cách khống chế, áp đặt, không gián đoạn, chuỗi liên hoàn từ sinh, trưởng, truyền đến hoại, diệt. Thời khoảng giữa các mắc xích của chuỗi liên hoàn có thể thay đổi tùy theo mỗi trường hợp.
NP Vô thường chi phối tánh động qua gián đoạn, kết hợp, khiếm khuyết, nhu cầu là cội gốc của nhiều dính mắc. Dính mắc chi phối đời sống.
Đời sống có thể là Khổ hay không khổ đó là tùy theo tác động của NP Thoát Khổ và Khổ.
Nguyên Pháp Thoát khổ và Khổ
Tác động của hai Nguyên Pháp nêu trên đưa đến hệ qủa là Nguyên Pháp Thoát khổ và Khổ.
NP Thoát khổ chi phối tác động hóa giải các dính mắc. Mức độ hóa giải tùy thuộc mức độ đáp ứng thỏa đáng đối với NP Không. Mức độ có thể được thẩm định bằng độ vô tư hay vô ngã. Đáp ứng thỏa đáng đặc biệt đối với tánh yên lặng và không gian rỗng không.
NP Khổ chi phối dính mắc. Tích lũy, cường độ dính mắc quy định mức độ của Khổ. Mức độ của khổ lại tùy thuộc vào can dự của riêng tư hay tự ngã.
Thoát khổ hay Khổ không thể biểu lộ hay thể hiện được nếu không có Thân.
THÂN
Thân là hệ quả trực tiếp của các NP nhất là NP Vô thường. Từ đó có Thân là có khiếm khuyết, nhu cầu có nhiều dính mắc cũng như có khả năng hóa giải, vượt thoát khỏi dính mắc. Thân là yếu tố cơ bản của đời sống. Thân là cột trụ của hệ dính mắc.
Thân nơi sinh vật được quy định bởi hình tướng, cấu thể và khí lực.
Hình tướng tạo nên cái cá biệt cho mỗi cá thể. Từ đó mới có thể phân biệt thành các loài khác nhau.
Cấu thể gồm nhiều cơ quan bộ phận có thể đơn giản hay phức tạp. Cấu thể ở loài người gồm nhiều cơ quan như sau:
Cơ quan che chứa và chống đỡ như tế bào, da lông, cơ bắp, gân, xương.
Cơ quan dưỡng sinh như năm tạng, bộ phận đặc chắc, sáu phủ, bộ phận rỗng mềm, các tuyến hạch và dịch điều hành.
Cơ quan truyền sinh gồm bộ phận, tuyến sinh dục.
Cơ quan giao tiếp, trao đổi và điều hành như năm giác quan, não bộ và thần kinh. Các bộ phận có thể quy lại trong các tánh như tánh thấy, tánh nghe, tánh xúc chạm và tánh biết hay thức, giác.
Khí lực. Khí hay năng lượng có thể chuyển thành lực gọi là khí lực. Khí lực phát xuất và hỗ trợ sự biến dịch và vận hành của các cơ quan nơi thân. Có thể phân biệt ba loại khí lực: sinh khí, dục khí và thần khí.
Thân với hình tướng, cấu thể và khí lực gồm nhiều yếu tố rất dễ bị dính mắc. Dính mắc trong cơ chế, chức năng, vận hành...
Thân còn là cơ sở cư trú của hai hệ dính mắc khác. Đó là thọ và tâm.
THỌ
Thọ là sự thu hay tiếp nhận, tồn trữ. Tiếp nhận, tồn trữ là chức năng của Thọ. Tuy nhiên, Thọ không có cơ quan hay bộ phận riêng biệt để thi hành chức năng đó. Thi hành chức năng Thọ phải nương tựa vào các cơ quan của Thân. Thọ như vậy liên hệ trực tiếp với Thân.
Thời khoảng, nơi tiếp nhận, thể loại, phẩm chất được nhận cũng như hệ tàng trữ là những yếu tố cần thiết của Thọ.
Thọ trong thời khoảng hiện tại là tiếp nhận, trong thời đã qua, gần hay lâu đời, Thọ biến thành tàng trữ.
Nơi hay chỗ để Thọ hoạt động gồm toàn bộ của Thân từ hình tướng, cấu thể đến khí lực.
Thể loại cho Thọ gồm các Tánh và Nhu cầu.
Tánh do các NP tác động, chi phối hay Tánh do hệ quả của các NP.
Tánh do NP như Tánh không tĩnh lặng..., Tánh động biến dịch vận hành..., Tánh giải tỏa và dính mắc. Tánh do hệ quả của NP như các Tánh thấy, nghe, xúc chạm, và biết.
Nhu cầu xuất phát từ các cơ quan của Thân nhất là cơ quan dưỡng sinh.
Thọ tiếp nhận không phân biệt phẩm chất của vật được tiếp nhận. Từ tinh tế đến thô thiển, tinh khiết hay ô nhiễm, độc hại hay không.
Dính mắc của Thọ như vậy rất dễ đưa đến nguy hại, hoại diệt.
Tiếp nhận đã xong, Thọ giữ vai trò tồn trữ. Tồn trữ ở tế bào khắp mọi cơ quan của Thân. Tồn trữ biến thành một hệ tàng. Hệ này dùng để tham chiếu, so sánh cung cấp dữ liệu cho Tâm. Thọ như vậy là hệ dính mắc trung gian giữa hệ dính mắc Thân và Tâm.
TÂM
Tánh Biết được biểu lộ dễ cảm nhận trước tiên nơi vùng tim ngực của Thân. Tim đập nhanh, hồi hộp, thổn thức, co thắt, như đứng tim... Tim hay TÂM chủ về động rất dễ nhận biết. Động, Biết và Biểu lộ là những hoạt động đáp ứng của Thân đối với các tác động, chi phối của các NP. Hoạt động đó được gọi chung là Tâm. Tâm đồng nghĩa với Tim. Nhưng từ Tâm được dùng không còn nghĩa là bộ phận hữu cơ như Tim. Tâm thật ra có hoạt động chánh ở Não bộ. Tuy nhiên, Đầu không dễ biểu lộ cảm nhận. Đầu dành cho ý, lo nghĩ, suy tính, suy luận, phán đoán vì vậy Tâm được dùng thay vì Đầu hay Não.
Hoạt động của Tâm chủ yếu xoay quanh hai vấn đề chính là Biết và Biểu lộ. Hoạt động này cần có các cơ quan như săn tin tình báo, trung ương nhận tin, điều hành, thông tin truyền bá và biểu lộ. Trách nhiệm của trung ương thuộc Não bộ. Não bộ nằm trên đầu bao che bởi xương sọ. Não bộ có cấu tạo rất phức tạp, không đi vào chi tiết. Khảo sát, nghiên cứu cấu tạo, cơ chế của Não là nhiệm vụ của Khoa Não học. Tuy nhiên, đối với hoạt động của Tâm, Não bộ được biết có những vùng riêng biệt dành cho tánh Biết.
Tùy theo tác động và đáp ứng đối với NP. Biết được phân biệt ra hai loại: Biết trực tiếp và Biết gián tiếp.
Biết trực tiếp do đáp ứng tác động của NP Không.
Biết trực tiếp còn được gọi là Giác.
Trực tiếp vì Biết chỉ qua Thọ với giai đoạn tiếp nhận chứ không xuyên qua giai đoạn tàng trữ. Như vậy, Biết này là biết của hiện tại của hiện tượng đương xảy ra. Thật ra, NP Không không tùy thuộc biến dịch với thời gian. Do đó, Biết trực tiếp lúc nào cũng là Biết trong hiện tại. Nói khác đi, Biết trực tiếp là Biết phi thời gian.
Biết trực tiếp như vậy là Biết có thực tánh. Biết không do tham chiếu riêng tư, đó là Biết Vô tư, đầy đủ, tròn đầy được gọi là Viên Giác.
Biết trực tiếp khác hơn Biết gián tiếp là Biết này không kèm theo biểu lộ của Tình. Tình gồm bảy thứ (thất tình): hỉ, nộ, si, lạc, ái, ố và dục.
Giác có vị trí ở phần sau của Não bộ.
Biết gián tiếp đặc biệt là đáp ứng đối với tác động của NP Vô thường.
Biết này còn có tên là Thức.
Gián tiếp vì Biết này hầu hết phải dựa vào Thọ tàng trữ để Biết. Do tác động của NP Vô thường luôn luôn biến dịch, Thọ tiếp nhận trong hiện tại quá ngắn ngủi. Biết gián tiếp không thể dùng Thọ tiếp nhận được. Biết gián tiếp hay Thức không phải là Biết của hiện tại cúa hiện tượng thế gian mà là Biết xuyên qua quá khứ.
Biết gián tiếp hay Thức như vậy không có thực tánh. Thức là Biết riêng tư. Do đó, Thức là Biết phiến diện, một chiều, thiếu thông hiểu.
Thức vì là Biết gián tiếp nên có nhiều cơ chế, bộ phận. Trung ương là Trí năng, tiếp cận là phần của Ý với Ý căn và Ý thức.
Các bộ phận thuộc Thức nằm phần trước của Não bộ.
Thức cũng vì tác động của NP Vô thường luôn luôn được đi kèm với Hành, cơ chế thúc đẩy biểu lộ của Tình, thất tình, đi chung với Động qua tiếng, lời, hành vi cử chỉ, hay với Nhu cầu như bản năng.
Giác và Thức có nhiều trình độ. Trình độ cao, cần tập luyện, Giác từ cảm, trực đến Huệ, Huệ giác, Thức từ biết tiến đến hiểu rồi Tuệ, Tuệ trí.
Tuệ tiến đến trình độ Vô tư hòa đồng với Huệ. Huệ và Tuệ như một, Tâm thành Nhất Tâm, Tâm thuần nhất.
Hoạt động của Giác và Thức cần có sự hỗ trợ của Khí. Thần khí cho Giác và Sinh khí cho Thức. Thần khí thường là không đủ cần phải luyện tập.
Thức loại biết của Tâm rất cần thiết cho đời sống. Thức giữ vai trò chính chiếm địa vị ưu thế lấn áp vai trò của Giác. Giác khó mà phát huy được. Từ đó dính mắc càng nhiều.
Dính mắc do cái biết của riêng tư, Tự ngã. Dính mắc bây giờ có tên là Chấp, Chấp ngã. Chấp ngã đưa đến Nghiệp. Nghiệp do hành động thiếu vô tư. Chấp ngã là chướng ngại khó mà thoát ra khỏi vòng liên hoàn Sinh Diệt.
KẾT LUẬN
Bốn hệ dính mắc Thân, Thọ, Tâm và Pháp đã được xét qua.
Pháp được xác định là Nguyên Pháp.
NP ngắn gọn rất dễ hiểu, dễ dùng để giải thích các hiện tượng, sự kiện ở thế gian. NP còn là khởi đầu mọi Nhân Duyên.
Tác động của NP đưa đến hai cỏi giới: cõi Tịnh và cõi Động
Cõi Tịnh, tĩnh lặng, phi thời gian, không dính mắc, có thể hóa giải vượt khỏi dính mắc nên có tên là cõi Tịnh độ, cõi này còn có tên là cõi Tâm linh, Tâm không dính mắc nhạy ứng, linh động. Đường để đến hay hành sử theo cõi này gọi là Đạo.
Cõi Động, náo động chi phối bởi biến dịch vận hành, thời gian, đó là cõi Đời, cõi thuộc Tâm lầm than. Đường đến hay hành sử ở cõi này là đường áp đặt, khống chế, thử thách, đó là Cuộc Đời.
Đời và Đạo không rời nhau cùng hòa nhập.
NP chủ động trong bốn hệ dính mắc.
Bốn hệ dính mắc có liên quan chặt chẽ là yếu tố tất yếu của Sinh sống.
Dính mắc nơi Thân, Thọ, Tâm qua cấu trúc, cơ chế, chức năng và vận hành là tất nhiên. Dính mắc là cội nguồn đưa đến hoại diệt.
Hóa giải dính mắc điều kiện trước tiên là Tâm phải đưa đến được Tâm thuần nhất hay Nhất Tâm.
Muốn có Nhất Tâm, thần khí cũng như Giác phải được phát huy, Tuệ của Thức được đưa đến cao độ.
Vô tư và Tự ngã là hai hình thái đương nhiên tất yếu trong hệ dính mắc.
Bình luận bài viết