Tin tức

Chùa Bạch Hào – Sự giao thoa giữa thờ Phật và thờ Thành Hoàng

CHÙA BẠCH HÀO - SỰ GIAO THOA GIỮA THỜ PHẬT

VÀ THỜ THÀNH HOÀNG QUA ĐỐI TƯỢNG THỜ CÚNG

HOÀNG THỊ THU HƯỜNG

 

1. Vài nét về chùa Bạch Hào

Chùa Bạch Hào hay còn gọi là chùa Hào Xá nằm trong làng Hào Xá, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Trước đó vùng này có tên là trang Hạ Hào, đến thời Hậu Lê, trang Hạ Hào đổi thành làng Hào Xá, thuộc xã Hương Đại, tổng Bình Hà, huyện Thanh Hà, phủ Nam Sách. Từ năm 1956, Hào Xá là một làng của xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương và tên gọi chùa Hào Xá là gọi theo tên làng.

 

Quang cảnh lễ dâng hương tại chùa

Làng Hào Xá nằm trên một giải đất hẹp ven sông Cửa Chùa - một nhánh của sông Hương. Theo thuyết phong thủy, thế đất của làng như hình con chim phượng hoàng xòe cánh, chùa Hào Xá tọa lạc trên đầu chim có chùm lông màu trắng nên có tên chữ là Bạch Hào tự tức là chùa Bạch Hào mà người dân vẫn quen gọi tắt là chùa Hào. Theo văn bia hiện còn thì chùa Bạch Hào có thể được xây dựng vào năm 1293 hoặc sau đó ít lâu theo lệnh của Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông.

Năm 1540, tăng phó Trần Như Thừa trụ trì, chùa có trên 60 gian, qua nhiều lần tu sửa, chùa hiện nay gồm 3 phần: Chùa chính, tháp chuông, nhà tổ. Ngoài ra còn có nhà tăng, nhà khách, nhà bếp. Nhà tổ có tượng Trần Nhân Tôn và tượng ba vị đã từng theo Trần Nhân Tông đi đánh giặc Nguyên Mông, sau lại tháp tùng Trần Nhân Tôn khi Trần Nhân Tôn đi giảng kinh ở các miền, rồi được vua ban làm trụ trì ở chùa Hào Xá, sớm hôm thờ Phật và dạy dân trong vùng canh tang nông nghiệp và bồi đắp phong tục.

Trong chùa ngoài những pho tượng như các chùa khác, ở bên phải và bên trái tượng Thích Ca, ngay sau hương án cộng đồng là tượng Trần Như Thừa.

Ngoài ra còn các pho tượng liên quan đến Phật giáo khác.

2. Các cứ liệu liên quan đến đối tượng thờ cúng

Hiện tại trong ngôi chùa này còn lưu giữ rất nhiều những cứ liệu có liên quan đến đối tượng thờ cúng, cụ thể như sau:

2.1. Bia và cây hương đá

Theo hồ sơ di tích thì ngôi chùa hiện nay còn lưu trữ 10 văn bia, trong đó có 2 văn bia ghi lại sự tích về ba vị tổ trụ trì ở chùa. Tuy nhiên, theo khảo cứu tài liệu tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, thì chùa Bạch Hào có 11 bản rập bia đá và 1 bản rập cây hương. Trong đó chủ yếu là bia hưng công, ghi lại công trạng của những người hảo tâm cúng dàng Phật pháp trong các dịp trùng tu. Ngoài ra chúng tôi quan tâm đến tấm bia có tựa đề: “Bạch Hào tự phụng tuyên ngọc phả bi kí”, bia có niên đại Minh Mệnh năm thứ 9 [1828]. Nội dung: Ghi lại xuất thân và công trạng của ba vị thành hoàng của làng.

Sau khi khảo cứu, chúng tôi nhận thấy nội dung của bia hoàn toàn trùng khớp với thần tích xã Hoàng Xá, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương[1]đã được Nguyễn Duy Hinh đề cập đến trong cuốn sách Tín ngưỡng Thành hoàng Việt Nam, được nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản năm 1996. Tuy nhiên, hai dòng cuối của văn bia: “佛祖仁宗皇帝– Phật tổ Nhân Tông hoàng đế” và “豪舍社古下豪村奉事– thôn Cổ Hạ Hào, xã Hào Xá thờ phụng” không xuất hiện trong bản thần tích nói trên.

Xin giới thiệu nội dung văn bia qua bản dịch thần tích của Nguyễn Duy Hinh:

“Trần triều Hộ tòng thần Phổ hộ cư sĩ thành hoàng đại vương.

Hộ tòng thần Phổ Tế cư sĩ thành hoàng đại vương

Hộ tòng thần Phổ Lại cư sĩ thành hoàng đại vương

Đất Việt xưa ở trời Nam thuộc vùng sao Ngưu, sao Đẩu...[2]

Trần triều, Phổ Hộ, Phổ Tế cư sĩ vốn có tổ tiên là người Lai Duệ đất Thanh Hoa, đời đời văn học, gia đình hiếu để, hùng trưởng một phương, giàu có sung túc. Cha là Nguyễn Duẫn, mẹ Phạm Thị Phương đều đã tuổi hơn bốn mươi mà vẫn chưa có con, trong lòng rất buồn. Một hôm nhân ngày giỗ tổ tiên, ông bèn than rằng: Nhà ta tích đức làm điều thiện, cái thiếu không phải là của cải, nếu một mai mất đi thì mộ phần tổ tiên biết gửi lại cho ai. Chi bằng phân phát của cải làm phúc, người đã tu thân thì ý trời ắt cũng chiều theo. Hà tất khư khư giữ lấy tiền của. Bèn làm điều nhân nghĩa, cứu giúp kẻ nghèo khó. Phàm thần từ Phật tự đều hưng công. Tại gia lập bàn thờ thờ Phật, ngày đêm hương hoa trà quả tụng kinh cầu khấn, trai giới lòng thành. Không tranh giành hơn thiệt với bất cứ ai. Tăng ni đạo sĩ không ai không kính. Thoảng hai ba năm, ban đêm trời trong trăng sáng, bà đang ngủ mộng thấy một cụ già râu tóc bạc phơ tướng mạo đường đường ngồi trên, hơn mười người theo hầu tưởng như mười tám La Hán đứng hai bên, gọi bà bảo rằng: Nhà người nhiều đời có âm đức, vợ chồng đều là người lành, nay tuổi đã cao, ta cho hai Phật đồng hiển vinh cửu nhà, sớm muộn đã định, lo sợ làm gì. Sai người bế đến hai cậu bé. Bà cả tỉnh dậy kể với chồng. Ông nghĩ lúc lâu rồi bảo rằng: Ý chắc trời không phụ lòng người, điều thần cho là điềm tốt lành vậy. Bà bèn có mang, mãn nguyệt sinh ra hai con trai mập mạp đủ chứng tỏ lời cụ già nói là đúng, tướng mạo khôi ngô giống như Phật đồng. Cha mẹ rất hoan hỉ, lập đàn trai tế cáo trời đất thần Phật, yến ẩm hoan lạc, sở nguyện đều thỏa mãn. Khi lên mười hai, mười ba tuổi hai con đều thông minh dĩnh ngộ, văn học làu thông chư tử bách gia, bèn đặt tên là Nguyên và Quang. Hai ông Nguyên và Quang cùng với ông Lý Đình Khuê là người làng đồng tuế với nhau cùng nhau đi học, thân thiết như anh em. Ba người một đàn, một hạc cùng nhau đến chơi Trường An làm bài phú có câu: Thành thị lâu đài giai bảo tướng. Giang sơn hoa thảo tổng đan thanh (ý nói lâu đài của thành thị như ngọc báu, cây cỏ của giang sơn như bức tranh). Một bài phú khác có câu: Ngân bình ngọc trướng chu tao khởi, Tú hộ chu liêm thứ đệ khai (nghĩa là: Trướng ngọc mành bạc cuốn lên, rèm ngọc cửa son lớp lớp mở). Đám sĩ tử không ai không tán thưởng. Lúc bấy giờ hoàng đế Thánh Tông năm Bảo Phù thứ hai năm Giáp Tuất (1276) tuyển nho sĩ trong thiên hạ lấy người có đức hạnh vào hầu Đông Cung. Lê Phụ Trần làm Thiếu sư kiêm Trừ cung giáo thụ. Ba ông nhờ giảng được nghĩa Tứ thư Ngũ kinh nên được sung vào nội thị học sĩ. Về sau Thái tử yêu văn tài của họ cho làm Quốc tử tư nguyện thay nhau giảng kinh nghĩa nên càng thân yêu. Lúc bấy giờ vua lập các Phạn cung Quỳnh Lâm, Hoa Yên, lại mở giới đàn ở kinh sư, thường có năm trăm nhà sư tham dự. Thái tử đã có chí tu hành, ngày đêm cùng ba ông tụng kinh không mệt mỏi. Thái tử thường đến núi Yên Tử chơi. Ba ông thừa mệnh hộ tống, lúc ngắm sông nước, lúc dạo chơi dưới trăng bên dòng nước, lúc tản bộ trên núi, làm bạn cùng gió mát trên sườn núi khoáng đãng. Hai ông không rời thái tử, tình thân như thủ túc. Năm thứ 6 năm Mậu Dần (1278) thái tử lên ngôi hoàng đế hiệu là Nhân Tông. Lúc bấy giờ người Nguyên Thoát Hoan xâm lấn. Quân Nguyên chiếm Vạn Kiếp, núi Phả Lại, đại phá Gia Lâm, Vũ Ninh, Đông Ngàn tiến bức kinh sư. Vua tâu Thái thượng hoàng đến Tam Trù Nguyên. Ba ông tùy tòng hộ giá. Sau quân Nguyên lại sai Thoát Hoan đốc suất quân lính chia nhiều đạo trực tiếp vào kinh sư. Vua đưa Thái thượng hoàng đi về phía Nam. Ba ông cũng hộ tòng. Sau khi thắng lợi, cáo thắng ở Chiêu Lăng, xa giá về kinh sư. Bình xét công lao chống Nguyên, vua cho rằng ba ông có công lặn lội hộ tòng bèn phong Hàn lâm học sĩ. Ban ngày vua xem việc nước, ban đêm cùng ba ông bàn luận cái xảo diệu của tâm học. Vua rất bằng lòng. Năm Quý Tị (1293) vua truyền ngôi cho Hoàng thái tử. Vua thường cùng ba ông dạo núi Yên Tử và các núi Lôi Âm vùng An Quảng, giảng giải nội điển. Qua huyện Nam Sách, Thanh Hà của Hải Dương thả thuyền trên Thanh Giang vào thôn Hạ Hào xã Bình Kha ngắm nghía thế núi sông hợp cảnh hợp người, vua bèn lập chùa Phật Bảo Giám. Cảnh thiền bất lão, thềm đá cửa vàng, phong cảnh như mới, trai giới cung dưỡng lòng thành niệm Phật. Lúc nhàn rỗi cùng ba ông đánh cờ làm vui. Vua gọi ông Nguyên là Phổ Hộ cư sĩ, ông Quang là Phổ Tế cư sĩ, ông Khuê là Phổ Lại cư sĩ. Hứa cho chủ trì đạo tràng trong chùa, ngày tháng nhàn nhã. Ba ông lĩnh mệnh, bái tạ công danh, từ bỏ thế tục, theo đường tế độ cùng dân khuyến khích nông tang đắp nền tục tốt, trẻ già trong thôn ai cũng nương nhờ. Trong ba bốn năm không biết gì ngoài công việc chùa, không biết hơn thua sủng nhục. Sau vua triệu cùng đi Yên Tử. Không rõ tuổi thọ của ba ông. Thấy ghi rằng thời Anh Tông lên ngôi truy phong thành hoàng đại vương. Trải qua... các triều vua đều hộ quốc bảo dân linh ứng, các đời đều gia phong mỹ tự, sắc mệnh hưởng cúng tế đời đời làm phúc thần, khiến dân lập miếu phụng sự hương hỏa bất tuyệt muôn đời trường tồn vậy!”.[3]

2.2. Hoành phi, câu đối

Trong chùa còn lưu giữ nhiều hoành phi câu đối ca ngợi Phật pháp và ba vị cư sĩ Thành hoàng đã nhắc đến ở trên. Sau đây, chúng tôi chỉ giới thiệu đến các hoành phi, câu đối liên quan đến ba vị thành hoàng,

- Ở trong nhà tổ

Câu đối:   

Hộ tòng thần thế Tam công miếu

Tự hưởng Hào trang vạn cổ thần

(Miếu thờ tam công theo hầu vua

Bậc Thần hưởng tế muôn đời trang Hào Xá)

- Hào tướng lưu quang (Tướng làng Hào tỏa sáng mãi)

Ngoài ra, chùa còn lưu giữ được 7 sắc phong, tất cả đều mang niên hiệu của các vị vua triều Nguyễn và đều là sắc phong thành hoàng, gia tặng mỹ tự cho ba vị cư sĩ trụ trì như đã giới thiệu ở trên.

- Tự Đức lục niên: 1853

- Tự Đức tam thập tam niên: 1880

- Đồng Khánh tam niên: 1888

- Duy Tân tam niên: 1909

- Khải Định cửu niên: 1924

- Khải Định cửu niên: 1924

- Một sắc phong bị rách mất một nửa nên không rõ niên hiệu, chỉ biết sắc này phong cho ông Phả tế.

2.3. Lễ hội làng Hào Xá


Rước mâm quả của các dòng họ trong xã từ nhà Tổ qua sân chùa

10 đội nam, nữ trong thôn xã  thi đua thuyền

Các đội đua thuyền chải thi nấu cơm trên thuyền trong vòng 20 phút

Xưa kia, lễ hội chùa Hào Xá hàng năm mở từ ngày 4 đến ngày 6 tháng Giêng âm lịch - là ngày Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông về thăm chùa. Đây là một trong số ít lễ hội truyền thống mùa xuân sớm nhất tỉnh. Cũng như nét đặc sắc của di tích, nét đặc sắc của lễ hội chùa Hào Xá là gắn lễ Phật, tưởng niệm Đức vua- Phật hoàng Trần Nhân Tông, ngoài ra còn tưởng niệm ba vị thành hoàng như thần tích đã ghi. Trong phần lễ, không có rước nước, rước văn, thay vào đó là rước sắc phong đặt trong kiệu long đình. Các dòng họ trong làng cũng đem kiệu long đình riêng của họ mình ra rước sắc phong. Sáng sớm ngày mồng 4, các sắc phong được chuyển vào các kiệu long đình, rước từ chùa Hào ra đình Đụn để tổ chức tế lễ. Mồng 5 rước các sắc phong trở lại chùa, tiếp tục tế lễ. Tham gia đội tế có 16 người là nam giới phân bổ theo các giáp. Trang phục của đội tế là quần áo màu vàng. Chủ tế mặc áo thụng xanh, quần trắng. Nội dung tế có đủ xướng quan, hầu tế và thủ tục tế chỉ gồm dâng hương hoa và lễ tạ, với quan niệm nhà chùa chỉ dùng đồ chay tịnh. Lễ vật dâng cúng cũng là cỗ chay gồm xôi oản, ngũ quả, các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, do các giáp cử người làm. Lệ này đến nay vẫn còn song có cải tiến, lễ chay do ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội phối hợp với nhà chùa chủ trì, các xóm thi làm cỗ chấm giải để cúng Phật và thành hoàng. Chỉ có lễ vật cúng Hà bá khi tổ chức thi bơi thuyền mới thêm sỏ lợn. Mâm lễ đặt trên bệ đá thờ Hà bá. Nhà sư trụ trì và đại diện các giáp tiến hành làm lễ. Sáng ngày mồng 6, làng rước các sắc phong ra miếu thờ ba vị thành hoàng để tế lễ và tổ chức diễn xướng trước khi kết thúc ba ngày lễ hội. Những người tham gia diễn xướng mặc trang phục chiến binh thời xưa, vác bát biểu, xà mâu đi liền sau kiệu long đình, múa xà mâu theo các thế võ, diễn lại sự tích ba vị cư sĩ tả xung hữu đột, chỉ huy quân sĩ đánh giặc Nguyên Mông. Nét đặc sắc nữa là trong phần hội, ngoài các trò chơi dân gian như lễ hội làng ở nhiều nơi, lễ hội chùa Hào còn có thi bơi thuyền. Tương truyền, thi bơi chải trong lễ hội chùa Hào có từ thời Trần, ngay sau khi ba vị Nguyễn Danh Quang, Nguyễn Danh Nguyên và Lý Đình Khuê qua đời. Môn thi này không chỉ gợi lại hình ảnh hào hùng của chiến thắng trên sông Bạch Đằng đánh bại giặc Nguyên Mông của quân dân thời Trần, tái hiện công lao của thành hoàng dạy dân luyện tập bơi thuyền, mà còn thể hiện tinh thần thượng võ của người dân sống trong vùng sông nước. Xưa kia, làng Hào Xá có ba giáp Nam, Đông, Đoài, mỗi giáp có một đội bơi thuyền riêng, vì vậy thể thức bơi ở đây có ba chải (ba thuyền). Thuyền chải đóng bằng gỗ gọn nhẹ, thuôn dài hình lá mây. Thuyền của mỗi giáp có 18 hoặc 20 nam giới ngồi bơi, đầu đội mũ, lưng thắt dây với màu sắc xanh, trắng, vàng khác nhau để dễ phân biệt. Riêng người chỉ huy thuyền đội mũ đỏ, thắt lưng đỏ. Đến nay, tuy chia làm 5 xóm nhưng làng vẫn duy trì 3 đội thuyền. Mỗi thuyền có 6 cặp bơi chèo, 1 người tát nước, 1 người lái thuyền và 1 người chỉ huy đánh phách hiệu lệnh. Không chỉ có nam mà nữ cũng hăng hái dự thi. Thuyền nam thì trang phục vẫn như ngày trước. Thuyền nữ thì mặc quần áo thể thao gọn ghẽ. Điểm xuất phát và đích đều nằm trong đoạn sông Cửa Chùa nên tập trung được người xem. Hội thi bơi thuyền cuốn hút cả làng tham gia, người dự thi thì đem hết sức mình ra bơi chèo, sao cho thuyền mình lao đi vun vút, về đích trước để giật giải; người xem đứng trên bờ thì hò reo cổ vũ nhiệt tình, cùng với tiếng trống giục giã làm náo động cả một không gian đầy hương sắc mùa xuân trước cửa chùa. Trên địa bàn tỉnh Hải Dương, hiện không còn nhiều lễ hội truyền thống có trò thi bơi thuyền, nên bơi thuyền trong lễ hội chùa Hào rất đáng giữ gìn và phát huy, để vừa thu hút khách thập phương, vừa rèn luyện, đào tạo vận động viên môn bơi thuyền. Những năm qua, năm nào các đội thuyền nam, thuyền nữ của Hào Xá cũng được mời dự các giải thể dục thể thao của huyện, tỉnh và từng nhiều lần giật giải. Xưa kia, trong lễ hội chùa Hào còn có các trò chơi hấp dẫn như móc chạch và bắt vịt độc đáo. Người ta đào một lỗ nhỏ chỉ đủ cho hai người thọc một cánh tay vào, đổ đầy bùn và thả con chạch trấu xuống lỗ. Người chơi cùng thọc tay vào lỗ móc trạch, ai bắt được trạch là giật giải. Nhưng chẳng mấy người bắt được chạch vì bùn trơn và vì “lẩn như chạch”, có khi chạch lẩn mất tăm. Ngày nay, con chạch khó kiếm được thay bằng củ chuối gọt tròn. Vì củ chuối tròn và có nhựa cũng trơn như chạch, lỗ lại hẹp nên cũng chẳng có mấy ai móc được. Tuy vậy, dường như trò chơi càng khó càng thu hút người chơi, mặc cho quần áo, mặt mũi lấm bê bết đất bùn. Xưa kia, trò chơi bắt vịt ở đây cũng khác với các nơi. Trong cái rét ngọt của tiết đầu xuân và nước sông lạnh buốt, người chơi phải lặn ngụp dưới nước để đuổi theo đàn vịt. Khi bắt được vịt rồi, vẫn phải lặn dưới nước và dùng tay moi mề vịt ra, sau đó ngậm mề vào miệng mới được nổi lên. Ai làm được như vậy sẽ giật giải. Ngày nay, chi tiết moi mề vịt dưới nước và ngậm cái mề vịt sống vào miệng đã bị bỏ để bảo đảm vệ sinh. Trò thi nấu cơm trên thuyền - một hình thức nâng cao của thi bơi chải cũng là nét khác lạ của chùa Hào. Người thi ngồi trên thuyền, phải bắc bếp nấu cơm bằng củi. Người “phá đám” hay “thử tài” ngồi trên thuyền khác, lấy tay lay thuyền có người ngồi nấu cơm làm cho thuyền tròng trành liên tục, lại còn té nước vào thuyền. Tất nhiên, để tránh làm tắt bếp, lệ qui định người té nước không được té thẳng vào bếp của người nấu cơm. Kết quả, người nào không để bếp bị đổ và nấu chín cơm trước mới được chấm giải[4].

3. Sự giao thoa giữa thờ Phật và thờ Thần thành hoàng thể hiện qua đối tượng thờ cúng.

Có lẽ, ít nơi như chùa Hào vừa thờ Phật, vừa thờ thành hoàng, mặc dù Thanh Xá còn có đình Trong (tức đình Đụn) ở thôn Hào Nam, đình Ngoài ở thôn Hào Bắc, đình Trại ở thôn Hào Đông cũng thờ ba vị thành hoàng. Điều này, khiến chúng ta đặt ra câu hỏi: liệu có đúng là các vị thành hoàng được thờ ở chùa ngay từ ban đầu? Có thể các vị ấy đã được thờ chính ở một trong những ngôi đình trong làng, và sau đó do một lí do nào đó mà được chuyển vào chùa?

Căn cứ vào nội dung văn bia ngọc phả được giới thiệu ở phần trên, chúng ta thấy có ba điểm cần chú ý:

Điểm thứ nhất: Khi nói về xuất thân của ba vị thành hoàng đồng thời là ba vị tổ trong chùa Bạch Hào, ngọc phả đã nhắc đến xuất thân theo mô típ thần kì của Phổ Hộ và Phổ Tế cư sĩ thành hoàng, điểm đặc biệt là ngay từ đầu, sự xuất thân đó đã mang màu sắc Phật giáo với sự xuất hiện của cụ già râu tóc bạc phơ cùng với những người theo hầu trông tựa như mười tám vị La Hán. Hơn nữa, hai ông còn là đầu thai của Phật đồng (tức là con Phật).

Điểm thứ hai: Các ông tuy có xuất thân như vậy nhưng lại tinh thông Tứ thư, Ngũ kinh và Bách gia chư tử, bên cạnh đó còn có thể cùng vua Nhân Tông tụng kinh niệm Phật và luận bàn “cái xảo diệu của tâm học”.

Điểm thứ ba: Ba vị được vua ban cho làm trụ trì ngôi chùa trong thôn Hạ Hào, xa lánh cõi tục và giúp dân mở mang ruộng đất. Sau hóa, ba vị được vua Anh Tông truy phong làm thành hoàng đại vương.

Ngoài những hoành phi câu đối thờ ở nhà Tổ, như đã nêu trên, chùa còn lưu giữ được 7 sắc phong, tất cả đều mang niên hiệu của các vị vua triều Nguyễn và đều là sắc phong thành hoàng, gia tặng mỹ tự cho ba vị cư sĩ trụ trì.

Hơn nữa, trong lễ hội làng Hào Xá, cũng có những chi tiết cho thấy mối liên hệ giữa chùa và thành hoàng làng: Trong phần lễ, không có rước nước, rước văn, thay vào đó là rước sắc phong đặt trong kiệu long đình. Các dòng họ trong làng cũng đem kiệu long đình riêng của họ mình ra rước sắc phong. Sáng sớm ngày mồng 4, các sắc phong được chuyển vào các kiệu long đình, rước từ chùa Hào ra đình Đụn để tổ chức tế lễ. Mồng 5 rước các sắc phong trở lại chùa, tiếp tục tế lễ.

Đó chính là những bằng chứng hết sức xác đáng để chứng minh cho việc thờ ba vị thành hoàng trong chùa là việc có thật và hoàn toàn tự nhiên chứ không phải vì bất kì một lí do chủ quan nào khác.

Điểm đặc biệt là vấn đề giao thoa giữa thờ Phật và thờ Thành hoàng ở đây đã được người dân khéo hợp thức hóa bằng một câu chuyện thần kì về các vị thành hoàng. Họ là đầu thai của Phật đồng, sau theo hầu vua và đi tu; khi hóa, được phong thành hoàng vì những chiến công lập được trong khi sống và cả sự hiển linh sau khi mất. Về mặt này, chúng ta thấy sự tương đồng về mô típ đối với chùa Yên Phú, huyện Thanh Trì, Hà Nội[5]. Đó là việc thành hoàng làng vừa được thờ ở đình đồng thời cũng được thờ ở chùa. Tuy nhiên, những thành hoàng này không phải nhân thần mà là thủy thần đã được nhân hóa bằng cách trở thành con nuôi của vị nữ trụ trì chùa Yên Phú.  Các ông không đi tu nhưng sống và lớn lên trong môi trường Phật giáo, cùng mẹ nuôi là Phương Dung đầu quân cho Hai Bà Trưng và lập nhiều chiến công hiển hánh, sau khi mất còn hiển linh giúp dân và bảo vệ đất nước, sau được phong là thành hoàng được thờ ở cả hai nơi như trình bày ở trên. 

Điểm này rất phù hợp và đúng như sự phân tích của Nguyễn Duy Hinh trong cuốn Tín ngưỡng thành hoàng Việt Nam. Trong sách, tác giả đã phân ra năm hình thức thành hoàng liên quan đến Phật giáo: (1) Thành hoàng là cư sĩ, là tín đồ Phật giáo; (2) Thành hoàng là bậc xuất gia tu hành; (3) Thành hoàng là Phật tử được Phật đầu thai; (4) Thành hoàng là Diêm La Phật tử hay Diêm La Thiên tử, là một nhân vật lịch sử vốn có tên là Lý Phật Tử; (5) Thành hoàng liên quan đến Phật giáo còn có ở một số dạng thức khác, như Quan Âm giáng sinh làm Đức vua Bà đại vương, là tướng của Hai Bà Trưng[6]... Với trường hợp này, sự giao thoa rơi vào hình thức thứ hai, thành hoàng là bậc xuất gia tu hành, tuy nhiên trước đó họ cũng là cư sĩ (do vua ban tặng), là đầu thai của Phật đồng, có công “theo đường tế độ cùng dân khuyến khích nông tang đắp nền tục tốt”, sau hóa lại hiển linh nên được vua Anh Tông phong làm thành hoàng, còn lệnh cho thôn Cổ Hạ Hào, xã Hào Xá thờ phụng.

Đôi lời nhận xét: Như vậy, qua nghiên cứu đối tượng thờ cúng ở chùa Bạch Hào đã cho thấy sự giao thoa giữa thờ Phật và thờ thần Thành hoàng. Sự giao thoa này được khéo léo xây dựng bằng cách sáng tạo lên một thân thế thần kì của các nhân vật. Trong ba con người ấy có sự tổng hòa của nhiều yếu tố khác nhau: Tiền thân là Phật đồng, sinh ra được tôi luyện theo kiểu Nho giáo nhưng lại tinh thông về Phật giáo, cùng là trụ trì một ngôi chùa, có công trong việc phò vua giúp nước, sau khi mất, lại hiển linh, được vua Trần Anh Tông truy phong thành hoàng. Mô típ nhân vật tinh thông một lúc nhiều kiến thức của các loại hình tôn giáo khác nhau: Phật giáo, Nho giáo và tục thờ cúng thành hoàng không phải là hiếm trong gia đoạn lúc bấy giờ. Có lẽ những nhân vật này đã được xây dựng dựa trên những đặc tính tôn giáo của xã hội Việt Nam đương thời: đó là xu thế hòa đồng tôn giáo. Chính vì vậy, sự giao thoa tôn giáo ở đây không chỉ dừng lại ở mối quan hệ giữa thờ Phật và thờ thần thành hoàng mà còn có sự tham dự của yếu tố Nho giáo. Tuy nhiên, nổi trội hơn vẫn là yếu tố Phật và Thành hoàng.

Điều đáng ngạc nhiên là giữa hai yếu tố tôn giáo có nhiều điểm khá khác nhau - một là tục thờ cúng Thành hoàng với những quy định ngặt nghèo về đối tượng thờ cúng, về kiêng kị và tục hèm... và thường khép kín cho một số đối tượng tham dự mà trong đó chủ yếu là đàn ông, còn một bên lại gần gũi, dân dã và mở rộng đến đối tượng phụ nữ lại có thể liên kết lại với nhau. Đáp áp của câu hỏi đó có lẽ chính là tâm thức tôn giáo của người Việt,  những người đã chủ động gạt bỏ những điểm khác biệt và đem hai yếu tố tôn giáo xích lại gần nhau, hòa quyện với nhau để thỏa mãn chính nhu cầu tâm linh của mình.


[1]Theo ghi chép của trong Thần tích.

[2] Lược bớt phần mở đầu: Nội dung nói đến vị trí nước Việt, sử nước ta từ thời Lạc Long quân và Âu cơ đến Đinh, Lê, Lí, Trần...

[3] Nguyễn Duy Hinh, Tín ngưỡng Thành hoàng Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, H. 1996, tr 236 – 240.

[4] Nguồn: Lễ hội dân gian Tỉnh Hải Dương: http://vhttdlhd.vn/pages/chitiettin.aspx?newsId=82e66b91-3cb0-4a14-b1ab-719bb74d7bc4

[5]Xem Nguyễn Quốc Tuấn, Thích Thọ Lạc (2011), Chùa Yên Phú, lịch sử và hiện tại, Nxb. Hồng Đức

[6] Xem sách đã dẫn, tr. 229 - 264

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 5)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 4)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 3)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 6
    • Số lượt truy cập : 6688084