Tin tức

CƯ SĨ CHÁNH TRÍ MAI THỌ TRUYỀN VỚI SỰ NGHIỆP HOẰNG DƯƠNG CHÁNH PHÁP

CƯ SĨ CHÁNH TRÍ MAI THỌ TRUYỀN

VỚI SỰ NGHIỆP HOẰNG DƯƠNG CHÁNH PHÁP

 

TS. PHẠM THỊ KIÊN

Ging viên khoa Lý luận chính trị

Trường Đại học Kinh tế TP. HCM

 

Phật giáo trong quá trình phát triển của mình chỉ giáo dục thông qua quá trình tự học và nội tại bên trong mỗi Tăng, Ni tự giáo dục mình hoặc cách thức, phương thức tổ chức không theo hệ thống trường lớp chính quy. Chính vì thế, trong quá trình phát triển của mình, Phật giáo đã tổ chức giáo dục thành một hệ thống. Để làm rõ vai trò của cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, tôi xin làm rõ về một số thuật ngữ cư sĩ trong Phật giáo. Đệ tử của Đức Phật gồm có hai chúng là “xuất gia” và “tại gia”. Người xuất gia là các Tỳ kheo hoặc Tỳ kheo ni. Những người xuất gia học Phật, cũng gọi là Tăng nhân, vị Tăng nhân thuyết pháp thì gọi là pháp sư. Theo Phật pháp và Tổ thầy dạy, Cư sĩ Phật giáo là căn cứ vào nền tảng Phật pháp, giống như người xuất gia tu tập dựa vào Giới-Định-Tuệ; ngoài trì giới, định tâm rồi dùng trí tuệ mà góp sức hoằng hiển đạo pháp còn thêm hành hạnh bố thí cúng dường; là pháp môn tu hành viên mãn gọi chung là phúc huệ song tu. Kinh Kim Cang nói: “Phật pháp bình đẳng không có cao thấp”, vì thế bất luận xuất gia hay tại gia đều buộc phải y theo giáo lý Phật giáo, tu theo Phật pháp, tôn kính Phật Đà, học Phật như vậy mới là như pháp, mới là cứu cánh, và chân thật tu hành.

Trong sự nghiệp phát triển Phật giáo, bên cạnh các bậc cao tăng thời đó, còn có nhiều vị cư sĩ tiền bối đã góp phần rất lớn trong công cuộc hoằng dương Phật pháp mà kết quả là chúng ta đang được thừa hưởng hoa trái ngày nay. Đặc biệt trong lãnh vực giáo dục Phật giáo, có khá nhiều cư sĩ học giả uyên thâm Phật pháp tham gia giảng dạy bộ môn Phật học trong các khoá huấn luyện cư sĩ Phật tử, chủ trì những phiên thảo luận Phật pháp tại các đạo tràng và có một số lên bục giảng dạy cho quý Tăng Ni ở một số trường Phật học từ bậc trung cấp đến bậc đại học.

Đại biểu cho những vị cư sĩ này, chúng ta phải kể đến là cư sĩ bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, học giả Đoàn Trung Còn, giáo sư Cao Hữu Đính, GS. Nguyễn Đăng Thục, v.v…

Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền trong suốt cuộc đời, đã không chỉ làm tròn vai trò hộ trì Tam bảo, mà còn làm tròn một cách xuất sắc trong trách vụ hoằng pháp.

Ông là đệ tử của Hòa thượng Thích Hành Trụ, giảng sư Phật học tại chùa Long An, được ngài đặt cho pháp danh Chánh Trí. Từ ngày quy y, ông đã ăn chay trường và tận tụy phục vụ đạo pháp không biết mệt mỏi.

Nói về công nghiệp hoằng pháp, cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền đã để lại ba dấu ấn quan trọng cho hàng hậu học. Đó là: Ông đã thể hiện trọn vẹn vai trò của người cư sĩ Phật tử đức độ trong quan trường; Ông thành lập Hội Phật Học Nam Việt và đứng ra xây dựng ngôi chùa lịch sử Xá Lợi, làm trụ sở cho hội; Hoằng pháp cộng đồng qua các công trình nghiên cứu, dịch thuật, biên tập và xuất bản kinh sách cũng như ra báo Phật giáo hàng tháng.

Dấu ấn thứ nhất trong công nghiệp hoằng pháp của Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền là thể hiện trọn vẹn vai trò của người cư sĩ Phật tử đức độ trong quan trường. Hầu như suốt cuộc đời, ông phục vụ dân, làm công bộc cho dân, từ cấp tri huyện, rồi quận trưởng, tỉnh trưởng đến bộ trưởng. Làm việc nơi đâu ông cũng được các đồng sự và người dân quý mến vì ông là người liêm khiết, chính trực và đức độ, không xu nịnh cấp trên, không nạt nộ cấp dưới và không hà hiếp dân chúng. Cũng chính vì vậy, có thời kỳ ông phải từ quan vì không chịu nổi cảnh bất bình trước việc quân đội Pháp bố ráp tàn sát dân chúng mà ông can thiệp không được. Chính phủ không cho, ông bèn cáo bệnh xin đi chữa bệnh.

Dấu ấn thứ hai trong công nghiệp hoằng pháp của Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền là thành lập Hội Phật Học Nam Việt và đứng ra xây dựng ngôi chùa lịch sử Xá Lợi, làm trụ sở cho Hội. Ông làm Tổng thư ký của hội khi mới thành lập và Hội trưởng từ 1955 cho đến ngày ông mất. Hội Phật Học Nam Việt đã thành lập trên 40 Tỉnh hội và Chi hội Phật học khắp các tỉnh thành miền Nam. Hội đã mở các lớp Phật học phổ thông tại Sài Gòn cũng như một số tỉnh do chư Thượng tọa Thích Thiện Hòa, Thích Thiện Hoa, Thích Trí Hữu, Thích Quảng Minh, Thích Huyền Vi, Thích Quảng Liên luân phiên diễn giảng. Ông cũng tham gia soạn và giảng một số tiết mục cho học viên. Hàng cuối tuần, tại chùa Xá Lợi, ông còn tổ chức các buổi thuyết pháp cho công chúng do các vị cao Tăng Đại đức trong nước hay nước ngoài diễn giảng.

Dấu ấn thứ ba trong công nghiệp hoằng pháp của Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền là dịch và trước tác các tác phẩm có giá trị về Phật học cùng là xuất bản tạp chí Từ Quang do ông làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Tạp chí này sống gần 24 năm liên tục (1951- 1975) đã đóng góp lớn cho công việc phổ biến Phật học ở Sài Gòn và các tỉnh. Chính ông là người viết thường xuyên trên Từ Quang và đã tạo cơ duyên cho nhiều người đến với đạo Phật. Tổng cộng ông đã xuất bản 7 quyển sách Phật học, trong đó có hai quyển được tái bản rất nhiều lần là Pháp Hoa Huyền Nghĩa Đa Tạng Mật Nghĩa. Có một ước muốn lớn lao của ông khi lập Hội Phật Học Nam Việt là thành lập một Phật học đường lớn để đào tạo tăng tài, nhưng hoài bão này chưa bao giời được thực hiện. Tuy vậy, khi Viện Đại học Vạn Hạnh được thành lập, tạm đặt tại chùa Xá Lợi trong khi chờ xây xong cơ sở, ông nhận làm giảng sư cho Viện trước tiên, và sau đó ông còn giữ chức Phụ tá Viện trưởng đặc trách hành chánh và tài chánh, kiêm Tổng Thư ký niên khóa 1967-1968.

Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền là người có công lớn lao đối với công cuộc hoằng dương chánh pháp, có thể nói họ là những bó đuốc sáng ngời trong dòng sử Phật giáo Việt Nam. Vào thời điểm mà kinh sách Phật giáo viết bằng chữ Việt còn rất hiếm, trình độ hiểu biết về giáo lý đạo Phật của đa số quần chúng Phật tử còn rất hạn chế; thì ông là một trong những người cư sĩ không chỉ lo tu hành cho bản thân, mà còn đem cả tâm huyết nghiên cứu, học hỏi để viết sách, dịch kinh, phổ biến cho mọi người cùng tu học. Chúng ta có thể nói rằng giới Phật tử tại gia được nâng cao sự hiểu biết Phật pháp nhờ vào hạnh Bồ tát ấy.

Qua việc tìm hiểu về cuộc đời và đóng góp của cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền là cơ hội để tôi học tập, nghiên cứu và Phật giáo Việt Nam tiếp thu và ảnh hưởng nhiều tư tưởng Phật giáo Trung Hoa Ấn Độ, song đã có sự phát triển sáng tạo. Trong khi Phật giáo Trung Hoa đề cao tuyệt đối hóa vai trò của đốn ngộ, tập trung sự giải thoát cho cá nhân nhiều hơn, thì Phật giáo Việt Nam lại vận dụng tổng hợp các phương pháp cụ thể: thiền, “Vong nhị kiến”, “Phá chấp” với việc học tập, chú ý đến lợi ích cho mọi người, cho cộng đồng. Có thể khẳng định, bản sắc văn hóa của Phật giáo Việt Nam là dung hòa giữa đốn ngộ và tiệm ngộ, thiền kết hợp với giáo, đạo gắn với đời. Triết lý ấy giúp cho Phật giáo Việt Nam khắc phục sự xa lánh của con người (giới tăng, ni, phật tử) với hiện thực đất nước. Đó cũng là quá trình “Dĩ thiên hạ chi dục vi dục, Dĩ thiên hạ chi tâm vi tâm” mà Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông nêu lên, quá trình mở rộng tâm mình ra tâm vạn pháp. Con đường này không tách rời đạo với đời, mà gắn liền với thế giới trần tục, với quê hương đất nước. Con đường dẫn tới đạo đức cao thượng bằng việc phục vụ mọi người, trong quá trình ấy, tâm con người càng mở rộng bao nhiêu, từ hẹp đến rộng, từ nông đến sâu thì càng tiến dần đến bờ giác. Ở góc độ lịch sử Phật giáo Việt Nam hoàn toàn khác với Phật giáo Ấn - Trung, vì đó là con đường cứu dân độ thế, đạo gắn chặt với vận mệnh dân tộc. Ở góc độ này, Phật giáo đã có đóng góp vào văn hóa dân tộc, đồng thời góp phần hình thành tính cách dân tộc, chống lại xu thế đồng hóa văn hóa của các thế lực ngoại bang.

Như vậy, với sự đóng góp tích cực của cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền đã giúp cho Phật giáo thay đổi chính mình, cải biến ý thức và cách nhìn của xã hội đối với Phật giáo là nhiệm vụ thiêng liêng của Phật giáo. Đồng thời, cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của người học Phật, theo Phật là phải góp phần đẩy mạnh giáo dục văn hóa Phật giáo, đây là trách nhiệm chung của người học Phật, bởi vì đó là động lực để hưng thịnh Phật pháp. Nếu còn tiếp tục giấu giếm đi khuyết điểm, câu nệ vào tri kiến tông phái như: Thiền tông câu nệ không lập văn tự, Tịnh Độ tông thì thiên về lý tưởng thế giới tha phương, Mật tông lại quá nghiêng về lễ nghi thần tướng hóa, Phật giáo Nam truyền lại bảo thủ và hành trì phương thức tu hành, lễ nghi của Ấn Độ cổ xưa hoặc coi tăng nhân là cao quý, người phàm là hèn kém. Mà trong quá trình hội nhập, giao lưu tôn giáo hiện nay, nếu Phật giáo không hòa nhập với xã hội thì sẽ làm tổn hại đến Phật giáo, khiến Phật giáo xa rời xã hội, Phật pháp không thể phát dương. Hậu quả bi ai cho Phật giáo chính là không thể tri thức hóa, trẻ hóa, nên chúng ta cần phải biết nhìn lại lịch sử vết xe đổ trong quá khứ suy vi của Phật giáo để làm gương. Trong thời đại văn minh cao, khoa học phát triển, tin tức nhanh nhạy của thời đại thông tin như ngày nay, người cư sĩ Phật giáo phải biết đưa Phật giáo ra quốc tế, hướng đến lĩnh vực văn hóa giáo dục. Chúng ta thấy, “trong quá trình bài trừ những yếu tố phi Phật giáo” việc đẩy mạnh giáo dục văn hóa Phật giáo đã làm sống dậy những tư tưởng Phật pháp chân chính, hướng thượng mang đầy tính nhân văn. Giá trị chân thực của Phật pháp là lợi ích chúng sinh, hành động thực tiễn của Phật pháp là để lợi lạc hữu tình, trên phương diện này người cư sĩ đóng vai trò tích cực. Cư sĩ Phật giáo phát huy tác dụng bên ngoài chùa viện để đem Phật pháp đến với mọi tầng lớp xã hội, phổ biến đến mọi vùng miền trên thế giới. Đây cũng là sự phát huy vai trò của cư sĩ Phật giáo đối với sự thịnh vượng của Phật giáo hiện đại.

Theo tác giả Thích Giải Hiền: Đẩy mạnh Cư sĩ Phật giáo là thúc đẩy tu hành Phật pháp, nghiên cứu Phật học, phát biểu bằng tác phẩm nghiên cứu của mình cũng có nghĩa là giúp họ tinh tấn tu hành để hướng lên đại đạo Bồ đề, tránh được hình thức hóa và sùng bái cá nhân. Cư sĩ học Phật thường bị hiểu lầm cho rằng chỉ cần bố thí cúng dường chính là học Phật, và đây cũng chính là bổn phận của cư sĩ. Cách nói như vậy, không phải hoàn toàn sai; nhưng Phật pháp có nêu, bố thí cúng dường là tu nhân thiên phúc báo, không phải là cứu cánh của tu hành, chỉ có phúc huệ song tu, kết hợp tu tập Phật học, tu trì Phật pháp với bố thí cúng dường mới là nền tảng đúng đắn trong học Phật.

Theo dấu chân Phật, chúng ta tu hành Phật pháp với nhiều pháp môn phương tiện, nhưng mọi con đường đều có thể tiếp thông, chỉ có điều chúng sinh đều có cơ duyên và pháp duyên riêng biệt nên chỉ có thể dựa vào truy cầu Phật pháp để tự mình tu hành thanh tịnh bản tính mà không thể nhờ cậy vào sự tu hành của người khác. Phẩm Phổ môn Kinh Pháp Hoa có nói: “Phúc bất đường quyên” tức có nỗ lực tu hành nhất định có sở đắc. Theo các Tổ thầy dạy, học Phật nên dựa vào sức mình nương theo Phật pháp mà tu, cầu xin tha lực hay thần lực chỉ đem lại lợi ích cho đời này, khó mà giải thoát. Vì thế, học Phật mà không nghiên cứu kinh điển, không nương vào Phật pháp tu hành thì khó đạt được thành tựu. Bởi vì không tu trì Phật pháp thì không hiểu được chân lý, tu hành trong mê vọng mà không có sự dẫn dắt của Phật pháp thì rất dễ lạc vào tà đạo, dẫn đến tẩu hỏa nhập ma. Quá trình học Phật buộc phải tuân theo ba pháp ấn là: Chư hành vô thường, Chư pháp Vô ngã, Niết bàn tịnh tĩnh làm gương chiếu rọi. Lấy trì giới làm nền tảng của tu tập, bởi có giữ giới mới có trí tuệ chân thật.

Như chúng ta đã biết, tu theo đạo Phật có hai dạng là tại gia và xuất gia, tuy nhiên bất luận tại gia hay xuất gia đều phải y theo chính pháp và lấy việc tu làm trọng. Bố thí cúng dường là đạo đức tốt đẹp của người cư sĩ tu phúc, đây là căn bản của phúc đức, chứ không phải công đức cứu cánh. Công đức do tự mình đạt được là kết quả tu hành Phật pháp đem lại. Vì thế, nói người học Phật tại gia ngoài việc tu phúc thì nên lấy công đức để viên mãn bản thân. Tu hành là điều kiện quan trọng để thanh tịnh Bản Tính và minh Tâm Kiến Tính. Đó là mục đích giải thoát luân hồi, cứu cánh Niết bàn, thành tựu Bồ đề.

Trong Phật pháp, Giới-Định-Tuệ là những điều kiện quan trọng của việc tu hành thành đạo, người tu tại gia cũng nên lấy đó làm gương soi chiếu. Bố thí cúng dường là điều Phật Thích Ca căn dặn đệ tử tại gia để duy trì việc tu hành bình thường của tăng đoàn, còn hành trì cúng dường là bổ trợ để tu phúc báo và tu hành công đức. Vì thế, nói cư sĩ Phật giáo ngoài bố thí ra còn phải tu hành Phật pháp mới bước vào được con đường học Phật chân chính.

Người học Phật tại gia không nên dừng ở chỗ lễ bái cầu phúc, cầu nhân thiên phúc báo mà nên học Phật, tu hành Phật pháp: Giới-Định-Tuệ làm cứu cánh, đó mới đúng là trình tự tu hành khổ-tập-diệt-đạo. Vậy Kinh Kim Cang nói: “Nếu như người cầu hình tướng để thấy, cầu âm thanh để nghe, tức người đó đang hành đạo tà, không thể thấy được Như Lai”.

Như vậy, trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập của Việt Nam hôm nay thì vai trò của việc phát triển giáo dục Phật giáo nói chung và của giáo dục Phật giáo Việt Nam nói riêng là một nhu cầu quan trọng. Do vậy, cần phải luôn biết trân trọng, nâng niu gìn gìữ những hạt giống tốt lành đó, vun đắp truyền thống tốt đẹp đó, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước. Với tinh thần nhập thế, Phật giáo Việt Nam luôn đoàn kết cùng dân tộc. Hiện nay, đã có hơn 40 ngàn Tăng Ni và hàng chục triệu Phật tử, hàng vạn chùa chiền, tự viện được trùng tu, tôn tạo đẹp đẽ. Công tác giáo dục đã và sẽ có nhiểu chuyển biến rõ nét, đổi mới cả về nội dung và hình thức. Hệ thống giáo dục được mở rộng, các cơ sở đào tạo Tăng Ni từ sơ cấp đến đại học được củng cố và xây dựng khang trang, đảm bảo cho hàng ngàn Tăng Ni sinh học tập. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tự hào đã có hệ thống đào tạo Tăng tài với 4 Học viện Phật giáo, 1 trường Cao đẳng, 32 trường Trung cấp và hàng chục lớp Sơ cấp với đội ngũ giảng viên gồm gần một trăm Tăng, Ni có học vị tiến sĩ, thạc sĩ; mỗi năm đào tạo trên 5.000 Tăng Ni sinh các cấp ở trong nước và cử hàng trăm học viên xuất sắc đi học tại nhiều trường đại học ở nước ngoài, như: Đại học New Delhi (Ấn Độ), Đại học Phật giáo Truyền giáo Nam tông Quốc tế Yangon (Myanmar), Phật Quang Sơn (Đài Loan),… Điều đó mở ra hướng phát triển mới trong sự nghiệp giáo dục của Phật giáo nước ta trong bối cảnh hội nhập thế giới hiện nay. Và tấm gương hoằng dương chánh pháp của cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền đáng để cho hậu thế học tập.

 


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Thích Thiện Ân (1965), Pht giáo Việt Nam xưa và nay, Nxb. Đông Phương, Hà Nội.

2. P.V.Bapat (2012) (Nguyễn Đức Tơ, Hữu Song dịch), 2.500 năm Phật giáo, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

3.Andre Bareau (2003)(Pháp Hiền dịch), Các bộ phái Phật giáo Phật giáo Nam tông, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

4. Thích Hạnh Bình (2007), Triết học có và không của Phật giáo Ấn Độ, Nxb. Phương Đông, Hà Nội.

5. Thích Hạnh Bình (2007), Tìm hiểu giáo lý Phật giáo nguyên thủy, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh.

6. Nguyễn Duy Hinh (2009), Lch sử đạo Phật Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

7. Nguyễn Duy Hinh (1999), Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

8. Nguyễn Duy Hinh (2007), "Vấn đề hiện đại hoá Phật giáo Việt Nam", Mt số bài viết về Tôn giáo học, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 395 - 433.

9. Khánh Vân, Nguyễn Thụy Hòa (1969), Thực hành Phật giáo, Sài Gòn.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 15
    • Số lượt truy cập : 6116270