Tin tức

BUỔI SINH HOẠT PHẬT HỌC VÀ ĐỜI SỐNG LẦN V VỚI ĐỀ TÀI “TỨ DIỆU ĐẾ”

BUỔI SINH HOẠT PHẬT HỌC VÀ ĐỜI SỐNG LẦN V
VỚI ĐỀ TÀI “TỨ DIỆU ĐẾ”

 

Tin ảnh: NHUẬN KIÊN

 

 BS. Đỗ Hồng Ngọc

Vào lúc 15g00, ngày thứ bảy 11/11/2017, như thường lệ buổi sinh hoạt Phật học và đời sống tại Chùa Phật học Xá Lợi đã được đông đảo Phật tử quan tâm tham dự, đàm luận về đề tài “Tứ diệu đế” theo gợi ý, hướng dẫn từ Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc.

Mở đầu buổi thảo luận, với chất giọng ấm áp truyền cảm, Bác sĩ đã khái quát thế nào là “Tứ Diệu Đế”, sau đó các Phật tử đã cùng nêu ý kiến chia sẻ để làm rõ hơn đề tài này, nay tóm tắt như sau:

“Tứ diệu đế” nghĩa là bốn chân lý cao quý, là gốc cơ bản của Phật giáo. “Tứ diệu đế” là những kinh nghiệm giác ngộ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và cũng là nội dung chính bài thuyết pháp đầu tiên của Ngài sau khi giác ngộ (Kinh Chuyển Pháp Luân).

1- Thế nào là Khổ đế?

Trong cuộc sống hiện nay khoa học càng văn minh tiến bộ thì con người càng lệ thuộc vào vật chất và nếu chạy theo nhu cầu vật chất càng cao thì họ phải chuốc lấy nỗi đắng cay càng lớn, và tâm của chính thân họ thì luôn bồn chồn lo lắng, không yên. Nói rộng ra, nhìn trong nhà không có gì thì tủi khổ, mà cố làm đêm làm ngày để có cái gì thì lại khổ thân. Mong muốn được giàu sang thì lại khổ trí, mà hãy giàu có thì sợ trộm cướp đến hỏi thăm, thành thử lại khổ tâm. Bởi thế, Khế kinh có câu: “Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển”, thật vậy, sự đau  khổ của chúng sinh thì không thể nào mà nói hết cho được, nỗi khổ này chưa tan thì nỗi khổ khác lại đến.

Dựa vào kinh Phật, thì tất cả những cái khổ trên thế gian nầy có thể chia làm ba loại và được gọi là “tam khổ”.

Vậy thế nào là tam khổ?

Tam khổ là nói về ba thứ khổ: khổ khổ, hoại khổ và hạnh khổ.

- Thứ nhất Khổ khổ: là cái khổ này chồng lên cái khổ nọ. Tấm thân của chúng ta tự nó cũng đã khổ, mà hoàn cảnh chung quanh lại mang đến cho chúng ta không biết bao nhiêu nỗi khổ khác. Đã gánh bao khổ đau bởi vì sự sống chết bất ngờ mà chính mình không làm chủ được. Con người của chúng ta lại phải mang thêm những đau khổ chất chồng khác, chẳng hạn như đau răng, bệnh tật, đói khát, khổ vì gia đình, vì con cái…

- Thứ hai Hoại khổ: là mọị vật trong thế gian này đều bị chi phối bởi luật vô thường, có nghĩa là không có gì là bất biến, cố định mãi mãi. Có sinh tất phải có diệt, có kết tụ tất có phân ly. Bởi thế, trong Khế kinh cũng có đề cập: “Phàm vật có hình tướng đều phải bị hủy diệt”.

- Thứ ba Hạnh khổ: Mỗi khi lục căn tiếp xúc với lục trần thì tư tưởng sẽ phát sinh và do đó tâm hồn của chúng ta không thể nào yên ổn cho được. Tư tưởng càng phát sinh, thì tâm tư càng quay cuồng và dĩ nhiên dục vọng cũng theo đó mà dẫn chúng ta đi lên - đi xuống để tạo nên nghiệp báo. Thật vậy, chúng ta càng nghĩ ngợi, thì tâm tư càng bấn loạn. Càng tiếp xúc với ngoại cảnh, thì cái Ta càng si mê và chính sự si mê này đã đè ép chúng ta, bắt chúng ta phải làm nô lệ cho chúng để thỏa mãn những dục vọng mà chúng đã tạo nên. Tư tưởng của chúng ta thì biến chuyển không ngừng. Chúng nhảy vọt từ chuyện này sang chuyện khác, chẳng khác nào như con ngựa không cương, như con vượn chuyền cây, không bao giờ dừng nghĩ. Bởi thế, Phật mới dạy rằng: “Tâm viên, mã ý”.

“Ðế” là lý lẽ chất thật, đúng đắn do trí tuệ sáng suốt soi thấu và thuyết minh.

2- Thế nào là Tập đế?

“Tập” là chứa và dồn thêm mỗi ngày một nhiều hơn. Như thế, Tập đế là sự thật vững chắc nói về nguyên nhân của những nỗi khổ đã tích lũy lâu đời, lâu kiếp trong mọi chúng sinh và đây chính là cội rễ của sanh tử luân hồi.

3- Thế nào gọi là Diệt đế?

“Diệt” là tiêu diệt, trừ diệt. Diệt ở đây tức là diệt dục vọng mê mờ, phiền não. Diệt đế, chữ Pali gọi là "Nirodha Dukkha" tức là sự thật đúng đắn, mà đức Phật đã thuyết minh về hoàn cảnh tốt đẹp mà mọi người có thể đạt được khi đã diệt hết mọi phiền não, mê mờ. Phiền não, mê mờ là nguyên nhân của đau khổ

4- Và thế nào là Đạo đế?

“Đạo” là con đường, là phương pháp thực hiện để đạt được an lạc, hạnh phúc trong đời sống hàng ngày, hay hạnh phúc tuyệt đối Niết bàn.

Cuối cùng, Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã có vài ý kết luận:

- “Khổ” là quả, mà “Tập” là nhân. Diệt Khổ mà chỉ diệt cái quả thì không bao giờ hết khổ được. Muốn diệt khổ tận gốc, thì phải diệt cái nhân của nó, như muốn nhổ cái thân cây, thì phải bớí cho hết cái rễ ăn sâu trong lòng đất. Trong khi Nhân Quả, Phật dạy rằng: "Các ông phải biết, ví Tập nhân phiền não mới có quả khổ sanh tử, vậy các ông phải dứt trừ phiền não Tập nhân. Khi đã dứt trừ rồi, lại thường nắm chắc chổ dứt trừ cho chắn chắc, không khi nào nới bỏ. Ðến khi chứng được đạo Niết Bàn, thì phải tất nhiên tập nhân phiền não phải diệt hết, mả khổ luân hồi cũng không còn".

- Thế cho nên, muốn giải thoát tất phải tu hành. Mà tu hành là gì? Là diệt trừ Tập nhân phiền não vậy. Diệt trừ phần nào Tập nhân là đã bước đến hết gần giải thoát chừng ấy, như một cái phao; càng bớt dần chừng nào vật nặng dìm nó xuống, thì nó lại nổi dần lên mặt nước chừng ấy vậy.

Dưới đây là vài hình ảnh về buổi sinh hoạt.

 

Lắng nghe BS Đỗ Hồng Ngọc khái quát về Tứ diệu đế

Phật tử tham dự trao đổi về Tứ diệu đế

BS Đỗ Hồng Ngọc kết luận buổi sinh hoạt

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 16
    • Số lượt truy cập : 7005803