Tin tức

Chùa Linh Nguyên ở Đức Hòa

CHÙA LINH NGUYÊN Ở ĐỨC HÒA

HỮU CHÍ

Ở về bên phải tỉnh lộ 10 hướng TP.HCM – Đức Hòa, cách ngã tư Đức Hòa 300m , có con lộ đá trải nhựa thâm nhập rộng 3m, chạy quanh quanh vào một thôn xóm có nhà dân khoảng 500m là đến cổng chùa Linh Nguyên.

Chùa Linh Nguyên tọa lạc trên mặt bằng một gò đất rộng cao hơn 1m so với mặt ruộng ở ấp Bình Tả 1, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Các nhà khảo cổ cho biết vùng đất này từng là vị trí của một công trình kiến trúc tôn giáo thuộc văn hóa Óc Eo.

Theo tư liệu của chùa, chùa Linh Nguyên do Thiền sư Hải Tịnh, gia phổ đời thứ 37 thuộc phái Thiền Lâm Tế dòng Đạo Bổn Nguyên khởi dựng năm 1820, Buổi đầu chùa chỉ là một thảo am. Thiền sư cho biết trong số các tăng sỹ cùng tu tại am tự này, có một đệ tử pháp danh Minh Nguyên rất thông minh và có “tánh linh”.  Được sự giúp đỡ của bổn đạo và bá tánh, am tự trở thành ngôi chùa khang trang hơn nên Thiền sư có ý định đặt tên chùa. Thiền sư bèn lấy chữ “Linh” và chữ “Nguyên” ghép lại thành hai chữ LINH NGUYÊN đặt cho tên chùa với ngụ ý nhờ vào sự linh hiển của chư Phật, chùa Linh Nguyên sẽ được tồn tại ở vùng đất mới và là nơi linh thiêng để bá tánh được các vị hòa thượng trụ trì hướng dẫn tu hành.

Thiền sư Hải Tịnh (1788 – 1875) từng là trụ trì đời thứ 2 chùa Giác Lâm - một ngôi chùa cổ nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Chùa Linh Nguyên qua tám đời khai sáng truyền thừa, đến nay vẫn giữ được nét cổ kính mang phong cách và giá trị thời đại. Nhìn từ ngoài, chùa Linh Nguyên được ôm lấy bởi tán lá cổ thụ. Thấp thoáng xung quanh chùa là những ngôi mộ tháp của các vị sư trụ trì và những tăng sĩ đã tu hành ở đây làm cho ngôi chùa có vẻ u tịch, cổ kính.

Cổng tam quan chùa Linh Nguyên

Ngôi chùa ở về phía trái cổng tam quan. Sân chùa lát gạch tàu. Nhìn từ chính diện, khách hành hương không thấy có tượng Phật, bảng hiệu chữ Hán hay chữ Việt như ở các ngôi chùa khác.  Mặt tiền chùa thể hiện nhiều nét giao lưu văn hóa qua lối trang trí đắp nổi dạng đầu cột, dây lá phong cách phương Tây, trông như một ngôi nhà xưa của các ông cai tổng, hương cả hay phú ông ở thôn quê thuở trước, có hành lang  phía trước và hai bên, phần kiến trúc trông rất nghệ thuật nhờ các bệ lan can có nhiều gối đở hình cách điệu xinh xắn cùng các bao lơn hình cánh cung và các cột gạch  có đắp phù điêu hoa văn, phối hợp cân đối, tạo thành nét đẹp hài hòa thanh nhã.

Mặt tiền và bên hông chùa Linh Nguyên thoạt trông như một ngôi nhà xưa

Nhưng khi vào bên trong mới thấy lối bày trí thờ phượng vô cùng trang nghiêm của một ngôi chùa. Về bày trí và thờ tự, chùa có 31 pho tượng bằng gỗ mít, 3 tượng thếp vàng, còn lại là sơn nhựa thông có niên đại thế kỷ XIX đầu XX, được bố trí theo công thức tiền phật hậu tổ. Tại Chánh điện, bộ Tam thế ở trung tâm được bố trí theo chiều dọc từ trên xuống gồm tượng A Di Đà, Bổn sư Thích Ca Mâu Ni và Di Lặc. Hai bên tượng A Di Đà là tượng Quan Âm và tượng Thế Chí. Các tượng Thiện Hữu Thiện Báo và Ác Hữu Ác Báo bố trí ở hai bên tượng Thích Ca. Phía dưới bộ Tam Thế là tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu. Dưới cùng là bàn Tam bảo bố trí 5 tượng theo chiều ngang gồm Phật Thích Ca và bốn vị Bồ tát trong tư thế “thượng kỵ thú” đang ở tinh thần nhập thế. Đối diện Chánh điện là tượng Tiêu Diện, Hộ Pháp, giữa là Địa Tạng ở dạng tranh. Dọc hai bên chánh điện là hai bộ tượng Thập Điện Diêm Vương. Sau vách ngăn Chánh điện là bàn thờ Tổ đặt 8 linh vị chạm nổi sơn son thếp vàng cùng 6 dỉ ảnh của các vị trụ trì. Nhà Cầu  đặt một pho tượng Chuẩn Đề 18 tay và tượng Thiên Thủ - Thiên Nhãn bằng gỗ mít. Chùa còn có hai chuông đồng, một chuông lớn có niên đại Quý Mão niên (1843) và một chuông nhỏ đầu thế kỷ XX, một bộ trường kỷ chạm lộng các đề tài “hoa điểu” và 2 bộ bàn dài chạm nổi chân móng, song tiện ở niên đại từ đầu đến giữa thế kỷ XX).

Chùa Linh Trung đả qua 2 lần trùng tu lớn vào các năm 1902 và 1952. Chùa được trang trí 7 bao lam chạm lọng. Đặc biệt bao lơn ở chánh điện đặc sắc hơn cả, là sự kết hợp giữa kỹ thuật chạm lọng và tạc tượng tròn, đề tài đặc trưng Phật giáo: La Hán thượng kỵ thú. Các bao lơn còn lại thể hiện đề tài tứ linh. Nghệ thuật trang trí ở chùa Linh Nguyên còn được thể hiện sắc sảo và công phu các đề tài tứ linh, dây lá, hồi văn ... Khối lượng lớn nội dung văn tự ở chùa Linh Nguyên trên hoành phi, đối liễn, phù điêu, chuông đồng là nguồn tư liệu quí nghiên cứu về Hán văn cổ tự và văn hóa Phật giáo Nam Bộ vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Bàn thờ Phật ở Chánh điện

Ngôi chùa có hai phần kiến trúc rõ rệt. Phần xây dựng lâu năm đã được trùng tu vào đời trụ trì của HT Minh Phương, và HT Từ Nhẫn và phần xây dưng  gần đây là trong thời gian Hòa thượng Thiện Phúc đương nhiệm trụ trì.

Ngôi chùa xưa có kiến trúc mặt bằng tính theo mái lợp ngói vẩy cá có dạng kiểu chữ “Tam”, đặc trưng kiến trúc của chùa cổ Nam bộ, gồm ba dãy nhà chạy song song theo chiều ngang là Chánh điện, Nhà “cầu” (có giếng trời ở phần giữa, nối liền nhà trước với nhà sau) và  Nhà Trai đường (trước đây là Nhà giảng). Diện tích mặt bằng kiến trúc xưa được 600m2 (15 x 40m). Phần xây dựng gần đây là Nhà Thiền của trường hạ (nối tiếp Nhà Trai đường), Nhà khách (ngang hông vách tường phải Nhà Trai đường). Diện tích phần xây dựng mới khoảng 300m2. Phần đất trống có tường rào của chùa còn khá rộng.

Chánh điện có 8 cột gỗ đường kính 30 - 40 cm cao 6 – 7 m, và Nhà trai đường có 16 cột gỗ tròn đường kính 30cm cao 6 – 7 m, với nước sơn son bóng láng. Kết cấu Chùa Linh Nguyên kiểu “đâm trính cột kê” tạo dáng vuông “tứ tượng” trên Chánh điện và được mở rộng ra bốn hướng bằng bộ kèo đâm, kèo quyết tạo thêm tám ngăn nhỏ theo kiểu “tứ tượng bát quái” - một kết cấu rất phổ biến của kiến trúc đình chùa Nam bộ vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Toàn bộ khung sườn đều bằng danh mộc.

Chùa Linh Nguyên đã trải qua 8 đời truyền thừa của các vị Hòa thượng trụ trì:

Đời thứ   1:  HT  Tiên Giác – Hải Tịnh    1820 –1825 

              2:  HT  Minh Nguyên              1825 - 1860

              3:  HT  Minh Phương             1860 - 1919

              4:  HT  Như Quý                    1919 - 1936  

               5:  HT  Như Đạt                        1936 - 1939

               6:  HT  Từ Nhẫn                       1939 - 1949

               7:  HT  Huệ Sơn                       1949 - 1968  

               8:  TT  Quảng Nhuận               1968 – 1991

Hòa thượng Minh Phương là vị trụ trì đầu tiên viên tịch tại chùa nên được xem như Tổ đầu tiên chùa Linh Nguyên.

Bàn thờ Tổ có thờ 8 linh vị hòa thượng trụ trì. Hàng trên: từ trái qua phải, Di ảnh HT Huệ Sơn, HT Minh Phương, HT Từ Nhẫn. Hàng dưới: từ trái qua phải, Di ảnh TT Quảng Nhuận, HT Như Đạt, Yết Ma (?)

Hiện nay trong khuôn viên chùa có 4 ngôi mộ tháp trong đó có 3 tháp của 3 vị hòa thượng trụ trì đã viên tịch tại chùa là Hòa thượng Minh Phương, Hòa thượng Từ Nhẫn và Hòa thượng Huệ Sơn và ngôi mộ tháp của Yết Ma...

Mộ tháp Hòa thượng Từ Nhẩn cao 9 tầng.

Thời gian sau năm 1991 chùa không có trụ trì, chỉ có chư tăng. Nơi đây là văn phòng Ban đại diện Phật giáo huyện Đức Hòa do Thượng tọa Thích Trí Khai phụ trách. Cho đến năm 2000, Đại đức Thích Thiện Phúc, một vị tăng tu nhiều năm ở chùa Linh Nguyên được Giáo hội Phật giáo bổ nhiêm trụ trì và hiện nay đương nhiệm Hòa thượng trụ trì chùa Linh Nguyên, một ngôi chùa đã hiện diện gần 200 năm trên phần đất của huyện Đức Hòa tỉnh Long An.

Hòa thượng Thiện Phúc sinh năm 1945, thế danh Nguyễn Ngọc Thành, người xã Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (TP.HCM), xuất gia tại chùa Linh Nguyên từ năm 1968. Hòa thượng Thiện Phúc còn là một Đông y sỹ có qua trường lớp nên có mở tại chùa một phòng thuốc Nam từ thiện và Phòng chẩn trị y học Đông y châm cứu mỗi chủ nhật miễn phí với đội ngũ phục vụ khá đông đảo của nhà chùa cho vài trăm đồng bào nghèo ở các nơi đến hốt thuốc và châm cứu.

Chùa Linh Nguyên có mặt từ buổi đầu khai phá gần 200 năm qua và gắn bó mật thiết với người dân trong vùng đất Long An được đánh giá như một ngôi cổ tự.

 Nhà Trai đường với các hàng cột gỗ và các bộ trường kỷ bằng danh mộc

Lối kiến trúc và hiện vật đang lưu giữ là vốn văn hóa Phật giáo quý báu góp phần phong phú cho kho tàng văn hóa dân tộc. Nơi đây cũng gắn liền với cuộc đời và tên tuổi của hai vị danh tăng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam: Hòa thượng Tiên Giác – Hải Tịnh và Hòa thượng Như Đắc - Từ Nhẫn.

Chùa Linh Nguyên đã được đăng ký xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa thuộc đơn vị huyện Đức Hòa theo Quyềt định số 518/UB.QĐ ngày 01-02-2000.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 23
    • Số lượt truy cập : 6058315