Tin tức

CHÁNH TRÍ MAI THỌ TRUYỀN GƯƠNG SÁNG CỦA CƯ SĨ PHẬT GIÁO VIỆT NAM

CHÁNH TRÍ MAI THỌ TRUYỀN

GƯƠNG SÁNG CỦA CƯ SĨ PHẬT GIÁO VIỆT NAM

  

NGUYỄN THANH HẢI

Thạc sĩ, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM

 

Trong Phật giáo có bốn hội chúng (parisā) là hội chúng tỳ kheo (bhikkhu), hội chúng tỳ kheo ni (bhikkhunī), hội chúng nam cư sĩ (upāsaka), hội chúng nữ cư sĩ (upāsikā)1.

Hội chúng tỳ kheo là hội chúng của những nam tu sĩ Phật giáo gồm cả Sa di (sāmanera), đó là những vị đã xuất gia từ bỏ gia đình sống không gia đình, chấp nhận đời sống phạm hạnh độc thân. Sa di là vị tu sĩ tập sự để trở thành vị tỳ kheo, vị sa di tuổi từ hai mươi trở lên mới được phép thọ cụ túc giới. Sa di bên Tăng chúng không buộc thời gian.

Hội chúng tỳ kheo ni là hội chúng của những nữ tu sĩ Phật giáo, gồm cả sa di ni và học nữ (sāmaerī, sikkhāmānā). Đó là những người nữ đã xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình, chấp nhận đời sống phạm hạnh độc thân. Người nữ mới gia nhập ni chúng phải qua hai năm thọ giới học nữ mới làm sa di ni, thọ giới sa di ni qua hai năm và tuổi đủ hai mươi mới được thọ đại giới tỳ kheo ni.

Hội chúng nam cư sĩ là chỉ cho những thiện nam tử ở gia đình, chưa xuất gia, vẫn còn hưởng dục lạc thế tục. Những người nam này có niềm tin Tam bảo, sống hiền thiện và tạo các công đức.

Hội chúng nữ cư sĩ là những người nữ ở gia đình, còn hưởng dục lạc thế tục, chưa xuất gia thành ni chúng. Họ có niềm tin Tam bảo, sống hiền thiện và tạo các công đức.

Bốn hội chúng Phật giáo, trong đó, hội chúng tỳ kheo và hội chúng tỳ kheo ni, là hội chúng đệ tử xuất gia của Đức Phật. Hội chúng nam cư sĩ và nữ cư sĩ là hội chúng đệ tử tại gia của Đức Phật.

Đệ tử đầu tiên của Đức Phật Thích Ca là cư sĩ2. Ngay khi Ngài vừa mới thành đạo dưới cội Bồ đề, có hai thương khách từ phương Nam đến, đó là Bà Ha Lệ Ca (Bahallika) và Trà Phú Sa (Trapusha) chiêm ngưỡng dung mạo quá uy nghi của Phật tỏa trong ánh hào quang rạng ngời, bèn đến đảnh lễ và dâng Đức Thế Tôn phẩm vật cúng dường. Đức Phật mỉm cười, đặt tay lên đầu hai người thọ nhận quy y và truyền giới. Đó là hai Ưu bà tắc đầu tiên của Phật giáo. Cư sĩ là một người hiểu biết, sống có nhân cách, trách nhiệm và bổn phận với bản thân, gia đình, người thân và xã hội, có tinh thần cầu tiến bộ trong ý hướng học đời, học đạo làm người.

Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Mai Thọ Truyền (1905-1973), trong đời sống xã hội, ông là công chức cao cấp ở miền Nam qua các chức vụ từ tri huyện đến Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa. Ở vị trí nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Khi giữ chức vụ Quốc vụ khánh đặc trách Văn hóa, người ta thường nhắc nhiều về ông qua những việc làm cụ thể, như: xây dựng Thư viện Quốc gia (nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM), xúc tiến việc thành lập Văn khố quốc gia và Nhà văn hóa, thành lập và đẩy mạnh hoạt động của Ủy ban Điển chế văn tự, lập Ủy ban dịch thuật và xuất bản các sách Hán Nôm quý hiếm, thành lập Chi nhánh Bảo tồn Cổ tích Huế.

Trong đạo pháp, ngoài chức vụ Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt từ năm 1955 đến 1973 (năm cư sĩ Chánh Trí quá vãng), cư sĩ còn đảm nhiệm các chức vụ Tổng Thư ký Tổng hội Phật Giáo Việt Nam (từ năm 1955 đến 1958), Phó Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam từ năm 1959 đến 1963, và có một thời gian ngắn làm Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nhưng vì bất đồng ý kiến về hệ thống tổ chức của Giáo hội, chỉ sau đó một tháng, ông rút lui về cương vị Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt. Trên trường Phật giáo quốc tế, Cư sĩ đã đảm trách Phó Chủ tịch Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới trong kỳ Đại hội Phật giáo Thế giới kỳ VI năm 1962 tổ chức tại Phnôm Pênh, Campuchia. Ngoài ra, Cư sĩ còn tham dự Hội nghị Văn hóa Phật giáo tại New Delhi, Ấn Độ, năm 1956, Hội nghị Văn hóa Phật giáo tại Tokyo, Nhật Bản, năm 1958, Hội nghị Phật giáo Thế giới lần VII tại Bénarès, Ấn Độ, năm 19643.

Trong giáo dục và hoằng dương Phật pháp, góp phần xây dựng Phật giáo vững mạnh, cư sĩ đã kết hợp với một số đạo hữu trí thức có đạo tâm thành lập Hội Phật học Nam Việt. Trong bản tuyên cáo thành lập Hội Phật học Nam Việt có chủ ý muốn thành lập một Phật học đường lớn để đào tạo tăng tài4. Hội đã mở các lớp Phật học phổ thông lúc bấy giờ do chư Thượng tọa Thiện Hòa, Trí Hữu, Thiện Hoa, Quảng Minh diễn giảng. Ông cũng tham gia soạn và giảng một số tiết mục cho học viên. Hàng tuần, tại chùa Xá Lợi, ông còn tổ chức các thời thuyết pháp cho đại chúng do ông mời các vị cao Tăng Đại đức trong nước hay nước ngoài đăng đàn. Có khi chính ông là giảng sư. Lúc Viện Đại học Vạn Hạnh được thành lập, tạm đặt tại chùa Xá Lợi trong khi chờ xây xong cơ sở, ông nhận làm giảng viên cho Viện trước tiên, và sau đó ông còn giữ chức Phụ tá Viện trưởng đặc trách hành chánh và tài chánh, kiêm Tổng Thư ký niên khóa 1967 – 1968.

Để truyền bá giáo lý Đức Phật và chuyển tải thông tin hoạt động Phật sự của Hội Phật học Nam Việt, xuất bản tạp chí Từ Quang do ông làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Tạp chí này suốt gần 24 năm liên tục (1951 - 1975) đã đóng góp không nhỏ cho công việc phổ biến Phật học ở Sài Gòn và các tỉnh. Tạp chí đã được chư Tăng bên Giáo hội Tăng già Nam Việt sốt sắng góp phần về phương diện biên tập. Chính ông là người viết thường xuyên trên Từ Quang. Với lối hành văn nhẹ nhàng, bóng bẩy và sâu sắc, với trình độ thâm hiểu nghĩa lý sâu xa của kinh điển, những bài ông viết đã được độc giả hoan nghênh, đã tạo cơ duyên cho nhiều người đến với đạo Phật. Ông cùng Hội Phật học Nam Việt đã thành lập trên 40 Tỉnh hội và Chi hội Phật học khắp miền Nam5. Từ năm 2012, tạp chí Từ Quang được tiếp tục ra mắt bạn đọc do Ban Phật Học chùa Xá Lợi, TT.TS. Thích Đồng Bổn chủ biên, Nhà xuất bản Phương Đông ấn hành.

Với cương vị cư sĩ Chánh Trí, ông đã kiến tạo cho Phật giáo một ngôi Tam bảo khang trang để làm nơi thờ tự. Đích thân cư sĩ lo liệu mọi thủ tục như xin phép xây dựng, xin phép tổ chức lạc quyên tạo nguồn kinh phí là chùa Phật học Xá Lợi. Chùa được xây cất trên khoảnh đất rộng 2.500 m2, đặc biệt tháp chuông của chùa Xá Lợi với một tỷ lệ cân xứng và những mái cong thanh nhã đã trở thành một biểu tượng đẹp tại TP.Hồ Chí Minh ngày nay6.

Trên lĩnh vực trước tác biên soạn, ông đã xuất bản các tác phẩm: Tâm Và Tánh (1950) Ý Nghĩa Niết Bàn (1962) Mt Đời Sống Vị Tha (1962) Tâm Kinh Việt Giải (1962) Le Bouddhisme Au Viet Nam (1962) Pháp Hoa Huyền Nghĩa (1964) Đa Tạng Mật Nghĩa (1965). Ngoài ra, còn một số tác phẩm chưa xuất bản như: Truyền tâm Pháp yếu; Tây du ký; Hư Vân lão Hòa thượng; Kinh Vô lượng thọ; Kinh Quán Vô lượng thọ; Mười lăm ngày ở Nhật; Vòng quanh Thế giới; Phật giáo; Đạo đời; Khảo cứu về Tịnh độ tông; Mật tông Kinh Lăng Nghiêm đang viết dở7.

Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền đã để lại ba dấu ấn quan trọng cho hàng hậu học. Đó là 1- Ông đã thể hiện trọn vẹn vai trò của người cư sĩ Phật tử đức độ trong quan trường. 2- Ông thành lập Hội Phật học Nam Việt và đứng ra xây dựng ngôi chùa lịch sử Xá Lợi, làm trụ sở cho hội, 3- hoằng pháp cộng đồng qua các công trình nghiên cứu, dịch thuật, biên tập và xuất bản kinh sách cũng như ra báo Phật giáo hàng tháng. Là tâm gương sáng cho hàng cư sĩ hậu học noi theo.

Mai Thọ Truyền với vai trò hộ đạo của người cư sĩ Phật giáo

Sự hộ pháp của hàng cư sĩ thời Đức Phật đơn giản trong khi hiện tại đa dạng và phức tạp. Ngày xưa, cư sĩ chỉ hộ pháp bằng cách cúng dường thức ăn hay không gian tu tập nhỏ nào đó thì ngày nay họ phải cúng dường nhiều thứ theo nhu cầu thực tế. Thời xưa, hàng cư sĩ không phải nghĩ đến việc hoằng pháp vì uy đức của Đức Phật và Tăng đoàn quá lớn và nếu có thì họ chỉ làm việc giới thiệu tín chúng đến gặp Phật hay Thánh chúng. Thời nay, việc hoằng pháp rất cần sự tham gia của cư sĩ thông qua sự giảng dạy, xuất bản hay giới thiệu Phật pháp và sự tu tập bản thân. Để thực hiện đúng vai trò đó, người cư sĩ học tập theo gương cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền.

Vai trò xây dựng cơ sở vật chất

Khi hướng về Tam Bảo, khuynh hướng truyền thống phổ biến nhất của giới Phật tử tại gia là nghĩ đến mái chùa và hình ảnh quý Thầy, quý Ni sư. Tuy động cơ tâm linh của Phật tử đến chùa có khác nhau về cách nhận thức và mức độ thể hiện, nhưng tất cả đều có một gốc rể chung là Tín Tâm hay lòng tin và kính Đức Phật và giáo lý của Ngài. Thế giới tâm linh riêng tư của từng cá nhân thường có điều kiện khai mở và un đúc trong khung cảnh thờ tự trang nghiêm của chùa chiền và tu viện, dưới sự dìu dắt tinh thần của Tăng, Ni. Ngôi chùa, vì vậy, không chỉ là ngôi nhà thờ tự mà còn là một thế giới thu gọn của một cộng đồng của những người có chung niềm tin. Với vai trò này, cư sĩ Chánh Trí là tấm gương sáng để giới cư sĩ mai sau nương theo.

Vai trò hộ đạo và hành đạo

Cư sĩ đóng vai chiếc cầu bắc qua dòng sông tâm ý và hành trạng để đưa đạo Phật vào cuộc đời. Đạo Phật và kinh điển nhà Phật không phải là một kho tàng tri thức đóng khung bất biến của nhân loại. Trái lại, đạo Phật là một hệ thống tư tưởng và nguyên tắc hành xử sinh động, không bị biến chất hay cô lập với thời gian và hoàn cảnh.  Đạo Phật không nhằm chế ngự tư duy của nhân loại như hệ thống luận lý học Tây phương mà tiếp cận với cuộc đời thường một cách bình đẳng và công minh. Từ hàng quý tộc đến giới cùng đinh; từ hàng thức giả đến giới không biết chữ đều là những chúng sanh có Phật tính và có khả năng giác ngộ. Bởi vậy, mọi người cư sĩ đều có tác dụng quan trọng ngang nhau trong vai trò hộ đạo và hành đạo. Làm cho đạo Phật sinh động trong môi trường sống hiện thực trước hết là cách sống của chính người cư sĩ. Muốn có sự hòa hợp với mọi người trong cuộc sống cần phải có tấm lòng, không chấp cái danh vô thường. Muốn có sự gần gũi và thân thiện với mọi người cần giảm thiểu tối đa thái độ thắc mắc, phê phán, lý sự mà giàu lòng cảm thông chia sẻ và khiêm tốn. Không phải gia đình nào cũng có cả vợ lẫn chồng và con cái đều là Phật tử. Không phải xã hội nào cũng chỉ có giới Phật tử thuần hành đến với nhau. Giới xuất gia là tấm gương đạo hạnh đã đành, nhưng hình ảnh giới Phật tử tại gia, hai tay nâng lấy cả việc đời lẫn việc đạo, mới chính là đại biểu đầy thuyết phục nhất để mang đạo vào đời. Là một chính khách, một Quốc vụ khanh kiêm Viện trưởng Giám sát viện, Cư sĩ Chánh Trí đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình trong đời và đạo.

Vai trò ủng hộ giáo dục Tăng tài

Bên cạnh quý Tăng Ni, giới Cư sĩ Phật giáo có một vị thế cốt cán và tiên phong trong vai trò giáo dục, góp phần hỗ trợ trong vấn đề đào tạo tăng tài. Sự hưng thịnh của Phật giáo xưa nay đều có một sự liên đới hữu cơ giữa tài năng (học thuật, nghiên cứu, sáng tạo…) của giới Tăng Ni và công cuộc hoằng dương đạo pháp. Tuy tinh thần Phật giáo không vụ bằng cấp, nhưng hoàn cảnh địa lý và xã hội đã thay đổi. Trong hoàn cảnh mới, vai trò của quý Tăng Ni càng nặng nề hơn. Những vai trò đó, đòi hỏi quý Thầy và quý Sư cô không chỉ thông thạo Kinh Tạng nội điển mà còn phải thông qua quá trình học hỏi tại các nhà trường hay Học viện nơi mình cư trú. Nếu giới Cư sĩ nhiệt tình gánh vác bớt một số công việc thích hợp giúp quý Thầy, Cô có thì giờ và phương tiện đi học thì đó cũng là một hành động gián tiếp góp phần đào tạo Tăng tài.

Không chỉ có giáo dục Phật giáo, Phật giáo còn phải có các hoạt động nghiên cứu lịch sử, triết lý đạo Phật, vận dụng tinh thần bi – trí - dũng của Phật giáo vào cuộc đời, vào hoạt động văn hoá văn nghệ, báo chí Phật giáo. Những hoạt động này chư vị tôn đức Tăng Ni không thể quán xuyến hết8. Vai trò giáo dục lúc này sẽ được hàng cư sĩ tri thức đảm nhận để truyền bá và hướng dẫn hàng cư sĩ thế học. Với vai trò này, cư sĩ Chánh Trí đã hoàn thành xuất sắc. Từ việc vận động xây dựng Hội Phật học Nam Việt đến tạp chí Từ Quang, từ xây dựng giáo trình đến giảng dạy giáo lý… Cư sĩ Chánh Trí – cư sĩ ưu tú nhất trong hàng cư sĩ Việt Nam.

 Tóm lại, cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền là người có công lớn lao đối với công cuộc hoằng dương chánh pháp, có thể nói ông là những bó đuốc sáng ngời trong dòng sử Phật giáo Việt Nam. Vào thời điểm mà kinh sách Phật giáo viết bằng chữ Việt còn rất hiếm, trình độ hiểu biết về giáo lý đạo Phật của đa số quần chúng Phật tử còn rất hạn chế; người cư sĩ vĩ đại ấy không chỉ lo tu hành cho bản thân, mà còn đem cả tâm huyết nghiên cứu, học hỏi để viết sách, dịch kinh phổ biến cho mọi người cùng tu học. Chúng ta có thể nói rằng giới Phật tử tại gia được nâng cao sự hiểu biết Phật pháp của mình, ngoài những buổi nghe quý thầy cô thuyết pháp ở chùa, một phần lớn khác cũng đã nhờ đọc những cuốn sách của ông.

 


1. H.T Thích Khế Chơn (2010); Cư Sĩ Phật Tử Cần Xác Định Vai Trò Và Trách Nhiệm Hoằng Pháp Của Mình; thư viện hoa sen https://thuvienhoasen.org/a15807/cu-si-phat-tu-can-xac- dinh-vai-tro-va-trach-nhiem-hoang-phap-cua-minh-h-t-thich-khe-chon-truong-ban-huong- dan-phat-tu-ghpg-thua- truy cập ngày 4/40/2019.

2. Tsung-mi and the sinification of Buddhism By Peter N. Gregory, Kuroda Institute, Published by Princeton University 1991, Trang 281

3. Nguyên Hậu (2010); Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền - Cuộc đời tận hiến; thư viện Hoa Sen; https://thuvienhoasen.org/a13371/cu-si-chanh-tri-mai-tho-truyen-cuoc-doi-tan-hien- nguyen-hau truy cập ngày 4/4/2019.

4. Thích Nhất Hạnh (2010); Cư Sĩ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền (1905 - 1973); Việt Nam Phật Giáo Sử Luận; Thư viện Hoa Sen https://thuvienhoasen.org/a13370/cu-si-chanh-tri-mai-tho- truyen-1905-1973-thich-nhat-hanh truy cập ngày 4/4/2019.

5. Thích Đồng Bổn (2010); Cư Sĩ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền (1905 - 1973); thư viện Hoa Sen; https://thuvienhoasen.org/a13369/cu-si-chanh-tri-mai-tho-truyen-1905-1973-thich-dong-bon truy cập ngày 4/4/2019

6. Thích Đồng Bổn (2010); Cư Sĩ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền (1905 - 1973); thư viện Hoa Sen; https://thuvienhoasen.org/a13369/cu-si-chanh-tri-mai-tho-truyen-1905-1973-thich-dong-bon truy cập ngày 4/4/2019

7. Nguyên Hậu (2010); Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền - Cuộc đời tận hiến; thư viện Hoa Sen; https://thuvienhoasen.org/a13371/cu-si-chanh-tri-mai-tho-truyen-cuoc-doi-tan-hien- nguyen-hau truy cập ngày 4/4/2019.

8. Tâm Hằng Nguyễn Đắc Xuân (2006); Cư sĩ Phật giáo trong thời đại mới; Hội thảo quốc tế: “Pht giáo trong thời đại mới: cơ hội và thách thức”; https://giadinhphattu.vn/Tham-khao/cu-si- phat-giao-trong-thoi-dai-moi-2199.html  truy cập ngày 4/4/2019.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Tâm Hằng Nguyễn Đắc Xuân (2006); Cư sĩ Phật giáo trong thời đại mới; Hội thảo quốc tế: “Pht giáo trong thời đại mới: cơ hội và thách thức”; https://giadinhphattu.vn/ Tham-khao/cu-si-phat-giao-trong-thoi-dai-moi-2199.html truy cập ngày 4/4/2019.

[2]. H.T Thích Khế Chơn (2010); Cư Sĩ Phật Tử Cần Xác Định Vai Trò Và Trách Nhiệm Hoằng Pháp Của Mình; thư viện hoa sen https://thuvienhoasen.org/a15807/cu-si-phat-tu- can-xac-dinh-vai-tro-va-trach-nhiem-hoang-phap-cua-minh-h-t-thich-khe-chon-truong- ban-huong-dan-phat-tu-ghpg-thua- truy cập ngày 4/40/2019.

[3]. Peter N. Gregory (1991); Tsung-mi and the sinification of Buddhism, Kuroda Institute, Published by Princeton University 1991, Trang 281.

[4]. Thích Đồng Bổn (2010); Cư Sĩ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền (1905 - 1973); Tiểu sử danh tăng TK XX; Thư viện Hoa Sen; https://thuvienhoasen.org/a13369/cu-si-chanh-tri- mai-tho-truyen-1905-1973-thich-dong-bon truy cập ngày 4/4/2019.

[5]. Nguyên Hậu (2010); Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền - Cuộc đời tận hiến; thư viện Hoa Sen; https://thuvienhoasen.org/a13371/cu-si-chanh-tri-mai-tho-truyen-cuoc-doi- tan-hien-nguyen-hau truy cập ngày 4/4/2019.

[6]. Thích Nhất Hạnh (2010); Cư Sĩ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền (1905 - 1973); Việt Nam Phật Giáo Sử Luận; Thư viện Hoa Sen https://thuvienhoasen.org/a13370/cu-si-chanh-tri- mai-tho-truyen-1905-1973-thich-nhat-hanh truy cập ngày 4/4/2018.

 

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 51
    • Số lượt truy cập : 6782342