Tin tức

Đi về đâu hỡi em?

ĐI VỀ ĐÂU HỠI EM

TRẦN QUỐC TRIỆU

 

Xuân lại đến

Xôn xao ngày tháng cũ

Em ơi em

Ta sẽ bước về đâu?

Nói đến mùa xuân, ta liên hệ ngay đến những năm tháng tuổi trẻ, những năm tháng tràn đầy khát vọng và ước mơ. Tuổi trẻ hôm nay khát vọng gì và mơ ước những gì? Với nhiều bạn trẻ là giảng đường đại học, cao đẳng trong nước, một số khác là chân trời mới tại các trường đại học ở nước ngoài... Nhưng còn lại rất nhiều, rất nhiều bạn trẻ khác thì đi đâu và làm gì để thực hiện những mơ ước và khát vọng của mình? Hay tuổi trẻ bây giờ không có khát vọng, không có ước mơ? Chắc chắn có rất nhiều bạn trăn trở “sẽ bước về đâu” bên cạnh một số phó mặc cuộc đời trôi theo những đưa đẩy của số phận. Con số phó mặc cho số phận đó bao nhiêu? Không có thống kê nhưng chắc cũng không nhỏ...


Tuổi thanh xuân là lúc sung sức nhất, là lúc có thể làm được nhiều việc, cống hiến cho đất nước nhiều nhất và cái gì cũng nhất luôn... Nếu các bạn trẻ thấy được những năm tháng quý giá của tuổi thanh xuân, có sự chuẩn bị nhất định và được hướng dẫn từ những thế hệ đi trước thì việc thực hiện những ước mơ, khát vọng của cuộc đời mình sẽ đúng hướng mạnh mẽ và có ý nghĩa lớn. Tiếc rằng, rất nhiều bạn trẻ không may mắn do hoàn cảnh hay nhiều lý do khác không được học hành đầy đủ nên buộc phải chọn con đường là “bán” tuổi thanh xuân của mình với một cái giá rẻ mạt, thậm chí chôn vùi nó vào những thứ vô vị trong một thế giới ảo được dẫn dắt bởi những “ảo tưởng” về mình và thế giới quan.

Nếu chịu khó quan sát là ai cũng có thể nhận ra các bạn trẻ đang bán tuổi thanh xuân của mình tại các đô thị dọc theo chiều dài đất nước. Mỗi một đô thị có hàng trăm ngàn, thậm chí ở đô thị lớn là hàng triệu những điểm kinh doanh như: trung tâm, trường học, quán cà phê, cửa hàng tạp hóa, chợ, v.v... Ở những nơi đó có hàng triệu em trai, em gái đang trong tuổi lao động, trẻ trung, xinh đẹp lơ ngơ rời nông thôn mà không có một chút chuyên môn hoặc kỹ năng nào. Không có kiến thức và kỹ năng thì các em chỉ có thể làm các công việc phổ thông đơn giản, lẽ dĩ nhiên là như vậy. Những việc như giữ xe, ngồi ghi vé xe, ngồi xếp trái cây, xếp hàng lên kệ, ngồi đánh dấu người ra vào cơ quan... cũng không dễ mà chen chân vào nếu không có người quen ở những nơi đó.

Với một xuất phát điểm rất thấp như vậy thì kiếm được miếng ăn – vốn rất khó khăn trong những năm tháng cực nhọc nơi những vùng quê cũng là may mắn vì có việc làm và được trả lương, đủ nuôi sống mình và nếu tiết kiệm có thể phụ gia đình được chút ít. Một việc làm như trông xe ở một quán cà phê được trả một tháng khoảng 2 - 3 triệu đồng, chủ quán bao ăn, tổng cộng thu nhập có thể khoảng chừng hơn 3 triệu. Giữ xe có thể có 2 người và sẽ phải ngồi như vậy từ 7 giờ sáng đến khoảng 10 giờ đêm. Mỗi ngày trung bình có được thu nhập chừng 100.000đ. Biết bao nhiêu bạn trẻ phải bán mười mấy tiếng chỉ để kiếm đủ số tiền lo cho mấy bữa ăn? Tất nhiên, con số này không đại diện cho tất cả nhưng số những bạn trẻ lao động phổ thông là bao nhiêu có ai thống kê không?

Ừ thì ai cũng phải kiếm miếng ăn nhưng không lẽ mình đủ sức đi trông xe, bốc xếp... cả đời? Tương lai là gì nếu những năm tháng sung sức nhất của tuổi thanh xuân chỉ biết ngồi kiếm một chút tiền lo cho bữa ăn, hết mười mấy tiếng về nhà nằm lăn ra trên cái chiếu dơ của phòng trọ đông người và rồi sáng mai lại tiếp tục “một ngày như mọi ngày”. Đối với một người bình thường thì đó là một nghề lương thiện để kiếm sống, nhưng nhìn sâu vào bản chất thì đó chính là bán tuổi thanh xuân của mình để mưu sinh. Bạn bán được vì bạn còn trẻ khỏe, bạn có nụ cười rạng rỡ và vì bạn còn xinh đẹp... để khách hàng ngắm cho đã mắt như ngắm một bình hoa thôi và tôi chắc với bạn rằng hoa cũ rồi thì ông chủ sẽ phải thay hoa mới thôi. Và cái giá chỉ có 100.000đ cho một ngày tuổi trẻ thì có thể gọi là siêu rẻ và lãng phí!

Đó là ở đô thị, ở nông thôn thì sao? Đọc tin trên Vnexpress.net, một cuộc điều tra nhỏ vừa được huyện Phúc Thọ (Hà Nội) tiến hành với 533 thanh niên quân nhân xuất ngũ giai đoạn 2010-2014. Kết quả thu được là 1/3 không có việc làm, 9 người làm kinh tế hộ gia đình, còn lại là làm nông nghiệp. Đó chỉ là con số của một huyện vậy con số thanh niên cả nước là bao nhiêu? Chắc cũng chới với chứ chả chơi! Nhưng mà không có việc làm là đúng thôi vì các bạn này làm gì có chuyên môn hay kỹ năng gì. Ông cha ta nói thanh niên là chủ nhân tương lai của đất nước mà chủ nhân lại không có chuyên môn, kỹ năng... thì làm sao đất nước giàu mạnh, phát triển được?

Nhóm bạn trẻ ở nông thôn này nếu muốn có việc làm với mong muốn thay đổi cuộc đời mình thì chắc chắn phải được đào tạo lại. Nhưng học gì bây giờ? Sinh viên đại học ra trường còn chưa xin nổi việc làm nữa là. Thế là lại loay hoay... Rồi có thể biết đâu đến một lúc nào đó không còn con đường nào khác là ra thành phố tham gia vào nhóm người bán tuổi thanh xuân của mình với giá rẻ mạt chỉ để đổi lấy miếng cơm qua ngày và chẳng bao giờ trở thành chủ nhân thực sự. Cũng có thể bạn trẻ nào đó yêu mến những làng quê của mình và quyết định làm nông nghiệp thì rất quý nhưng tri thức vẫn là điều kiện tất yếu để anh không thua ngay trên sân nhà.

Có bao giờ bạn trẻ nghĩ đến việc sử dụng tuổi thanh xuân của mình một cách hợp lý chưa? Nếu chưa thì hãy bắt đầu ngay đi, dù có muộn chút xíu, dù bị cơm áo gạo tiền ghì chặt lấy. Nhưng bắt đầu như thế nào chắc cũng nhiều băn khoăn, trăn trở? Câu trả lời khác nhau tuỳ thuộc hoàn cảnh của mỗi người nhưng vấn đề là các bạn có muốn thay đổi cuộc đời mình hay không. Tôi có quen một anh, ngày xưa vì hoàn cảnh gia đình khó khăn quá phải bỏ học, ra chợ giữ xe kiếm sống nhưng tranh thủ mỗi ngày ghi vài câu tiếng Anh ra giấy rồi tranh thủ lúc rảnh học thuộc lòng (học bồi thôi), gặp khách du lịch nước ngoài là “phang” tới tấp... Thế rồi anh giỏi tiếng Anh lúc nào không hay, lại gặp lúc mở cửa thế là như cá gặp nước, kiếm được chân làm việc cho một người nước ngoài mà anh giúp ông tìm gặp lại ân nhân xưa. Vài câu mỗi ngày có thể gom lại thành một tương lai rất khác!

Nói đến điều này tức là nói tới văn hóa đọc. Không ai có thể giỏi mà không đọc sách. Nhìn các bạn trẻ dán mắt vào cái màn hình điện thoại chỉ để đọc mấy cái tin vô bổ, lướt phây (facebook) rồi chơi trò chơi... mà không khỏi buồn cho tương lai của đất nước mình. Trước đây, tôi thường cũng hay phải đi công tác trong và ngoài nước thì thấy rằng người nước ngoài luôn có cuốn sách trên tay dù đi xe ôtô hay ngồi máy bay. Nếu ai đã từng sinh sống ở nước ngoài thì càng thấy rõ điều này. Một lần đi xe giường nằm ra Mũi Né cùng với mấy tình nguyện viên người Mỹ sang Việt Nam, họ đi du lịch, thấy tôi đọc sách tiếng Anh họ mới hỏi và sau một hồi nói chuyện thì phán rằng: “Tao thấy người Việt tụi mày hình như ít đọc sách”. Đúng hay sai? Người khác thì tôi không biết nhưng tôi thấy họ nói đúng. Người Việt mình thích đọc cái gì đó ngắn thôi, khôi hài tếu tếu hoặc tin tức giết người, đánh ghen... kiểu lâm ly bi đát đại loại thế. Bữa rồi đi hội thảo, gặp mấy bạn sinh viên, tôi hỏi mấy bạn đang đọc sách gì? Tất cả chỉ cười... có nghĩa là không đọc gì, sinh viên nhìn vào cuốn sách 500 trang là toát mồ hôi hột thì thua rồi.


Nhìn các bạn trẻ bây giờ tiêu phí thời gian của mình thấy thật đáng tiếc. Dường như các bạn trẻ không thấy rằng đang vùi chôn tương lai của chính vào những thứ lãng xẹt. Cái thời gian ngắn ngủi của đời người mà những năm tháng thanh xuân đang đem ra đổi lấy tiền ăn, tiền sống, thực ra có thể được tận dụng tốt hơn để cho mình chút tri thức, thậm chí là con đường trong tương lai rất khác. Hãy tranh thủ đọc. Sách cũ không đắt. Bạn có thể đọc hết một quyển sách trong 3 hay 4 tháng, không sao miễn là phải đọc hoặc là học một cái gì đó để giúp mình có thể thay đổi nhận thức và may mắn có khi là cả tương lai của mình.

Xin được nói thêm về việc chọn sách đọc. Sách hiện nay có rất nhiều, tốt có, xấu có, tào lao cũng lắm... Bây giờ, lắm người viết sách cũng giống như trồng rau, sao cho nhanh, sao cho bán được nhiều... Nếu không chọn sách cẩn thận cũng có khi còn “ngộ độc”. Thức ăn nuôi dưỡng thân thể và sách nuôi dưỡng đời sống tinh thần và làm giàu tri thức. Đọc sách cũng giống như ăn uống, nếu không may ăn phải thức ăn có độc thì cũng đổ bệnh. Thức ăn bây giờ có thể nói đều bị nhiễm độc ở một mức độ nào đó. Thật tệ là chỉ vì đồng tiền mà người ta sẵn sàng đầu độc đồng loại mình. Sách cũng tương tự như vậy, cần phải lựa chọn kỹ càng và chỉ đọc khi thấy cuốn đó mang lại những giá trị nhân văn, tri thức... giúp mình tìm ra được manh mối nào đó để vững vàng hơn trong cuộc sống, để thấy ý nghĩa thật sự của cuộc đời này.

Hiện tại và tương lai đều nằm trong tay chúng ta, nếu chỉ biết đi bán tuổi thanh xuân thì thật tiếc thay! Đọc vài trang sách mà lại tìm thấy hướng đi cho cuộc đời mình thì ý nghĩa biết bao!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 11
    • Số lượt truy cập : 6165708