Tin tức

Cơ sở thờ tự Phật giáo dưới triều Nguyễn

CƠ SỞ THỜ TỰ PHẬT GIÁO DƯỚI TRIỀU NGUYỄN

VŨ THANH BẰNG

Cơ sở tôn giáo là nơi thể hiện tín ngưỡng và diễn ra các hoạt động thờ tự, sinh hoạt tôn giáo của con người.  Ở mỗi giai đoạn lịch sử, hệ thống cơ sở thờ tự tôn giáo là một biểu hiện cho thấy thái độ ứng xử của nhà nước trung ương đối với mỗi tôn giáo.

Xét về phân loại cơ sở thờ tự Phật giáo, các học giả đi trước đã có nhiều cách phân loại chủ yếu dựa trên đối tượng xây dựng, chủ thể quản lý v.v...

Nguyễn Duy Hinh trong công trình Văn minh Đại Việt mặc dù có phân loại danh lam và chùa làng. Tuy nhiên, tác giả lại không đưa ra tiêu chí cụ thể đối với hai loại chùa này(1).

Trương Thúy Trinh phân loại chùa triều Nguyễn thành hai loại là quốc tự (chùa của nhà nước) là cơ sở sinh hoạt của Phật giáo cung đình và chùa ở làng là cơ sở sinh hoạt của Phật giáo dân gian(2). Nguyễn Ngọc Quỳnh cũng chia làm hai loại tương tự như vậy, nhưng làm rõ hơn. Cụ thể, gồm có: 1- Chùa được Nhà nước bảo hộ, gồm 2 loại: Chùa vua (quốc tự, sắc tứ) và chùa quan (chùa của người trong hoàng tộc và quan lại lập ra); 2- Chùa làng(3).

Riêng đối với Phật giáo ở xứ Huế vào thời Nguyễn, một số tác giả như Hà Xuân Liêm và Nguyễn Quốc Khánh lại có cách phân loại riêng của mình:

Hà Xuân Liêm đã phân loại chùa Huế dưới thời Nguyễn gồm 6 loại:

+ Chùa vua: Chùa do vua chúa xây dựng nên, hoặc trùng tu, kiến tạo một chùa đã sẵn có.

+ Chùa Tổ: Do các vị Tổ sư trong Phật giáo hoặc các vị Tổ người Đại Việt lập nên, thường ở nơi núi non xa vắng, cảnh trí u tịch.

+ Chùa dân lập: Lúc đầu do một người dân nào đó lập ra, sau cúng dường lại cho “Chư sơn tự tăng”.

+ Chùa khuôn: Do các khuôn hội Phật giáo Tịnh độ lập nên làm nơi đạo tràng sinh hoạt cho hội viên khuôn hội, lâu dần trở thành chùa.

+ Chùa làng: Chùa này phần nhiều đã có rất lâu trước triều Nguyễn rất xa.

+ Chùa của phái Theravada(4)

Nguyễn Quốc Khánh trong luận án tiến sĩ của mình đã phân loại chùa Thừa Thiên - Huế căn cứ vào đối tượng đầu tư xây dựng, gồm 4 loại: 1- Quốc tự: Do triều đình trực tiếp xây dựng, tái thiết và quản lý sử dụng (như: chùa Giác Hoàng, chùa Hoàng Ân, chùa Tuy Quang, chùa Thiên Mụ, chùa Diệu Đế, v.v...); 2- Chùa tổ: Đây là chùa do các vị tổ sư trong Phật giáo lập nên, thường ở nơi u tịch, xa thẳm. Trong đó có cả chùa tổ của Thiền tông (Báo Quốc, Từ Hiếu, Quốc Ân, Tường Vân...), cả Tịnh Độ tông (mà cội nguồn của chùa tổ theo Tịnh Độ tông là chùa Từ Đàm); 3- Chùa làng, chùa dân lập: Loại chùa này xuất hiện từ sớm ở Thừa Thiên Huế, thường có quy mô nhỏ, lại hay phối thờ nhiều đối tượng của cả Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo; 4- Niệm Phật đường: Còn gọi là chùa Khuôn do các khuôn hội Tịnh Độ lập ra từ sau sự ra đời của An Nam Phật học hội (năm 1932) làm nơi đạo tràng sinh hoạt cho hội viên Khuôn hội(5).

Chùa Diệu Đế thuộc loại Quốc tự

Chùa Báo Quốc ban đầu có tên là Hàm Long Thiên Thọ Tự, do Thiền sư Giác Phong dựng vào cuối thế kỷ XVII, đời Chúa Nguyễn Phúc Tần. Đến năm 1747, Chúa Nguyễn Phúc Khoát ban cho chùa tấm biển "Sắc Tứ Báo Quốc Tự" thuộc loại chùa Tổ

Để dễ dàng cho việc đánh giá thái độ ứng xử của triều Nguyễn đối với Phật giáo nói chung và đối với cơ sở thờ tự Phật giáo nói riêng, chúng tôi thống nhất quan điểm phân loại chùa Huế thành hai loại: chùa của nhà nước và chùa làng. Trong đó: Chùa của nhà nước là do vua, quan lại hoặc người trong hoàng tộc lập ra, phục vụ nhu cầu tâm linh, tế lễ của tầng lớp trên; được nhà nước chi cấp hoàn toàn, có đội ngũ tăng cang, sư trụ trì tùy theo quy mô; chùa làng: phục vụ nhu cầu của nhân dân trong làng xã, chủ yếu do nhân dân đóng góp công sức, kinh phí xây dựng, tu bổ, chùa có thể có sư trụ trì hoặc không. 

MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ VIỆC CHI CẤP CHO CÁC CƠ SỞ THỜ TỰ PHẬT GIÁO

DƯỚI TRIỀU NGUYỄN

Nhà nước chi cấp kinh phí cho xây dựng, trùng tu, cấp tự điền cho các ngôi quốc tự.

Gia Long năm thứ 2 (1803), xuống dụ cấp tự điền, tự đinh cho chùa Thiên Trường ở phủ Gia Định. Chùa này vốn đã được giấy vàng sắc tứ của triều trước, ghi dấu việc nhà vua đi tuần ở phía đông dừng giá nghỉ chân, đến khi quân nhà vua về Đông Phố, kiệu vua đóng nghỉ ở đấy, nay việc quân đã định, trong nước yên cả. Ban cho 3 thửa ruộng tam bảo, thuộc các hạng 1, 2, 3, cho miễn tiền thóc tô thuế; lại cho 30 người ở trong chùa được trừ các việc thuế thân, cho sư trụ trì thờ cúng ở chùa ấy, để ơn nước được lâu dài.

Năm thứ 4 (1805), nghị chuẩn cấp cho tháp Phổ Đồng, chùa Quốc Ân nguyên có ruộng đất tư là 9 mẫu 1 sào 2 thước ở xã Thần Phù, huyện Phú Vang, tỉnh Quảng Đức làm ruộng tam bảo, lãnh canh chịu thuế.

Minh Mạng năm thứ 5 (1824) cùng với việc chi cấp 100 lạng bạc, gỗ, vật liệu cần thiết, đồ vật, đồ thờ v.v... cho dựng chùa Phúc Long ở Quảng Trị, cũng đã đặc cách chuẩn cho 3 phường An Nha, An Hướng, An Xuân một số ruộng đất trang, ruộng quan điền làm ruộng tam bảo. Cụ thể: Trích lấy ở phường An Nha 30 mẫu, phường An Hướng 20 mẫu, phường An Xuân 15 mẫu, tất cả ruộng đất là 65 mẫu, được miễn trừ thuế khoá dồn làm chi phí đèn hương, giao cho 3 phường ấy đời đời giữ việc thờ tự cho được lâu dài.

Thiệu Trị năm thứ 3 (1843), chuẩn lời tâu của phủ Thừa Thiên thu mua ruộng tư ở xã Đức Bưu, huyện Hương Trà 7 mẫu 4 sào, đặt làm ruộng chùa, tháp Thuý Vân, Linh Thái, giao cho người trụ trì ở chùa ấy nhận lĩnh cày cấy để cung chi phí hương đèn ở chùa tháp ấy(6).

Triều đình ra quy định về số tăng ni và sái phu ở các chùa của nhà nước.

Cùng với các quy định về trình độ và lối sống của các tăng sư thông qua sát hạch Triều đình giao cho Bộ Lễ tổ chức sát hạch, nếu giữ được giới luật tinh nghiêm, thông được giáo lý nhà Phật mới được cấp 1 đạo độ điệp chứng nhận, triều Nguyễn còn đưa ra các quy định chi tiết về số lượng tăng sư tại các chùa. Bên cạnh đó, các vua Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị đều có quy định về việc chi cấp tiền, gạo cho các sư:

Chùa Thiên Mụ: Đời vua Gia Long có quy định cấp cho 21 tăng đạo của chùa mỗi người mỗi tháng được 1 phương gạo. Đến đời Minh Mệnh lại đổi lệ cấp cho mỗi người mỗi tháng 60 quan tiền, 55 phương gạo, 5 phương gạo trắng, 6 thưng muối; Chùa Long Quang: mỗi tháng cấp tiền 15 quan, gạo 21 phương; Chùa Thánh Duyên: Sư trưởng mỗi tháng được 2 quan tiền, 1 phương gạo trắng, các sư nam và sư nữ, mỗi người mỗi tháng được 1 quan tiền, 1 phương gạo, chú tiểu mỗi tháng được 5 tiền và 15 đấu gạo: Chùa Giác Hoàng: Sư trưởng mỗi tháng được cấp 3 quan tiền, 1 phương gạo trắng, các sư mỗi người mỗi tháng đều được 1 quan tiền và 1 phương gạo; Chùa Diệu Đế: Mỗi tháng cấp cho sư trưởng 2 quan tiền, 1 phương gạo trắng, các sư mỗi người mỗi tháng 1 quan tiền, 1 phương gạo.

Thời Tự Đức quy định rõ hơn về số lượng tăng ni, và phân chia bình quân “trợ cấp” cho tăng ni, sư sãi tại các chùa quốc tự. Năm thứ 3 (1850), nhà vua xem xét số lượng sư tăng sư ở các chùa và gia giảm cho phù hợp với công việc. Cụ thể: Chùa Thiên Mụ  hiện số tăng cang là 1 người, sư là 48 người. Chùa Diệu Đế hiện số tăng cang là 1 người, sư trưởng là 1 người, sư là 20 người. Chùa Giác Hoàng hiện có sư trưởng là 1 người, sư là 15 người. Linh Hựu hiện số sư trưởng là 1 người, sư là 10 người. Chùa Thánh Duyên hiện số sư trưởng là 1 người, sư là 9 người, 2 chú tiểu. Tất cả các chùa trên này, tăng cang mỗi người mỗi tháng 3 quan tiền, 1 phương gạo trắng; sư trưởng mỗi người mỗi tháng 2 quan tiền, 1 phương gạo trắng; các sư mỗi người mỗi tháng 1 quan tiền, 1 phương gạo; đạo đồng mỗi người mỗi tháng 6 tiền, 1 phương gạo. Chùa Long Quang hiện tại có: 1 sư trưởng, 20 sư, 3 chú tiểu. Tất cả số người ấy mỗi tháng 15 quan tiền, 1 phương gạo trắng, 20 phương lương thực. Đối với các chùa Diệu Đế, Giác Hoàng, Linh Hựu, Thánh Duyên cho giữ nguyên số sư sãi, riêng chùa Thiên Mụ và Long Quang, số lượng sư quá nhiều, nên giảm bớt đi (chùa Thiên Mụ chỉ để lại 1 tăng cang, 30 sư; chùa Long Quang chỉ để lại 1 sư trưởng, 10 sư)(7).

Đối với các sái phu: Các đời vua Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị có quy định số lượng sái phu cụ thể cho một số chùa sắc tứ. Các sái phu này chuyên đảm trách việc bảo vệ, quét dọn và các công việc khác trong chùa. Những người này được miễn việc binh, miễn sai dịch, nhưng vấn phải nộp thuế thân đầy đủ theo lệ.

Đời Gia Long năm thứ 11 (1812) nghị chuẩn ban sắc tứ (gồm một bức biển và một điếu văn) cho chùa Long Vinh ở thôn Tân Thịnh Trung, tổng Kiến Thuận, huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An; cho 20 sư ở trong chùa được miễn binh và mộ dân ngoại tịch 15 suất làm phu quét dọn được miễn binh.

Đời Minh Mạng năm thứ 2 (1821), xuống Chỉ rằng: Chùa Từ Ân ở Gia Định là chùa công, đã được Hoàng tổ tỷ Hiếu khang hoàng hậu sắc tứ, nay cho chùa ấy mộ lấy dân ngoại tịch 10 suất, làm phu ở chùa hàng năm đến kỳ tháng 4 làm danh sách nộp ở thành ấy, tiền thuế thân vẫn nộp theo như lệ nhưng cho miễn việc binh và sai dịch. Năm thứ 3 (1822) cho sư ở chùa Pháp Vũ ở Gia Định được tuyển mộ lấy dân ngoại tịch 10 suất làm phu ở chùa, phàm đi lính và các sai dịch, đều được miễn, còn thuế thân phải cung nộp theo như lệ.

Đời Thiệu Trị năm thứ 4 (1844), chuẩn lời tâu xin sái phu ở chùa Diệu Đế. Lệnh cho quan Kinh doãn lấy dân xã Phú Xuân 5 suất, dân xã Dương Xuân 5 suất, dân xã An Bảo 10 suất sung làm phu ở chùa, cho miễn binh và sai dịch, còn thuế thân phải nộp theo như lệ(8).

Nhà nước chi cấp lễ vật cho các ngôi chùa được bảo hộ.

Dưới các đời vua nhà Nguyễn, vào các dịp lễ tiết như: Thánh thọ, Vạn thọ, Chính đán, Đoan dương, Trung Thu, Đông Chí, Phật đản ... đều giao cho phủ Nội khố chiểu theo lệ mà chi cấp cho các chùa (Thiên Mụ, chùa Long Quang, Giác Hoàng, Diệu Đế, Thánh Duyên). Bên cạnh một số lượng tiền nhất định thì nhà nước còn cấp cho các chùa quốc tự các lễ vật khác bao gồm: Gạo trắng, muối, vải, dầu, sáp nến, hương vòng, vàng mã, giấy, trầu cau, than củi, than đá v.v...

Ngoài ra, triều đình cũng quy định cụ thể về các loại phẩm vật (xôi chè, bánh trái, cơm cháo, thịt canh, hoa quả v.v... ) được dùng làm cỗ cũng vào các dịp lễ tiết tại các chùa. Trong đó phân chia cỗ cúng thành 2 loại (cỗ mặn và cỗ chay), mỗi loại gồm có 3 hạng khác nhau. Tùy vào từng dịp lễ trọng khác nhau mà quy định về số lượng mâm cỗ, hạng cỗ có sự phân bệt rõ ràng. Hoặc đối với các chùa khác nhau thì quy định về giá tiền của một hạng cỗ cũng khác nhau(9).

Có thể thấy rằng, dưới triều Nguyễn mặc dù lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng trị nước chính thống, nhưng không vì thế mà Phật giáo suy vi. Tuy nhiên, chính sách đối với tôn giáo này lại thể hiện cách ứng xử hai mặt: Một mặt vẫn sử dụng, mặt khác lại hạn chế. Chính điều này đã hình thành nên hai phạm vi sinh hoạt Phật giáo là: Phật giáo cung đình và Phật giáo trong dân gian.


 1. Nguyễn Duy Hinh (2005), Văn minh Đại Việt, Nxb Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội, tr.648.

2. Trương Thúy Trinh (2004), Tìm hiểu chính sách tôn giáo của triều Nguyễn trong giai đoạn 1802 – 1883 (từ Gia Long đến Tự Đức), Luận văn Thạc sĩ khoa học Lịch sử, Đại học KHXH&NV Hà Nội, tr 45, tr.51.

3. Nguyễn Ngọc Quỳnh (2010), Chính sách tôn giáo thời Tự Đức (1848 – 1883), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.90.

4. Hà Xuân Liêm (2000), Những ngôi chùa Huế, Nxb Thuận Hóa, tr20 – tr21.

5. Tạ Quốc Khánh (2010), Chùa sắc tứ ở xứ Huế, Luận án Tiến sĩ Tôn giáo học, Học Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tr. 44- tr.45.

6. Nội các triều Nguyễn, sđd, tập 4, tr.97 – tr.103.

7. Nội các triều Nguyễn, sđd, tập 5, tr. 181-182.

8. Nội các triều Nguyễn, sđd, 1993, tập 4, tr.187 – tr.188.

9. Nội các triều Nguyễn, sđd, 1993, tập 8, tr. 193 – tr. 199.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 12
    • Số lượt truy cập : 6116437