Tin tức

CÁC DANH TĂNG VÀ CƯ SĨ TUỔI THÂN

CÁC DANH TĂNG  VÀ CƯ SĨ TUỔI THÂN

NGUYỄN  ĐẠI  ĐỒNG

 

Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam từ thế kỷ X tới thế kỷ XX, số danh tăng sinh năm Thân mà chúng tôi thống kê được chừng 20 - 30 người, bài này xin giới thiệu một số vị để quý độc giả thưởng lãm nhân bước sang năm Bính Thân 2016.

1. Thiền sư Ngộ Ấn (1020 - 1088)

Ông quê ở Tư Lý, làng Kim Bài, họ Đàm, tên Khí. Mẹ họ Cù, nhà ở cạnh nghĩa địa. Một hôm, đang ngồi dệt vải có con khỉ lớn từ trong rừng chạy ra ôm lấy bà suốt ngày mới bỏ đi. Sau đó, bà biết mình có mang. Đến khi sinh ra, đứa con mặt mũi xấu xí, bà lấy làm ghét, bèn đem bỏ vào rừng. Trong làng có sư cụ họ Đàm, người Chiêm Thành trông thấy đem vè nuôi, nhân đó đặt tên là Khí (có nghĩa là vứt bỏ). Đến năm 10 tuổi, ông theo học Nho, học vấn ngày một tăng tiến cả chữ Hán lẫn chữ Phạn. Năm 19 tuổi xuất gia rồi thụ giới Tỷ khiêu, nghiên cứu tinh thông cả hai kinh Viên Giác Pháp Hoa. Sau khi được thiền sư Quảng Trí ở chùa Quán Đính, núi Không Lộ truyền tâm ấn, sư bèn lên núi Ninh Sơn ở phủ Ứng Thiên (nay thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội) kết am tranh làm chỗ ở, sau là chùa Long An, hoằng truyền giáo lý Đức Phật, rất đông người đến học. Khi sắp thị tịch, ngài đọc bài kệ sau:

Hư vô tính diệu khó vin noi/ Riêng bụng hư vô hiểu được thôi.

Trên núi ngọc thiêu, màu vẫn nhuận/ Trong lò sen nở sắc thường tươi.

Đọc xong, sư thanh thản qua đời. Học trò để tâm tang ba năm.

Ngài thuộc thế hệ thứ 8 dòng thiền Vô Ngôn Thông (Sơn môn Kiến Sơ).

2. Thiền sư Viên Thông

Ngài họ Nguyễn, húy là Nguyên Úc, sinh năm Canh Thân (1080), quê hương Cổ Hiền, sau dời về phường Thái Bạch, kinh đô Thăng Long. Gia đình mấy đời giữ chức Tăng quan. Sư bẩm tính thông minh, học tập chóng tiến, đạt đến mức tinh diệu, từ nhỏ đã có chí xuất gia, thường đến chùa An Quốc học đạo với Thiền sư Viên Học, nhờ đó hiểu sâu ý chỉ Thiền tông.Năm 1097 đỗ đầu khoa thi Tam giáo sung chức quan Đại Văn (nghe thay cho vua). Năm 1108, triều đình mở khoa thi Hoành tài để chọn người bổ giữ chức quan tăng, đạo còn khuyết, sư lại đỗ đầu. Vua Lý Nhân Tông cho là bậc kỳ tài, định phong quan tước, nhưng sư cố từ. Năm 1112, vua thăng cho sư giữ chức Tả nhai Tăng lục, lại thường vời sư vào điện Sùng Khải để hỏi kế hưng vong, trị, loạn. Sư trả lời rất hợp ý vua. Năm 1137, vua Lý Thần Tông băng hà, vâng theo di chiếu, sư được dự hàng cố mệnh đại thần, được ủy thác việc triều chính. Sau sư trở về bản quán dựng chùa Quốc Ân, trụ trì tại đó cho tới cuối đời. Năm 1143, sư được tiến phong Tả hữu nhai Tăng thống, nội cung phụng trì giáo môn công sự, truyền giảng Tam tạng văn chương, ứng chế hộ quốc quân sư, ban hàm Tử y Đại sa môn.

Ngày 21 tháng 4 nhuận Tân Mùi (1151) sư không bệnh, gọi tăng chúng đến quyết biệt rồi qua đời, thọ 72 tuổi. Ngài thuộc thế hệ thứ 18 dòng thiền Tỳ ni đa lưu chi.

3. Thiền sư Pháp Loa (1284 - 1330)

Ngài người làng Cửu La, phủ Nam Sách, Hải Dương. Mẹ ngài nhiều lần sinh đều là con gái nên chán nản, không muốn sinh đẻ nữa. Đến khi sinh được một trai là Pháp Loa thì mừng lắm và đặt tên là Kiên Cương (cứng chắc). Pháp Loa rất thông minh, năm 20 tuổi gặp vua Trần Nhân Tông, liền được vua cho theo làm đệ tử, đưa về núi cho học đạo. Thiền sư ngộ đạo rất sớm, các kinh điển đều học tinh thông, được Trần Nhân Tông truyền giới pháp, đặt cho tên hiệu là Pháp Loa cho giữ chức giảng sư. Lúc này Huyền Quang mới xuất gia, thường đến nghe Pháp Loa thuyết pháp, và được Trần Nhân Tông nhận cho làm đệ tử và giao cho Pháp Loa dạy bảo.

Năm 25 tuổi, Pháp Loa làm lễ khai giảng kinh ở chùa Siêu Loại, Bắc Ninh, có vua và đình thần đến dự lễ. Vua lên đàn thuyết pháp rồi nhường chỗ cho Pháp Loa tiếp tục giảng kinh. Lễ xong, vua đặt Pháp Loa kế thế trụ trì ở chùa Siêu Loại, làm chủ sơn môn Yên Tử để đem kinh điển hơn 200 bộ giao phó cho.

Tôn giả phụng sắc truyền giới xuất gia cho Tuyên Từ hoàng thái hậu và Thiêm Trinh trưởng công chúa.

Trên cương vị đệ nhị tổ Giáo hội Trúc Lâm, Pháp Loa chiếu định chức các tăng đồ trong dân chúng, từ đó tăng chúng nước ta có danh sách rõ ràng do Pháp Loa quản lãnh. Ngài cho tạc được 1.300 tượng Phật, dựng được 2 pháp tràng, 5 ngọn tháp, 200 tăng đường, và độ cho hơn 15.000 đệ tử trong số đó đắc pháp được 3.000 người.

Thiền sư soạn cuốn: "Đoạn sách lục" và cuốn "Tham thiền yếu chỉ" còn lưu truyền đến ngày nay.

Khi sắp tịch, Thiền sư đem pháp bảo của Trần Nhân Tông truyền cho, để truyền lại cho Huyền Quang rồi đọc bài kệ như sau:

Trần duyên giũ sạch từ xưa,

Bốn mươi năm lẻ bây giờ là tiên.

Hỏi chi thêm bận thêm phiền,

Trăng thanh gió mát là miền tiêu dao.

Sau đó, Ngài dặn dò các đệ tử thân cận, xong rồi tịch, thọ 47 tuổi.

Thiền sư là Tổ thứ hai của phái Trúc Lâm Yên Tử.

4. Tổ Bồ đề Thích Nguyên Biểu


Ngài họ Phạm, hiệu Nhất Thiết, Pháp danh Thích Nguyên Biểu, sinh năm Bính Thân, (1836), quê huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, thuộc dòng họ ba đời khoa bảng. Năm 14 - 15 tuổi, ngài được gia đình cho xuất gia đầu Phật tại tổ đình Phù Lãng ở huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh. 17 tuổi được bổn sư cho tham học tại chùa Vĩnh Nghiêm và thụ Cụ túc giới tại đây. Ngài ở lại “Phụng Phật sự Sư” thêm 5 năm nữa và được Tổ Tâm Viên ủy thác dìu dắt sư đệ Thanh Hanh (sau này là Thiền gia Pháp chủ Phật giáo Bắc Kỳ) vừa từ chùa Hòe Nhai lên chùa Vĩnh Nghiêm tham học. Khi lực học đã khả kham, ngài được nghiệp sư cho xuất viện đi hoằng pháp các nơi. Ngài qua trụ trì chùa Hạ Lôi ở Yên Lãng, Phúc Yên. Tại đây, ngài đã đào tạo được nhiều đệ tử danh tiếng dương thời như Hòa thượng Trung Hậu, Hòa thượng Thông Toàn là vị trụ trì thứ 4 chùa Bà Đá, Hà Nội.

Năm 1874, ngài khai sơn chùa Bồ Đề huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ngài khai tràng thuyết pháp, thu nhận đệ tử tiếp chúng độ nhân. Chùa trở thành một đạo tràng sầm uất, tăng tục lui tới tham học nghe pháp rất đông. Trong số các đệ tử của ngài, nhiều vị đã trở thành các bậc lương đống trong các Tổ đình xứ Bắc, cả về học thức lẫn đạo hạnh như Tổ Quảng Gia, Tổ Quảng Yên ở chùa Bồ Đề, Tổ Phổ Tụ ở chùa Tế Xuyên, Tổ Doãn Hài ở chùa Tế Cát, Tổ Thanh Khải ở chùa Đa Bảo.

Cũng trong thời gian này, ngài còn cho khắc ván in bộ kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa, luật Tứ Phần, các sách Lược Ký Ni, Thụ Giới Nghi Phạm, Nhật tụng Bồ đề.

Ngài mất năm Bính Ngọ (1906) thọ 70 tuổi đời, 50 tuổi hạ.

5. Thiền sư Thích Thiện Bản


Ngài thế danh Hoàng Ngọc Thụ, pháp danh Thông Đoan, sinh năm Giáp Thân (1884), quê làng Tứ Mặc, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Năm 16 tuổi ngài xuất gia, cuối năm đó ngài thụ giới Sa di tại chốn tổ Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội. Năm 1901, ngài được Tổ Quảng Gia cho lễ sư tổ Phổ Tụ - Tế Xuyên tham học đạo Thiền. Năm 1910, ngài xin phép Tổ Tế Xuyên du tích tham phương học đạo nơi tổ Thích Thanh Hanh ở chùa Vĩnh Nghiêm. 10 năm sau, ngài quay về chùa Tế Xuyên chịu tang tổ Phổ Tụ, sau đó ngài về trụ trì chùa Bảo Khám - Tế Xuyên; 1930 đến trụ trì và xây dựng chùa Bà Hương, thôn Cao Đà, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam nên còn được gọi là Tổ Cao Đà. Từ 1932 - 1942 ngài trùng tu các chùa Vạn Thọ, Điện Bàn, Đô Quán và là người tích cực ủng hộ phong trào chấn hưng Phật giáo Bắc Kỳ.

Năm 1958, ngài là Trưởng phái đoàn Phật giáo đến yết kiến Hồ Chủ Tịch tại phủ Chủ tịch, tháng 3 năm này, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam thành lập. Khi Hòa thượng Doãn Hài viên tịch (1959), ngài nhận trách nhiệm thống lĩnh sơn môn, làm chủ các khóa Hạ tại Tổ đình Tế Xuyên.

Sau hai ngày thị bệnh, ngày 10-5 năm Nhâm Dần (1962) ngài an nhiên xả báo thân trải qua 79 năm ứng tích Sa bà, 68 mùa An cư kiết hạ.

Hàng đệ tử thành danh của ngài có Hòa thượng Thích Tâm Tịch (Đệ nhị Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam), Hòa thượng Tâm Nguyện, Hòa thượng Thích Tâm Thông…

6. Cư sĩ Nguyễn Văn Hiểu


Ngài sinh năm Bính Thân (18 - 10 - 1896), tại làng Tân An, tổng Định Bảo, tỉnh Cần Thơ. Từ nhỏ, ông học chữ Hán, sau chuyển sang học chương trình Pháp - Việt 5 năm ở Cần Thơ.

Năm 1915, sau khi đậu bằng Thành Chung ở Sài Gòn, ông ra học Trường Công Chính Hà Nội và thi đỗ bằng Cao học Kỹ thuật Công chính Hà Nội năm 1918. Năm 1944 làm Giám đốc Hỏa xa miền Nam.

Từng quy y phái Cao Đài Tiên Thiên từ nhỏ, rồi chuyển qua nghiên cứu đạo Tin Lành.Cuối năm 1930, nhân đọc cuốn Tuệ giác của Phật và hiểu được giá trị đích thực của đạo Phật, ông ôm ấp ý nguyện truyền bá giáo pháp Nguyên Thủy. Năm 1935, khi gặp lại bạn cũ là Bác sĩ Thú y Lê Văn Giảng, ông đem quyển kinh Phật bằng chữ Pháp giới thiệu và khuyên về Campuchia tầm sư học đạo. Sau đó, người bạn xuất gia là Hòa thượng Hộ Tông, người sáng lập Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam. Năm 1938, ông dựng chùa Bửu Quang, ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo Nam tông Việt Nam trên mảnh đất ở Gò Dưa - Thủ Đức - TP.HCM ngày nay, do ông Bùi Ngươn Hứa hiến. Năm sau, ông đã thỉnh quý ngài: Hộ Tông, Thiện Luật, Huệ Nghiêm và một nhà sư Campuchia về Việt Nam hoằng dương giáo pháp tại chùa Bửu Quang. Năm 1940, ông bán nhà lấy ½ số tiền cất lại chùa Bửu Quang bằng gạch ngói và một cốc lầu, số còn lại ông mua ruộng để lo chi phí ẩm thực cho chùa.Năm 1948, ông khởi công xây dựng chùa Kỳ Viên tại Bàn Cờ, quận 3, Sài Gòn và thỉnh chư tăng đến thuyết pháp. Ngày 14-5-1957, ông đứng ra thành lập Tổng hội Phật giáo Nguyên Thủy dành cho cư sĩ hoạt động. Ngày 18-12-1957, ông cùng với các cao tăng Nam Tông thành lập Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam. Năm 1961, ông đứng ra vận động quyên góp tài chính để xây cất Thích Ca Phật Đài ở Vũng Tàu.

Ông đã trước tác và dịch 9 tác phẩm để hoằng truyền Phật đạo.

Cư sĩ về cõi Phật ngày 7-4 năm Kỷ Mùi (1979), thọ 83 tuổi, hơn 40 năm là cư sĩ hộ pháp. Ông đã để lại một sự nghiệp lớn lao là du nhập và phát triển Phật giáo Nguyên thủy tại Việt Nam.

7. Hòa thượng Thích Phước Quang


Ngài thế danh Tiêu Mão, sinh tháng 4 năm Mậu Thân (1908), quê ở huyện Vạn Linh, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Vì tham gia cách mạng, bị chính quyền Tưởng Giới Thạch khủng bố, cả gia đình ngài chạy sang Việt Nam, xuống tận Mỹ Tho làm công cho tiệm giải khát để kiếm sống.

Từ 1936 - 1939, ngài hướng dẫn công nhân lao động thành phố Mỹ Tho tham gia phong trào Mặt trận Bình dân Nam Kỳ. Tháng 11 năm 1940, ngài tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ, bị địch đàn áp dã man, ngài phải lẩn trốn và hoạt động bí mật. Cách mạng tháng 8 thành công, ngài được cử làm Hội trưởng Hội Hoa kiều Liên hữu - tiền thân của Hoa kiều Giải phóng Liên hiệp hội tỉnh Mỹ Tho cho đến 1954. Sau đó, ngài lên Sài Gòn gắn với phong trào Hòa bình hoạt động cùng ông Ký Đăng. Cơ sở bị lộ, Ký Đăng bị bắt, ngài trốn thoát được và xuất gia đầu Phật năm 1960 tại chùa Giác Nguyên ở Khánh Hội, bỏ lại sau lưng quá khứ hào hùng. Tại đây, ngài được Hòa thượng Thiện Tường thu nhận làm đệ tử, ban pháp danh Phước Quang, húy là Trừng Minh. Nhờ sự quan tâm của bổn sư và kiên trì tu học, ngài ngày càng có uy tín trong giới Phật giáo người Hoa, cuối năm 1961, ngài kiến lập Từ Đức Tịnh xá làm trú xứ và làm nơi quy tụ Phật tử người Hoa về đây lễ bái tu học. Năm 1962, ngài thụ giới Tỷ khiêu tại giới đàn chùa Tứ Diện, tỉnh Trà Vinh. Ngài đã quy tụ quần chúng thành lập Hội Từ thiện - Quan Âm cứu trợ, Đại Từ Liên xã, Nhóm chống bắt lính.

Năm 1972, ngài được bầu làm Tổng Vụ trưởng Tài chính Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và suy tôn làm Hòa thượng. Ngoài việc tu học phụng sự đạo pháp, ngài còn lãnh đạo tín đồ người Hoa cùng Phật giáo miền Nam tham gia đấu tranh đòi hòa bình, dân chủ dân sinh… Tháng 8-1975, ngài được đề cử làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch kiêm Thủ quỹ Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước thành phố. Từ 1976 - 1987, ngài tham gia Hội đồng nhân dân quận 5, TP.HCM khóa 1,2,3, là Ủy viên Mặt trận Tổ quốc thành phố và quận 5, TP.HCM suốt 3 nhiệm kỳ, chánh Đại diện Phật giáo quận 5, TP.HCM. Tháng 11 năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập, ngài được suy cử làm thành viên Hội đồng Chứng minh. Năm 1982, tại Đại hội thành lập Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, ngài được cử làm Ủy viên Ban Trị sự, đặc trách Phật giáo Hoa tông.

Ngài viên tịch ngày 30-9-1988 tại chùa Từ Đức, quận 5. Trụ thế 81 năm, hành đạo 30 năm.

Hòa thượng Thích Phước Quang là một bậc tu hành tiêu biểu giàu lòng yêu nước, đóng góp tích cực cho sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc và công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam.

8. Cư sĩ Nguyễn Đăng Thục


Ông sinh ngày 19-9-1908 (có sách ghi ngày 14-6-1909) tại làng Thổ Khối, huyện Gia Lâm, Hà Nội trong một gia đình có truyền thống Nho học và khoa bảng. Thuở nhỏ, ông học tiểu học ở trường làng và cấp trung học ở Trường Albert Sarraut, Hà Nội. Năm 1927, ông sang du học ở Pháp, Bỉ và Thụy Sĩ, tốt nghiệp kỹ sư Hóa học. Năm 1933, ông về nước. Năm 1935 cùng bè bạn xuất bản tờ báo tiếng Pháp Tương lai của tuổi trẻ, làm bỉnh bút cho tờ Lao Động. Rồi quay về làm việc ở nhà máy dệt Nam Định. Sau Cách mạng tháng Tám rồi kháng chiến toàn quốc, ông làm kỹ sư cho công binh xưởng Liên khu 3 ở Ninh Bình. Năm 1949, ông hồi cư về Hà Nội, năm sau ông được mời dạy bộ môn Triết học Đông phương tại Trường Đại học Văn khoa Hà Nội và làm chủ bút tờ Văn hóa Tùng biên.

Năm 1954, ông vào Sài Gòn làm giảng sư Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, rồi trưởng khoa Văn học Việt Nam tại trường này từ 1961-1965. Ông còn đảm trách chủ nhiệm tạp chí Văn hóa Á châu và Trưởng tiểu ban Văn hóa của Tổ chức Văn hóa giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tại Việt Nam. Do cùng một số trí thức, nhân sĩ tiến bộ tại Sài Gòn ký bản kiến nghị để yêu cầu chính quyền Sài Gòn trực tiếp thương thuyết với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam để chấm dứt chiến tranh mà ông bị chính quyền Phan Huy Quát cách chức và buộc thôi dạy ở Trường Đại học Văn khoa.

Từ 1964, Trường Đại học Vạn Hạnh thành lập, ông được mời là Khoa trưởng phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn kiêm giảng sư môn Triết học phương Đông. Năm 1973, ông được trường trao tặng bằng Tiến sĩ danh dự nhân kỷ niệm 10 năm thành lập trường.

Cư sĩ Nguyễn Đăng Thục là người có công lớn trong việc truyền bá và thuyết giảng giáo lý cao siêu của Đức Phật lồng trong các bài thuyết giảng về triết lý phương Đông. Ông mất ngày 3-6-1999 tại Thành phố Hồ Chí Minh, để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị về triết học phương Đông, trong đó đóng góp rất lớn của ông cho triết học Phật giáo qua các tác phẩm: Triết học phương Đông nhập môn (1958), Văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á (1961), Lịch sử triết học phương Đông, 5 tập (1956-1962), Tư tưởng Việt Nam (1962), Lịch sử Tư tưởng Việt Nam, 4 tập (1967-1970), Thiền học Việt Nam (1967), Thiền học Trần Nhân Tông (1971), Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông (dịch và chú thích, 1973), Lý hoặc Luận của Mâu Bác (dịch và chú thích 1974) v.v…

9. Hòa thượng Inda Ppannà Danh Dinl


Ngài thế danh Danh Dinl, pháp danh là Inda Ppannà, sinh năm Mậu Thân (1908) tại làng Ngang Dừa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, trong một gia đình nông dân nghèo. Ngài có tư chất thông minh. Năm 14 tuổi, cha mẹ dẫn đến cho học chữ Khmer với Hòa thượng Đuông, trụ trì chùa Khlăng, thị xã Sóc Trăng. 3 năm sau, ngài xin về phụng dưỡng cha mẹ. Năm 1930, ngài xin phép song thân được xuất gia tại chùa Siri Muni Varisà Peang Som Ritch ở xã Phú Ninh, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng. Liền sau đó, ngài thụ Cụ túc giới, được Hòa thượng Tế Độ ban pháp danh Inda Ppannà. Năm 1933, ngài xin phép Thầy Tế độ sang
Campuchia học chữ Pàli (3 năm), học kinh tạng Pàli (2 năm) và Trung cấp Pàli ngữ (3 năm). Sau đó, ngài làm giảng sư Pàli ngữ, học tiếp Cao cấp Pàli ở Phnôm Pênh…năm 1949, ngài trở về Việt Nam, trở lại chùa Siri Muni Varisà  Peang Som Ritch tiếp tục dạy Pàli ngữ cho chúng tăng ở đây. Ngài đã vận động Phật tử ủng hộ xây dựng thêm liêu, cốc và chỉnh trang lại chùa cảnh. Năm 1951, ngài lại sang Campuchia lần thứ hai để học trọn vẹn Tam tạng giáo điển Pàli ngữ. Năm 1953, ngài đến Trung tâm Thiền học Điền Trung lang Nirodha tỉnh Konl Đal trong 7 năm. Từ đó trở đi, ngài tiếp tục giảng Pàli ngữ cho khắp các chùa trong tỉnh. Đến năm 1974, ngài về nước, trú tại chùa Siri Muni Varisà  Peang Som Ritch dạy kinh, luật, luận và thiền cho chư Tăng. Năm 1977, ngài được cử làm trụ trì chùa này. Năm 1980, ngài cho xây dựng thêm một lò thiêu, giảng đường, tăng xá, trang trí bày biện, an vị các tượng Phật trên chính điện cho thêm phần trang nghiêm tướng hảo. Đặc biệt, ngài đã xây dựng một ngôi học đường quy mô, để chư tăng và Phật tử thường xuyên lui tới tham dự các lớp giáo lý Phật pháp, Pàli ngữ và Khmer.

Hòa thượng viên tịch ngày 23-8-1992, trụ thế 84 năm, 62 tuổi hạ. Xá lợi của ngài được tôn thờ ngay tại chùa Peang Som Ritch, để các hàng hậu tấn gần xa chiêm ngưỡng và ghi nhớ mãi mãi bậc danh tăng suốt cuộc đời vì đạo pháp, vì văn hóa giáo dục.

10. Cư sĩ Đoàn Trung Còn


Ông pháp danh là Hồng Tai, sinh năm Mậu Thân (1908) tại làng Thắng Nhì, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong một gia đình có truyền thống Nho học và khoa bảng. Từ nhỏ, theo học trường Pháp Việt tại Vũng Tàu rồi lên Sài Gòn học trung học ông đã thông thạo tiếng Pháp. Sau, ông lại chuyên tâm tự học chữ Hán để có trình độ cần thiết cho việc nghiên cứu Tam tạng kinh điển nhà Phật. Ông lại thường quan hệ với các sư sãi người Khmer và Phật giáo Nam tông, buộc ông phải để tâm nghiên cứu học hỏi chữ Bắc Phạn (Sanscrit) và Nam Phạn (Pàli) dùng vào việc nghiên cứu kinh điển nhà Phật.

Ông là người góp công rất lớn cho sự nghiệp chấn hưng Phật giáo và phổ biến Phật học nửa đầu thế kỷ XX: năm 1932, ông sáng lập Phật học Tùng thư để xuất bản các kinh sách ông biên khảo về Phật giáo và các bộ kinh căn bản do ông phiên âm và dịch nghĩa. Song song đó, ông sáng lập Trí Đức Tùng thư để xuất bản các bộ sách quan trọng của Nho giáo do ông phiên âm và dịch nghĩa, với mục đích là duy trì nền đạo học chân chính, hầu giúp cho đàn hậu tiến biết cách tu thân, tề gia, trị quốc. Từ đó cho đến ngày ông qua đời, Đoàn Trung Còn đã đơn thân độc mã, làm việc cật lực đã in được gần 40 tác phẩm trong Phật học Tùng thư và 12 cuốn trong Trí Đức Tùng thư. Công trình to lớn nhất đóng góp cho kho tàng kinh sách Phật giáo là bộ Phật học từ điển gồm 3 cuốn với số lượng từ chưa có sách nào sánh kịp lúc bấy giờ. Sách được biên soạn rất công phu, xếp theo mẫu tự Latinh. Mỗi mục từ được chú thích thêm các thứ tiếng Pháp, Hán, Tạng, Sanscrit, Pàli rất rõ, giúp độc giả có điều kiện tham khảo từ các sách được viết bằng các ngoại ngữ trên.

Ngoài việc biên soạn và xuất bản sách, ông còn cùng với các sư phái Lục Hòa tăng thành lập một tông phái mới vào năm 1955, gọi là Tịnh Độ tông với mục đích khuyến giáo Phật tử tu theo pháp môn Tịnh Độ, trụ sở tại chùa Giác Hải, Phú Lâm, Chợ Lớn, sau dời về chùa Liên Tông ở đường Đề Thám.

Cư sĩ Đoàn Trung Còn mất ngày 15-3-1988, hưởng thọ 80 tuổi với trên 50 năm cống hiến cho sự nghiệp phụng sự đạo Pháp.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 14
    • Số lượt truy cập : 6115882