Tin tức

CƯ SĨ CHÁNH TRÍ MAI THỌ TRUYỀN VỊ ĐẠI CƯ SĨ CỦA ĐẦU THẾ KỶ XX

CƯ SĨ CHÁNH TRÍ MAI THỌ TRUYỀN

VỊ ĐẠI CƯ SĨ CỦA ĐẦU THẾ KỶ XX

 

THÍCH MINH THÀNH

 

Nhìn lại giai đoạn lịch sử 70 mươi năm về trước, chúng tôi cảm thấy rằng cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền xứng đáng được vinh danh hơn nữa so với mức độ vinh danh mà ông đang nhận được. Ông là một trong những cư sĩ hiếm hoi của thời đại được biểu đạt bằng bốn từ “Cuộc đời tận hiến”1. 3 bài viết về ông trên Thư viện Hoa sen Online cung cấp cho công chúng và cho chúng tôi những thông tin căn bản rất đồng nhất với nhau, có lẽ cả ba đều sử dụng chung một nguồn tư liệu.

Chúng tôi xin được theo cảm giác cá nhân mà tự phát chọn đề tài: “Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền – nét chung và nét riêng” và tự ý chọn ra 5 nét lớn mà chúng tôi cảm thấy muốn làm rõ hơn trong khi ý thức được rằng những nét lớn đó như những cánh sen nở ra trong giai đoạn lịch sử bi tráng của dân tộc và của Phật giáo. 5 nét lớn đó là:

1. Tiếp thụ kiến thức từ nguồn ngoại bang, nhưng vẫn giữ được tâm hồn chân chất thuần hậu Việt Nam

Sanh trong thời chiến tranh loạn lạc khi Việt Nam chỉ là 3 vùng trong 5 vùng lãnh thổ2, cả 5 đều là thuộc địa của Pháp, ông bắt đầu sự học trường lớp ở Trường Sơ học Pháp-Việt Bến Tre cuối cùng là Trường Chasseloup Laubat cũng là trường Pháp. Sự học thâm sâu và tinh tế hơn từ nền văn hóa thuần chất Việt Nam đã hình thành nơi ông một hướng tiếp cận kiến thức kiểu “Hòa hồn Hán tài”3 theo cách rất riêng của người Việt. Ông thành công trong việc học và vươn lên tầng lớp tinh hoa, hướng đến mục tiêu ích nước lợi dân dù ở vị trí nào. Chúng tôi võ đoán nói rằng ông đủ nhạy bén để nhận thức thời đó yêu nước thương dân là đi ngược với chủ trương cai trị của thực dân. Đây là một mẫu mực của một công dân đúng nghĩa xứng đáng có mặt trong sách giáo khoa môn Đạo đức công dân. Rõ ràng, tuy học trường Pháp từ lớp sơ học đến khi tốt nghiệp đi làm nhưng ông vẫn thuần thành làm con Phật, tinh tuyền lòng yêu nước với ý thức trách nhiệm cao dù ở vị trí nào, cương vị nào “...chính quyền Trần Trọng Kim cử ông làm Quận trưởng Thốt Nốt (Long Xuyên). Sau Cách Mạng Tháng Tám, ông được cử làm Chủ Tịch Ủy Ban Quận Bộ Việt Minh Châu Thành, Long Xuyên, rồi Chánh văn phòng kiêm Ủy viên Tài chánh Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Long Xuyên”4.

2. Tầm nhìn vĩ mô và chí khí lớn lao

Tầm nhìn và ý chí này, ông đã thể hiện trong việc thành lập Hội Phật Học Nam Việt. Chuyện thành lập hội năm 1950, lúc đó ông mới 45 tuổi, là chuyện lớn lao cần ý chí mạnh mẽ và đầy đủ tố chất của nhà lãnh đạo. Đó là, hoài bảo đủ độ lớn lao để có sức hút, tâm huyết đủ độ sâu nặng để chinh phục lòng người, và nếp sống đủ đức độ để cảm hóa quần chúng. Nơi ông đã hội đủ những nhân tố lành như vậy nên ông đã làm được và làm thành công. Hội Phật Học Nam Việt ra đời và có sức phát triển đạt dấu mốc ở đỉnh cao với 40 chi hội khắp các tỉnh thành. Hội đã góp phần không nhỏ vào việc tạo một luồng gió mới cho Phật giáo Việt Nam, đặt biệt là một luồng gió mới thổi vào hàng ngũ trí thức nhà Phật, thúc đẩy phong trào học Phật và tu Phật ở những tầng lớp tinh hoa, trong cộng đồng những người theo Phật giáo và trong rộng rãi công chúng nói chung. Sự thành công này được khẳng định một lần nữa vào năm 1981 khi Hội trở thành một trong 9 thành viên sáng lập của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay. Tầm nhìn vĩ mô và chí khí lớn lao còn được thể hiện ở khung nhìn mở rộng đến tổng thể dân tộc, thậm chí là tổng thể bức tranh Phật giáo toàn cầu được thể hiện trong bản Bản tuyên cáo của Hội: "Đề xướng việc lập hội Phật học này. Chúng tôi còn có cái thâm ý đi đến chỗ Bắc Trung Nam sẽ bắt tay trên nguyên tắc cũng như trong hành động. Sự thống nhất này đã trở nên cần thiết kể từ ngày mồng 8 tháng Sáu dương lịch năm nay, là ngày Việt Nam được chính thức làm hội viên hội Phật giáo quốc tế...". Như vậy, Hội đã hướng đến việc thống nhất các đoàn thể Phật giáo trong nước và hướng đến việc đưa Phật giáo Việt Nam hội nhập vào thế giới Phật giáo của các châu lục5.

3. Phong cách tiến thoái thủ xả nhẹ nhàng

Người chưa thấy đạo hay chưa có pháp nhãn, thậm chí người thấy đạo nhưng chưa sống đủ độ thâm hậu và thuần thục với cái thấy của mình thì khi tiến thì vui khi thoái thì buồn, khi giữ được thì vui khi phải buông thì buồn và hay gây nên những ồn ào nhất định. Người đọc không thấy thông tin về trạng thái vui buồn nặng nề thô tháo nơi ông. Dường như trong cái nhìn của ông, tất cả chỉ là phức hợp những sự kiện đan xen của những tuyến diễn tiến khác nhau của dòng đời.

Sau năm 1945, ông từng từ giã chốn quan trường: “Chính phủ Nguyễn Văn Thinh mời ông làm Quận trưởng, rồi Phó Tỉnh trưởng Sa Đéc. Trước cảnh quân đội Pháp bố ráp tàn sát dân chúng, ông can thiệp không được, nên xin từ chức”6. Ngay sau Pháp nạn 1963 với dấu mốc lịch sử là sự kết thúc nền Đệ nhất cộng hòa, “Ông được bầu làm Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất... chỉ sau đó một tháng, ông rút lui về cương vị Hội trưởng Hội Phật Học Nam Việt”7. Nhân đây xin được điểm lại thái độ vô cùng tích cực và hết lòng dấn thân của ông trước và sau sự kiện 1963. Thích Nhất Hạnh, Thích Đồng Bổn và Nguyên Hậu đã ghi lại những thông tin: “Năm 1963, ông giữ trách vụ Tổng Thư ký của Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm. Trách vụ này đã được ông thi hành một cách xuất sắc”8; “Ông và Hội Phật Học Nam Việt đồng ý để Ủy ban đặt trụ sở trung ương tại chùa Xá Lợi. Khi chính quyền cho quân đội và cảnh sát đánh phá, phong tỏa chùa, bắt bớ cầm tù Tăng ni Phật tử, ông cũng chịu chung số phận. Chùa Xá Lợi trở thành địa điểm lịch sử trong cuộc đấu tranh kiên cường đẫm máu của Phật giáo đồ chống chế độ độc tài kỳ thị tôn giáo. Năm 1964, ông tham gia Ủy ban soạn thảo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”9; “đảm nhiệm các chức vụ Tổng Thư ký Tổng hội Phật giáo Việt Nam (từ năm 1955 đến 1958), Phó Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam từ năm 1959 đến 1963... Phó Chủ tịch Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới trong Đại hội Phật giáo Thế giới kỳ VI năm 1962 tổ chức tại Phnom Penh, Campuchia. Ngoài ra, cư sĩ còn tham dự các Hội nghị Văn hóa Phật giáo tại New Delhi (Ấn Độ) năm 1956, Hội nghị Văn hóa Phật giáo tại Tokyo (Nhật Bản) năm 1958, Hội nghị Phật giáo Thế giới lần VII tại Benarès (Ấn Độ) năm 1964”10. Chưa kể, ông từng là một trong những người thầy đầu tiên của Viện Đại học Vạn Hạnh: “Khi Viện Đại học Vạn Hạnh được thành lập, tạm đặt tại chùa Xá Lợi trong khi chờ xây xong cơ sở, ông nhận làm giáo viên cho Viện trước tiên, và sau đó ông còn giữ chức Phụ tá Viện trưởng đặc trách hành chánh và tài chánh, kiêm Tổng Thư ký niên khóa 1967- 1968”11.

Đây là vấn đề khá nhạy cảm mang ít nhiều màu sắc công thành thân thoái, trước mắt chúng tôi không tiện bàn thêm dù tư liệu liên quan vẫn còn đó và hồ sơ giải mật của Lầu Năm Góc càng lúc càng tiết lộ nhiều điều hơn nữa12.

4. Tính cách khách quan khoa học

Tính cách này không thể hiện một cách trực tiếp mà gián tiếp qua tác phẩm Truyn Tâm Pháp Yếu. Lời thiếu khách quan và công tâm được ghi lại: “Thiền na là một chi phái của Đại thừa. Tuy được thành lập sau khi Phật tịch diệt rất lâu, Thiền na tự hào là giáo phái duy nhứt có công gìn giữ nguyên vẹn diệu lý của Phật pháp. Theo tông này, trong muôn ngàn đệ tử lúc Phật hiện tiền, chỉ có một người đủ khả năng lãnh hội được giáo pháp tối thượng thừa và Đức Phật cũng chỉ truyền cho một mình người ấy mà thôi”. Lời thiếu công tâm và thiếu khách quan ở trên rõ ràng chứa đựng nội dung tích cực dành cho Đại thừa và tiêu cực dành cho Tiểu thừa thì lập tức một thái độ tỉnh táo khoa học như là cách ông trả lời: “Để chứng minh lời tuyên bố quá táo bạo này, nhiều bằng cớ lịch sử đã được đưa ra, nhưng khó mà tin trọn vẹn được”13.

Không chỉ khách quan khoa học đối với đối tượng nghiên cứu, những quan điểm hay những ý kiến được người khác hay nguồn khác nêu ra, ông còn khách quan khoa học và vô cùng tỉnh táo đối với những hạn chế của bản thân. Khi Hồ Thích14 trình bày những ý kiến ở tầm chuyên sâu liên quan đến những dữ kiện lịch sử mà ông chưa nắm vững nên ông chưa có khả năng xác định là đúng hay sai, ông liền thừa nhận cái hạn chế trước mắt của bản thân và có lời nói công tâm và rất tư cách: “Thật khó bài bác những lý lẽ của một nhà học giả uyên thâm như HồThích, nhưng cũng không thể chấp những ý kiến của giáo sư, tôi đành giữ nguyên ý kiếncủa tôi cho đến khi nào tôi có đủ thời giờ khảo cứu trọn vẹn vấn đề một cách đầy đủ”15.

5. Hiểu đạo thâm sâu, ở một mức độ nào đó đã chạm tay vào thực tại chân như

Trình bày suy nghĩ về một cư sĩ lớn của Phật giáo trong một vài nghìn chữ thì không thể không bỏ qua rất nhiều điều. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi cảm thấy không nên bỏ qua là sự hiểu đạo thâm sâu của ông. Ngay cả ở phạm vi này, chúng tôi cũng không thể bàn thảo sâu xa chi tiết mà chỉ đề cập vài ba trọng điểm của giáo pháp làm tiêu biểu, đó là, nhận thức về sự tinh tuyền của giáo pháp, quan niệm “phi hữu phi vô” và yếu chỉ “vô niệm”.

- Sự tinh tuyền của giáo pháp ngày nay thường được gọi là “Đạo Phật nguyên chất”, ông viết: “Theo khế kinh là những sách phải kể là đã ghi chép những lời Phật dạy, thì có nhiều đoạn nhiều câu khiến chúng ta phải gia công cứu xét Thiền tông. Thí dụ, có chỗ Phật bác những biện luận rắc rối về siêu hình học, là đặc điểm của một vài giáo phái; có chỗ khác Phật lên án những nghi thức lễ bái bề ngoài mà hiện nay một vài tông phái khác lấy đó làm trọng”. Nói theo ngôn ngữ của Kinh Mật Hoàn và Đại kinh Thí dụ lõi cây16, ông nhận ra đâu là lõi cây và đâu là cành lá dùng để che chắn cho lõi cây.

- Quan niệm “phi hữu phi vô”, ông viết: “Vậy thì không có một vật nào thường còn mãi mãi, hay tự hóa tự sanh mà không do một nguyên nhân nào đó. Vạn vật chỉ có trong tương đối và vì vậy kinh sách Đại thừa thường hay nói "phi hữu" (không có cái gì có), rồi tiếp ngay theo, lại nói "phi vô" (không có cái gì là không có)”17. Chúng tôi xin bàn thêm rằng nhờ pháp nhãn18 có tên là "phi hữu" mà đoạn trừ được tứ tướng và các tướng khác và thành lập được ý pháp "phi vô" như Kim Cương Kinh thể hiện, đặc biệt qua cách luận giải của Geshe Michael Roach. Chỗ này xin được dài dòng một chút. Các luận giải khác trong Kim Cương thường nghiêng về "phi hữu", trong khi Geshe Michael Roach lại nghiêng về "phi vô" qua việc khai thác ý niệm "Hidden Potential" có thể dịch là “Tiềm năng ẩn kín”19. Dài dòng thêm chút nữa. Ý niệm “phi vô” tương thông với câu: “Nào dè tự tánh vốn tự đầy đủ”, một trong những câu cảm thán mà Lục tổ Huệ Năng thốt lên khi chạm đến chổ rốt ráo của giáo pháp20.

- Yếu chỉ “vô niệm”, ông viết: “Cát sông Hằng! Phật nói về cát ấy như thế này: chư Phật Bồ tát, Đế Thích, Phạm Thiên và chư thần, dầu có dẫm chân trên cát mà qua, cát cũng không mừng; còn bò dê trùng kiến có đạp mà đi, cát cũng không giận. Cát không tham châu ngọc, mùi thơm, cát cũng không ghét phẩn hôi, tiểu thúi. Tâm đó là Tâm không có "tâm niệm", lìa tất cả tướng. Chư Phật và chúng sanh cũng thế, không có gì khác hết. Chỉ đừng còn "tâm niệm", là đến chỗ cứu cánh (giác ngộ). Người học đạo, nếu không đi ngay vào chỗ hết niệm, thì dầu có trải qua nhiều kiếp tu hành, không bao giờ thành đạo. Bị những công phu tu tập của ba thừa bó buộc, người tu không làm sao được sự giải thoát”21. Thông điệp mà ông muốn chuyển tải đã khá rõ nét và rất hình ảnh, chúng tôi cảm thấy không cần phải nói gì thêm ngoài một lời cảnh giác rằng “không có tâm niệm” hay “đừng còn tâm niệm” hay “vào chỗ hết niệm” ở đây không nên hiểu lệch là không còn cảm thụ, cảm xúc, cảm giác... trơ trơ như hạt cát, vì ngoài tâm hỷ xả không vướng mắc với thế giới nhị nguyên cảm xúc vui buồn vinh nhục, đạo Phật còn có tâm từ bi, xót xa thương cảm đối với hữu tình đang sống trong vô minh dày đặc, ảo kiến đầy trời, phiền não và bế tắt có mặt mọi lúc mọi nơi, nước mắt chúng sinh nhiều hơn biển cả.

6. Thay lời kết

Khi đặt bút viết về cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, chúng tôi hướng đến việc tìm ra và làm rõ hơn những nét lớn trong cuộc đời của ông. Khi sắp kết thúc, chúng tôi nhận ra rằng những nét lớn của ông cũng là những nét lớn thường thấy ở những vị thượng căn thượng trí. Những nét lớn là chung nhưng các biểu hiện hay thể hiện nơi mỗi vị mỗi khác, còn có thể gọi là những nét nhỏ tạo nên thần thái hay phong thái đặc sắc riêng của từng vị.

Khi viết về ông, Thích Nhất Hạnh, Thích Đồng Bổn và Nguyên Hậu đều có những lời trân trọng ca ngợi 3 hành trạng căn bản nơi ông là ăn chay, giữ tam quy ngũ giới và làm việc Phật sự. Hơn thế nữa, Thích Nhất Hạnh và Nguyên Hậu đặt ông vào vị trí đồng song với Đại cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám: “Ở miền Trung, có cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám là trụ cột của công cuộc chấn hưng Phật giáo, thì ở miền Nam có cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, một khuôn mặt Phật tử lớn đã cống hiến nhiều công lao trong việc chấn hưng và xây dựng Phật giáo phương Nam”22. Rời khỏi thế giới đa phương diện, chúng tôi xin chọn phương diện thơ văn chữ nghĩa để quay về. Về phương diện này, chúng tôi xin “nối điêu”23 hai vị trên qua việc mượn lời của Huỳnh Quán Chi, tác giả của bài viết “Truyền thống cư sĩ trong văn hóa Phật giáo và ảnh hưởng của nó đến sáng tác và tiếp nhận thơ Thiền ở một số nước châu Á” để đặt ông đồng song với 3 vị đại cư sĩ khác của đầu thế kỷ XX là Thiều Chửu, Tâm Minh Lê Đình Thám và Võ Đình Cường: “Đầu thế kỷ XX, Việt Nam có những cư sĩ nổi tiếng như Tâm Minh Lê Đình Thám (1897 - 1969), Thiều Chửu (1902 - 1954), Chánh Trí Mai Thọ Truyền (1905 - 1973), Võ Đình Cường (1918 – 2008)”24.

 


1. Thư viện Hoa Sen online. Cũng trong thư viện online này còn hai bài viết nữa về cư sĩ của Thích Nhất Hạnh và Thích Đồng Bổn. Ba (3) bài viết là nguồn tư liệu mà người viết thường sử dụng để thực hiện bài này và xin được gọi chung chung bằng cụm từ “Thư viện Hoa Sen online”.

2. Tonkin, Annam, Cochin, Lào và Campuchia.

3. Chúng tôi mượn tiêu ngữ của người Nhật “Hòa Hồn Hán Tài” tạo ra trong thời đại Bình An (Heian) để nói về chủ trương giữ gìn quốc hồn hay tình tự dân tộc song song với việc tiếp thụ tinh hoa kiến thức của nước ngoài cụ thể là của Trung Hoa.

4. Thích Đồng Bổn, nguồn: Thư viện Hoa Sen online.

5. Thích Nhất Hạnh, nguồn: Thư viện Hoa Sen online.

6. Thích Đồng Bổn, nguồn: Thư viện Hoa Sen online.

7. Thích Nhất Hạnh, nguồn: Thư viện Hoa Sen online.

8. Sđd.

9. Thích Đồng Bổn, nguồn: Thư viện Hoa Sen online.

10. Nguyên Hậu, nguồn: Thư viện Hoa Sen online.

11. Thích Đồng Bổn, nguồn: Thư viện Hoa Sen online.

12. Chẳng những ông không gây điều tiếng mà cũng không gắn với bất kỳ một danh hiệu, huy chương, huân chương hay kỷ niệm chương nào từ bất kỳ một tổ chức nào mà ông tham gia.

13. Chánh Trí Mai Thọ Truyền “Truyền Tâm Pháp Yếu” (Cốt yếu của phép truyền tâm), Nxb

Tôn Giáo, Hà Nội 2012, tr. 09 -10.

14. Hồ Thích lúc bấy giờ là giáo sư Giám đốc Quốc gia Đại học đường Bắc Bình và là người sáng tạo nên văn chương tân thời của Trung Hoa, đồng thời là một nhà nghiên cứu uy tín và chuyên sâu. Hồ Thích đã công bố kết quả của những công trình khảo cứu mang tính khoa học và nguồn dữ liệu tận gốc bậc một của Hồ Thích về Tổ sư Bồ đề đạt ma, về Tổ sư Huệ Năng.

15. Chánh Trí Mai Thọ Truyền (2012), “Truyền Tâm Pháp Yếu” (Cốt yếu của phép truyền tâm), Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 14.

16. Kinh 18 và 29 trong Trung Bộ Kinh Majjhima Nikaya, Kinh Mật hoàn (Madhupindika sutta); Ðại kinh Thí dụ Lõi cây Mahasaropama-sutta: ‘Chư Tỷ-kheo, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, bỏ qua vỏ ngoài, chặt cành lá, lấy chúng mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy bèn nói: “Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người này bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, bỏ qua vỏ ngoài, chặt cành lá, lấy chúng mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Và người này không đạt mục đích mà lõi cây có thể thành tựu”’

17. Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Sđd, tr. 26.

18. Từ “Pháp nhãn” ở đây chúng tôi dùng chỉ với nghĩa là thấy được, lãnh hội được, nắm vững được, và với một mức độ sống được với một ý pháp cụ thể nào đó trong vô số ý pháp mà đức Phật để lại.

19. Geshe Michael Roach“Năng Đoạn Kim Cương – Áp dụng giáo lý của Đức Phật vào việc Quản trị doanh nghiệp và đời sống”, bản dịch: Trần Tuấn Mẫn, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, tr. 58.

20. Kinh Pháp Bảo Đàn.

21. Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Sđd, tr. 53.

22. Nguồn: Thư viện Hoa Sen online.

23. “Nối điêu” ở đây được dùng theo nghĩa “lời nói khiếm chỉ việc bắt chước mà tiếp công việc của người khác”. Tham khảo: http://www.xn--t-in-1ua7276b5ha.com/N%E1%BB%91i%20%C4%91i%C3%AAu.

24. Đoàn Lê Giang, Nguyễn Công Lý, Lê Quang Trường (chủ biên)“Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế: Việt nam – Giao lưu văn hóa tư tưởng phương Đông”. Nxb Đại Học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 470.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 53
    • Số lượt truy cập : 6782414