Tin tức

Con đường ngày ấy tôi đi

CON ĐƯỜNG NGÀY ẤY TÔI ĐI

HÀNG CHÂU

 

Tháng 9, trời sang thu, mùa thu của đất trời. Hơi gió se se lạnh gợi lên trong lòng người nhớ về miền xa xôi kỷ niệm. Thỉnh thoảng, vài chiếc lá vàng lìa cành uốn quanh rơi trên sân cát vàng. Trời xanh vời vợi. Đất nước mình, xuân hạ thu đông giao nhau không rõ rệt nhưng lòng người xôn xao bâng khuâng cảm nhận.

Thanh Yên nhẹ nhàng từng bước chân lên bậc thang lầu thư viện. Không gian tĩnh lặng, ngoài sân hàng cây sao thẳng tắp, lao xao tàng lá, vài tu nữ áo trắng xen kẽ nâu sẫm, dáng đi khoan thai, miệng lâm râm niệm Phật. Nét mặt họ trầm tĩnh, thư giãn trong không gian xanh lá. Cạnh con đường nhỏ, một gian phòng hơn mươi tu nữ đang ngồi hành thiền với người thầy hướng dẫn.

Ở lầu thư viện, người tu sĩ gương mặt phảng phất chữ điền, chân mày đen như vẽ, đôi mắt sáng với niềm tin và nhiều ước vọng

Tuổi thơ của Thanh Yên, người tu sĩ trẻ ấy trải qua những năm tháng dài ở miền sông nước An Giang giáp ranh với vùng đất trải dài cây thốt nốt của đất chùa Tháp. An Giang có con kinh Vĩnh Tế, có hàng bông điên điển vàng lung linh theo ngọn gió gợi lên trong lòng người nghệ sĩ nhiều điệu dân ca ngọt ngào xao xuyến lòng người. Sáng sớm con sông sát cạnh chợ Châu Đốc, ghe thuyền cập bến, ngập tràn hàng nông thủy sản. Những chiếc nón lá của cô gái quê, những chiếc khăn sọc rằn quấn đầu chàng trai vùng sông nước, với chuyển hàng rộn rã dưới bầu trời lấp lánh ánh bình minh

Cậu bé Thanh Yên với bước chân sáo tung tăng cặp sách trên vai đến ngôi trường nam tiểu học. Năm năm học từ lớp vỡ lòng, chữ o tròn như cái trứng gà, rồi dấu sắc, dấu huyền, mà đặc biệt chỉ có ở ngôn ngữ Việt Nam, với giọng âm khi lên bổng khi xuống trầm, lâng lâng như điệu nhạc. Tuổi nhỏ cậu bé thật hồn nhiên, học để biết cái chữ, để cha mẹ vui lòng. Thanh Yên là người con trưởng trong gia đình, anh của hai đứa em, một gái một trai. Lúc mới gặp ba, mẹ là cô giáo. Từ ngày có hai đứa em, mẹ từ giã nghề dạy học với đồng lương khiêm tốn, làm sao nuôi nổi các con đến tuổi cắp sách vào trường, bà chuyển sang nghề kinh doanh mua bán thuốc Tây. Hàng tháng, đôi ba lần lên Sài Gòn lấy thuốc về bán ở quê nhà. Ban đầu lạ lẫm, những năm tháng dạy học trò hình thành tính cách chân thật, trang nghiêm, dè dặt từng lời ăn tiếng nói, đặc biệt giàu lòng nhân ái, đến khi chuyển sang làm kinh doanh, nhiều đêm mẹ thao thức khi kiếm đồng lời. Nghề giáo nặng lòng tình cảm còn buôn bán thì sòng phẳng, cân đong đo đếm, tiền trao cháo múc.

Bà luôn dành thời gian với những ngày lễ hội Phật giáo, nhất là ngày lễ Phật đản, ngày đức Phật xuất hiện ở thế gian rồi ngày lễ Vu lan nhắc người con Phật phải trọng chữ Hiếu, trọng nghĩa tình.

Thanh Yên thường theo mẹ đến chùa, ngôi chùa ở giữa vùng đất rộng, mái lợp ngói đỏ âm dương. Nơi gian chánh điện, tượng đức Phật cao to uy nghi trông thật từ bi. Cậu bé ngước mắt nhìn ông Phật rồi chắp tay cúi đầu, miệng cầu khẩn cho cậu thông minh, học giỏi. Cứ mỗi lần lên Sài Gòn, mẹ luôn thỉnh kinh sách ở các chùa lớn Vĩnh Nghiêm, Xá Lợi đem về ngôi chùa An Giang quê mình. Ngày mẹ về, sau khi học bài xong, cậu bé xin phép mẹ cho được xem quyển truyện tranh minh họa cuộc đời đức Phật. Cậu chăm chú vào trang sách lúc đức Phật ra dạo các cửa thành ngài chứng kiến kiếp người nghèo khổ, người ở tuổi già tóc trổ màu trắng bạc thì run rẩy liên miên bệnh tật. Rồi thời gian sau xa rời cõi trần này. Họ trở về với cát bụi. Ôi ! Kiếp người sao nhiều khổ đau và ngắn ngủi. Cả khoảng thời gian vài chục năm ấy hạnh phúc quá ít ỏi còn nỗi bất hạnh thì mãi triền miên. Xem đến trang sách này, Thanh Yên thấy thoáng sợ hãi với cái chết, không còn được gần cha gần mẹ. Tối hôm sau, cậu bé nôn nao đọc những trang tiếp theo. Có một đêm khuya, trên bầu trời cao, vầng trăng khuyết lơ lửng ẩn mình trong mây, đức Phật lặng lẽ rời hoàng cung ra khỏi kinh thành tiến sâu vào vùng rừng núi mênh mông, Ngài cắt tóc quyết tu để tìm ra chân lý của kiếp người.

Cậu bé im lặng như nín thở. Sao vị hoàng tử quyền quí, giàu sang nhất nước, lại có hành động phi thường đến như vậy? Trái tim nhỏ bé của cậu lần đầu tiên xôn xao. Khi người mẹ có thêm em bé thứ hai, rồi thứ ba, Thanh Yên ít được mẹ chú ý đến nữa. Mẹ bận chăm sóc hai em. Cậu bé bắt đầu cảm thấy như bị bỏ quên. Cậu tủi thân, âm thầm quyết dành thời gian vào việc học, hết cấp hai rồi lên cấp ba. Ngôi trường trung học khang trang, học sinh nam nữ đông đảo. Các bạn như trở thành người lớn. Giờ ra chơi không còn nhảy lò cò, nhảy dây, rượt cút bắt như ở trường tiểu học.

Tốt nghiệp phổ thông , ba mẹ cho Thanh Yên lên thành phố học luyện thi, ước mơ của anh được vào ngành Dược.

Thành phố về đêm, ánh đèn rực rỡ lấp lánh như muôn ngàn vì sao. Ở các điểm trung tâm, xe cộ nối đuôi nhau, người người về nhà, kẻ đi dạo phố. Các nhà hàng, quán xá đông khách. Họ thưởng thức hương vị của cao lương mỹ vị, họ bàn chuyện hợp tác làm ăn. Họ mãn nguyện với những phi vụ thắng lớn. Tiếng cười hả hê kèm theo những ly bia rượu hô vang: Dzô! Dzô!

Ở tuổi thanh niên mới vào đời, tâm hồn thật trắng trong, anh xót thương cho kiếp sống lam lũ của người dân quê ở xóm làng mình. Họ làm ra hạt lúa củ khoai phải đổ bao giọt nước mắt, mồ hôi. Người thì lên xe xuống ngựa, nhà cao cửa rộng, kẻ thì nhà dột cột xiêu. Tim anh như thắt lại.

Kỳ thi năm ấy, Thanh Yên diễm phúc đặt chân vào trường đại học ở tỉnh nhà. Ba mẹ mừng lắm. Ra trường anh được nhận vào làm việc ở bệnh viện An Giang.

Trời vừa mờ sáng, nơi đây kẻ ra người vào tấp nập để mong được nhận thẻ khám bịnh trước. Vất vả nhất là người bệnh ở vùng sâu, xa phải đi đò lúc mặt trời còn ngủ. Thanh Yên đi đảo một vòng – khoa nội, khoa ngoại, khoa chấn thương chỉnh hình, khoa tim mạch, bệnh ngoài da, các ghế chờ đợi đã đầy bịnh nhân, gương mặt họ lộ vẻ lo âu. Hai năm trời cấp thuốc, theo dõi các bệnh nhiễm khuẩn thời đại đã gợi lên trong lòng anh nhiều nỗi băn khoăn.

Nhiều đêm anh trăn trở, không sao ngủ được. Qua khung cửa sổ, ngoài trời sao hôm lấp lánh, đơn côi buồn bã. Thanh Yên nhớ tới các trang sách kinh mà anh thường xuyên đọc gần như thấm nhuần giáo lý của nhà Phật, in sâu trong tim về thân phận con người. Rồi Thanh Yên nghĩ công việc anh làm, qua những năm tiếp thu ở giảng đường đại học, nghiền ngẫm về ngành dược chỉ có thể giữ sự sống cho tỉ lệ người có hạn. Rồi anh liên tưởng đến con đường tu trầm luân mà thanh cao của đức Phật. Từ đêm nầy qua tháng nọ, như có một điều kì diệu vô hình thúc đẩy anh đi vào con đường tu ấy.

Thanh Yên nhỏ nhẹ thổ lộ những suy nghĩ của mình với mẹ:

- Mẹ ơi! Con xin phép được xuất gia.

Mẹ khóc! Chiếc khăn chấm giọt nước mắt. Tình mẹ con, sao thắt đau vô cùng. Bà nghĩ mình như sẽ có một khoảng cách nào đó, rồi đây con sẽ rời xa mình. Con không có người nối dõi, về già sẽ không ai chăm sóc, không ai an ủi. Những lời nói khơi mào ấy, chắc chắn mẹ sẽ suy nghĩ dài ngày. Một thời gian sau, anh nhẹ nhàng nhắc lại nguyện vọng của mình. Rơi rơi từng bước một, sẽ thấm sâu. Thanh Yên để ý trong ngày, thỉnh thoảng mẹ khẽ nhìn anh, ánh mắt buồn đầy niềm thương yêu khúc ruột rứt ra từ trong lòng mẹ. Có lẽ trong đời, người mẹ là người giàu tình cảm nhất, lòng họ lúc nào cũng trải rộng bao la như biển. Một ngày rồi đến tuần sang tháng, thấy sự quyết tâm của con, mẹ xuôi lòng, khẽ gật đầu ngậm ngùi...

Thanh Yên xuống tóc ở chùa Giác Nguyên toạ lạc vùng Khánh Hội, chung quanh dân cư đông, những ngày từng bước tu tập cùng các bạn đồng môn đã tập cho Thanh Yên lòng nhẫn nại, những lời nói trao đổi, Thanh Yên cố gắng lắng nghe, không như ở ngoài đời, không vừa ý là cãi lý cho được phần thắng do cái tâm như bốc lửa. Thanh Yên bỏ dần đi sự tủi thân không như lúc còn bé mẹ chú ý chăm sóc các em nhiều hơn. Những điều ấy khi trở thành thói quen, muốn thay đổi cũng cần có thời gian ray rứt, kềm lòng mình.

Mùa thu đi, mùa đông tới rồi mùa xuân mai vàng rực rỡ, khi thấy mình đã trưởng thành, Thanh Yên xin phép thầy đi các chùa để trải nghiệm, học hỏi về con đường rèn luyện đem thân mình về với cái tâm. Thanh Yên miên man trên con đường thiên lý hướng về phương Bắc, một năm nơi chùa Sùng Phúc – Hà Nội, rồi đến chùa Trúc Lâm Yên Tử ngọn núi cao sương mù bao phủ quanh năm mơ màng như chốn bồng lai. Từ miền Bắc, Thanh Yên về đến Bạch Mã, ngôi chùa tráng lệ yên tĩnh cạnh dòng sông thơ mộng nước lững lờ xanh biếc bao quanh núi với rừng cây, rồi xuôi về miền cao nguyên ở Thiền Viện Trúc Lâm, ngôi chùa đẹp nổi tiếng của thành phố Đà Lạt – Lâm Đồng. Thanh Yên tu tập ở đây hai năm với những ngày hành thiền kiên trì, sau đó đến Thường Chiếu, ngôi chùa toạ lạc trong khuôn viên bao la với hàng cây cao bóng mát. Thật là một kỳ công cho trí tuệ và những bàn tay các tu sĩ trẻ xây dựng công trình nầy. Sau những năm dài chiến tranh đau thương, người dân ở đất nước nầy ước nguyện được sống trong cảnh thanh bình, các chùa được trùng tu khang trang hơn xưa như chứng minh đạo Phật phục hồi hưng thịnh.

Thanh Yên đến chùa Phước Sơn, Long Thành, Đồng Nai thời gian ngắn đôi ngày rồi cuối cùng như có một cái duyên quyết định ở chùa Bửu Quang, Tam Bình, Thủ Đức. Cả một rừng cây sao cao vút trong không gian thật yên tĩnh, tâm hồn nhẹ nhàng thư thái. Ngày Thanh Yên đến, vị sư trụ trì nơi đây vào chùa lúc vừa bước vào tuổi thanh niên, bây giờ đã qua tuổi bốn mươi. Sư thầy những năm tu tập qua trải nghiệm của đời mình rất hiểu tâm tư tuổi trẻ chọn con đường đi của đức Phật. Sư khuyến khích Thanh Yên với kiến thức thu thập ở nhà trường là cái nền vững chắc cho việc học hỏi nghiên cứu – thân đến với tâm, đến với thế giới tâm linh siêu hình.

Thanh Yên rất mãn nguyện khi được thay đắp y màu vàng, sư ước ao dừng chân mãi mãi ở chùa Tổ Nam tông này. Thế rồi vài năm sau, mẹ ngưng nghề buôn thuốc tân dược, từng bước vào chùa đi cùng con đường với đứa con trai yêu quý của bà. Hằng ngày, mẹ vui dù chỉ đôi phút khi thấy bóng dáng con, mới ngày nào tập tễnh từng bước đi ở tuổi mẫu giáo, thế mà bây giờ giữa 30 – 40 tuổi, cái tuổi định hình tính cách trưởng thành trong suy nghĩ. Ôi! Cái nhao nối liền tình mẫu tử từ lúc còn trong bụng mẹ, bây giờ đậm đà thắm thiết bằng ánh mắt đó con ơi!

Con ra phương Bắc, con về phương Nam vậy mà thắm thoát đã gần hai mươi năm!

Cái tên mà Sư Thầy Bửu Quang đặt cho vị sư trẻ - Thanh Yên – một niềm vui tuyệt đỉnh, một sự tĩnh lặng trong tâm hồn sao mà hạnh phúc đến như thế!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 16
    • Số lượt truy cập : 6115670