DI TÍCH PHẬT GIÁO BÊN DÃY NÚI NHAM BIỀN
DI TÍCH PHẬT GIÁO BÊN DÃY NÚI NHAM BIỀN
TẠ VĂN TRƯỜNG
Đỉnh núi Vua Bà nhìn xuống dãy Nham Biền
Dãy núi Nham Biền nằm ở địa phận hai huyện Yên Dũng và Việt Yên thuộc tỉnh Bắc Giang, nhìn từ trên cao tựa như hình cánh cung, nối liền hai dòng sông Thương và sông Cầu. Dãy núi Nham Biền gồm hai dãy, một là dãy Núi Bài với ngọn cao nhất ở khu Vân Cốc (Việt Yên) với cái tên là núi Ông Già hay núi Ngự; dãy còn lại tên là dãy núi Neo (Yên Dũng), đỉnh cao nhất là ngọn Non Vua (còn gọi là Vua Bà). Dãy núi có tổng chiều dài khoảng 12km, gồm 99 ngọn núi, có độ cao khoảng 300m, nổi tiếng với truyền thuyết 100 con phượng hoàng đi tìm nơi đặt kinh đô bay đến đỗ trên 99 ngọn núi còn một con không còn chỗ phải bay đi kéo theo cả đàn, nếu dãy Nham Biền có đủ 100 ngọn cho 100 con phượng hoàng đậu thì đất Phượng Nhỡn đã thành kinh đô. Ngoài thắng cảnh núi non thiên nhiên đẹp, gắn liền với bao giai thoại. Nơi đây còn lưu lại những di tích Phật giáo của hai triều đại Lý - Trần như: chùa Bình An (Diễn Khánh tự), chùa Hang Tràm (Nham Nguyệt tự), chùa Kem (Sùng Nham tự), chùa Dâu (chùa Bụt Mọc) v.v… mang đậm giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc.
1. Chùa Bình An (Diễn Khánh tự)
Chùa Bình An (Diễn Khánh tự) thuộc làng Bình An, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Ngôi chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI bên sườn dải núi Nham Biền, nhìn về hướng Đông Nam, phía trước là ngôi đình làng. Chùa hiện còn lưu giữ nhiều bia đá khắc chữ Hán có niên đại khá sớm, gồm 14 tấm bia đá và 1 quả chuông đồng thời Nguyễn còn khá nguyên vẹn. Tấm bia có niên đại sớm nhất là bia có tiêu đề: “Tân tạo Phật mộc tượng Diễn Khánh tự thạch bi” (Bia đá ghi việc làm mới tượng Phật bằng gỗ ở chùa Diễn Khánh) được tạo vào năm Sùng Khang thứ 9 (1574), toàn thể văn bia có khoảng 1.300 chữ. Phần chính văn 700 chữ; minh văn 18 câu, mỗi câu 4 chữ (72 chữ); còn lại là phần ghi tên người công đức. Tiêu đề phụ phần chính văn ghi rằng: “Yên Dũng huyện, Bình Chương xã, Diễn Khánh tự bi văn tịnh minh” (Bài văn và bài minh bia chùa Diễn Khánh, xã Bình Chương, huyện Yên Dũng). Đầu bài văn bia cho biết: Ngày Mão, tháng Bính năm thứ 9 (1574) triều vua Sùng Khang, các sãi ở xã Bình Chương, huyện Yên Dũng là Thân Minh Đạt, Lương Sĩ Điều, Đặng Huyền Chân và các tín thí phát tiền của để tạo 5 pho tượng Phật chùa Diễn Khánh. Đến ngày..., tháng 8 thì hoàn thành. Đến ngày tốt, tháng 10 điểm nhãn, mở hội rước tượng... Sau đó mời người soạn văn, thợ đá Đông Sơn khắc bia đá ghi lại sự việc.
Đoạn cuối của bài văn ca ngợi địa thế cảnh quanh chùa Diễn Khánh và ý nghĩa của việc tạo tượng khắc bia. “Ấp Chương, huyện Yên Dũng là đất đẹp mà khu đất chùa Diễn Khánh ở Yên Dũng là xứ sở huyền diệu. Nói về hình thế núi Cảo dựng như cây bút ở phía trước. Dòng Xương Giang uốn lượn làm đạo mạch ở bên trái. Dòng Phún Khê chảy quanh vỗ làn sóng văn phía Bắc. Núi Cốc khoe vẻ đẹp ở đằng sau. Đúng là nơi lâu đài thứ nhất....”. Sau phần chính văn là bài minh gồm 18 câu. Cuối cùng là dòng lạc khoản khắc ghi: “Sùng Khang cửu niên, thập nhất nguyệt, nhị thập nhị nhật. Chương ấp, Lai Tân, Quốc Tử giám, Quốc Tử sinh trúng cẩn soạn”. (Ngày 22 tháng 11 niên hiệu Sùng Khang thứ 9 (1574). Lai Tân người ấp Chương thi đỗ Quốc Tử sinh, Quốc Tử giám kính cẩn soạn văn bia.
Việc phát hiện tấm bia: “Tân tạo Phật mộc tượng Diễn Khánh tự thạch bi” tại chùa Bình An đã giúp nhân dân địa phương có thêm nguồn tư liệu quý giá cho việc tìm hiểu lịch sử ngôi chùa này và lịch sử văn hóa làng xã Bình An dưới thời Lê - Mạc. Ngoài ra còn 4 tấm bia đá dựng thời Lê năm 1710, 1718, 1724 và 1731, tấm bia tạo dựng muộn nhất “Hậu Phật bi ký” niên hiệu Gia Long thứ 10 (1811).
Chùa có tổng diện tích 490 m2, bao gồm: cổng chùa, khuôn viên sân vườn, khu mộ tháp và khu chùa chính. Bình đồ kiến trúc kiểu chữ “đinh” gồm tòa tiền đường 3 gian 2 chái nối tòa thượng điện 3 gian. Trên các cấu kiện kiến trúc tòa tiền đường còn bảo lưu được nét chạm khắc cổ có giá trị nghệ thuật của thời hậu Lê thế kỷ XVII và thời Nguyễn thế kỷ XIX. Trải qua trên 400 năm, ngôi chùa hiện nay vẫn còn bảo lưu được nhiều nét kiến trúc cổ có giá trị lịch sử văn hóa và giá trị kiến trúc nghệ thuật. Chùa Bình An đã được xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 1936/QĐ-UBND ngày 20 tháng 12 năm 2013.
2. Chùa Hang Tràm (Nham Nguyệt tự)
Chùa Hang Tràm (Nham Nguyệt tự), thuộc thôn Liễu Đê, xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Đây là một trong số ít ngôi chùa cổ mang dấu ấn văn hoá thời Trần, gắn liền với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ở Bắc Giang. Chùa nằm ở rìa làng Liễu Nham, dưới chân đỉnh Vua Bà thuộc sơn hệ Nham Biền.
Chùa Hang Tràm cổ xưa nằm trong Khe Hang thuộc dãy núi Nham Biền. Chùa chỉ có 1 gian, 1 chái lợp bằng cỏ gianh. Xung quanh chùa là rừng thông, rừng tràm. Chùa được xây dựng từ thời Trần, người khởi công xây dựng chùa trên nền thảo am cũ là nàng Điểm Bích, một nhân vật nổi tiếng thời Trần được vua Trần trao cho vàng ngọc để đi thử lòng Huyền Quang Lý Đạo Tái, đệ Tam tổ Thiền phái Trúc Lâm... Ngôi chùa nàng Điểm Bích xây dựng tồn tại đến thời Lê - Mạc thì dân làng chuyển chùa về trong làng, ngoảnh hướng Nam (hướng lên núi) nên dân làng ở vào thế đất nghịch, nay vẫn còn câu: “Hang Tràm, Ổ Cá, Trại Lá, Đông Loan”. Do vậy, dân làng lại tiếp tục chuyển chùa. Khi nghĩa quân Yên Thế về đây thì giặc Pháp đã tấn công đốt phá chùa, khi giặc rút đi, nhân dân tân tạo chùa Hang Tràm ở vị trí như hiện nay.
Chuông đồng cổ chùa Hang Tràm
Chùa Hang Tràm hiện nay có bình đồ kiến trúc hình chữ “đinh”, gồm tòa tiền đường 5 gian, nối với tòa thượng điện 3 gian. Nhà tổ, nhà tăng mỗi tòa 5 gian gỗ lim. Trong chùa còn lưu giữ được gần 30 pho tượng Phật gỗ quý mang niên đại thời Nguyễn (thế kỷ XIX), có giá trị lịch sử văn hóa và giá trị nghệ thuật. Mặc dù được tôn tạo ở vị trí mới (cuối thế kỷ XIX) nhưng chùa Hang Tràm còn bảo lưu được nhiều cổ vật, hiện vật quý như: hệ thống bia đá, hoành phi, câu đối, chuông đồng, tượng phật, đồ thờ... có niên đại thời Lê - Nguyễn. Trong đó có một tấm bia đá cổ thời Trần, niên hiệu Xương Phù (1387). Nội dung văn bia này nhắc tới 2 sự kiện xảy ra dưới thời Trần với thời gian, cụ thể là: Năm Tân Dậu niên hiệu Đại Khánh 8 (1221) với sự kiện Hoàng Bà khởi công xây dựng Phật điện, hành lang, gác chuông, tăng phòng… Năm Đinh Mão niên hiệu Xương Phù (1387) nhà sư trụ trì chùa Hang Tràm khi ấy trùng tu tôn tạo và nhờ người soạn văn bia ghi lại sự việc đã qua…
Việc phát hiện tấm bia đá cổ, cung cấp cho hậu thế nhiều thông tin quý về một danh lam cổ tự được xây dựng từ thời Trần trên dãy Nham Biền cũng như thông tin khác về các danh tăng đương thời từng tu hành tại đây. Và đặc biệt tấm bia còn thông tin về Thiền sư Đại Không Hòa thượng, người có công khởi xướng, quy tụ tăng đồ làm cho nơi đây (chùa Hang Tràm) trở thành trung tâm Chấn hưng của Thiền phái Trúc Lâm. Vì thế, công lao chấn hưng Phật phái Trúc Lâm của Đại Không Hòa thượng có ý nghĩa đặc biệt và chi tiết này có thể thu hút được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam. Các đồ thờ tự, đặc biệt là cách bài trí tượng Phật theo phái Tịnh Độ tông và Thiền tông của Thiền phái Trúc Lâm, cho thấy chùa Hang Tràm là công trình văn hóa tôn giáo mang đậm dấu ấn Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Chùa được được công nhận là Di tích Lịch sử theo QĐ số 178/QĐ-CT ngày 28/01/2003. Hội chùa hàng năm tổ chức ngày 8 tháng Giêng âm lịch.
3. Chùa Kem (Sùng Nham tự)
Chùa Kem (Sùng Nham tự)
Chùa Kem (Sùng Nham tự), tọa lạc thôn Kem, xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, nằm dựa lưng vào dãy Nham Biền. Chùa là một địa điểm quan trọng gắn với cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX). Theo bia tháp “Tháp Thanh Phong chùa Sùng Nham” dựng ở phía sau chùa tạo năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775), chùa được khởi dựng vào năm Đinh Tỵ (1557) thời vua Lê Anh Tông. Trong chùa còn lưu lại được 7 ngôi tháp cổ. Tháp cổ nhất được khởi công xây dựng vào ngày 14 tháng 11 năm 1775, năm Cảnh Hưng thứ 36, tọa trên núi Đẩu Sơn (trong dải Nham Biền), về phía Bắc của chùa Sùng Nham, 6 tháp tổ còn lại được xây dựng ở vườn tháp phía trước chùa, là nơi để xá lỵ của các vị sư trụ trì tại chùa sau khi họ viên tịch.
Khi mới xây dựng ngôi chùa có kết cấu kiến trúc theo kiểu nội công ngoại quốc, gồm tòa tiền đường, dải thiêu hương, thượng điện, nhà tổ. Hai bên có 2 dãy nhà làm ký túc xá cho các tăng ni học kinh Phật và ở. Toàn bộ khu nội tự được bao bọc bởi hệ thống tường đắp đất, ốp đá nhám (màu nâu đỏ). Năm Thành Thái thứ 18 (1906), vị sư trụ trì Đàm Tích đã hưng công tu sửa lại toàn bộ ngôi chùa với dáng vẻ như ngày nay. Toàn bộ công trình gồm toà Tam bảo có tiền đường 5 gian nối liền với 3 gian thượng điện theo bố cục hình chữ “đinh”. Sau thượng điện là khoảng sân hẹp rồi đến 5 gian nhà tổ, 4 gian quan cử và nhà tạo soạn 12 gian. Hệ thống tượng thờ tương đối đầy đủ, các đồ thờ, các di sản Hán - Nôm gồm câu đối, hoành phi, bia đá có niên đại thời Lê, Nguyễn. Đây còn là địa điểm lịch sử quan trọng ghi nhiều dấu ấn trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Lịch sử Bắc Giang còn ghi từ năm 1884, Nguyễn Cao là người làng Cách Bi (Quế Võ, Bắc Ninh ngày nay) cùng nghĩa quân đã về đây xây dựng căn cứ chống thực dân Pháp. Giai đoạn 1906-1908, Hoàng Hoa Thám cùng nghĩa quân Yên Thế đã về đóng quân trong khu vực chùa, ông đã cho đắp lũy, làm nhà, tổ chức huấn luyện quân sự để xây dựng nơi đây thành căn cứ địa chống Pháp. Qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, công trình kiến trúc của chùa hiện nay vẫn còn giữ được toàn bộ bộ khung kiến trúc mang phong cách tạo dựng thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII) và thời Nguyễn (thế kỷ XX). Chùa Kem được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
4. Chùa Dâu (Chùa Bụt Mọc)
Chùa Dâu (Linh Quang tự) hay chùa Bụt Mọc, nay thuộc xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, nằm dưới chân núi Dâu thuộc dãy núi Nham Biền. Đây là ngôi chùa cổ trên đất Bắc Giang, chưa xác định được năm xây dựng nhưng theo lời văn trên bia đá dựng ở vườn chùa, chùa đã được sửa chữa lớn năm Chính Hòa 24 (1703). Hiện trên chính điện của ngôi chùa này còn thờ một hòn đá (Linh Thạch) hình trụ có đầu hơi nhọn cao khoảng 45 cm, đường kính đáy khoảng 25cm được đặt trang trọng trên chính điện bên cạnh tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn. Qua sự tích Bụt Mọc ở chùa Dâu cho thấy dấu hiệu của tín ngưỡng thờ đá (Linh Thạch) ở đây gắn liền với thời kỳ đầu của quá trình du nhập Phật giáo vào Việt Nam. Chùa có bình đồ kiến trúc kiểu chữ “đinh” gồm tòa tiền đường 5 gian, thượng điện 3 gian tạo, nhà khách 3 gian, nhà tổ 3 gian, một vườn tháp với năm tòa tháp cổ. Các cột chùa vẽ hình rồng leo mang phong cách thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Chùa là nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương từ xưa tới nay và là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân xã Nội Hoàng.
***
Những di tích Phật giáo kể trên mang những giá trị đặc biệt về lịch sử văn hóa truyền thống của dân tộc, nơi địa linh của vùng đất Nham Biền, bên cạnh đó còn có hai ngôi đình, đền thờ Thái sư Trần Thủ Độ, chứng tích quý giá về Thang Mộc ấp của Linh Từ Quốc Mẫu triều đại nhà Trần. Cần thiết phải quy hoạch xây dựng vùng bảo tồn tổng thể hệ thống di tích bên dãy núi Nham Biền. Phát huy giá trị lịch sử văn hóa nơi đây chính là nhằm khôi phục lại tinh thần tu học theo Thiền phái Trúc Lâm, tôn vinh giá trị tinh thần Phật giáo đời Trần đã góp phần tạo nên sức mạnh cho dân tộc đánh thắng ngoại xâm. Việc xuất hiện Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng trên đỉnh dãy Nham Sơn sẽ tạo thêm cảnh quan du lịch sinh thái, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh tín ngưỡng của nhân dân, kết nối với hệ thống di tích Tây Yên Tử, phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của Yên Dũng nói riêng, của tỉnh Bắc Giang và vùng Đông Bắc nói chung.
Bình luận bài viết