Tin tức

CƯ SĨ CHÁNH TRÍ - MAI THỌ TRUYỀN NHỮNG DẤU ẤN TRONG CÔNG CUỘC HOẰNG DƯƠNG PHẬT PHÁP

CƯ SĨ CHÁNH TRÍ - MAI THỌ TRUYỀN NHỮNG DẤU ẤN

TRONG  CÔNG CUỘC HOẰNG DƯƠNG PHẬT PHÁP

 

HT. THÍCH HUỆ THÔNG

Phó Tổng Thư ký HĐTS kiêm Chánh VP2 TWGH

 

Lịch sử Phật giáo Việt Nam thời cận hiện đại với dấu ấn công cuộc chấn hưng Phật giáo, bên cạnh chư vị danh tăng thạc đức tâm huyết vì sự nghiệp xương minh Phật pháp, còn có nhiều vị cư sĩ lỗi lạc đã đóng góp công sức to lớn vào sự nghiệp hoằng dương chánh pháp, trong số đó có thể kể đến cư sĩ Chánh Trí- Mai Thọ Truyền. Ông là một trong những gương mặt sáng của cư sĩ tại gia trong vai trò hộ pháp và nhiều hoạt động nổi bật cho sự nghiệp phát triển Phật giáo nước nhà. Bài viết này, nhằm làm sáng tỏ vai trò của cư sĩ Chánh Trí- Mai Thọ Truyền trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, phát triển báo chí, hoằng dương Phật pháp, cùng với vai trò lịch sử của Hội Phật học Nam Việt.

Trong mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước đều có hoàn cảnh và điều kiện khác nhau, nên trong hoạt động xã hội, con người cũng có những ý tưởng và chí hướng khác nhau. Thế nhưng, trong hoạt động của Phật giáo, tất cả đều cùng chung lý tưởng xương minh Phật pháp, cùng hướng đến mục tiêu hoằng pháp lợi sanh, điều đặc biệt là đối với các vị cư sĩ tài năng tâm huyết và có phẩm hạnh ưu tú của Phật giáo. Trong quá trình đóng góp vào sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, mỗi vị đều để lại những dấu ấn quan trọng khắc ghi vào tâm trí người học Phật, thậm chí là đối với người không phải là Phật tử, chỉ cần họ am hiểu lịch sử Phật giáo Việt Nam, khi nghe nhắc đến một công trình nghiên cứu hay một chứng tích của một quá trình hoạt động hoằng pháp thì nhận ra ngay linh hồn của công trình Phật sự đó. Khi nhắc đến cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, người ta nghĩ ngay đến ngôi chùa Phật Học Xá Lợi, liên tưởng đến Hội Phật Học Nam Việt do ông sáng lập và tạp chí Từ Quang do ông làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, đặc biệt là quan điểm đường lối học Phật và tư tưởng Phật học của ông đối với các pháp môn tu hành của Phật giáo. Có thể nói rằng, đây là những dấu ấn nổi bật mà cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền đã để lại cho Phật giáo nước nhà trong suốt quảng đời ông đã đóng góp vào công cuộc hoằng dương Phật pháp giai đoạn đầu thời hiện đại.

Những du ấn trong công cuộc hoằng dương Phật pháp

1. Hội Phật Học Nam Việt

Năm 1950, tại Sài Gòn, cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền đứng ra vận động thành lập Hội Phật Học Nam Việt, ban đầu Hội đặt trụ sở tại chùa Khánh Hưng, sau dời qua chùa Phước Hòa. Năm 1958, công trình xây dựng chùa Xá Lợi hoàn thành thì trụ sở Hội Phật Học Nam Việt được dời về đây. Ông làm Tổng Thư ký của Hội khi mới thành lập và giữ trọng trách Hội trưởng từ năm 1955 cho đến ngày ông mất.

Hội Phật Học Nam Việt được thành lập do Nghị định của Thủ Hiến Nam Việt ký ngày 19 tháng 9 năm 1950, Bản Tuyên Cáo của Hội Phật Học Nam Việt nêu rõ nguyện vọng thống nhất các đoàn thể Phật giáo trong nước, được cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền soạn thảo và sử sách đã ghi lại như sau: “Đề xướng việc lập Hội Phật Học này, chúng tôi còn có cái thâm ý đi đến chỗ Bắc Trung Nam sẽ bắt tay trên nguyên tắc cũng như trong hành động. Sự thống nhất này đã trở nên cần thiết kể từ ngày mồng 8 tháng Sáu dương lịch năm nay, là ngày Việt Nam được chính thức làm Hội viên Hội Phật Giáo Quốc Tế...”.

Nói về mục đích thành lập Hội Phật Học Nam Việt, trong Vit Nam Phật giáo sử luận, tác giả Nguyễn Lang đã viết: “Trong bản tuyên cáo thành lập Hội Phật Học Nam Việt có chủ ý muốn thành lập một Phật Học Đường lớn để đào tạo Tăng tài, nhưng công việc này chưa bao giờ được Hội thực hiện, có thể đây là vì bên cạnh Hội Phật Học Nam Việt đã có Giáo hội Tăng già Nam Việt…”1.

Về các hoạt động của Hội, lúc bấy giờ, Hội Phật Học Nam Việt đã mở các lớp Phật học phổ thông do quý Thượng tọa Thích Thiện Hòa, Thích Thiện Hoa, Thích Trí Hữu, Thích Quảng Minh, Thích Huyền Vi, Thích Quảng Liên luân phiên diễn giảng, trong đó ông cũng chia sẻ trách nhiệm diễn giảng một số buổi cho hội viên và Phật tử ngoài hội. Trên cương vị Hội trưởng, hằng tuần ông đã mời các vị cao Tăng thạc đức trong và ngoài nước đến chùa Xá Lợi đăng đàn thuyết pháp cho đại chúng, đôi khi ông cũng làm giảng sư tại đạo tràng do yêu cầu của thính chúng. Đặc biệt, ông đã thành lập trên 40 Tỉnh hội và Chi hội Phật học khắp cả miền Nam, ngoài các hoạt động thường xuyên của Hội như tổ chức thuyết pháp, thông tin báo chí, nghiên cứu, dịch thuật, biên soạn và truyền bá kinh sách Phật giáo. Ông và các thành viên của Hội Phật Học Nam Việt đã tổ chức lễ rước ngọc Xá Lợi tại Sài Gòn vào ngày 13 tháng 9 năm 1952, quy tụ đông đảo Tăng Ni, Phật tử, đồng bào thành phố và các tỉnh lân cận về tham dự chiêm bái ngọc Xá Lợi Phật đầu tiên đến Việt Nam. Sự kiện này tạo nên Phật sự vô cùng quan trọng, gây được tiếng vang trong nước, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng toàn thể Phật giáo đồ lúc bấy giờ.

Trên mặt hiện tượng, về công tác tổng quát của Hội Phật Học Nam Việt và vai trò chủ xướng, lãnh đạo của cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, chúng tôi chỉ có thể khái lược như vậy. Tuy nhiên, ở chiều sâu về ý nghĩa mục đích ra đời của Hội Phật Học Nam Việt trong bối cảnh xã hội thời bấy giờ, nhất là khi công cuộc chấn hưng Phật giáo đang rất cần đến những cú hích quan trọng để tiến triển tốt đẹp hơn, thì những ảnh hưởng tích cực cũng như hiệu quả hoằng pháp mà cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền và các thành viên của Hội Phật Học Nam Việt đã thực hiện, được xem là rất kịp thời, quý báu và rất đáng trân trọng. Ngày nay, Hội Phật Học Nam Việt chỉ còn là dư âm vang bóng một thời, nhưng quả ngọt mà cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền và các thành viên của Hội Phật Học Nam Việt để lại cho đời quả là vô giá và nó mãi mãi lưu dấu trong tâm thức của người học Phật thời nay cho đến các thế hệ sau này.

2. Chùa Phật Học Xá Lợi

Dấu ấn thứ hai sự nghiệp hoằng pháp của Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền đó là việc đứng ra xây dựng chùa Xá Lợi làm trụ sở cho Hội Phật Học Nam Việt. Chùa được khởi công xây dựng năm 1956 tại số 89 đường Bà Huyện Thanh Quan, Sài Gòn. Đến ngày rằm tháng Ba năm Mậu Tuất (nhằm ngày 02 đến ngày 04 tháng 5 năm 1958) công trình hoàn thành và được tổ chức lễ lạc thành. Hòa thượng Thích Khánh Anh (Pháp chủ Giáo hội Tăng già Nam Việt, Chứng minh Đạo sư của Hội Hội Phật Học Nam Việt) đã đến chứng minh và đặt tên cho chùa là chùa Phật Học Xá Lợi.

Chùa Phật Học Xá Lợi là một trong số ít những ngôi phạm vũ huy hoàng tráng lệ nhất của miền Nam thời bấy giờ. Chùa có lối kiến trúc hòa quyện hai nền văn hóa Đông Tây, có tháp chuông, chánh điện, giảng đường, thư viện và tăng xá, mang nét tiêu biểu của kiến trúc chùa trong thời đại mới. Ngoài việc làm trụ sở cho Hội Phật Học Nam Việt, tổ chức các lớp Phật học phổ thông, các đạo tràng tu học và là nơi diễn thuyết của các bậc giảng sư danh tiếng cho Tăng tín đồ Phật tử đến nghe pháp. Trong thời Pháp nạn 1963, chùa Xá Lợi còn là trụ sở chính cho cuộc tranh đấu của Phật giáo đồ chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm. Và chùa Xá Lợi trở thành ngôi chùa lịch sử của Phật giáo Việt Nam.

Trong giai đoạn đấu tranh năm 1963, cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền giữ nhiệm vụ Tổng Thư ký Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo đã yêu cầu chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi bình đẳng tôn giáo. Ông và Hội Phật Học Nam Việt đồng ý để Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo đặt trụ sở tại chùa Xá Lợi. Tại đây, đỉnh điểm lên cao khi chính quyền cho quân đội và cảnh sát chế độ Sài Gòn đánh phá, phong tỏa chùa Xá Lợi, đàn áp, bắt bớ cầm tù, và ông cũng chịu chung số phận với Tăng Ni Phật tử.

Chùa Phật Học Xá Lợi là nơi vinh dự diễn ra các kỳ Đại hội của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam lần 3 vào năm 1959, lần 4 vào năm 1962, Đại hội ngày 21 thàng 12 năm 1963, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Trong thời kỳ đầu mới thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981, chùa Xá Lợi là nơi đặt Văn phòng II của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong suốt 2 năm liền. Đặc biệt, một sự kiện mang ý nghĩa lịch sử quan trọng của Phật giáo Việt Nam, đó là trong mùa Pháp nạn 1963, Pháp thể của Bồ tát Thích Quảng Đức đã được chư tôn đức rước về quàn tại chùa Xá Lợi trong hai tuần trước khi làm lễ trà tỳ tại An Dưỡng Địa Bình Chánh. Trong bài viết “Vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức”, Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, một nhân chứng lịch sử đã viết về một sự kiện trọng đại của Phật giáo Việt Nam, mà chi tiết có liên quan đến chùa Xá Lợi và Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền rất cụ thể: “… Sau 30 phút, thi hài của Hòa thượng Thích Quảng Đức được rước về chùa Xá Lợi trên một lá cờ Phật giáo, tới cổng chùa ông Mai Thọ Truyền nằm lăn trên đất dưới thi hài của Hòa thượng từ cổng tới cửa nhà giảng, rồi những làn sóng người bốn phương tràn tới chùa Xá Lợi để kính viếng một Bồ tát đã thiêu thân, Đài phát thanh trong nước và khắp thế giới đều kính cẩn đưa tin tự thiêu này”2.

Với biết bao sự kiện trọng đại và thiêng liêng của Phật giáo diễn ra tại đây, chùa Phật Học Xá Lợi đã trở thành địa chỉ lịch sử văn hóa tâm linh, một trung tâm giáo dục và truyền bá Phật giáo, một chứng tích lịch sử trong công cuộc đấu tranh của Phật giáo đồ chống chế độ độc tài kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm và là một biểu hiện văn hóa giao hòa giữa truyền thống và hiện đại trong nghệ thuật kiến trúc và cả trong sinh hoạt đạo pháp.

3. Tạp chí Từ Quang

Nói đến cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền là nói đến Hội Phật Học Nam Việt và cũng là nói đến Tạp chí Từ Quang. Thật vậy, Tạp chí Từ Quang là một trong những ấn phẩm rất quan trọng nhằm mục đích truyền bá giáo lý và tư tưởng Phật học của Hội Phật Học Nam Việt. Nó được hình thành từ ý tưởng của cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, được ông sáng lập, trực tiếp tổ chức điều hành, viết bài, chăm lo cũng như chịu trách nhiệm nội dung bài vở. Điều đáng khâm phục và ngưỡng mộ, dù thời gian đã trải qua 68 năm, nhưng nó mãi tồn tại trong tâm khảm của Tăng, ni, những nhà nghiên cứu và tín đồ Phật giáo.

Trong thời kỳ đầu thành lập, Tạp chí Từ Quang được chư Tăng trong Giáo hội Tăng già Nam Việt hoan hỷ góp phần về phương diện nội dung bài vở và biên tập. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Tạp chí Từ Quang đã đóng góp rất nhiều trong việc phổ biến Phật học ở Sài Gòn và các tỉnh thành miền Nam. Một trong những cây viết trụ cột của tạp chí cũng chính là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Chánh Trí Mai Thọ Truyền. Với lối hành văn nhẹ nhàng, trong sáng và sâu sắc, với trình độ thâm hiểu nghĩa lý sâu xa của kinh điển, những bài viết của ông đã góp phần hiệu quả trong việc chuyển tải thông điệp giác ngộ giải thoát của đức Phật đến với mọi người, được chư tôn đức tán dương, độc giả hoan nghênh đón nhận, từ ngày ra mắt bạn đọc đến nay, Tạp chí Từ Quang là chiếc cầu nối vững chắc và quan trọng, tạo cơ duyên cho nhiều người, nhiều giới đến với đạo Phật.

Nói về Tạp chí Từ Quang, trong Vit Nam Phật Giáo Sử Luận, tác giả Nguyễn Lang đã viết: “… Tạp chí Từ Quang đã là một đóng góp không nhỏ cho công việc phổ biến Phật học ở Sài Gòn và các tỉnh, tạp chí này đã được chư Tăng ở Phật học đường Nam Việt nâng đỡ và đóng góp khá nhiều về phương diện biên tập, nhất là trong những năm đầu…”3.

Quan điểm và đường lối học Phật của cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền

1. Quan điểm học Phật

Về quan điểm và đường lối học Phật của cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, có thể nói rằng nó biểu hiện khá cụ thể qua phẩm chất đạo đức, trung thực, giản dị và cách nhìn thực tế của ông trong công việc xã hội cũng như trong sinh hoạt đạo pháp. Quan điểm và đường lối học Phật của ông thể hiện qua các bài giảng trong các thời thuyết pháp, trong các ấn phẩm Phật học mà ông trước tác hay biên soạn.

Như chúng ta đã biết, Phật giáo vốn là nền giáo dục đa diện và triệt để, bắt đầu từ việc hoàn thiện nhân cách con người đến việc tu hành theo giáo pháp của đức Phật để đạt được sự giác ngộ, giải thoát. Qua hành trạng phục vụ cho đạo, cho đời của cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, chúng ta nhận thấy ở ông thể hiện một mẫu người đạo đức, chuẩn mực, thâm tín Phật pháp, luôn thể hiện sự sáng suốt trong từng công việc, đối với mỗi hoàn cảnh, qua từng giai đoạn lịch sử. Điều này, chứng minh ông đã từng gieo trồng chủng tử Phật pháp sâu dày từ nhiều đời nhiều kiếp và sự hiện diện của ông trong đời sống hôm nay chính là sự nối tiếp hoài bão làm lợi lạc quần sanh mà ông đã chí nguyện, sở dĩ chúng tôi nêu lên cảm nghĩ này, vì nó liên quan mật thiết đến quan điểm, đường lối học Phật trong suốt quá trình ông đã tận tâm phụng sự cho Phật pháp.

Về quan điểm học Phật, cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền thường nhấn mạnh đến việc nhận rõ bản chất chân tướng của sự, của vật, rồi sau đó mới nói đến việc tu hành, theo ông, nếu mơ hồ về chân tướng sự vật thì việc tu hành sẽ không rõ ràng mạch lạc được. Trong bài “Tự do và Tự tại” đăng trong Từ Quang số 238 tháng 12 năm 1972, PL. 2516, ông viết: “…Vì con người thế gian bị vấp ngã chấp, pháp chấp, chưa thấy được cái Chân, cái Thật của mọi sự vật cho nên không thông đạt với muôn sự muôn vật, hóa ra vốn tự tại mà bị ngăn ngại. Tự tại là tự do hoàn toàn trong cái thấy nghe hay biết sự nhận định không chân xác thành ra bao nhiêu hành động phải bị hạn chế theo”4. Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền cũng rất chú trọng đến việc lời nói và việc làm phải tương ưng, ông từng nói “Nói ít mà làm nhiều là hàng đại trí, đại hùng, đại lực”5. Trong bài “Ngôn hành và Tri hành”, từ việc chỉ rõ do sự kích thích của ngoại cảnh, cụ thể như sắc, tài, danh, lợi, khiến cho dục tâm phát khởi, lòng người bị khuấy động sẽ trở nên hắc ám, nhân đó ông khuyên nhũ mọi người nên giữ gìn tiết độ trong mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm nhằm tạo mối hài hòa giữa “biết” và “làm”. Từ cách đặt vấn đề này, ông nêu lên mối tương quan giữa “nói” và “làm”. Trong bài “Ngôn hành và Tri hành”, quan điểm học Phật của ông là lời nói phải đi đôi với việc làm, thậm chí là “nói” nên ít lại và “làm” thì nên tận tâm gắng sức, chẳng hạn: “Đại trí biết lúc nào phải tiến, khi nào phải lùi, thế nào là hợp đạo, thế nào là sai đạo, những việc nào nên làm, những việc nào không nên làm, rồi cứ y theo đó thực hành một cách dõng mãnh, tinh tấn không cần phô trương, không cần người biết, vì vậy mà nói ít làm nhiều, nhưng luôn luôn vẫn sợ hành bất cập ngôn”6, hay: “Người chưa được đại trí, nhưng biết trọng lời nói thường sợ vọng ngữ đại ngôn, dối mình gạt người, không ích gì cho mình cho người mà còn hại đàng khác. Do đây mới cố làm tới đâu là nói đến đấy, hay rủi có lỡ lời, thời cố làm cho đúng mức, để khỏi mang tiếng là bịp… Ngoài đời trong đạo, mỗi người giữ được như hạng này, không còn gì quý hơn”7. Quan điểm học Phật của cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền là nhận chân bản chất sự vật và ngôn hành phải tương ứng, và với thái độ sống đạo đức, thành tín Tam Bảo, chân thật, khiêm tốn, tích cực. Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền đã chủ trương một đường lối học Phật có chánh kiến và cũng có thể nói là rất khoa học.

2. Đường lối học Phật

Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền luôn cảm nhận về đạo Phật như  một nghệ thuật và kinh nghiệm sống, có thể nói gọn đó là sống đạo. Từ suy nghĩ này, ông đã vạch ra đường lối học Phật cho cá nhân ông cũng như để chia sẻ cho những người hữu duyên với ông khi họ tìm đến với đạo Phật. Vậy đường lối học Phật của ông thể hiện như thế nào? Trong bài “Đạo Phật như là một kinh nghiệm sống”, ông chia sẻ: “Thứ nhất là sức mạnh của thói quen do sự chuyên tâm trì tụng tạo thành, sức mạnh ấy bén nhọn như một mũi dùi soi thủng màn vô minh trong âm thầm và bất thức. Thứ hai là sự huân tập chủng tử thiện… Nếu mỗi đêm tôi không siêng tụng bài kệ vãng sanh hoặc tụng mà không định tâm… thì ánh sáng kia chắc chắn sẽ không đến với tôi. Từ đây, tôi càng thâm tín hiệu năng của việc trì tụng kinh chú và cái lẽ cần phải luôn luôn sống vì Đạo, trong Đạo, không lúc nào rời…”8. Như vậy, đường lối học Phật của cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền rất rõ ràng bằng việc siêng năng huân tập những thói quen tốt lành và dần dần loại bỏ hết những thói quen không có lợi cho việc học Phật, nhưng để làm được việc này cũng phải bắt đầu từ chánh kiến, trong bài “Đạo Phật như là một kinh nghiệm sống”, ông cho biết: “Với nếp sống mới (sống đạo - NV), cố đi vào nội giới, bớt chạy ra ngoài, tôi thấy cái nhìn của tôi đối với vạn sự vạn vật có phần thay đổi và hai chữ Chánh Kiến trong Bát Chánh Đạo đột nhiên có một nghĩa mới, không phải thấy hiểu chơn chánh mà là “sửa” cái “thấy” của mình cho đúng đắn, nhưng vì có thấy là có đánh giá, nói có, nói không, nói xấu, nói tốt, nói hư, nói thật, cho nên cái thấy một khi bị điều chỉnh thì cái đánh giá sự vật cũng bị điều chỉnh luôn…”. Trong bài này, đường lối học Phật được cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, thể hiện qua nội dung quay về an trú trong ánh sáng của tự tâm mà ông gọi đó là quy y Tam Bảo, ông viết: “Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng phải là ba lời thệ nguyện lớn của người nhập môn cầu đạo, hay nói theo quan điểm của tôi, của người muốn chết với đời sống cũ, để sanh sang một đời sống mới. Vì vậy, tiếp theo lời thệ nguyện ấy, phải có một cuộc đại cách mạng xảy ra trong thân tâm, tức là trong tư tưởng, lời nói, việc làm…”9. Ngoài ra, trong đường lối tu học của mình, cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền đã đưa ra ba nguyên tắc căn bản của người học Phật. Nguyên tắc thứ nhất đó là khéo chọn bạn, mà theo ông, tiêu biểu cao nhất cho hạng người đáng gần này là những bậc chơn tu thạc đức mà đoàn thể có tên là Tăng già, cũng gọi đó là quy y Tăng; nguyên tắc thứ hai là sống hợp với luật tự nhiên và nguyên tắc thứ ba là phải luôn nương vào giới luật và giáo pháp của đức Phật mới có thể vững bước trên con đường tu hành giác ngộ giải thoát.

3. Tư tưởng Phật học

Nói về tư tưởng Phật học của các bậc cao Tăng và cư sĩ tiền bối, thì hầu như vào mỗi thời kỳ, mỗi vị đều có nhãn quan riêng của mình để hình thành nên tư tưởng Phật học đặc trưng của vị đó và ở thời đó. Chẳng hạn, ở đời Trần, tư tưởng Phật học của Tuệ Trung Thượng Sĩ là “Hòa quang đồng trần”, hay tư tưởng “Thiền tùy tục” của thiền sư Thường Chiếu, “Biện tâm” của Trần Thái Tông, Phật tại tâm trong “Cư trần lạc đạo phú” của Phật hoàng Trần Nhân Tông… Các bậc cao Tăng và cư sĩ tiền bối các thời kỳ sau, dù cùng hướng đến mục tiêu giác ngộ giải thoát, nhưng tư tưởng Phật học vẫn mang tính đặc trưng của mỗi vị.

Nói về tư tưởng Phật học của cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, theo hiểu biết thiển cận của chúng tôi, đó là “Sáng suốt nhân quả - Tường tận muôn duyên - Tỉnh thức chánh niệm”, bởi ông thường cho rằng, người học Phật phải luôn sáng suốt nhân quả, cần phải gieo cho mình những thói quen tốt, những nghiệp thiện lành, để hưởng được quả báo sáng suốt, thanh tịnh và an lạc, mà đỉnh cao của việc gieo nhân đó chính là “Quy y Tam Bảo” theo đúng nghĩa của cụm từ này. Theo ông, “Quy y Tam Bảo” là tư tưởng chuyển hóa nghiệp thức bằng những việc làm cụ thể trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, chứ không phải quy y Tam bảo theo hình thức, điều này thể hiện rất rõ trong bài viết “Tu là gì?” đăng trong tạp chí Từ Quang số 3 năm 1951, cụ thể như sau: “Muốn tu theo đạo Phật phải theo quy tắc nhà Phật, phải am tường nghệ thuật của người tu và phải tu cho đúng điệu. Chưa hề thấy một người tu chân chánh mà lại không quy y, ăn chay, niệm Phật và giữ giới, tức là những bổn phận căn bản của Phật tử, dầu xuất gia hay tại gia; không giữ đúng bốn điều ấy là những người giả danh dối thế, không vì mục đích bất chánh thì cũng vì tà tâm tư lợi khác. Quy y, ăn chay, niệm Phật và giữ giới là quy tắc, là nghệ thuật, là cái điệu của người muốn hưởng cái thú tối thanh cao, là thú tu Phật…”10 và: “Trọn đời dựa vào chân lý ấy mà tu thân xử thế”11 để kết luận vấn đề này ông viết: “Thế thì quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng là xây lưng cho mê muội, ngu dốt, đấu tranh và hướng về Chân lý, Luật trời và Hòa thuận”12. Do tầm quan trọng của việc quy y Tam Bảo, nhất là tư tưởng của ông luôn đau đáu hướng về Tam Bảo, ông luôn quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng nơi tự tâm. Do vậy, hầu hết các bài giảng ông thường xuyên nhấn mạnh đến việc Quy y Tam Bảo. Chính vì thế, chúng ta có thể nhận định sáng suốt nhân quả là một yếu tố quan trọng trong tư tưởng học Phật của cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền.

Tư tưởng học Phật của cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền được ông thể hiện rõ nét qua hành trạng phục vụ đạo pháp mà bản thân ông đã kinh qua. Đó là việc người học Phật phải tường tận muôn duyên, bởi theo ông, khi học Phật thì tất cả mọi người đều phải tiếp duyên, nên cần phải nhận diện từng nhân duyên hoàn cảnh có phù hợp và có mang lại lợi ích cho bản thân và mọi người hay không để học đạo cũng như để tham gia công tác Phật sự, về điều này ông đã thể hiện một cách trọn vẹn, chẳng hạn trong giai đoạn đấu tranh năm 1963, ông từng đảm trách vai trò Tổng Thư ký Ủy ban Liên Phái Bảo vệ Phật giáo đòi hỏi chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi bình đẳng tôn giáo; trong vai trò này, ông hoạt động rất tích cực và hiệu quả, cho đến khi cuộc đấu tranh thành công mỹ mãn. Năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập, dù thời gian đầu ông tham gia Ủy ban soạn thảo Hiến Chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và được bầu làm Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo, nhưng ít lâu sau do nhận thấy có sự phân hóa nội bộ, từ đó ông xin từ nhiệm. Điều nàycho thấy đường lối học Phật nói riêng và hành đạo nói chung của cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền là phải nhận diện từng hoàn cảnh, từng nhân duyên, như ông từng nói: “Đại trí biết lúc nào phải tiến, khi nào phải lùi, thế nào là hợp đạo, thế nào là sai đạo, những việc nào nên làm, những việc nào không nên làm”. Mặt khác, khi tìm hiểu các bài viết của ông đăng trong các số tạp chí Từ Quang, khi đọc đến bài “Đạo Phật của tôi” trích từ bài giảng ở Khánh Vân - Nam Viện vào ngày 26 tháng Tư năm 1959, thì tư tưởng học Phật của cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền hình thành một cách cụ thể hơn. Trong thời giảng này, ông thuyết: “…Cũng vì lầm tưởng vạn vật là miên viễn, danh lợi là trường tồn, cho nên thế nhân mới không ngại để cho “phú quý trường trung dị bạch đầu”. Tin vạn vật danh lợi là thật có nên đeo đuổi là một cái lầm, tin chúng trường tồn bất biến là một cái lầm khác to hơn… Tóm lại, ai cũng sợ hưởng cái quả không hay mà rất ít người biết tránh gây cái nhân không tốt, chỉ vì còn mê muội về cái định luật nhân quả bất di bất dịch”13… Trong đoạn văn này, tuy ông nói đến nhân quả, nhưng chiều sâu của vấn đề, ông chủ ý định hướng cho người học Phật phải tường tận muôn duyên, bởi trong đời sống con người nhân duyên chằng chịt, trùng điệp bao la, cho nên người học Phật cần phải sáng suốt nhân quả, tường tận muôn duyên để vững bước tiến tu trên con đường học Phật. Theo ông, nhờ tường tận muôn duyên sẽ giúp cho người học Phật chọn duyên tốt để gieo kết tình đạo hữu, dìu nhau trên con đường học Phật. Ngoài ra, việc tường tận muôn duyên còn thể hiện qua lối sống dung hòa các nền văn hóa, tôn giáo, triết học. Chẳng hạn trong bài “Tm gương dung hòa của đức Phật”, ông cho rằng “Ngoài cái lý vô thường vô ngã, con người bừng mắt đại còn thấy không có những cái “ta” riêng biệt và xung đột với nhau, mà vạn loại cũng từ một bản thể mà xuất phát, tất cả đều sống một sự sống như nhau, nói tóm lại tất cả là một. Đã là một, máu chảy thì ruột phải mềm, không thể không có sự tương quan mật thiết giữa cái toàn thể và thành phần cấu tạo nên cái toàn thể ấy”14… Về vấn đề chánh niệm tỉnh thức, cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền rất chú trọng xem đây là hơi thở hằng ngày của người học Phật chân chánh, ông cho rằng, con người sống được nhờ hơi thở, còn hơi thở thì con người còn sống, hết thở được thi con người mất mạng. Người học Phật cũng vậy, có chánh niệm tỉnh thức là có sáng suốt an lạc, có chánh niệm tỉnh thức là có ánh sáng giác ngộ soi đường cho bước chân giải thoát. Chính vì vậy, ông viết: “Tội lỗi bắt nguồn từ trong lòng ta, bởi vì trong lòng ta đã dấy khởi những ý niệm, những tư tưởng bất chính, vì vậy phép sửa mình hay giữ giới là một bức rào mà chúng ta phải tự dựng lên để giữ mình đừng sa vào hố sâu tội lỗi”15… Trong tham luận này, chúng tôi chỉ trích dẫn tượng trưng một vài đoạn văn nhằm nêu bật lên tư tưởng học Phật của cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, song những phân tích và ý kiến trên đây chỉ là nhận định chủ quan của cá nhân người viết, rất mong Hội thảo có những đóng góp đầy đủ hơn ngõ hầu làm sáng tỏ tư tưởng học Phật của một bậc cư sĩ tiền bối hữu công của Phật giáo nước nhà.

Kết luận

Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền là người có công lớn đối với công cuộc hoằng dương Phật pháp. Ông là một trong những tấm gương ngời sáng trong dòng sử Phật giáo Việt Nam. Vào thời điểm kinh sách Phật giáo viết bằng chữ Việt còn rất hiếm, trình độ hiểu biết về giáo lý đạo Phật của đa số quần chúng Phật tử còn hạn chế, thì ông và các thành viên trong Hội Phật Học Nam Việt không chỉ lo tu hành, mà còn đem cả tâm huyết tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu để phiên dịch kinh sách, biên soạn, trước tác các tác phẩm có giá trị của Phật giáo để truyền bá, phổ biến tư tưởng giác ngộ giải thoát đến với mọi người. Chúng ta có thể nói rằng, phần đông giới Phật tử tại gia sống vào những thập niên đầu thế kỷ 20 được nâng cao nhận thức và sự hiểu biết Phật pháp là nhờ được nghe những thời thuyết pháp quý giá tại các chùa, trong đó có sự đóng góp rất lớn và hiệu quả của chùa Phật Học Xá Lợi, trong đó nổi bật vai trò của cư sĩ Mai Thọ Truyền. Một phần lớn khác đến với đạo Phật, thậm chí sau này trở thành những tu sĩ Phật giáo cũng là nhờ đọc những cuốn sách của các vị cư sĩ tiền bối, trong đó có phần góp sức rất lớn của cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền. Đối với cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, ngoài việc bổn phận phải làm cho bản thân, trách nhiệm đối với công tác xã hội, cư sĩ còn thể hiện vai trò và trọng trách không khác một vị xuất gia trong vai trò hoằng pháp độ sanh. Cư sĩ đã vượt qua ranh giới hình thức, thể hiện tư tưởng “hòa quang đồng trần” nhằm thành tựu đạo nghiệp cao quý cho hàng hậu tấn. Đây là điều thật đáng tôn kính và ngưỡng mộ.

Nhìn lại hành trạng của cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, chúng ta sẽ thấy, ngoài việc gánh vác các Phật sự quan trọng của Phật giáo nói chung và của Hội Phật Học Nam Việt nói riêng, vun bồi cho tạp chí Từ Quang phát triển, thuyết giảng Phật pháp và viết bài cho tạp chí Từ Quang, ông còn để tâm nghiên cứu kinh điển Phật Đà. Vốn là một cư sĩ trí thức uyên thâm Phật học, ông đã dành nhiều thời gian phiên dịch, trước tác các tác phẩm có giá trị về Phật học.

Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền đã cống hiến trọn đời mình cho việc phụng sự Phật pháp, dù có địa vị cao quý trong xã hội, dù thành đạt trong sự nghiệp thế gian, nhưng ông luôn thể hiện bản thân là một Phật tử đạo đức, mẫu mực, hết lòng với đời, tận tâm vì đạo, với nhiều cống hiến to lớn trong công cuộc chấn hưng và thống nhất Phật giáo, phát triển hệ thống Phật học cư sĩ và góp phần vào sự nghiệp truyền bá tri thức Phật học. Ông trở thành nhân vật tiêu biểu cho tấm gương của hàng cư sĩ tại gia hết lòng phụng sự đạo pháp và dân tộc. Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền đích thực là điểm son sáng chói trên những trang sử vàng của lịch sử Phật giáo Việt Nam.

 


1. Nguyễn Lang (2008), Vit Nam Phật giáo sử luận, tập 3, Nxb Văn Học, Hà Nội.

2. Lê Mạnh Thát chủ biên(2005), Bồ tát Quảng Đức - Ngọn lửa và Trái tim, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

3. Nguyễn Lang (2008), Vit Nam Phật giáo sử luận, tập 3, Nxb Văn Học, Hà Nội.

4. Xin xem bài: “Tự do và Tự tại”, Tạp chí Từ Quang, số 25, 2018, tr. 6.

5. Xin xem bài: “Tri hành và Ngôn hành”, Tạp chí Từ Quang, số 12, 2015, tr. 4.

6. Xin xem bài: “Tri hành và Ngôn hành”, Sđd, tr. 4.

7. Xin xem bài: “tri hành và Ngôn hành”, Sđd, tr. 4-5.

8. Xin xem bài: “Đạo Phật như một kinh nghiệm sống”, Tạp chí Từ Quang, số 14, 2015, tr. 8.

9. Xin xem bài: “Đạo Phật như một kinh nghiệm sống”, Sđd, tr. 13.

10. Xin xem bài: “Tu là gì?”, Tạp chí Từ Quang, số 13, 2015,tr7.

11. Xin xem bài: “Tu là gì?”, Sđd, tr. 7.

12. Xin xem bài: “Tu là gì?”, Sđd, tr. 8

13. Xin xem bài: “Đạo Phật của tôi”, Tạp chí Từ Quang, số 8, 2014, tr. 20.

14. Xin xem bài: “Tấm gương dung hòa của đức Phật”, Tạp chí Từ Quang, số 21, 2017, tr. 8

15. Xin xem: “Hai phương pháp”, Tạp chí Từ Quang, số 23, 2018, tr. 9.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thích Đồng Bổn chủ biên (1995), Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, Thành Hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành.

2. Nguyễn Lang (2008), Vit Nam Phật giáo sử luận, tập 3, Nxb Văn Học, Hà Nội

3. Lê Mạnh Thát chủ biên (2005), Bồ tát Quảng Đức - Ngọn lửa và trái tim, Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh

4. Nguyên Hậu, Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền - Cuộc đời tận hiến, nguồn: https:// thuvienhoasen.org/p58a13371/cu-si-chanh-tri-mai-tho-truyen-cuoc-doi-tan-hien- nguyen-hau

5. Cư sĩ Tâm Diệu, Tham Luận tại cuộc hội thảo chủ đề “Sự Đóng Góp Của Người Cư Sĩ Trong Công Cuộc Hoằng Pháp Tại Hải Ngoại” do Hội Phật Học Đuốc Tuệ tổ chức tại Trung Tâm Sangha, Thành Phố Huntington Beach, California, Hoa Kỳ vào ngày 11 tháng 12 năm 2011.

6. Tạp chí Từ Quang, số 8, 2014

7. Tạp chí Từ Quang số 12, 13,14, 2015

8. Tạp chí Từ Quang, 21, 2017

9. Tạp chí Từ Quang, số 23, 25, 2018

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 15
    • Số lượt truy cập : 6131576