Tin tức

CHÙA TÔN THẠNH

CHÙA TÔN THẠNH

GẮN LIỀN VỚI NHÀ THƠ YÊU NƯỚC NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU 

HỮU CHÍ

 

 

                     

Cổng tam quan TỔ ĐÌNH TÔN THẠNH

Tổ đình Tôn Thạnh thuộc địa phận xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, có lịch sử hơn 200 năm tuổi, một di tích lịch sử đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng cấp Quốc gia ngày 27/11/1997 theo quyết định 2890-VH/QĐ, ngôi chùa duy nhất gắn liền với sự nghiệp văn chương của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, một ngôi chùa nổi tiếng từ lâu trong lịch sử và văn học.

Tôi viếng ngôi chùa cổ vào lúc xế chiều có mưa mây từng chặp, từng chặp, trên đường trở lại TP. HCM sau chuyến đi tiền trạm khảo sát một số di tích văn hóa lịch sử ở tỉnh Tiền Giang và Long An vào ngày 18 tháng 11 vừa qua để chuẩn bị cho chuyến tham quan của Chi hội Sử học Trịnh Hoài Đức vào cuối năm 2015.

Chùa Tôn Thạnh do Thiền sư Viên Ngộ xây dựng vào năm Gia Long thứ 7 (1808) với tên chùa Lan Nhã (đến năm 1841 đổi tên thành chùa Tôn Thạnh).

Chùa Tôn Thạnh, ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Long An được trùng tu vào năm 1959 và gần đây

Thiền sư Viên Ngộ, thế danh Nguyễn Ngọc Dót, con  ông Nguyễn Ngọc Bình và bà Trà Thị Huệ ở làng Thanh Ba, tổng Phước Điền Trung, huyện Phước Lộc, phủ Tân An. Thiền sư Viên Ngộ húy Tánh Thành thuộc Thiền phái Lâm Tế chi phái Liễu Quán đời thứ 39, từ nhỏ đã thành tâm hướng Phật với mong muốn cứu khổ cứu nạn chúng sinh. Ông không những là người con chí hiếu mà còn là một người đầy lòng từ bi bác ái. Khi cha bị bệnh, thiền sư đã thề trước Phật đài là sẽ ''trường tọa'' 10 năm để kéo dài tuổi thọ cho cha. Năm Minh Mạng nguyên niên (1820) trong vùng có dịch đậu mùa, sư Viên Ngộ đã nguyện ''trì kinh niệm Phật, chung thân tịch cốc'' để cầu cho nhân dân thoát khỏi cơn tai ách. Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), ông thấy mình đã xuất gia 40 năm mà chưa đắc đạo nên tịch thủy 49 ngày rồi viên tịch tại chùa.

Pháp thân của ông được tăng chúng an táng ở bảo tháp phía Tây chùa Tôn Thạnh. Tưởng nhớ đến một thiền sư suốt đời hy sinh thân mình để đem lại điều lành cho chúng sinh, nhân dân đã gọi chùa Tôn Thạnh là chùa Tăng Ngộ hay chùa Ông Ngộ. Mười sáu năm sau khi Thiền sư Viên Ngộ viên tịch, chùa Tôn Thạnh đã đi vào lịch sử nước nhà với bài Văn tế nghĩa sĩ Cần
Giuộc
của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Trong ba năm 1859-1861, nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã về đất Thanh Ba, lấy chùa Tôn Thạnh làm nơi dạy học, làm thơ và làm thuốc. Trong trận tập kích đồn Tây Dương tại chợ Trường Bình đêm rằm tháng 11 năm Tân Dậu, một trong ba cánh nghĩa quân đã xuất phát từ chùa Tôn Thạnh, chém rơi đầu quan hai Phú Lang Sa. Cảm khái trước tấm lòng vị nghĩa của những người ''dân ấp dân lân'', nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác nên bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc nổi tiếng tại chùa Tôn Thạnh. Lịch sử đã lưu danh ngôi chùa này của đất Long An qua những câu văn bất hủ.

Ngôi chùa cổ kính nằm khuất trong hàng cây xanh tốt um tùm. Lối vào chùa là một con đường trải đá dài thẳng tắp. Hai bên là hoa kiểng muôn màu. Hiện dấu tích về nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” được lưu lại ngay trong khuôn viên chùa Tôn Thạnh qua hai tấm bia, tấm thứ nhất lưu lại dấu tích của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu xây dựng năm 1973, tấm thứ hai trích bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” xây dựng năm 1998.


Tấm bia lưu lại dấu tích của cụ Đồ Chiểu từng viết văn, dạy học

Nhà bia trích Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và chỉ đạo nghĩa sĩ Cần Giuộc kháng Pháp.

Bia tưởng niệm cụ Nguyễn Đình Chiểu khắc các hàng chữ:

“Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gởi lại bóng trăng rằm.

Dinh Lang Sa nửa khắc đặng rửa hờn, chút phận bạc trôi theo dòng nước đổ”.

Theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì chùa Tôn Thạnh là ngôi chùa “rường cột tráng lệ, vàng son huy hoàng”, nổi tiếng nhất đất Gia Định khi xưa. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, chùa Tôn Thạnh vẫn giữ được nét cổ xưa qua hệ thống cột kiểu tứ tượng ở chánh điện, các hoành phi câu đối chữ Hán sơn son thếp vàng và nhiều pho tượng Phật cổ quý hiếm có từ những năm đầu thế kỷ XIX. Ðặc biệt là pho tượng Bồ tát Ðịa Tạng bằng đồng được đúc tại chùa. Tương truyền, khi hoàn thành chùa Tôn Thạnh, đại sư Viên Ngộ đã cho đúc tượng Địa Tạng Bồ tát bằng đồng để thờ. Sau nhiều lần đúc mà tượng vẫn bị khiếm khuyết, đại sư liền cắt ngón tay út của mình cho vào nồi đồng đang nóng chảy với ước nguyện tượng được viên mãn. Tượng Bồ tát Địa Tạng cao 110 cm, ngồi trên mình con thanh sư, tay phải ở tư thế kết ấn, tay trái đặt ngửa ngang ngực, lòng bàn tay chứa hạt minh châu.

Chùa Tôn Thạnh ngày nay không còn nguyên vẹn cảnh ''rường cột tráng lệ, vàng son huy hoàng'' như xưa. Thay vào đó là một tổng thể kiến trúc bao gồm tiền điện, chánh điện, nhà giảng, Đông lang, Tây lang mái lợp ngói, tường gạch. Tuy nhiên, chùa Tôn Thạnh vẫn giữ được nét cổ xưa qua hệ thống cột kiểu tứ tượng ở chánh điện, những tượng Phật có từ đầu thế kỷ XIX, và các hoành phi, câu đối chữ Hán sơn son thiếp vàng. Ngoài ra, trong vườn còn có tháp ba tầng hình lục giác, cao 4,5 m của Tổ sư Viên Ngộ, xây dựng năm 1846, trùng tu năm 1959 với tầng trên cùng chạm nổi dòng chữ “Nam mô A Di Đà Phật” và tháp Tổ Tắc Thành hình vuông, ba tầng, cao 3 m. Điện Phật chùa được bài trí tôn nghiêm. Bàn thờ giữa tôn trí tượng đức Bổn sư Thích Ca, tượng Di Dà Tam Tôn (đức Phật A Di Đà, Bồ tát Quan Thế Âm, Bồ tát Đại Thế Chí), tượng Đản Sanh, tượng Di Lặc, tượng Hộ Pháp. Các bàn hai bên thờ tượng Bồ tát Địa Tạng, Thập bát La hán…

Ở nhà Tổ của chùa có đặt thờ bài vị các vị Tổ dòng thiền Liễu Quán: Tổ Thiệt Diệu – Liễu Quán (đời thứ 35), Tổ Tế Nhơn – Hữu Bùi (đời thứ 36), Tổ Đại Bửu – Ngọc Sâm (đời thứ 37), Tổ Đạo Tứ – Quảng Thanh (đời thứ 38) và Tổ Tánh Thành – Viên Ngộ (đời thứ 39).

Chùa Tôn Thạnh được biết đến nhiều nhờ gắn liền với nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã có thời gian đến lưu trú tại chùa từ năm 1859 đến 1861. Tại đây, ông đã sáng tác bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và hoàn thành áng thơ Lục Vân Tiên bất hủ, còn lưu truyền mãi mãi đến mai sau.

 

 

 

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 70
    • Số lượt truy cập : 6345928