Tin tức

CUỐN PHẬT GIÁO VIỆT NAM, MỘT TRƯỚC TÁC “CÚNG DƯỜNG CAO CẢ”

CUỐN PHẬT GIÁO VIỆT NAM,

MỘT TRƯỚC TÁC “CÚNG DƯỜNG CAO CẢ”

CỦA CƯ SĨ CHÁNH TRÍ MAI THỌ TRUYỀN

  

PGS.TS. NGUYỄN HỒNG DƯƠNG

Viện Nghiên cứu Tôn giáo

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

 

1. Đặt vấn đề

Chánh Trí Mai Thọ Truyền vị đại cư sĩ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, người sống “vắt ngang” qua thời cận đại đến hiện đại của dân tộc Việt Nam cũng như Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đây là thời kỳ Phật giáo Việt Nam trải nhiều biến động sâu sắc. Trong thời kỳ này, ông vừa là nhân chứng vừa là người góp phần rất quan trọng duy trì mạng mạch Phật giáo, cụ thể là với Hội Phật học Việt Nam. Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận nhận xét: “Chánh Trí Mai Thọ Truyền là một trong những khuôn mặt Phật tử cư sĩ lớn của thời đại”1.

Vừa phải đảm đương công việc thế sự lẫn Phật sự, từ năm1951 là người trực tiếp trông nom Tạp chí Từ Quang (ra được 242 số cho đến ngày Ông qua đời) ông còn là tác giả của 7 cuốn sách. Đó là:

Tâm Và Tánh (1950)

Ý Nghĩa Niết Bàn (1962)

Một Đời Sống Vị Tha (1962)

Tâm Kinh Việt Giải (1962)

Le Bouddhisme Au VietNam (Phật giáo Việt Nam) (1962)

Pháp Hoa Huyền Nghĩa (1964)

Địa Tạng Mật Nghĩa (1965)2.

Mỗi công trình do ông trước tác đều là những công trình có tính học thuật cao, không chỉ có giá trị đương thời mà còn có giá trị hiện thời. Một trong những công trình phải kể đến là cuốn Phật giáo Việt Nam (Le Bouddhisme Au Viet Nam).

Hiện chúng tôi có trong tay cuốn Phật giáo Việt Nam, do Nhà xuất bản Tôn giáo ấn hành năm 2017. Sách gồm 128 trang, trong đó 45 trang tiếng Việt, còn lại là tiếng Pháp và một số ảnh phụ lục.

Cuốn sách gồm có hai nội dung. Nội dung thứ nhất Phật giáo Việt Nam gồm 6 mục cũng có thể coi là 6 chương như: I. Thời kỳ du nhập; II. Thời kỳ phát triển; III. Thời kỳ suy sụp; IV. Phật giáo cận đại; V. Những ảnh hưởng của Phật giáo trong tư tưởng và đời sống người Việt; VI. Người Việt Nam quan niệm và thực hành đạo Phật như thế nào; VII. Tình hình hiện tại. Nội dung thứ hai: Những đóng góp của Phật giáo cho nền mỹ nghệ, văn chương và triết học ở Việt Nam.

Có thế rút ra một số vấn đề chính mà công trình Phật giáo Việt Nam đề cập như:

Phân kỳ lịch sử Phật giáo Việt Nam và những nét toát yếu của mỗi thời kỳ; Tư tưởng Phật giáo Việt Nam;

Ảnh hưởng của Phật giáo trong tư tưởng và đời sống người Việt;

Những đóng góp của Phật giáo trên lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật ở Việt Nam.

Dưới đây là từng phần nội dung.

2. Phân kỳ lịch sự Phật giáo Việt Nam và những toát yếu của mỗi thời kỳ

2.1. Vấn đề phân kỳ lịch sử Phật giáo Việt Nam

Dù không đặt nhan đề là Lịch sử Phật giáo Việt Nam nhưng phần đầu của công trình cho thấy cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền đã trình bày về Phật giáo Việt Nam theo tiến trình lịch sử. Lịch sử của một quốc gia, một tộc người hay là một tôn giáo như Phật giáo Việt Nam khi đề cập đến tiến trình, trước hết là vấn đề phân kỳ nghĩa là chia được chặng đường dài của quốc gia, tộc người hay Phật giáo Việt Nam thành những chặng đường nhỏ. Ở mỗi chặng đường nhỏ đó một mặt tìm cho được niên điểm đánh dấu những vấn đề quan trọng, mặt khác đặt tên cho thời điểm đó. Trong công trình Phật giáo Việt Nam, cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền đề cập đến Phật giáo Việt Nam từ buổi dầu đến thời cận đại. Theo đó tác giả chia làm 4 thời kỳ. Có thời kỳ được trình bày trong một tiết (thời kỳ I, III, IV) riêng thời kỳ thứ hai được tác giả trình bày trong 4 tiết có thể được xem làm các thời kỳ nhỏ. Mỗi thời kỳ trong đó có thời kỳ nhỏ tác tác giả đều đặt tựa đề nói lên chính yếu của thời kỳ đó. Điều hết sức ngạc nhiên, cho đến nay sự phân kỳ của tác giả về cơ bản vẫn đúng. Nhan đề của mỗi thời kỳ, trong đó có những thời kỳ nhỏ của tác giả đã phản ánh đúng chính yếu của mỗi thời kỳ.

2.2. Những toát yếu của mỗi thời kỳ

Nội dung của mỗi thời kỳ được tác giả trình bày ngắn gọn, súc tích, toát yếu. Ở Thời kỳ du nhập, tác giả cho rằng Phật giáo truyền vào nước ta khoảng năm 189, người khởi xướng là Mâu Bác. Nhưng đồng thời tác giả khẳng định “nên biết rằng trước Mâu Bác có nhiều giáo sĩ như Ma La Kỳ Vực, Thiện Hữu và Khương Tăng Hội”3. Tác giả lần lượt đề cập đến thiền phái như Tì ni đa lưu chi “sơ tổ Thiền tông ở Việt Nam”, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, tiếp đến là Thiền phái Trúc Lâm thời Trần; Phật giáo thời Hậu Lê, thời Nguyễn (Chúa Nguyễn và Vua Nguyễn); Phật giáo thời cận đại.

Thời kỳ sau khi Ngô Quyền chiến thắng Bạch Đằng xưng vương, trị nước không được bao lâu là cuộc tao loạn 12 sứ quân được tác giả nhận định đây là “Thời kỳ đình đốn (939-968)” với nhận xét “Trong giai đoạn này, Phật giáo vì cảnh loạn ly phải ngừng bước”. Phật giáo thời Đinh Lê được tác giả đặt nhan đề Thời phục phát (968-1009) theo đó “Sau khi xưng đế, Đinh Bộ Lĩnh liền lo hộ trì Phật pháp… Một thời thịnh vượng bắt đầu và kéo dài tới năm 1009”. Nổi lên thời kỳ này là Thiền sư Ngô Chân Lưu. Phật giáo thời Tiền Lê được tác giả nhận định “Thiền môn luôn được triều đình trọng đãi và các tăng sĩ trong đó có ngài Khuông Việt, không ngớt giúp Vua trên hai phương diện chính trị và tôn giáo”. Đặc biệt tác giả còn cung cấp: “chính thời ấy, lần đầu tiên nước ta sai sứ qua Trung Quốc để thỉnh bộ Đại tạng Pháp bảo”4. Đây là tư liệu được ghi trong chính sử, cụ thể là Đại Việt sử ký toàn thư.

Phật giáo thời Lý (1010 - 1225) được tác giả đặt tiêu đề là “Thời kỳ hưng thịnh”. Thời kỳ này được tác giả chọn lựa một số nội dung như: Đề cập đến hành trạng một số thiền sư nổi tiếng, Đa Bảo, Sùng Phạm “đồng đem hết uy thế của mình ra giúp làm cho công cuộc tuyền bá và thực hành giáo pháp được nhiều rực rỡ”; Nhà Lý cho xây nhiều chùa, tiêu biểu là chùa Diên Hựu (chùa Một Cột); sự ra đời của Thiền phái Thảo Đường, thiền phái mang tên vị thiền sư người Trung Hoa. Thiền sư bị bắt làm tù binh khi Vua Lý Thánh Tông chinh phạt Chiêm Thành. Tác giả nhận xét về Triều Lý: “Không lúc nào đạo Phật được thịnh hành cho bằng dưới thời nhà Lý. Liên tiếp tám đời vua, tổng cộng 215 năm, đạo Thích là đạo duy nhất được quốc dân sùng bái. Tuy nhiên, đừng tưởng nhà vua có ẩn ý trong việc hộ trì chánh pháp, mà nên xem đó là biểu tượng của một tấm lòng một đạo chân thành, một phần do giáo lý tuyệt luân của Đức Phật gây ra, một phân do đạo hạnh và trí huệ của các Thiền sư đào tạo”.

Với tiêu đề “Thời kỳ suy sụp”, tác giả đề cập đến Phật giáo thời Trần, thời thuộc Minh, thời Hậu Lê, thời chúa Nguyễn và thời vua Nguyễn. Đó là một thời kỳ rất dài. Nhưng mỗi thời kỳ đều được “điểm huyệt” chính xác. Với thời Trần, tác giả nhấn mạnh đến Vua Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm. Phật giáo thời Hậu Lê là “Vua Lê Thái Tổ… lập khoa thi cho Tăng lữ, ai không đậu phải hoàn tục. Ba mươi năm sau, Phật giáo lâm nguy… Tuy vậy, Phật giáo vẫn tồn tại trong dân gian, không phải thuần khiết như trước, mà dưới hình thức một sự hỗn hợp đáng tiếc”. Phật giáo thời chúa Nguyễn “nhiều thiền phái mới được thành lập dưới quyền điều khiển của các thiền sư Trung Hoa, cũng như nhiều am tự được trùng tu hay tôn tạo. Phật giáo thời vua Nguyễn được tác giả nhận định “bị biến thành một thứ lợi khí chính trị trong tay nhà vua… Phật giáo chỉ còn cái xác… các nhà tu hành chân chính tìm chốn ẩn tu, để mặc cho bọn “thày đảm” múa gậy vườn hoang”. Phong trào chấn hưng được tác giả đề cập đến ở Tiết IV Phật giáo cận đại. Phần này tác giả trước hết đề cập đến một số hội Phật học tiêu biểu ra đời trong thời kỳ Chấn hưng, với chương trình hoạt động được quy vào các mục tiêu: “Chỉnh đốn Thiền môn; vãn hồi qui giới, đào tạo một thế hệ thanh niên tu sĩ chân chính và hữu học và, rốt hết, phổ thông giáo lý bằng Việt Ngữ thay cho chữ Hán được dùng từ xưa… có điều lạ là Thiền tông mất tích không biết lúc nào, để cho Tịnh độ tông thay vào và tiếp tục thịnh hành cho đến ngày nay”. Trong tiết Phật giáo cận đại tác giả còn đề cập đến một cuộc nghinh ngọc xá lợi Phật tổ diễn ra ở Sài Gòn với trên năm vạn người tham gia mà chỉ được sắp đặt không đầy sáu ngày. Tác giả nhận xét “Cuộc biểu diễn êm ái ấy, về sau đã gây nhiều ảnh hưởng hay. Từ Bắc chí Nam, phong trào chấn hưng được mọi nơi tiếp đón nồng hậu, khiến cho phạm vi hoạt động ngày càng bành trướng, lấn áp một phần nào uy thế của những phái tạp nhạp”.

Phong trào chấn hưng Phật giáo đạt được trên lĩnh vực tư tưởng và học thuật được cư sĩ đề cập trong tiết VI. Người Việt Nam quan niệm và thực hành đạo Phật như thế nào. Theo cư sĩ phong trào đã tiến được một bước khá dài, nhưng vẫn chưa tới đích. Tuy nhiên, những kết quả thu thập được không vì thế mà kém phần khích lệ.

Trước hết “làm tỏ rạng cái chân tinh thần Phật giáo bằng cách gạt bỏ những tà thuyết đã xen vào làm cho mờ mịt, nhưng đừng tưởng các ngài ly khai với đường lối Đại thừa mà đặc điểm là đức Đại từ, Đại bi, được Bồ tát hạnh tiêu biểu một cách rõ rệt đúng với lời dạy của Phật tổ: Tự giác, giác tha, tự độ, độ tha”. Thứ đến, dù là tu sĩ hay cư sĩ qua phong trào đều cố gắng tinh tấn trong việc tu tâm sửa tánh, học hỏi kinh điển, nhận chân việc lễ bái và các giới cấm không phải là cứu cánh. “Họ hoàn toàn công nhận những giáo lý chánh thống được phái Nguyên thỉ ca tụng, nhưng họ không bỏ những luận thuyết, căn cứ trên nền tảng ấy, của ngài Long Thọ, Mã Minh, Thế Thân, Vô Trước v.v… cũng như họ không bỏ pháp môn Tịnh độ mà họ biết là một lối tham thiền thực tiễn, vì dễ tập cho đa số”.

Trong Phật giáo Việt Nam, tác giả dành một tiết, tiết VII. Tình hình hiện tại đề cập đến Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Tổng hội ra đời ngày 6.5.1951 với năm mươi mốt đại biểu của sáu tập đoàn Phật giáo Nam, Trung và Bắc họp đại hội tại chùa Từ Đàm, Huế, đồng thanh quyết nghị thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam5. Tổng hội Phật giáo Việt Nam được tác giả đề cập với các nội dung như: lý do ra đời, tổ chức, hoằng pháp, đào tạo cán bộ, thanh niên Phật tử, từ thiện xã hội. Sở dĩ tác giả dành một tiết đề cập đến Tổng hội Phật giáo Việt Nam là vì: “So sánh với các đoàn thể Phật giáo khác cùng tồn tại trên đất Việt, Tổng hội Phật giáo Việt Nam là đoàn thể quan trọng nhất, tổ chức chặc chẽ hơn hết, duy nhất hoạt động và cũng duy nhất được chính thức nhìn  nhân là đủ tư cách để đại diện cho nền Phật giáo nghìn năn của Việt Nam”.

3. Tư tưởng Phật giáo Việt Nam

Nếu như phần trình bày về lịch sử Phật giáo Việt Nam tác giả đặt tiêu đề cho từng thời kỳ và trình bày toát yếu lịch sử Phật giáo qua các thời kỳ thì phần lịch sử tư tưởng Phật giáo Việt Nam trong hai tiết: Tiết V. Những ảnh hưởng của Phật giáo trong tư tưởng và đời sống người Việt; Tiết VI. Người Việt Nam quan niệm và thực hành đạo Phật như thế nào. Và phần nội dung ở cuối sách là nhan đề: Những đóng góp của Phật giáo cho nền mỹ nghệ, văn chương và triết học ở Việt Nam.

Trước hết tác giả đề cập đến Phật giáo trong mối quan hệ với Nho giáo mà tác giả gọi là Khổng giáo và Đạo giáo mà tác giả gọi là Lão giáo (vấn đề tam giáo). Theo tác giả, ba tôn giáo “Nhưng trên thực tế, chỉ có một Đạo, do sự thâm nhập lẫn lộn của ba mối tín ngưỡng kia kết thành, và mỗi tín ngưỡng này có thể xem như một hình thái riêng biệt của cái Đạo duy nhất kia. Tình trạng ấy kéo dài cho đến ngày nay, thành ra rất khó, hay có thể nói là không làm thế nào mà chia ra tín đồ của ba tôn giáo ra thành ba khối riêng biệt được. Chỉ một số ít, trong hàng tại gia hay xuất gia, mới có một thái độ rõ rệt, hễ tu theo đạo nào là cứ theo đạo đó, còn đại chúng thì trái lại không thiên về bên nào và cũng không cần nhọc trí tìm biết những sai khác giữa ba mối đạo. Vì vậy họ có thể xưng là con nhà Phật, mà cũng ung dung đến lễ ở các đền thờ Thánh hay tiếp tục thờ phượng tổ tiên là chủ trương của đạo Khổng”.

Từ việc tổng kết, đưa nhận định trên, theo tác giả đó là “sự xáo trộn tạp nhạp” dẫn đến “những lối tu hành mê tín dị đoan”. Tuy nhiên, nhìn ở một phương diện khác “sự tạp nhạp đó ảnh hưởng tốt cho nền luân lý, lối tư tưởng, văn tắt, cho đời sống của dân chúng”.

Từ quan niệm tam giáo “trên thực tế, chỉ có một Đạo”, tác giả tiếp tục minh chứng khi cho rằng: “nhiều Nho sĩ, dù cố trung thành với những giáo lý căn bản của Khổng Tử vẫn là sản phẩn của Phật giáo, và trong nhiều áng văn chương, tuy không có sự mượn ý một cách trực tiếp, vẫn chứa đựng nhiều câu, nhiều đoạn quá phản chiếu những thuyết vô thường, nghiệp báo, nhân quả, luân hồi, bát khổ… thành ra không làm sao chối cãi được rằng tác giả đã có chịu phần nào ảnh hưởng của Phật giáo”.

Tư tưởng Phật giáo còn được cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền đề cập trong tạp chí Từ Quang, tạp chí của Hội Phật học Nam Việt mà ông là người “trực tiếp trông nom từ năm 1951 cho đến khi ông qua đời”. Tác giả Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận, thông qua các bài viết của cư sĩ Chánh Trí trong Từ Quang, số 161 (1.1966) bài “Tuyết sạch trăng in”, Từ Quang số 237 và Từ Quang, số 239 (1.1973) bài “Khảo cứu về Tịnh độ tông” làm sáng tỏ thêm Tư tưởng Phật học của Cư sĩ Chánh Trí như “cư sĩ Chánh Trí có một cái nhìn trung dung về hai khuynh hướng tự lực và tha lực trong Phật giáo. Ông cho rằng sự nhiếp thọ và cứu độ của chư Phật và chư Bồ tát là có thực nhưng con người phải nỗ lực thì sự nhiếp thọ ấy mới trở thành hiện thực, như tuyết sạch, trăng mới in”6. Đề cao Tịnh độ tong, nhưng Cư sĩ Chánh Trí cho rằng: “Tuy pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh được trình bày như con đường “dễ đi” nhờ có sức cứu độ của Phật, thật ra không phải dễ hoàn toàn đâu và mốn đi đến đích cũng chẳng phải hoàn toàn ỷ lại vào tha lực mà được đâu. Để tới con người của Thiền tông là con đường mà hành giả phải tự cường, tự lực, nhưng niệm Phật cho đến nhất tâm bất loạn, cho đến được “tam muội” hay chánh định, hành giả cũng phải nỗ lực rất nhiều, phải phấn đấu với chướng ngại ráo riết. Cái tha lực nhiếp thọ của Phật hình thư chỉ được đưa ra với dụng tâm khuyến khích hành giả, để hành giả vững tâm mà trỗi bước”7.

Ngoài ra, còn là quan niệm của tác giả về sự vãng sinh về cực lạc của Phật giáo, về quan niệm “Di Đà tự tính, Tịnh độ duy tâm”.

4. Ảnh hưởng của Phật giáo trong tư tưởng và đời sống của người Việt

Đây là một trong những nội dung được cư sĩ Chánh Trí đề cập đến trong công trình Phật giáo Việt Nam. Theo tác giả, Phật giáo Việt Nam dù trải qua các bước thăng trầm nhưng thời kỳ nào Phật giáo cũng có những ảnh hưởng trong tư tưởng và đời sống của người Việt. Ảnh hưởng trước hết của Phật giáo về tư tưởng và đời sống là đối với tầng lớp vua quan qua các triều đại của Đại Việt. Đó là tư tưởng từ bi, hỷ xả của vua Nhà Lý xá tô thuế cho dân, là việc vua Nhà Lý có những lời nói và việc làm đối với những người trong tù ngục. Đó là các sự kiện: Năm 1055, mùa Đông, tháng mười rét lắm, vua bảo các quan tả hữu rằng: “Trẫm ở trong cung, nào lò sưởi ngự, nào áo lót cầu còn rét thế này, nghĩ tới người tù giam trong ngục, khổ sở vì gông cùm, chưa rõ ngay gian, mà ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có thể chết không đúng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu và cấp cơm ăn ngày hai bữa”8. Và một sự kiện khác: Mùa Hạ tháng Tư năm 1065, Vua Lý Thánh Tông ngự ở điện Thiên Khánh xét kiện. Khi ấy công chúa Đông Thiên hầu bên cạnh. Vua chỉ vào công chúa bảo ngục lại rằng: “ta yêu con ta nhưng lòng ta làm cha mẹ dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, trẫm rất thương xót. Từ nay về sau không cứ tội nặng nhẹ đều nhất loạt khoan giảm”9. Từ những sự kiện trên, tác giả nhận xét: “Đời Vua thứ ba của Triều Lý là Lý Thánh Tôn (1054 - 1072), một hiện thân của Đức Đại từ, Đại bi. Trong chốn cung son điện ngọc, nhất là khi gặp tiết đông thiên, nhà vua thường chạnh nhớ tới số phận hẩm hiu của hạng bần dân và nỗi thống khổ của đám phạm nhân trong ngục thất. Vì vậy, dưới triều đại này thường thấy những cuộc chẩn bần và ân xá quan trọng”. Ở một đoạn khác, tác giả viết: “Dưới hai triều đại Lý, Trần, nhiều vua đứng ra nêu gương tu hành tinh tấn, thậm chí có vị đã từ ngôi lánh tục, vào núi tham thiền”.

Đối với tầng lớp bình dân, theo tác giả dù là “hạng tối ư dốt nát” hay “những kẻ không theo đạo Phật”, “đều sợ sự báo ứng mà họ quan niệm theo lối tranh Thập điện. Nhờ vậy mà lắm lúc họ tránh được điều ác và làm được việc lành. Thêm vào đó còn có ngũ giới cấm, giúp cho hàng Phật tử sống một đời sống hòa thuận an vui mà sự giải thoát của Thiền tông và cõi Cực Lạc của Tịnh dộ tông càng làm cho linh động thêm lên. Nhất là việc ăn chay, hoặc ăn kỳ như hàng cư sĩ, hoặc ăn trường như các bực xuất gia, ít ra cũng có công chế ngự được phần nào cái tánh khát máu chung cho toàn thể nhân loại”.

5. Những đóng góp của Phật giáo trên lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật ở Việt Nam

Qua nghiên cứu những chặng đường lịch sử của Phật giáo, cùng với việc chỉ ra tư tưởng của Phật giáo; những ảnh hưởng của Phật giáo trong tư tưởng và đời sống của người Việt, tác giả của Phật giáo Việt Nam, cư sĩ Chánh Trí còn dành một số trang viết đề cập đến những đóng góp của Phật giáo trên lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật ở Việt Nam. Trước hết, theo tác giả, “Phật giáo đã có cống hiến cho việc xây dựng nền luân lý và đạo đức của một dân tộc hiền hòa, chất phác, hình như sinh ra là để nghinh đón đạo Từ bi”. Và “các nghệ sĩ, hiền triết, văn nhân thời xưa, không ai là không nhuần thấm đạo Từ bi; đến nay vẫn còn đông số người trong ba giới này tiếp tục chịu ảnh hưởng gương xả thân cứu đời của Phật tổ”.

Đề cập đến vai trò của Phật giáo Việt Nam đối với kiến trúc, điêu khắc và hội họa, cư sĩ Chánh Trí trích nhận xét của một học giả Tây phương về đóng góp của Phật giáo đối với văn hóa Trung Hoa: “Phật giáo là ảnh hưởng ngoại quốc đầu tiên đã thúc đẩy mạnh bước tiến của dân tộc Trung Hoa trên phương diện tâm lý, nhờ đó chẳng những tôn giáo mà các ngành khác của nền văn minh trong nước đều được phục sinh, vun bón và phát đạt đến cực độ. Bất luận ai, dẫu là người chưa từng hiểu biết đời sống tinh thần của dân Trung Hoa đi nữa, chỉ một liếc mắt qua những công trình tuyệt tác của nghề nặn tượng cũng nhận rằng mỹ nghệ xứ này đã bắt nguồn thâm sâu ở tinh hoa Phật giáo, cho đến nỗi khi Phật giáo đạt đến mức tới huy hoàng, thì mỹ nghệ cũng theo đà mà đơm hoa kết quả sum mậu lạ thường”. Rồi từ đó tác giả cho rằng những nghiệm xét trên của một học giả Tây phương đối với Trung Hoa “có thể chuyển sang nguyên vẹn cho Việt Nam, khỏi phải sửa đổi một điều kiện nào, đối với khoa kiến trúc, điêu khắc và hội họa. Những chùa chiền, tranh tượng còn sót lại sau những tang thương do thời gian và chiến tranh gây ra, cũng như những công trình khảo cổ trước năm 1945, đều chứng tỏ ảnh hưởng to tát của Phật giáo trong địa hạt này”. Theo tác giả, nước Việt sau mười bảy thế kỷ quy y Phật pháp cần phải hướng sự tìm tòi về nẻo văn chương hơn là về nẻo mỹ nghệ. Ấy là việc tác giả đề cập đến thành tựu thơ Thiền mà tác giả là những thiền sư. Theo tác giả, “đời này sang đời khác đã thành một cái lệ, kịp đến những giữa năm 1010 và 1225, dưới triều nhà Lý, ngoài chốn Thiền môn, thật khó mà tìm được một thi sĩ có tài”.

Nhà Hậu Lê sau chiến thắng quân Minh, giành độc lập, xây dựng nhà nước Đại Việt tập quyền dựa trên nền tảng Nho giáo. Nho giáo thắng Phật giáo. Song, theo tác giả “Tuy thất bại chốn triều trung, Phật giáo vẫn sống vững trong tâm hồn dân chúng đã được mấy trăm năm hóa giảo”. Một trong tiến bộ về mặt văn chương ở thế kỷ 17 và 18 sau khi “chữ Nôm” được sáng tạo đã tạo điều kiện dễ dàng cho việc truyền bá tam giáo trong đó có Phật giáo. Một trong những tác phẩm chữ Nôm được tác giả dẫn là Truyện Kim Vân Kiều với “ý tứ cao siêu đượm nhuần hương từ bi giác ngộ” và “Có thể nói đó là một quyển Phật giáo yếu lược cho hạng sơ sơ”.

Cư sĩ Chánh Trí dành những lời sau đây về vai trò của Phật giáo trước khi kết thúc công trình nghiên cứu Phật giáo Việt Nam: “cho đến ngày nay, Phật giáo vẫn còn là nguồn cảm hứng cho kịch giới, nhiều thuần phong mĩ tục đều nhờ Phật giáo mà tồn tại, nhiều chuyên xưa tích cũ chịu ảnh hưởng của đạo Phật còn được người trong xứ va thích, nhiều ca dao, cách ngôn còn căn cứ trên nền tảng Phật giáo. Nếu Phật giáo là nguồn nước để giải khát cho hàng trí thức, Phật giáo cũng là giọt sữa để nuôi dưỡng những đạo tâm nồng nhiệt, là ngọn đuốc soi đường cho kẻ say mê lạc lối, là bờ giác để cho người đắm đuối quay về. Cửa thiền là nơi mà các bực tín tâm đến chiêm ngưỡng mà cũng là đám vườn xanh giữa bãi sa mạc đón chờ những ai quá khổ và nóng bức.

Vì thấm nhuần đời sống hằng ngày của dân chúng một cách mật thiết như thế, đạo Phật hiện nay đã trở thành một nhu cầu tối yếu cho người dân Việt. Trước kia là một đạo của xứ ngoài, Phật giáo hiện nay là một đạo của dân tộc”.

6. Kết luận

Công trình Phật giáo Việt Nam của Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền về hình thức là một cuốn sách mỏng. Nhưng đó là một cuốn sách có hàm lượng trí tuệ rất “dày dặn”. Có thể xem đó là cuốn sách lịch sử Việt Nam “bỏ túi”. Đây là một công trình nghiên cứu đầu tiên đề cập toát yếu nhưng toàn diện và đầy đủ về Phật giáo Việt Nam từ buổi đầu cho đến thời cận đại. Công trình khai mở, đồng thời còn đặt nền tảng cho việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam từ việc phân kỳ, “điểm huyệt” những thành tựu của Phật giáo đến việc chỉ ra đặc trưng tư tưởng của Phật giáo cũng như vai trò của Phật giáo đối với văn hóa – xã hội Việt Nam. Những nhận xét đánh giá của tác giả hết sức vắn tắt, kiệm từ mà ý nghĩa lại hết sức dồi dào, vượt lên trên từ ngữ. Từ bậc bình dân đến trí giả, từ Phật tử đến bậc tôn túc theo căn cơ mà thấu nhận. Cuốn sách kiệm lời vì ông không muốn người đọc “nhàm tai”.

Mở đầu cuốn sách Cư sĩ Chánh Trí có lời tựa:

Kính lạy Đức Phật.

Xin Ngài từ mẫn nhận quyển sách con này như lễ cúng dường cao cả nhất mà một đệ tử thấp hèn, trải mười hai năm phụng vụ Chánh pháp được đặt dưới chân ngôi báu của Ngài.

Tác giả

Ông tự xem mình là một đệ tử thấp hèn khiến chúng ta nhớ tới Đại thi hào, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du kết thúc Truyện Kiều “hùng văn thiên cổ” bằng hai câu thơ: Lời quê chắp nhặt dông dài/Mua vui cũng được một vài trống canh.

Đó chính là sự khiêm hạ của BẬC ĐẠI TRÍ./.

 


1. Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Phương Đông, Hà Nội, tr 781.

2. Nguyễn Lang, Sđd, tr 782.

3. Những đoạn trích bài viết để trong ngoặc kép là trích từ cuốn “Phật giáo Việt Nam” của Chánh Trí Mai Thọ Truyền mà không đánh số. Còn trích dẫn ở các tài liệu tham khảo khác bài viết có đánh số.

4. Ấy là căn cứ vào Quốc sử ghi chép về việc nhà Tiền Lê sai người sang nước Tống, xin Đại tạng kinh. Sử ghi Đinh Mùi, năm thứ 14 (1007). Mùa xuân, (Vua) sai em là Minh Xưởng, và Trưởng Thư ký là Hoàng Thanh Nhã dâng tê ngưu trắng cho nhà Tống và xin kinh Đại Tạng. Kỷ Dậu năm thứ 2 (1009), Mùa Xuân, Minh Xưởng ở Tống về, xin được kinh Đại Tạng. Dẫn theo Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I (In lần thứ 2 có sửa chữa) Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1972, tr 155.

5. Nguyễn Lang, sđd, tr 815.

6. Nguyễn Lang, sđd, tr 784.

7. Nguyễn Lang, sđd, tr 785.

8. Đại Việt sử ký toàn thư, T.1. sđd, tr 283.

9. Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr 212.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Chánh Trí Mai Thọ Truyền (2007), Phật giáo Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.

2. Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Phương Đông, Hà Nội

3. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, In lần thứ hai, Hà Nội 1972.

 

 

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 46
    • Số lượt truy cập : 6127809