CƯ SĨ CHÁNH TRÍ - MAI THỌ TRUYỀN TRONG SỰ NGHIỆP ĐÓNG GÓP TRUYỀN BÁ PHẬT HỌC
CƯ SĨ CHÁNH TRÍ - MAI THỌ TRUYỀN
TRONG SỰ NGHIỆP ĐÓNG GÓP TRUYỀN BÁ PHẬT HỌC
CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM GIỮA THẾ KỶ XX
Hòa thượng TS. THÍCH THIỆN NHƠN
Chủ tịch HĐTS GHPGVN
Kính thưa …
Nhân dịp kỷ niệm 46 năm ngày mất của Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Tôn giáo – Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam, tổ chức Hội thảo: “Cư sĩ Chánh Trí- Mai Thọ Truyền với Hội Phật Học Nam Việt” với mục đích nhằm làm sáng tỏ vai trò của Chánh Trí Mai Thọ Truyền trong sự nghiệp truyền bá Phật học, vai trò của Hội Phật Học Nam Việt giai đoạn hậu chấn hưng và giai đoạn đấu tranh của Phật giáo tại miền Nam, cũng như sự phát triển bền vững của Hội cho đến ngày tham gia thống nhất Phật giáo cả nước vào năm 1981. Chúng tôi rất hoan hỷ hưởng ứng việc làm ý nghĩa này của các đơn vị tổ chức hội thảo. Để tưởng nhớ một bậc cư sĩ tiền bối tài năng, đức độ, đã có những đóng góp to lớn trong việc truyền bá Phật học và những cống hiến khác của Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền đối với Phật giáo nước nhà, đã tận lực cống hiến trí tuệ và công sức đáng kể vào công cuộc chấn hưng Phật giáo nước nhà. Trên tinh thần này, chúng tôi xin có bài phát biểu: “Cư sĩ Chánh Trí- Mai Thọ Truyền trong sự nghiệp đóng góp truyền bá Phật học của Phật giáo Việt Nam giữa thế kỷ XX”.
Kính thưa quý vị,
Lịch sử Phật giáo Việt Nam có những trang sử vàng son là do có những đóng góp to lớn của các bậc cao tăng thạc đức dành cả cuộc đời để cống hiến cho đạo pháp, bên cạnh đó còn có những đóng góp to lớn của những vị cư sĩ tại gia trong vai trò hộ pháp và nhiều hoạt động nổi bật cho sự nghiệp phát triển Phật giáo nước nhà, đơn cử là Cư sĩ Chánh Trí- Mai Thọ Truyền.
Cư sĩ Mai Thọ Truyền là một trong những người Phật tử nổi bật của thời đại. Ông sinh năm 1905 tại làng Long Mỹ, tỉnh Bến Tre. Ông thi đậu tri huyện năm 1931 và đã tùng sự tại Sài Gòn, Trà Vinh, Long Xuyên và Sa Đéc. Năm 1945, sau Cách mạng Tháng Tám, ông đã làm Chủ tịch Ủy Ban Quận Bộ Châu Thành Long Xuyên, rồi Trưởng phòng Hành chính Ủy Ban Hành Chính Tỉnh Bộ Long Xuyên. Ông về Sài Gòn năm 1947, và lần lượt giữ những chức vụ: Chánh Văn phòng Phủ Thủ tướng của Chính phủ Nguyễn Văn Xuân (Hà Nội), Chánh Văn phòng Bộ Kinh tế, Giám đốc Hành chính sự vụ Bộ Ngoại giao, Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ của Chính phủ Nguyễn Nam Long, Đổng lý Văn phòng Phủ Thủ Hiến Nam Việt và Phó Đổng lý Văn phòng Phủ Thủ tướng của Chính phủ Bửu Lộc. Năm 1955, ông đổi sang ngạch thanh tra hành chính và tài chính và đến năm 1960 về hưu thời chính phủ Ngô Đình Diệm. Sau Cách mạng 1963, ông tham dự Hội đồng Nhân sĩ trong Chính phủ Dương Văn Minh; năm 1964, ông được bầu làm Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; chỉ sau đó một tháng, ông không tham gia và trở về cương vị Hội trưởng Hội Phật Học Nam Việt1. Nói về mục đích thành lập Hội Phật Học Nam Việt, trong Việt Nam Phật giáo sử luận, tác giả Nguyễn Lang đã viết: “Trong bản tuyên cáo thành lập Hội Phật Học Nam Việt có chủ ý muốn thành lập một Phật Học Đường lớn để đào tạo Tăng tài, nhưng công việc này chưa bao giờ được Hội thực hiện, có thể đây là vì bên cạnh Hội Phật Học Nam Việt đã có Giáo hội Tăng già Nam Việt…”2. Đến năm 1967, ông ứng cử phó tổng thống chung liên danh với ông Trần Văn Hương; năm 1968, ông giữ chức Quốc Vụ Khanh kiêm Viện trưởng Giám Sát viện trong Chính phủ Trần Văn Hương, rồi đổi sang chức vụ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa cho đến năm ông mất (1973).
Trong thời gian làm việc, ông đã để tâm nghiên cứu tìm hiểu về Phật giáo, cho đến khi tham vấn Hòa thượng Thích Hành Trụ, ông mới quy y Tam bảo và cầu xin làm đệ tử của ngài. Hòa thượng Thích Hành Trụ đặt pháp danh cho ông là Chánh Trí. Kể từ đây, ông tận tâm tận lực hộ trì chánh pháp. Sau khi chính thức trở thành Phật tử cư sĩ, ông thực hiện trường chay và nghiêm trì ngũ giới. Ông là một cư sĩ trí thức gương mẫu tài đức vẹn toàn, đã đóng góp công sức rất lớn cho phong trào chấn hưng Phật giáo…
Sự đóng góp cho việc hình thành Hội Phật Học Nam Việt
Năm 1950, ông đứng ra vận động thành lập Hội Phật Học Nam Việt. Ban đầu, Hội đặt trụ sở tại chùa Khánh Hưng, sau dời qua chùa Phước Hòa; năm 1958, công trình xây dựng chùa Xá Lợi hoàn thành, thì trụ sở Hội Phật Học Nam Việt được dời về đây. Ông làm Tổng Thư ký của Hội khi mới thành lập và làm Hội trưởng từ 1955 cho đến ngày ông mất.
Hội Phật Học Nam Việt được thành lập do Nghị định của Thủ Hiến Nam Việt ký ngày 19 tháng 9 năm 1950. Về các hoạt động của Hội, lúc bấy giờ, Hội Phật Học Nam Việt đã mở các lớp Phật học phổ thông do quý Thượng tọa Thích Thiện Hòa, Thích Thiện Hoa, Thích Trí Hữu, Thích Quảng Minh, Thích Huyền Vi, Thích Quảng Liên… luân phiên diễn giảng, trong đó ông cũng chia sẻ trách nhiệm diễn giảng một số tiết mục cho học viên. Trên cương vị Hội trưởng, hằng tuần ông đã mời các vị cao tăng thạc đức trong và ngoài nước đến chùa Xá Lợi đăng đàn thuyết pháp cho đại chúng, đôi khi ông cũng làm giảng sư tại đạo tràng do yêu cầu của thính chúng. Đặc biệt, ông đã thành lập trên 40 Tỉnh hội và Chi hội Phật học khắp cả miền Nam. Đặc biệt, tại Sài Gòn vào ngày 13 tháng 9 năm 1952, ông và Hội Phật học Nam Việt tổ chức lễ rước ngọc Xá Lợi. Buổi lễ quy tụ đông đảo Tăng Ni, Phật tử, đồng bào thành phố và các tỉnh lân cận về tham dự chiêm bái ngọc Xá Lợi Phật đầu tiên đến Việt Nam. Sự kiện này tạo nên Phật sự vô cùng quan trọng, gây được tiếng vang trong nước, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng toàn thể Phật giáo đồ lúc bấy giờ.
Sự đóng góp của ông trong việc xây dựng Chùa Phật Học Xá Lợi
Có thể nói sự nghiệp hoằng pháp của Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, đó là việc đứng ra xây dựng chùa Xá Lợi làm trụ sở cho Hội Phật Học Nam Việt; chùa được khởi công xây dựng năm 1956, đến ngày rằm tháng Ba năm Mậu Tuất (nhằm ngày 02 đến ngày 04 tháng 5 năm 1958) công trình hoàn thành, ngày làm lễ lạc thành có Hòa thượng Thích Khánh Anh (Pháp chủ Giáo hội Tăng già Nam Việt, Chứng minh Đạo sư của Hội Phật Học Nam Việt) đã đến chứng minh và đặt tên cho chùa là chùa Phật Học Xá Lợi.
Chùa Phật Học Xá Lợi là một trong số ít những ngôi chùa uy nghiêm, tráng lệ nhất của miền Nam thời bấy giờ. Ngoài việc làm trụ sở cho Hội Phật Học Nam Việt, tổ chức các lớp Phật học phổ thông, các đạo tràng tu học và là nơi diễn thuyết của các bậc giảng sư danh tiếng cho Tăng tín đồ Phật tử đến nghe pháp, trong thời Pháp nạn 1963, chùa Xá Lợi còn là trụ sở chính cho cuộc tranh đấu của Phật giáo đồ chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm, để rồi trở thành một ngôi chùa lịch sử của Phật giáo.
Trong giai đoạn đấu tranh năm 1963, cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền giữ nhiệm vụ Tổng Thư ký Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, đã yêu cầu chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi bình đẳng tôn giáo. Do chùa Xá Lợi là nơi đặt trụ sở Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, nên chính quyền Sài Gòn cho quân đội và cảnh sát đánh phá, phong tỏa chùa Xá Lợi, đàn áp, bắt bớ cầm tù; lúc này, ông cũng chịu chung số phận với Tăng Ni Phật tử.
Chùa Phật Học Xá Lợi là nơi vinh dự diễn ra các kỳ Đại hội của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam lần 3 vào năm 1959, lần 4 vào năm 1962, Đại hội ngày 21 tháng 12 năm 1963, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và trong thời kỳ đầu mới thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981, chùa Xá Lợi là nơi đặt Văn phòng II của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt, một sự kiện mang ý nghĩa lịch sử quan trọng của Phật giáo Việt Nam, đó là trong mùa Pháp nạn 1963, Pháp thể của Bồ tát Thích Quảng Đức đã được chư tôn đức rước về quàn tại chùa Xá Lợi trong hai tuần trước khi làm lễ trà tỳ tại An Dưỡng Địa Bình Chánh. Chùa Phật Học Xá Lợi đã trở thành địa chỉ lịch sử văn hóa tâm linh, một trung tâm giáo dục và truyền bá Phật giáo, một chứng tích lịch sử trong công cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Sự hình thành Tạp chí Từ Quang
Nói đến cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền là nói đến Hội Phật Học Nam Việt và cũng là nói đến Tạp chí Từ Quang. Tạp chí Từ Quang là một trong những ấn phẩm rất quan trọng nhằm chuyển tải giáo lý và tư tưởng Phật học của Hội Phật Học Nam Việt; nó được hình thành từ ý tưởng của cư sĩ Mai Thọ Truyền, được ông sáng lập, trực tiếp chịu trách nhiệm nội dung bài vở. Trong thời kỳ đầu thành lập, Tạp chí Từ Quang được chư Tăng trong Giáo hội Tăng già Nam Việt nhiệt tình đóng góp về phương diện nội dung bài vở và biên tập. Tạp chí Từ Quang đã đóng góp rất nhiều trong việc phổ biến Phật học ở Sài Gòn và các tỉnh thành miền Nam. Một trong những cây viết trụ cột của tạp chí cũng chính là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Chánh Trí Mai Thọ Truyền. Nói về Tạp chí Từ Quang, trong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, tác giả Nguyễn Lang đã viết: “… Tạp chí Từ Quang đã là một đóng góp không nhỏ cho công việc phổ biến Phật học ở Sài Gòn và các tỉnh. Tạp chí này đã được chư Tăng ở Phật học đường Nam Việt nâng đỡ và đóng góp khá nhiều về phương diện biên tập, nhất là trong những năm đầu…”3.
Nói về tư tưởng Phật học của cư sĩ Chánh Trí- Mai Thọ Truyền, theo sự hiểu thiển cận của chúng tôi, đó là “Sáng suốt nhân quả - Tường tận muôn duyên - Tỉnh thức chánh niệm”, bởi ông thường cho rằng, người học Phật phải luôn sáng suốt nhân quả, cần phải gieo cho mình những thói quen tốt, những nghiệp thiện lành, để hưởng được quả báo sáng suốt, thanh tịnh và an lạc, mà đỉnh cao của việc gieo nhân đó chính là “Quy y Tam Bảo”. Theo ông, “Quy y Tam Bảo” là tư tưởng chuyển hóa nghiệp thức bằng những việc làm cụ thể trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, chứ không phải quy y Tam bảo theo hình thức, điều này thể hiện rất rõ trong bài viết “Tu là gì?” đăng trong Tạp chí Từ Quang số 3 năm 1951, cụ thể như sau: “Muốn tu theo đạo Phật phải theo quy tắc nhà Phật, phải am tường nghệ thuật của người tu và phải tu cho đúng điệu. Chưa hề thấy một người tu chân chánh mà lại không quy y, ăn chay, niệm Phật và giữ giới, tức là những bổn phận căn bản của Phật tử, dầu xuất gia hay tại gia; không giữ đúng bốn điều ấy là những người giả danh dối thế, không vì mục đích bất chánh thì cũng vì tà tâm tư lợi khác. Quy y, ăn chay, niệm Phật và giữ giới là quy tắc, là nghệ thuật, là cái điệu của người muốn hưởng cái thú tối thanh cao, là thú tu Phật…”4, và: “Trọn đời dựa vào chân lý ấy mà tu thân xử thế”5. Để kết luận vấn đề này, ông viết: “Thế thì quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng là xây lưng cho mê muội, ngu dốt, đấu tranh và hướng về Chân lý, Luật trời và Hòa thuận”6. Do tầm quan trọng của việc quy y Tam bảo, nhất là tư tưởng của ông luôn hướng về Tam bảo, ông luôn quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng nơi tự tâm. Do vậy, hầu hết các bài giảng ông thường xuyên nhấn mạnh đến việc Quy y Tam bảo. Chính vì vậy, chúng ta có thể nhận định sáng suốt nhân quả là một yếu tố quan trọng trong tư tưởng học Phật của cư sĩ Chánh Trí- Mai Thọ Truyền.
Tìm hiểu về cuộc đời cũng như những công đức đóng góp to lớn của cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền cho nền Phật giáo nước nhà, chúng ta sẽ thấy ngoài việc gánh vác các Phật sự quan trọng của Phật giáo nói chung và của Hội Phật Học Nam Việt nói riêng, vun bồi cho Tạp chí Từ Quang đã đóng góp rất nhiều trong việc phổ biến Phật học ở Sài Gòn và các tỉnh thành miền Nam. Tạp chí Từ Quang là chiếc cầu nối vững chắc và quan trọng, tạo cơ duyên cho nhiều người, nhiều giới đến với đạo Phật.
Ngoài việc thuyết giảng Phật pháp và viết bài cho Tạp chí Từ Quang, ông còn để tâm nghiên cứu kinh điển Phật Đà. Vốn là một cư sĩ trí thức uyên thâm Phật học, ông đã dành nhiều thời gian phiên dịch, trước tác các tác phẩm có giá trị về Phật học như: Tâm và Tánh, Nhà xuất bản Đuốc Tuệ - Hà Nội ấn hành năm 1950; Ý nghĩa Niết Bàn (1962); Một đời sống vị tha (1962); Tâm kinh Việt giải (1962); Le Bouddhisme au Viet Nam (1962); Pháp Hoa huyền nghĩa (1964); Địa Tạng mật nghĩa, Hội Phật Học Nam Việt ấn hành năm1965 và các tác phẩm khác như: Truyền tâm pháp yếu, Tây Du Ký, Hư Vân Lão Hòa Thượng, Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Mười lăm ngày ở Nhật, Vòng quanh thế giới Phật giáo, Đạo đời, Khảo cứu về Tịnh Độ Tông, Mật Tông và một tác phẩm đang viết là Kinh Lăng Nghiêm.
Kính thưa quý vị,
Nhân buổi hội thảo này, chúng ta hãy cùng nhau lắng lòng thành kính tri ân công đức sâu dày của cư sĩ Chánh Trí- Mai Trọ Truyền, một vị cư sĩ tiền bối hữu công của Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ XX. Ông đã cống hiến và chu toàn trách nhiệm vì sự nghiệp trường tồn Phật pháp, sự hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam bằng cả con tim nhiệt huyết và tài năng đức độ của mình cho đạo pháp.
Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền là người có công lớn lao đối với công cuộc hoằng dương Phật pháp. Ông là một trong những tấm gương ngời sáng trong dòng sử Phật giáo Việt Nam. Vào thời điểm kinh sách Phật giáo viết bằng chữ Việt còn rất hiếm, trình độ hiểu biết về giáo lý đạo Phật của đa số quần chúng Phật tử còn hạn chế, thì ông và các thành viên trong Hội Phật Học Nam Việt đã đem cả tâm huyết tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu để phiên dịch kinh sách, biên soạn, trước tác các tác phẩm có giá trị của Phật giáo để truyền bá, phổ biến tư tưởng giác ngộ giải thoát đến với mọi tầng lớp tín đồ Phật giáo và người có thiện tâm với đạo Phật cũng như những nhà nghiên cứu.
Trong khuôn khổ giới hạn của bài phát biểu này, chúng tôi chỉ nêu vắn tắt đôi dòng về công hạnh và những đóng góp quý báu của cư sĩ Cư sĩ Chánh Trí – Mai Thọ Truyền nói riêng và vai trò của Hội Phật Học Nam Việt cũng như Tạp chí Từ Quang và ngôi chùa Xá Lợi. Để ghi nhận công đức đóng góp của cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền cho Phật giáo, để làm sáng tỏ hơn về cuộc đời và sự nghiệp của ông, chúng tôi mong rằng Hội thảo sẽ có thêm nhiều tham luận chuyên sâu vào những vấn đề này, nhằm tạo nguồn tư liệu quý báu phục vụ cho việc tìm hiểu, nghiên cứu những giá trị lịch sử văn hóa của nước nhà và lịch sử của Phật giáo Việt Nam.
Kính chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!
1. Thích Nhất Hạnh, Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền (1905-1973)
2. Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, Nxb Văn Học, Hà Nội
3. Nguyễn Lang, tập 3, Sđd...
4. Nguồn: Tạp chí Từ Quang số 13, Thích Đồng Bổn chủ biên, Nxb Phương Đông, năm 2015 (Trích trong bài Tu là gì? từ dòng 30 đến dòng 27 khổ bên trái và dòng 1 đến dòng 7 khổ bên phải của trang 07).
5. Nguồn: Tạp chí Từ Quang số 14, Thích Đồng Bổn chủ biên, Nxb Phương Đông, năm 2015 (Trích trong bài Tu là gì? từ dòng 20 đến dòng 21, khổ bên phải của trang 07).
6. Nguồn: Tạp chí Từ Quang số 14, Thích Đồng Bổn chủ biên, Nxb Phương Đông, năm 2015 (Trích trong bài Tu là gì? từ dòng 12 đến dòng 16, khổ bên phải của trang 08).
Bình luận bài viết