Tin tức

ĐƯỜNG LỐI HỌC PHẬT TRONG TÁC PHẨM “TRÌNH TỰ CỦA CƯ SĨ HỌC PHẬT”

ĐƯỜNG LỐI HỌC PHẬT

TRONG TÁC PHẨM “TRÌNH  TỰ CỦA CƯ SĨ HỌC PHẬT”

 

TS. LƯƠNG THỊ THU HƯỜNG

Đi học Giao thông Vận tải

 

Cuốn “Trình tự của cư sĩ học Phật”1  nằm trong bộ Chánh Trí Toàn tập, được biên soạn bởi Thượng tọa Thích Đồng Bổn, cư sĩ Chính Trung và nhóm cư sĩ tham gia thực hiện mùa An cư năm Tân Mão (2011), nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tạp chí Từ Quang xuất bản số đầu tiên (1951). Tạp chí do Cư sĩ Chánh Trí làm chủ nhiệm kiêm chủ bút với mục đích truyền bá Phật pháp đến hàng cư sĩ Phật tử khắp Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Trong suốt hơn hai mươi năm liên tục cho đến lúc ông mất, tạp chí không chỉ tạo cơ duyên cho nhiều người đến với đạo Phật mà hàng cư sĩ Phật tử cũng nhờ đó mà thấu hiểu giáo lý Phật giáo hơn.

Cuốn sách là sự kết tập những bài viết, bài giảng của Chánh Trí Mai Thọ Truyền đăng trên tạp chí Từ Quang hơn năm mươi năm trước. Thực chất, cả cuộc đời phụng sự đạo pháp, nhân sinh của Chánh Trí Mai Thọ Truyền chính là tấm gương mẫu mực cho tất cả hàng cư sĩ học Phật hay những ai muốn tìm đến Ánh Đạo Vàng. Không chỉ bằng lời nói, văn viết mà bằng chính cuộc đời của mình, cư sĩ Chánh Trí cho thấy khi đã thấu triệt giáo lý Phật Đà, đạo và đời dung thông, thâu nhiếp, chẳng tách rời.

Vì vậy, theo cư sĩ Chánh Trí, đến với đạo Phật, trước hết cần hiểu thì mới hành được. Do đó, trên các số ra của tạp chí Từ Quang, Chánh Trí Mai Thọ Truyền đã truyền bá tư tưởng Phật giáo đến với mọi người, nhất là hàng cư sĩ tại gia, nhằm giúp họ có được cách hiểu đúng đắn trên con đường tu học. Dưới ngòi bút của cư sĩ Chánh Trí, với văn phong nhẹ nhàng, sáng rõ mà vẫn không mất đi phong vị thâm trầm mà tinh tủy của đạo Phật, toàn bộ con đường chân chính để trở về với suối nguồn tâm thức được hiển bày.

Những trình tự của cư sĩ học Phật

1. Tám giai đoạn hay ba điều kiện của cư sĩ học Phật

Theo Chánh Trí Mai Thọ Truyền, cư sĩ học Phật là người tại gia tu Phật nên cần đi theo con đường có lịch trình, tuần tự, trước sau thứ lớp. Ông tán thành tư tưởng của Thái Hư Đại Sư trong bài “Trình tự của cư sĩ học Phật”, theo đó, Đại Sư Thái Hư đưa ra “lời chỉ bảo thiết thực, lời lẽ lại giản dị dễ hiểu”2 cho hàng cư sĩ Phật tử hiểu mà thực hành để đi đến giác ngộ, giải thoát. Trình tự ấy gồm tám bước như sau: 1. Tìm sách vỡ lòng về Phật pháp học đọc để khai tâm mở trí và kiến tập lòng tin; 2. Làm lễ quy y, tập hành thiện nghiệp; 3. Thọ ngũ giới; 4. Hành bát quan trai; 5. Trì tâm giới; 6. Tu định huệ; 7. Cầu vãng sinh: 8. Phát bồ đề tâm3.

Theo Chánh Trí Mai Thọ Truyền, tám giai đoạn trên là những bước căn bản cho người cư sĩ học Phật cần phải trải qua, theo thứ lớp “từ gần đến xa, từ dễ đến khó, nhưng tựu trung lại có ba là Tín, Nguyện, Hành”4 hay Giải, Tín, Hành5.

* Tín: tin lời Phật dạy là những chân lý.

* Gii: thấy rõ chân lý rồi phải cởi bỏ phiền não đang trói buộc ta.

* Nguyện:  quyết chí tu hành.

* Hành:  thực hành những chân lý trong lời Phật dạy.

Đó là những điều kiện để đắc quả Giác ngộ, Giải thoát. Thực chất, ba điều kiện này không tách rời, “trong Tín có Giải, vì lòng tin của người tu Phật không phải lòng tin mù quáng nên phải giải, mà muốn giải, phải học cho rõ thông sự lý. Hiểu rõ rồi đem ra thực hành, nhưng thực hành có kiên cố là nhờ sự phát nguyện. Nguyện là tự thệ, tự hứa với lòng mình, cương quyết đi tới cùng, không nửa đường bỏ dở”6.

Trong thực tế, cuộc đời ông chính là minh chứng cho sự vận dụng uyển chuyển, nhuần nhuyễn tám bước tu tập này, ông đã đi từ Hiểu đến Hành, từ giác ngộ đến giải thoát để rồi phụng sự đạo Pháp, nhân sinh không hề mỏi mệt.

2. Bốn quy tắc cho người tu Phật

Theo Cư sĩ Chánh Trí, “tu là sửa dở thành hay, xấu thành tốt”7. Tu là phải có “nghệ thuật tu”, người tu chân chính là phải “quy y, ăn chay, niệm Phật, giữ giới”8- đây là quy tắc, là điều kiện căn bản (cho cả hàng xuất gia lẫn tại gia), tối yếu của người học Phật. Theo Chánh Trí Mai Thọ Truyền sở dĩ bốn điều kiện này là căn cốt của người tu học bởi vì9:

* Quy y: là quay về, nương dựa vào. Người muốn vào cửa đạo Phật, phải phát thệ quay về và nương dựa vào Phật, Pháp và Tăng.

Phật là Giác ngộ, là thấy rõ chân lý, là nhập một với chân lý. Vì vậy thề về với Phật là về với chân lý, bỏ ác về thiện, vứt bỏ mê lầm, vô minh và trọn đời dựa vào chân lý ấy mà tu thân, xử thế. Như vậy, “quy y Phật là bỏ tối về sáng”10, bỏ vọng về chân.

Pháp là lời giảng dạy của Đức Phật, là giáo lý của Đức Phật, giáo lý ấy diễn tả, giải thích những định luật có sẵn trong vũ trụ, như luật vô thường, luật nhân quả, luật luân hồi… như vậy Pháp là luật trời đất, thiên nhiên, người học Phật dựa vào luật này mà đối nhân xử thế. Như vậy, “quy y Pháp là bỏ ngu về khôn”11, bỏ những tư tưởng sai trái, mê tín, dị đoan, điên đảo để sống và hành động theo luật tự nhiên.

Tăng là các đoàn thể nhà tu, sống trong tinh thần hòa hiệp, biểu hiện cho đức tính hòa của vũ trụ. Quy y Tăng là về với hòa và dựa vào cái hòa mà tu thân xử thế. Như vậy, “quy y Tăng là bỏ nghịch về hòa”12, bỏ đấu tranh xâu xé, trở về với hòa hiệp.

Tóm lại, theo cư sĩ Chánh Trí Quy y Phật, Quy y Pháp, Quy y Tăng là quay lưng lại mê muội, ngu dốt; đấu tranh và hướng về chân lý, luật trời, hòa thuận13.

Bản thân cư sĩ Chánh Trí từ khi quy y Phật, Pháp, Tăng thì ông cũng xem Phật giáo chính là lối sống, thuật sống khiến lợi lạc cả về vật chất và tinh thần. Ông cũng tự đưa ra ba nguyên tắc căn bản trên con đường tu học của mình, đó là: thứ nhất phải “chọn bạn” - chọn những người sống trong tình hòa nhã, không giận, không tham, xa chốn phù hoa mà gần nơi đạo đức, tâm hồn trong sáng, thiện lành. Tiêu biểu đó là những bậc chân tu thật đức để học tính hiếu hòa, trong sạch của họ. Theo ông, đây còn gọi là quy y Tăng. Thứ hai sng hợp với Luật thiên nhiên dựa trên sự thấu hiểu về vô thường, vô ngã, về nhân quả. Đó còn gọi là quy y Pháp. Thứ ba trở về với Ánh sáng, nhận chân được khổ đau, mê muội, vọng tưởng, tù cầm để đến với giải thoát, tự tại. Đó cũng là quy y Phật. Như thế, quy y là quy tắc đầu tiên cho người cư sĩ trên con đường học Phật.

Tuy nhiên, theo Chánh Trí Mai Thọ Truyền, không quy thì không thể là Phật tử - nhưng vẫn có thể ngộ đạo. Dù vậy, ông cũng đặt ra câu hỏi: nếu đã quyết chí đi từ bóng tối ra ánh sáng thì sao không thệ nguyện quy y? Cư sĩ cũng nhấn mạnh, quy y không phải là một đảm bảo cho việc sẽ giác ngộ, giải thoát, bởi việc hứa/thệ nguyện phải đi liền với việc tự tu, tự hành của mỗi cá nhân. Người tu hành cần phát nguyện lớn, như “muốn chết đời sống cũ để sinh sang một đời sống mới”14. Vì thế, “sau lời thệ nguyện phải có một cuộc đại cách mạng xảy ra trong thân tâm, trong tư tưởng, lời nói và việc làm”15 bằng không, trong vòng năm bảy tháng trước mọi xúc sự mà thân tâm không biến chuyển hướng về ánh sáng, mọi sự vẫn như cũ thì coi như chưa thật quy y Pháp, chưa thật quy y Phật, chưa thật quy y Tăng.

Noi theo tinh thần trong giáo lý Đại thừa ông khuyên hàng cư sĩ Phật tử nên có bốn nguyện lớn: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ; Phiền não vô biên thệ nguyện đoạn; Pháp môn vô lượng thệ nguyện học; Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”16.

* Ăn chay: là quy tắc thứ hai cho người học tu Phật. Theo Chánh Trí Mai

Thọ Truyền thì ăn chay nếu không đem lại ích lợi cho thân xác thì cũng có lợi cho tinh thần; nhưng điều quan trọng nhất của ăn chay là để thực hiện lòng từ và giữ phép quân bình giữa các chúng loài.

* Nim Phật: là quy tắc thứ ba của người tu Phật. Theo cư sĩ Chánh Trí, niệm Phật là luôn tưởng nhớ đến Phật, đến chân lý, từng giây từng phút kiểm soát thân tâm, luôn để thân tâm tràn ngập trong ánh sáng của sự giác ngộ, vị tha và vượt thoát khỏi sự mê mờ, ích kỷ.

Theo Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Niệm Phật dù cách nào, niệm thầm hay niệm lớn, vừa niệm vừa tưởng tượng nhục thân hay pháp thân của Phật cũng được xem như giới luật của người tu học, nhằm giữ cho tâm không vọng động, “nhất tâm bất loạn”, khi đó tâm được thanh tịnh, lúc đó sẽ có định, có định sẽ có trí huệ

- sự sáng suốt, nhận rõ chân, giả; khi huệ đã có thì tất sinh Từ, bi, hỷ, xả, giải thoát. Như vậy, niệm Phật không chỉ là quy tắc cho người tu học Phật mà còn là phương tiện thiện xảo cho người tu học Phật.

* Giữ Giới: đây là quy tắc thứ tư, là những điều ngăn cấm giúp người tu khỏi lọt xuống hố thẳm của tội lỗi, sai lầm, vừa khổ mình vừa khổ người khác và cả xã hội; giới luật dìu dắt người tu đi từ trong tối ra sáng cũng như khiến thân tâm được an tịnh, khi đó, trí huệ mới hiển bày.

Theo cư sĩ Chánh Trí, từ nguyên tắc đến thực hành cần có những điều kiện hay phương tiện để đạt mục đích giác ngộ, giải thoát, đó là giới luật. Theo kinh sách xưa gồm năm giới, được xem là thầy chỉ đường chân chính cho hàng cư sĩ tại gia đi trên con đường học đạo giải thoát: cấm sát sinh, cấm trộm cắp, cấm tà dâm, cấm nói dối, cấm uống rượu.

Tuy nhiên, theo Chánh Trí Mai Thọ Truyền, ngày nay với sự canh cải của phong trào Phật học nên chủ trương áp dụng Thập giới cho toàn thể Phật tử tại gia (cũng như xuất gia) gồm: “Giới cấm sát; Đừng trộm cắp; Giới tà dâm; Đừng nói láo, phải nói thật, nói có điều độ, không làm tổn thương người khác; Đừng dùng chất có thể gây say; Đừng thề thốt, đừng nói nhảm, nói lời vô lối, đùa cợt hay tục tĩu, thô lỗ; Đừng nói hành, nói xấu người, đừng lập lại lời nói hành hay chỉ trích người; Đừng ganh tị và thèm muốn cảnh sung túc của người khác; Đừng thù oán (dù với ai lập tâm hại mình); Diệt vô minh”17. Theo Cư sĩ Chánh Trí, diệt vô minh là điểm quan trọng nhất vì nó là nguồn gốc của tham giận, khổ đau. Ngài Chánh Trí cũng nhất quán với quan điểm của các Tổ, cho rằng sở dĩ thắng vô minh không được là do:

“1- thiếu sự đè nén tình cảm, nghĩa là không làm chủ được cảm xúc

2- tiếp xúc với lục trần, thọ cảm đủ thứ mà không hay biết một cách sáng suốt

3- vô ý, lơ đãng, nghĩ gì nói gì, làm gì, không bao giờ để ý đến, hành động gần như người máy

4- không được nghe người giảng thuyết Tứ đế

5- nghe mà không trọn lòng tin

6- không thân cận những bậc thiện tri thức đã dày công trổi bước trên con đường Đạo hạnh”18.

3. Từ học tới hành

Theo Chánh Trí Mai Thọ Truyền, nguyên nhân của thành công trên con đường tu hành là phải học Phật để biết phương hướng của Phật đã đi mà theo.

Theo ông, học Phật phải thông qua kinh sách là điều tất yếu. Song kinh sách chỉ nên xem như phương tiện, như bè qua sông, như ngón tay chỉ trăng. Vậy nên, đừng lấy phương tiện làm mục đích; qua sông thì phải bỏ lại bè, nhìn mặt trăng thì phải bỏ ngón tay. Đó là về phương diện học.

Về phương diện hành, người tu học Phật được ví như người muốn qua sông phải dùng phương tiện, muốn thấy mặt trăng phải tự ngó và thấy, đó là tự hành. Muốn giác ngộ phải tự mình thực nghiệm, chứng nghiệm, nắm bắt chân lý tối hậu chứ không phải làu thuộc lý thuyết suông. Bởi vì, giáo pháp thậm thâm vi diệu của Đức Phật không/khó thể diễn bày, phải dùng Tâm mà thấu triệt, phải “minh tâm” mới “kiến tính”. Như người uống nước biết nóng lạnh, người thực chứng mới biết đau khổ, tận cùng đau khổ là gì để mà truy tìm cội gốc, căn nguyên của khổ đau mà chặt đứt sợi dây phiền não tục lụy.

Theo Chánh Trí Mai Thọ Truyền, cư sĩ học Phật không chỉ phải hiểu Tứ Diệu Đế mà còn phải hành Bát Chánh đạo. Theo ông, “Bát Chánh đạo là một phương pháp giúp chúng ta tập trung tư tưởng vào chỗ Chân chánh, để sống một đời sống đạo đức hiền lành, hầu đạt đến chỗ giác ngộ hoàn toàn… Đó là một chương trình tu tập để sửa đổi, trau giồi nhân phẩm về hai mặt luân lý và trí huệ”19.

Trong Bát Chánh đạo thì Chánh kiến đứng đầu. Sở dĩ như vậy là vì, trong muôn vàn cái khổ do Vô minh, Chánh kiến sẽ phá tan bức màn Vô minh đưa người học đến bến bờ ánh sáng, giác ngộ, giải thoát.

Chánh kiến là thấy biết ngay thẳng, chân chính. Theo đó, muốn có chánh kiến phải ngó trông nơi bản thân ta trước hết; sau đến ngó trông hoàn cảnh mà chúng ta đang sống; cuối cùng là cái vũ trụ bao la20.

Chánh kiến là cội nguồn của Bát Chánh đạo, nơi chấm dứt vô minh, mê lầm. Nhờ chánh kiến dẫn lối đến Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Khi có định thì trí huệ sẽ khai mở. Khi trí huệ hiển lộ thì người cư sĩ không còn Vô minh, nguồn gốc của đau khổ chấm dứt. Lúc đó, người tu sẽ nhận được thực tướng của vạn pháp, nhận chân được cội nguồn của đau khổ là lòng ham muốn. Vì thế, “con đường dẫn đến hạnh phúc là con đường diệt dục, con người càng giải thoát sự ham muốn bao nhiêu thì càng bớt đau khổ bấy nhiêu và gần với hạnh phúc chân thật bấy nhiêu”21.

Chánh Trí Mai Thọ Truyền cũng chỉ ra, “nếu cái biết đã khó, cái hành còn khó hơn thập bội. Khó chỉ vì cái biết của mình chưa đến nơi đến chốn, chưa vững chắc. Vì vậy, cư sĩ học Phật cần học Phật Pháp cho thật kỹ, thật sâu rồi đem ứng dụng hàng ngày để lấy kinh nghiệm”22, có như thế mới rành mạch được Thiện Ác, Chân, Thiện, Mĩ.

Đối với hàng cư sĩ tại gia, Cư sĩ Chánh Trí cũng chỉ rõ, phép tu hành theo Phật giáo có nhiều lối, nhưng tất cả đều dẫn đến chỗ đắc thành đạo quả. Những lối/phương pháp ấy vừa quyền vừa thực, “tùy duyên” mà “tiếp biến”… xét đến cùng, phương tiện nào cũng hữu hiệu, cũng đi đến thành tựu mục đích (nhưng lưu ý là mục đích phải lợi người và phương tiện không gian xảo). Vì vậy, muốn biết được phương tiện thực hành nào là diệu dụng, người tu học Phật cần phải thực hành đúng đắn và kiên nhẫn pháp môn phương tiện là Tịnh độ tông hoặc Thiền tông hay Mật tông…

Do vậy, người Phật tử phải “thẳng mắt, lắng tai” trông về cõi Phật - cõi Giác ngộ, Giải thoát, Thanh tịnh mà tu tập, nhờ đó mà sinh Định, sinh Huệ. Đó là một hành trình trường kỳ gian khổ nên người Phật tử cần lập nguyện tinh tấn, dũng mãnh thực hành lời Phật dạy để trí huệ ngày càng sáng suốt, công bình, chính trực và thuần thiện23.

Trong việc phổ truyền giáo lý Phật đà đến với hàng cư sĩ học Phật, Chánh Trí Mai Thọ Truyền cũng đặt người tu học vào vị thế gia đình, xã hội của họ để đưa ra những kiến giải vừa phù hợp với luân thường, đạo lý vừa giúp họ tinh tấn, thông suốt trên con đường tu học giải thoát. Theo cư sĩ Chánh Trí, giáo lý đạo Phật và đạo Nho có khác nhau trong việc kính hiếu cha mẹ. Trong đó, nếu giáo lý đạo Nho lấy hiếu đễ với cha mẹ làm trọng cả khi sống và khi chết; thì đạo Phật chủ yếu đưa ra cách thức nhổ rễ khổ đau để đi đến giải thoát hoàn toàn; dù Phật giáo có nói tới bổn phận của người con đối với cha mẹ khi còn hiện tiền, nhưng khi cha mẹ qua đời và khi táng đạo Phật lại không nói tới nhiều. Phật giáo chỉ bày rằng: nếu khi cha mẹ qua đời, “con cái nên đem tâm thanh tịnh đọc kinh cầu nguyện, xuất tiền làm việc bố thí để cho hương linh trong mười phần được hưởng một, công đức, thiện nghiệp”24. Như thế, theo cư sĩ Chánh Trí, hiếu theo đạo Phật mới là chánh hiếu, còn hiếu theo đạo Nho (mà cụ thể là tế lễ, thờ cúng cha mẹ khi qua đời) là do “óc suy diễn mà ra”25. Đó cũng là điểm khác biệt giữa hai giáo lý về sự Tử mà cư sĩ Phật tử nên biết.

KẾT LUẬN

Bằng cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp đạo pháp và nhân sinh, Chánh Trí Mai Thọ Truyền không chỉ là cư sĩ Phật tử thuận thành mà còn là đại cư sĩ hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của người hộ pháp. Theo ông, nếu tư tưởng về đạo pháp thông suốt, thấy rõ được lẽ nhân quả thì người tu học Phật sẽ không rơi vào tà kiến, người tu học cũng sẽ nhận rõ bản chất của việc xin xăm, bói quẻ, coi ngày giờ, cúng sao hạn, đốt vàng mã… đều là đi trái với giáo lý của Phật giáo. Vì vậy, ông đưa ra thông điệp: đạo Phật là một đường lối sửa mình rất có phương pháp, căn cứ trên thực nghiệm, phải học cho hiểu, hiểu để thực hành để đi đến tăng trưởng trí tuệ, giác ngộ, từ bi và giải thoát.

Cho đến nay, tư tưởng thông tuệ, cách thức diễn giải trong sáng, mạch lạc, dung dị về Phật giáo, đặc biệt là cuộc đời phụng sự đạo pháp của Chánh Trí Mai Thọ Truyền vẫn là tấm gương sáng cho hàng hậu học cũng như bất cứ ai bắt đầu đi trên con đường học Phật.

 


1. Chánh Trí - Mai Thọ Truyền (2011), Chánh Trí Toàn tập, Trình tự của cư sĩ học Phật, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.

2. Chánh Trí - Mai Thọ Truyền (2011), Chánh Trí Toàn tập, Trình tự của cư sĩ học Phật, Nxb

Tôn giáo, Hà Nội, tr.21.

3. Sđd, tr.21-30.

4. Sđd, tr.21-30.

5. Chánh Trí - Mai Thọ Truyền (2011), Chánh Trí Toàn tập, Pht học dị giải, Nxb Tôn giáo, Hà

Nội, tr.10.

6. Chánh Trí - Mai Thọ Truyền (2011), Chánh Trí Toàn tập, Trình tự của cư sĩ học Phật, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.31.

7. Sđd, tr.74.

8. Sđd, tr.75.

9. Xem Sđd, tr.75-81.

10. Sđd, tr.86.

11. Sđd, tr.86.

12. Sđd, tr.86.

13. Sđd, tr.75-77.

14. Sđd, tr.66.

15. Chánh Trí - Mai Thọ Truyền (2011), Chánh Trí Toàn tập, Mt đời sống vị tha, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.124.

16. Chánh Trí - Mai Thọ Truyền (2011), Chánh Trí Toàn tập, Trình tự của cư sĩ học Phật, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.94.

17. Chánh Trí - Mai Thọ Truyền (2011), Chánh Trí Toàn tập, Mt đời sống vị tha, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.71-88.

18. Chánh Trí - Mai Thọ Truyền (2011), Chánh Trí Toàn tập, Trình tự của cư sĩ học Phật, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.114.

19. Chánh Trí - Mai Thọ Truyền (2011), Chánh Trí Toàn tập, Trình tự của cư sĩ học Phật, Nxb

Tôn giáo, Hà Nội, tr.121.

20. Sđd, tr.124.

21. Chánh Trí - Mai Thọ Truyền (2011), Chánh Trí Toàn tập, Trình tự của cư sĩ học Phật, Nxb

Tôn giáo, Hà Nội, tr.261.

22. Chánh Trí - Mai Thọ Truyền (2011), Chánh Trí Toàn tập, Trình tự của cư sĩ học Phật, Nxb

Tôn giáo, Hà Nội, tr.163.

23. Chánh Trí - Mai Thọ Truyền (2011), Chánh Trí Toàn tập, Trình tự của cư sĩ học Phật, Nxb

Tôn giáo, Hà Nội, tr.100-98,101.

24. Chánh Trí - Mai Thọ Truyền (2011), Chánh Trí Toàn tập, Trình tự của cư sĩ học Phật, Nxb

Tôn giáo, Hà Nội, tr.40.

25. Chánh Trí - Mai Thọ Truyền (2011), Chánh Trí Toàn tập, Trình tự của cư sĩ học Phật, Nxb

Tôn giáo, Hà Nội, tr.41.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chánh Trí - Mai Thọ Truyền (2011), Chánh Trí Toàn tập, Trình tự của cư sĩ học Phật,

Nxb Tôn giáo, Hà Nội.

2. Chánh Trí - Mai Thọ Truyền (2011), Chánh Trí Toàn tập, Mt đời sống vị tha, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.

3. Chánh Trí - Mai Thọ Truyền (2011), Chánh Trí Toàn tập, Pht học dị giải, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.

4. Chánh Trí - Mai Thọ Truyền (2011), Chánh Trí Toàn tập, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.

 

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 5)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 4)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 3)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 21
    • Số lượt truy cập : 6685939