Tin tức

Du ca trên phố

DU CA TRÊN PHỐ

LÊ HẢI ĐĂNG

 

Âm nhạc đường phố vốn không định hình về thể loại, mà định vị một cách cụ thể trong không gian văn hóa. Chúng có thể gồm tập hợp đa chủng nhiều loại hình âm nhạc, từ cơ cấu một thành viên với sự trợ giúp của cây đàn ghi ta (điện tử, phím lõm hoặc không), người sử dụng hát nghêu ngao mấy bản tình ca “vang bóng một thời” trên nền nhạc xập xình của điệu Boléro hay ngân nga vài ba câu Vọng cổ dang dở cả về nội dung lẫn hình thức cho đến những đội nhạc hoành tráng, kéo dài miên man suốt một con phố. Trong quá khứ, cây đàn bầu, đàn nhị (đàn cò nói theo phương ngữ Nam Bộ) từng là những chiếc “cần câu cơm” trong tay người hát rong nơi đầu đường xó chợ, mà cách ngồi, tư thế, kiểu dáng đã làm hình thành phong cách riêng. Trong xu hướng bạo lực của tiếng ồn, những loại nhạc cụ trên dần dần mất đi vị thế của mình cùng tiếng hát thoi thóp của chủ nhân như tiếng thở dài ngân nga từ quá khứ đến hiện tại. Trước bối cảnh tạp nham, xô bồ, thứ âm thanh của dĩ vãng đã hoàn toàn tắt lịm, thay vào đó là tiếng động cơ, tiếng còi inh ỏi phát ra từ phương tiện giao thông.

Theo ghi chép của Trịnh Hoài Đức trong cuốn: “Gia Định thành thông chí” đầu thế kỷ XIX, tại khu “Chợ Lớn”: “Cách phía nam trấn – Phiên An – mười hai dặm, đường hai bên tả hữu quan lộ, ấy là đường phố lớn thẳng suốt ba đường giáp đến bến sông, bề ngang một con đường giữa, và một con đường dọc theo sông... Đầu phía Bắc đường phố lớn có miếu Quan Thánh và ba hội quán: Phúc Châu, Quảng Đông, và Triều Châu chia đứng hai bên tả hữu, phía Tây đường lớn có miếu Thiên Hậu, gần phía Tây có hội quán Ôn Lăng, đầu phía Nam đường phố lớn về phía Tây có Chương Châu hội quán. Gặp ngày Tết, đêm trăng, tam nguyên, sóc, vọng thì treo đèn đặt án, tranh đua kỹ xảo, trông như cây lửa, cầu sao, thành gấm vóc, như hội Quỳnh Dao, kèn trống huyên náo, nam nữ dập dìu...”. 

Quang cảnh trên khá giống với mô tả của một thương nhân Hà Lan ghi chép trong “Nhật ký” về cảng Nagasaki được Tiến sĩ Lý Tịnh Huệ đưa vào cuốn: “Nghiên cứu so sánh Bắc quản Đài Loan và Thanh nhạc Nhật Bản”. Theo đó, “vào dịp Nguyên đán, trên đường phố Nagasaki có những chàng trai thổi kèn sô na, đánh chiêng, gõ trống, tới trước cửa các gia đình biểu diễn. Phụ nữ, trẻ nhỏ đứng xem và thưởng tiền cho họ”. Trong môi trường văn hóa, đô thị như hiện nay, âm nhạc đường phố thật khó có đất sống. Dư địa cho hoạt động âm nhạc ngoài trời ngày một co hẹp, teo tóp. Nguy cơ biến phố phường thành sa mạc văn hóa khó tránh khỏi trong điều kiện “tấc đất tấc vàng”, tất cả vì lợi ích kinh tế. Ngày nay còn thấy lác đác những đám thanh niên du thủ du thực sử dụng biện pháp trên để kiếm tiền vào dịp Trung thu, Nguyên đán hay Nguyên tiêu, nhưng với khả năng kém cỏi về âm nhạc. Chúng chỉ lợi dụng âm nhạc như một biện pháp mưu sinh, chứ không phải phương thức thể hiện mình (vì mục đích nghệ thuật). Nghệ sĩ Lâm Tiên Phát, một nghệ sĩ mang thân phận điển hình của những đệ tử “Lê viên” thuộc đoàn Ca kịch Thống Nhất Triều Quảng, Thành phố Hồ Chí Minh  – nay đã nghỉ hưu – khi nhắc tới tới kỷ niệm du ca thời thơ ấu không khỏi bâng khuâng, chạnh lòng. Ông cho thói quen lập nhóm tới gõ cửa từng hộ gia đình biểu diễn vào dịp lễ, tết là một hành vi đê tiện. Ở tiếng Hán, đê tiện không hàm nghĩa mỉa mai, mà có nghĩa là thấp hèn. Liên hệ với thực tại, hát rong chẳng phải câu chuyện phân biệt đẳng cấp, cao sang hay thấp hèn, điều đáng lên tiếng như một lời cảnh tỉnh là tình trạng sa sút về đạo đức lẫn thẩm mỹ trong loại hình âm nhạc này. Xét về mặt ý nghĩa, âm nhạc đường phố không phải những gánh hát ăn xin. Theo quan sát, đa số những người hát rong đều có kèm theo hoạt động “thương mại”, bán vé số, kẹo cao su, tạp hóa... Gần đây tại nhiều khu dân cư, giới hát rong bắt đầu thay thế nhạc cụ đệm bằng loa thùng chơi nhạc play back, có khi kết hợp cả màn trình diễn ảo thuật, Dance sport, Popping... nhằm gây sự chú ý. Thói quen biểu diễn cúi đầu của nhiều người cũng chỉ ra thân phận bếp bênh, chông chênh trên bước đường lưu diễn chẳng mấy thuận lợi. Người đời lại dễ hiểu lầm, hát rong là công việc của những con người mang thân phận “Bước đường cùng”. Trên thực tế, âm nhạc đường phố không nhằm chỉ loại hình bị kỳ thị, mỉa mai... Người hát rong tự nhiên bị gánh trên vai trách nhiệm không thuộc về mình. Nhà văn Vu Gia từng nhắc tới cô gái thổi Sacxophone trên bến phà Manhttan qua đảo Staten ở Mỹ trong bài “Rong chơi ở Mỹ, nhớ kinh Hiền ngu” đăng trên Tập san Phật học Từ Quang, tập 6, tháng 10/2013. Tác giả tiết lộ chi tiết cô gái này biểu diễn không vì động cơ tiền bạc, mà muốn kiếm những tràng pháo tay của người thưởng thức, cũng như tập thổi trước đám đông. Vì, đối với “Một người dám chơi cây kèn Saxophone YBS – 62 thì không thể đi lượm tiền cắc”!

Ở nhiều nước trên thế giới, âm nhạc đường phố là một bộ phận không tách rời quần thể sinh thái nhân văn. Trong cuộc hành trình qua các con phố, âm nhạc gắn kết như chính đời sống của người dân nơi đây. Vì vậy, âm nhạc trở thành đời sống, như bầu không khí mà chúng ta hít thở hằng ngày. Đặc biệt đối với những khu vực, như nhà ga Metro, nhờ yếu tố cộng hưởng, rất nhiều người đàn, hát tụ tập trình diễn nghệ thuật. Khác với nước ta, thỉnh thoảng nhân tổ chức sự kiện, chính quyền đứng ra tổ chức, thuê những ban nhạc chuyên nghiệp trình diễn nơi công cộng như một hình thức thể hiện nét văn hóa! Loại hình âm nhạc này có thể coi như tàn dư của thời kỳ bao cấp, nhà nước đứng ra làm thay cho người dân, kể cả cung cấp sản phẩm tinh thần nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa.

Văn hóa vốn là một hoạt động tự nguyện, nói theo cách của Lênin, là những giá trị còn sót lại sau khi thời gian đã ra đi. Trong những thứ ở lại trở thành tập quán văn hóa có sinh hoạt âm nhạc. Tập quán ấy cần được duy trì trong điều kiện của một xã hội kiện toàn về cơ sở vất chất, như quảng trường, công viên, vỉa hè... bên cạnh thiết chế chính thống, như nhà hát, sâu khấu, khu triển lãm công cộng, vườn tượng... Như vậy, văn hóa mới bắt rễ vào mảnh đất xã hội, thu hút sự quan tâm, quyền tự quyết và lòng tự nguyện của người tham gia, chứ không phải thuê mướn hay tổ chức tốn kém, mất tiền. Từ đó, phố phường trở thành sân khấu cho các loại hình âm nhạc sản sinh, phát triển, bao gồm cả di sản truyền thống và đương đại.

Âm nhạc đường phố sau một thời gian dài tồn tại âm thầm đã hoàn toàn bị dập vùi trong bối cảnh bon chen, đa tạp của đời sống đô thị. Quá trình phát triển ồ ạt các hình thức sinh hoạt theo khuynh hướng tự phát đã đẩy hoạt động nghệ thuật đường phố tới chỗ mai một, suy tàn... Chúng ta cần thấy rõ trách nhiệm tạo dựng, tái thiết môi trường sinh thái nhân văn nhằm cố kết, liên thông giữa tính hai mặt của văn hóa và xã hội bên trong thực thể đời sống. Âm nhạc đường phố chỉ thực sự phát triển trên mảnh đất màu mỡ của xã hội. Xã hội tạo tiền đề, điều kiện vật chất cho cây văn hóa đâm chồi, nảy nở chứ văn hóa không thể oằn mình gánh vác trọng trách vượt tầm, thậm chí không thuộc công năng của mình. Những khu phố văn hóa giăng đầy biển hiệu trên khắp cả nước là những bằng chứng sống động minh họa cho tư duy “Văn hóa quyết định luận” và thực tế không thể giải quyết nhiều vấn đề liên quan. Bên trong những đại bản doanh mang tên văn hóa này hầu như vắng bóng sinh hoạt văn hóa. Nhiều khu phố văn hóa bị rỗng ruột về nội dung sinh hoạt. Việc đặt hội trường vào trung tâm của thiết chế văn hóa bản thân đã phản ánh sự khiếm khuyết, phiến diện, tư duy duy ý chí trong cách thức triển khai, thực thi phong trào xây dựng đời sống văn hóa. Thiết chế văn hóa lẽ ra phải trở thành một thành tố trong tổ hợp không tách rời hoạt động xây dựng đời sống văn hóa. Trên thực tế, thiết chế văn hóa lại hoàn toàn không được đầu tư, không có khả năng gắn kết với thể chế, xã hội nhằm tạo điều kiện vật chất cho hoạt động văn hóa tồn tại, phát triển. Bởi vậy, những kết quả, thành tích thể hiện trên các bản báo cáo tổng kết về hoạt động xây dựng đời sống văn hóa hoàn toàn tương phản với những gì phản ánh qua diễn đàn truyền thông, báo chí.

Âm nhạc đường phố đi từ tính chất trôi nổi, vô thừa nhận đến tình trạng bị đẩy ra khỏi quần thể kiến trúc đô thị. Tại Thành phố Hồ Chí Minh với cơ cấu chục triệu dân, chưa kể số lượng nhập cư, lại chẳng hề mảy may có một quảng trường xứng đáng cho sinh hoạt văn hóa. Đường phố với những con người phiêu bạt, trôi dạt, chen chúc nhau một cách chật chội. Giao thông, tiếng ồn ô nhiễm trầm trọng, tất cả đều tham gia vào quá trình hủy hoại văn hóa, đặc biệt là âm nhạc đường phố. Hiếm thấy những người hát rong có thể cất cao giọng hát giữa phố phường ồn ào. Vỉa hè bị tận dụng làm cơ sở kinh doanh, bãi đậu xe và phương tiện di chuyển lưu thông khi ùn tắc... những con hẻm uốn khúc, mất hút sau tầm mắt cũng xa dần tầm với một đời sống có trật tự, kỷ cương... Sinh hoạt văn hóa trong đó có âm nhạc đường phố lơ lửng giữa sự thờ ơ của nhiều người và không còn không gian tạm trú.

Ở nhiều khu vực trung tâm, loại hình âm nhạc đường phố khẳng khái chiếm cứ những vị trí sáng giá, sang trọng được trình diễn bởi cơ sở hội đoàn, nhóm nhạc chuyên nghiệp do tổ chức quan phương tổ chức, thực hiện. Hoạt động trình diễn show trên xuất phát từ một động cơ nằm ngoài nhu cầu sinh hoạt văn hóa tự nguyện, thậm chí nhằm chứng tỏ văn hóa. Biện pháp này chỉ nên áp dụng một cách hạn chế trong điều kiện cần giải quyết cấp kỳ tình trạng sa sút, đứt gãy tập quán văn hóa. Đứng về lâu dài, nên trả về cho người dân quyền tự quyết và nhu cầu lựa chọn văn hóa nhằm tránh khả năng níu kéo, bám víu vào thói quen ỷ lại vào nhà nước, bao cấp về tư tưởng, làm trì hoãn sự trưởng thành của cả cộng đồng. Liên quan đến tình hình âm nhạc đường phố qua những hoạt động được tổ chức cho thấy dấu hiệu khởi sắc sau thời gian hẩm hiu. Chúng ta cần một giải pháp lâu dài để cho cá nhân thoát khỏi tình trạng bị lệ thuộc và hòa tan vào bức tranh xô bồ.

Âm nhạc đường phố sau khi lột xác đã chuyển hóa về nội hàm, theo cái nhìn phi lịch sử về bản chất tồn tại. Nó xóa dần đi dấu vết phôi thai và đang phơi bày với tư cách của những loại hình nghệ thuật thuần túy. Từ đó, âm nhạc đường phố ngày càng có nguy cơ xa rời bản chất văn hóa. Bất cứ sự suy vong của một loại hình âm nhạc nào đều mang tính chất thịnh suy theo quy luật muôn đời. Nhưng, ở vào thời kỳ bao dung của xã hội hiện đại, chúng ta vẫn mong cầu một sự cộng sinh của nhiều loại hình âm nhạc đảm bảo tính đa dạng vốn có. Đa dạng sinh học đã được xiển dương thì đa dạng văn hóa càng đáng được tôn trọng, gìn giữ. Trên đường hướng vươn tới tương lai, ta chưa thể biết được phía trước là bầu trời hay vực thẳm, nên việc đánh đổi bằng mọi giá sẽ đem đến những tổn thất to lớn cho văn hóa và tạo ra khoảng cách giữa hai bờ quá khứ và hiện tại.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 38
    • Số lượt truy cập : 6058063