CƯ SĨ CHÁNH TRÍ - MAI THỌ TRUYỀN VÀ VAI TRÒ NGƯỜI CƯ SĨ PHẬT TỬ TRONG SỰ PHÁT TRIỂN CỦA PHẬT GIÁO
CƯ SĨ CHÁNH TRÍ - MAI THỌ TRUYỀN
VÀ VAI TRÒ NGƯỜI CƯ SĨ PHẬT TỬ
TRONG SỰ PHÁT TRIỂN CỦA PHẬT GIÁO
Hòa thượng TS. THÍCH GIA QUANG
Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự - Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Chánh Trí – Mai Thọ Truyền: Tấm gương cư sĩ “Dấn thân hoằng pháp độ sinh”
Cư sĩ Mai Thọ Truyền sinh ngày 01/04/1905 tại làng Long Mỹ, tỉnh Bến Tre trong một gia đình trung lưu. Năm 1931, lúc làm việc tại Sa Đéc, Cư sĩ thường hay đến tham vấn cầu học với Hòa thượng Hành Trụ. Từ nhân duyên đó, Mai Thọ Truyền có lòng kính mộ, cảm phục đức độ và trí tuệ của vị danh tang, nên xin thọ Tam quy, Ngũ giới, được Hòa thượng Hành Trụ đặt cho Pháp danh là Chánh Trí. Cư sĩ tạ thế ngày 17/4/1973, hưởng thọ 69 tuổi.
Cư sĩ Chánh Trí là người am hiểu giáo lý Phật đà sâu rộng, là một Phật tử giàu nhiệt huyết, cư sĩ tâm tư và mang nặng mối trăn trở là làm sao xây dựng Phật giáo nước nhà vững mạnh. Cư sĩ đã kết hợp một số đạo hữu trí thức có đạo tâm để hoạch định thành lập Hội Phật học Nam Việt (PHNV).
Trên cương vị Hội trưởng, Cư sĩ Chánh Trí rất quan tâm đến việc kiến tạo cho Hội PHNV một ngôi Tam Bảo khang trang để làm nơi thờ tự và đặt văn phòng T.Ư của Hội. Cư sĩ lo liệu mọi thủ tục như xin phép xây dựng, huy động và tạo nguồn kinh phí. Sau lễ động thổ khai móng 19 tháng, Hội làm lễ lạc thành rất long trọng vào các ngày 14, 15, 16 tháng 3 năm Mậu Tuất (ngày 02 đến ngày 04/5/1958), được Hòa thượng Khánh Anh (Pháp chủ Giáo hội Tăng già Nam Việt, đồng thời là chứng minh Đại đạo sư của Hội PHNV) đặt tên chùa là Phật học Xá Lợi.
Ngôi chùa Xá Lợi sau khi hoàn thành đã trở thành trung tâm của nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của Phật giáo nước nhà. Các kỳ Đại hội của Tổng hội PGVN lần III (năm 1959) lần IV (năm 1962) nhất là Đại hội ngày 21/12/1963, đã thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Sau khi Đại hội Đại biểu tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào tháng 11/1981 đã thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Văn phòng II Hội đồng Trị sự Giáo hội đặt tại chùa Xá Lợi cho đến khi Văn phòng II dời đến Thiền viện Quảng Đức (294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa) vào năm 1993.
Trong Pháp nạn năm 1963, chùa Xá Lợi là nơi đặt văn phòng của Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo.
Trong Đạo, ngoài chức vụ Hội trưởng PHNV từ năm 1955 đến 1973, cư sĩ Chánh Trí đảm nhiệm các chức vụ: Tổng Thư ký Tổng Hội Phật giáo Việt Nam (từ năm 1955 đến 1958), Phó Hội chủ Tổng Hội Phật giáo Việt Nam từ năm 1959 đến 1963, và có một thời gian làm Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Trong các hoạt động Phật giáo quốc tế, Cư sĩ đã đảm trách Phó Chủ tịch Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới nhiệm kỳ VI tổ chức tại Phnôm Pênh, Campuchia, năm 1962. Ngoài ra, Cư sĩ còn tham dự các hội nghị Văn hóa Phật giáo tại New Delhi, Ấn Độ, năm 1956, hội nghị Văn hóa Phật giáo tại Tokyo, Nhật Bản, năm 1958, hội nghị Phật giáo Thế giới lần VII tại Bénarès, Ấn Độ, năm 1964.
Khi được chính quyền miền Nam mời giữ chức Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, Cư sĩ đã đẩy mạnh hoạt động của Ủy ban Điển chế Văn tự, thiết lập Chi nhánh bảo tồn Cổ tích Huế, lập Ủy ban dịch thuật do chính Cư sĩ làm Chủ tịch. Thành tựu nổi bật trong vai trò Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa, Cư sĩ đã tác động chính quyền thời đó chấp thuận xây cất Thư viện Quốc gia tại Sài Gòn (nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, ở đường Lý Tự Trọng). Thư viện này do Kiến trúc sư Phật tử Nguyễn Hữu Thiện chủ trì thiết kế, khởi công năm 1965 hoàn tất năm 1970, là một công trình kiến trúc hiện đại được xây dựng trên khoảnh đất rộng mà tại đây vào thời thực dân Pháp đã dùng để xây cất nhà tù khám lớn.
Để truyền bá giáo lý Phật đà và chuyển tải thông tin hoạt động Phật sự của Hội PHNV, Cư sĩ đã chủ trương xây dựng tạp chí Từ Quang, số báo đầu tiên phát hành vào năm 1951, đến ngày Cư sĩ mất, đã ra được 242 số, đến cuối năm 1974 thì tạp chí Từ Quang đình bản. Tờ Từ Quang hoạt động 23 năm là một tờ báo Phật giáo có nhiều độc giả và có tuổi thọ lâu nhất thời bấy giờ. Trong tạp chí, Cư sĩ có dành riêng cho Gia đình Phật tử để đăng các hoạt động gọi là “Trang Gia đình”.
Ngày 15/4/1973, Cư sĩ Chánh Trí chủ trì Đại hội các tỉnh hội thuộc Hội PHNV trong không khí đầm ấm đạo vị; hơn một ngày sau lúc 8 giờ 15’ ngày 17/4/1973, nhằm ngày rằm tháng 3 năm Quý Sửu Cư sĩ Chánh Trí thanh thản ra đi. Có một điểm trùng hợp lạ kỳ là 15 năm trước cũng vào ngày rằm tháng Ba năm Mậu Tuất (1958), Cư sĩ tổ chức khánh thành chùa Phật học Xá Lợi.
Điểm lại cuộc đời và công cuộc hoằng pháp của cư sĩ đã bắt đầu ngay từ khi là một Phật tử. Trong những năm làm việc đó đây khắp lục tỉnh miền Tây, cư sĩ để tâm nghiên cứu tìm hiểu về Phật giáo, Nho giáo, và các tư tưởng tôn giáo triết lý khác. Đối với phong trào chấn hưng Phật giáo, cư sĩ là người tham gia rất tích cực và đã đóng góp sâu rộng trên rất nhiều các lĩnh vực từ hoạt động phật sự, xây dựng và sáng lập các tổ chức, hội đoàn Phật giáo đến công tác vận động, tuyên truyền và hoằng pháp, công tác giáo dục…
Để làm đòn bẩy thúc đẩy phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Nam, năm 1952, cư sĩ và Hội Phật Học Nam Việt đã làm một phật sự, gây được tiếng vang lớn trên khắp toàn quốc, đó là lễ rước ngọc Xá Lợi tại Sài Gòn vào ngày 13-9-1952. Nhân khi phái đoàn Phật giáo Tích Lan đi dự Đại hội Phật giáo thế giới kỳ II tại Tokyo, có mang theo một viên ngọc Xá Lợi để tặng quốc gia Nhật Bản. Trên đường đi, phái đoàn quá cảnh Sài Gòn 24 tiếng đồng hồ. Cuộc rước ngọc Xá Lợi đã được đông đảo tăng ni, Phật tử và đồng bào thành phố và các tỉnh lân cận tham dự để chiêm bái Xá Lợi Phật đầu tiên đến Việt Nam.
Trong giai đoạn đấu tranh năm 1963 được coi là pháp nạn, cư sĩ giữ nhiệm vụ Tổng Thư ký Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo đòi chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi bình đẳng tôn giáo.
Khi Viện Đại học Vạn Hạnh được thành lập, tạm đặt tại chùa Xá Lợi trong khi chờ xây xong cơ sở, cư sĩ nhận làm giảng viên cho Viện trước tiên, sau đó giữ chức Phụ tá Viện trưởng đặc trách hành chính và tài chính, kiêm Tổng Thư ký niên khóa 1967-1968.
Ngoài những Phật sự nói trên, cư sĩ còn nghiên cứu, biên soạn và đã xuất bản các tác phẩm:
- Tâm và Tánh (do Nhà Xuất bản Đuốc Tuệ - Hà Nội ấn hành năm 1950).
- Ý nghĩa Niết Bàn (1962).
- Một đời sống vị tha (1962).
- Tâm kinh Việt giải (1962).
- Le Bouddhisme au Viet Nam (1962)
- Pháp Hoa huyền nghĩa (1964)
- Địa Tạng mật nghĩa (1965)
(Do Hội Phật Học Nam Việt ấn hành).
Ngoài ra, cư sĩ còn một số tác phẩm chưa xuất bản như: Truyền tâm pháp yếu, Tây Du Ký, Hư Vân Lão Hòa Thượng, Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Mười lăm ngày ở Nhật, Vòng quanh thế giới Phật giáo, Đạo đời, Khảo cứu về Tịnh Độ Tông, Mật Tông và một tác phẩm đang viết dở là Kinh Lăng Nghiêm.
Vai trò người cư sĩ Phật tử trong sự phát triển đạo Phật
Theo tài liệu lịch sử cũng như trong thực tế, hàng cư sĩ đã có những đóng góp lớn lao và tích cực hơn trong việc hoằng pháp. Trong lịch sử, có những cư sĩ nổi danh thời Phật như vua Ba-tư-nặc (Pasenadi), trưởng giả Cấp-cô-độc (Anāthapiṇḍika), tín nữ Tỳ-xá-khư (Visākhā); sau thời Phật, có cư sĩ vĩ đại A Dục vương (Ashoka); ở Trung Hoa có cư sĩ quyền uy như Lương Vũ Đế, có cư sĩ là học giả uyên thâm như Lương Khải Siêu; ở Việt Nam thời Lý-Trần có các cư sĩ “triều đình” như Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sỹ, thời hậu Lê có cư sĩ Nguyễn Trãi, thời Trịnh-Nguyễn có cư sĩ Ngô Thời Nhậm, Nguyễn Du, thời cận đại và hiện đại có các cư sĩ danh tiếng là giáo sư, học giả, nhà văn như Lê Đình Thám, Mai Thọ Truyền, Thiều Chửu, Đoàn Trung Còn, Trúc Thiên, Nhất Linh, Nghiêm Xuân Hồng, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Trịnh Công Sơn…; cũng không thể không nhắc đến các cư sĩ tây phương cận đại như Edwin Arnold, Christmas Humphreys, E. Conze,… và các cư sĩ tiếng tăm lẫy lừng trên màn bạc sân khấu hiện nay tại Hoa Kỳ như Richard Gere, Steven Segal, Tina Turner, Oliver Stone, Orlando Bloom…
Mỗi người cư sĩ, từ xưa đến nay, khắp các quốc gia trên thế giới, đã tùy theo hoàn cảnh và căn trí của mình mà đến với Phật giáo, thực hành giáo lý, góp phần hoằng pháp trong khả năng riêng, bằng những phương thức khác nhau, qua các ngôn ngữ và văn hóa khác nhau. Nhưng đâu là điểm đồng nhất của hàng cư sĩ mọi thời đại, mọi quốc độ?
Có hai điểm tương đồng đáng lưu ý ở đây: một là, cư sĩ theo nhân duyên mà đến với Phật, trong một tâm thức tự do, tự nguyện, không hề có sự bó buộc, cưỡng ép; hai là, cũng với tâm thức tự do, cư sĩ phát nguyện quy y Tam Bảo (với lễ nghi hoặc chỉ bằng tâm niệm).
Do tự nguyện mà nghi thức quy y Tam Bảo cũng là một chọn lựa, không phải là điều kiện hay quy định.
Trong tinh thần tự nguyện và ý nghĩa quy y Tam Bảo như thế, cư sĩ mọi thời đại, mọi nơi chốn, có chung một tiếng nói, một niềm tin, một con đường cao đẹp; và chỉ những người cư sĩ như thế mới xứng đáng là kẻ “thừa tự Chánh Pháp” của Thế Tôn.
Cư sĩ Chánh Trí – Mai Thọ Truyền đã cống hiến trọn đời cho việc phụng sự Phật pháp. Cư sĩ là một người cư sĩ mẫu mực uyên thâm giáo lý, tận tụy với đạo dù đang ở những địa vị cao của quan trường. Cư sĩ là một điển hình cho sự tích cực của hàng cư sĩ lợi đạo ích đời theo tinh thần đạo Phật, góp phần lớn lao trong sự nghiệp truyền bá tri thức Phật học, nhất là phát triển hệ thống Phật học cư sĩ do cư sĩ sáng lập ra vẫn còn duy trì hoạt động cho đến ngày nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- https://www.rongmotamhon.net/xem-sach_Van-dung-bai-hoc-lich-su-can-dai-ve- hoang-phap-cua-cac-cu-si-tien-boi_dkmddsmp_show.html
- https://thuvienhoasen.org/a13370/cu-si-chanh-tri-mai-tho-truyen-1905-1973-thich-nhat-hanh
- https://phatgiao.org.vn/cu-si-chanh-tri--mai-tho-truyen-1905--1973-d25065.html
- https://giadinhphattu.vn/Tu-lieu/Cu-si-Chanh-Tri-Mai-Tho-Truyen-Cuoc-doi-tan- hien-287.html
- https://giacngo.vn/lichsu/2016/04/21/52429A/
Bình luận bài viết