Chuyện hai anh em Tapusa và Bhallika
NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ NAM & NỮ CƯ SĨ THỜI PHẬT
CHUYỆN HAI ANH EM TAPUSSA VÀ BHALLIKA
MINGUN SAYADAW
LIÊN HIẾU dịch
Lời nguyện quá khứ của hai vị thiện nam
Trong một kiếp quá khứ, Tapussa và Bhallika tái sanh vào một gia đình giàu có tại thành phố Hamsavati, thời đức Phật Padumutara tại thế. Ngày nọ, khi đang tham dự pháp hội do đức Phật Padumuttara thuyết giảng, hai anh em Tapussa và Bhallika đã thấy hai người đệ tử tại gia được đức Phật ấn chứng là hai đệ tử xuất sắc nhất trong hàng đệ tử của đức Phật, những người đã thọ Tam quy ngũ giới. Khi ấy, hai anh em Tapussa và Bhallika mong ước có được phước lành như hai vị đệ tử ấy, sau ngày ấy họ đã chuẩn bị một buổi cúng dường trang nghiêm long trọng đến đức Phật và Tăng chúng, trong buổi lễ cúng dường hai anh em đã phát nguyện nhờ thiện nghiệp cúng dường đến đức Phật và chư Tăng, mong họ có được phước báo như hai vị đệ tử đã được đức Phật Padumattara ấn chứng.
Hai anh em Tapussa và Bhallika đã sống một đời sống đạo đức, luôn tạo các thiện nghiệp trong kiếp sống đáng nhớ đó, và sau khi qua đời họ không bị đọa vào các khổ cảnh (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a tu la) mà được tái sanh vào cõi người và cõi trời. Lại nữa, trong khoảng thời gian 31 kiếp trước cho đến kiếp sống hiện tại đó, trong suốt khoảng thời gian ấy không có Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác ra đời, Bhallika tái sanh là một thiện nam, thường dâng cúng các loại trái cây đến đức Phật Độc Giác hiệu là Sumana. Do nơi phước lành này, Bhallika luôn được sanh vào những cảnh giới an lành. Trong thời Đức Phật Thích Khí tại thế, Bhallilka sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn tại thành phố Arunavati. Ngày nọ, Bhallika nghe tin có hai anh em thương buôn tên là Ujita và Ojita, hai vị này đã có cơ hội cúng dường vật thực đầu tiên đến Đức Phật Thích Khí vào ngày thứ 49, sau bảy tuần lễ Đức Phật an trú trong pháp lạc của đạo quả Niết Bàn giải thoát, và Đức Phật chuẩn bị bước sang tuần lễ thứ tám. Khi ấy, Bhallika cùng với một người bạn (sau này là Tapussa) đã đến đảnh lễ Đức Phật Thích Khí, sau khi đảnh lễ xong Bhallilka bạch đức Phật từ bi hoan hỷ thọ nhận bữa cơm cúng dường của ông vào ngày hôm sau. Vào ngày hôm sau, Bhallika cùng với người bạn đã chuẩn bị một buổi cúng dường rất đặc biệt đến đức Phật. Khi ấy, ông bạch đức Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn, do nơi thiện nghiệp này, cầu mong cho hai anh em chúng con có được cơ hội cúng dường vật thực đầu tiên đến đức Phật trong tương lai”.
Trãi qua nhiều kiếp tái sanh, Tapussa và Bhallika - hai người bạn luôn luôn cùng nhau tạo những thiện nghiệp, cùng cúng dường bố thí, và do nơi phước lành ấy hai người cùng sanh vào những cảnh giới tốt đẹp. Trong thời đức Phật Ca Diếp, Tapussa và
Bhallika cùng sanh ra trong một gia đình buôn bán gia súc. Trong suốt nhiều năm tháng, họ đã cúng dường các loại vật thực làm từ sữa đến đức Phật và chư Tăng.
Mối quan hệ huynh đệ trong kiếp cuối
Hai người bạn ấy đã cùng tái sanh vào những cảnh giới an vui trong hằng hà sa số kiếp, điều đó tạo nên khoảng thời gian chuyển tiếp giữa hai đức Phật (Ca Diếp và Thích Ca). Trong thời đức Phật Thích Ca tại thế, thời gian trước khi đức Phật thành tựu đạo quả giác ngộ giải thoát, Tapussa và Bhallika tái sanh là hai anh em trong một gia đình thương buôn hàng hóa vận chuyển. Họ điều hành việc buôn bán bằng cách tập hợp một số đông những người cộng sự để mang hàng hóa từ nơi này đến nơi khác. Quê hương của họ ở tại vùng Asitancara (theo Chú giải Trưởng Lão Tăng Kệ thì quê họ tại Pokkharavati). Người anh tên là Tapussa và em trai là Bhallika.
Họ đã trở thành những chủ doanh nghiệp và điều hành việc giao dịch mua bán cùng với 500 cỗ xe bò. Trong khoảng thời gian đó, đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thành tựu đạo quả giác ngộ, đã an trú 49 ngày trong pháp lạc của đạo quả Niết Bàn giải thoát, và đức Phật chuẩn bị bước sang tuần lễ thứ 8 sau ngày thành tựu đạo quả dưới cội cây Linlun. Lúc ấy, đoàn thương buôn cùng 500 cỗ xe bò của hai anh em Tapussa và Bhallika đang trên đường đi cách chỗ đức Phật tĩnh tọa không xa. Ngay thời điểm đó, có một vị tiên nữ, người này ngay kiếp trước đó là mẹ của hai anh em thương buôn, thấy được nhu cầu cần vật thực của Đấng Đại Giác để duy trì thân tứ đại sau 49 ngày an trú trong Pháp lạc (lần thọ dụng cuối cùng trước khi Ngài thành tựu Phật quả là thọ nhận bát cháo sữa của thôn nữ Sujata). Khi ấy, vị tiên nữ nghĩ rằng hai người con trai trong tiền kiếp của bà nên cúng dường vật thực đến Đức Thế Tôn trong lúc ấy. Vì vậy, tiên nữ đã dùng năng lực của bà làm cho các cỗ xe bò không thể di chuyển được.
Hai anh em thương buôn đã kiểm tra các con bò, kiểm tra xe và tất cả cả yếu tố liên quan làm cho các cỗ xe không thể di chuyển được. Họ đã vận dụng tất cả khả năng và trí hiểu biết để tìm ra nguyên nhân nhưng vẫn không biết lý do vì sao. Vị tiên nữ kiếp trước là mẹ của họ, thấy hai người con trai thất vọng nên bà đã xui khiến một người nam trong đoàn thương buôn, làm cho người ấy nói rằng: “Này hai con, các con không phải bị tà ma hay ngoại đạo nào quấy phá mà là do năng lực của ta, một vị tiên nữ sống trên mặt đất, người đã từng là mẹ của hai con trong quá khứ, ta đã cản trở không cho các cỗ xe di chuyển. Này các con, đức Phật, Người sở hữu 10 năng lực siêu phàm, đang ngồi dưới cội cây Linlun cách đây không xa. Hãy đến đảnh lễ và cúng dường vật thực đến đức Phật, đó là bữa cúng dường vật thực đầu tiên mà đức Phật thọ nhận sau 49 ngày kể từ ngày Thế Tôn thành tựu Phật quả”.
Khi nghe vị tiên nữ báo tin, hai anh em thương buôn vô cùng hoan hỷ. Khi ấy, họ nghĩ rằng nếu như họ chuẩn bị nấu nướng để cúng dường sẽ mất nhiều thời gian, vì vậy họ lấy những vật thực làm sẵn mà họ mang theo trong chuyến hành trình để cúng dường, họ đặt vật thực trong một cái đĩa bằng bạc, đi đến gần đức Phật và bạch: “Kính bạch Đức Thế Tôn, kính xin Ngài vì lòng đại từ đại bi, thọ nhận món vật thực này của chúng con”. Khi hai anh em thương buôn tác bạch cúng dường, đức Phật đã quán xét xem các đức Phật quá khứ đã làm gì trong trường hợp như vậy. Khi ấy, bốn vị thiên vương xuất hiện và mỗi vị đã dâng cúng đức Phật một bình bát. Đức Phật nghĩ vì lời ích của các vị thiên vương nên Ngài nhận cả 4 cái bát, và sau đó Ngài đặt 4 cái bát chồng lên nhau với ý nghĩ rằng bốn cái bát hãy là một. Như ý nguyện của Ngài, bốn cái bát nhập lại thành một bình bát có 4 đường viền. Hai anh em thương buôn đặt vật thực vào trong bình bát của đức Phật. Sau khi đức Phật thọ thực xong, hai anh em đã cúng dường nước uống cho Ngài và dâng nước để Ngài rửa tay. Sau đó, họ đảnh lễ đức Phật và ngồi vào một nơi thích hợp. Đức Phật đã thuyết pháp tế độ hai anh em thương buôn, họ vô cùng hoan hỷ, cuối bài pháp hai anh em thương buôn phát tâm quy y nhị Bảo: nương nhờ Đức Phật Bảo và Đức Pháp Bảo.
Sau đó, hai anh em thương buôn bạch đức Phật rằng: “Kính bạch Đức Thế Tôn, kính xin Ngài mở lòng đại từ đại bi thương xót chúng con, ban cho chúng con một báu vật, để chúng con thỉnh về quê hương, hằng ngày luôn luôn tâm niệm, lễ bái cúng dường”. Đức Phật đưa tay phải lên đầu bứt 8 sợi tóc gọi là Xá lợi tóc ban cho hai anh em thương buôn. Hai anh em Tapussa và Bhallika vô cùng hoan hỷ, an trí Xá lợi tóc của đức Phật trong một cái hộp bằng vàng và thỉnh về quê hương. Khi về đến quê, họ đã xây một bảo tháp ngay lối vào của thị trấn Asitancana để an trí và tôn thờ 8 sợi tóc Xá lợi Phật. Theo sử truyền, vào những ngày bát quan trai giới, bảo tháp tôn thờ Xá lợi tóc của Phật thường có hào quang chiếu sáng. (Tháp Xá lợi tóc ấy hiện nay chính là Tháp Chùa Vàng Shwedagon, tại cố đô Yangon, Myanmar).
Thành tựu đạo quả giải thoát
Ngày nọ khi Đức Phật đang trú tại Tịnh Xá Kỳ Viên, Ngài thuyết bài pháp liên hệ đến đề tài “Sự khác biệt giữa những đệ tử tại gia do nơi phước đã tạo”, Đức Phật xác định: “Này các Tỳ kheo, giữa những đệ tử tại gia của Như Lai - những người đã quy y Phật, quy y Pháp sớm nhất, hai anh em Tapussa và Bhallika là những đệ tử tại gia xuất sắc nhất”.
Hai anh em Tapussa và Bhallika là những đệ tử tại gia quy y Phật và Pháp sớm nhất. Sau đó, Đức Phật rời Bồ đề Đạo tràng đến vườn Lộc Uyển, thành phố Ba-la-nại
(Barasani) thuyết bài pháp đầu tiên – Kinh Chuyển Pháp Luân
(Dhammacakkapavattana-sutta) cho năm người bạn đồng tu trước đó. Tiếp sau, đức Phật tiếp tục vân du hóa độ đến thành Vương Xá (Rajagaha). Vào thời điểm đó, hai anh em thương buôn lại có một chuyến giao dịch đến thành Vương Xá. Họ đã đến viếng thăm và đảnh lễ đức Phật, sau khi đảnh lễ xong họ ngồi vào chỗ thích hợp. Nhân dịp đó, đức Phật đã thuyết pháp cho hai anh em thương buôn, cuối bài pháp, người anh là Tapussa chứng đắc đạo quả Tu-đà-hoàn, người em xuất gia làm một vị Tỳ-kheo trong giáo đoàn của Phật, và sau đó thành tựu đạo quả A-la-hán với đầy đủ lục thông.
Bình luận bài viết