Tin tức

Gia đình có còn là tổ ấm?

GIA ĐÌNH CÓ CÒN LÀ TỔ ẤM?

NGUYÊN CẨN

 

Hiện trạng đáng buồn

Thử mở trang mạng một tờ báo ngày như báo Người Lao Động, phần tin xã hội, chúng ta không khỏi bàng hoàng khi chỉ trong chưa đầy một tháng, lại có bao nhiêu tin nóng về những vụ án gia đình! Thử xem một bản tin trong tháng 11 có gì? Bản tin cập nhật Thứ sáu, 14/11/2014 15:09 ghi nhận:

1/ Sau hơn 20 ngày giết vợ vì nghi ngờ vợ lấy 5.000 đồng, ông Nguyễn Ngọc Hân (52 tuổi, ngụ khóm 4, thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) đã treo cổ tự tử tại bệnh viện.

2/ Ngày 12-11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hậu Giang, cho biết đang điều tra làm rõ nguyên nhân ông Danh Quân giết vợ là bà Thị Sa Ri (69 tuổi) rồi tự sát.

3/ 08.11.2014- Đi uống rượu về, bị vợ lớn tiếng chửi bới, Phạm Văn Tiến (Nghệ An, đang bị ung thư gan giai đoạn cuối) đã tức giận đổ xăng lên người vợ rồi châm lửa nhằm thiêu sống vợ.

4/  Khoảng 5 giờ 30 sáng 4-11, người dân tại ấp Phước Trung, xã Tam Phước, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phát hiện anh Lâm Hồng Sơn (SN 1969) chết trong tư thế treo cổ bên ngoài phòng ngủ, phía trong, chị Vũ Đoàn Thị Xuân Anh (SN 1983, vợ anh Sơn) cũng đã tắt thở trên giường. Theo bà Phạm Thị Danh, người phát hiện vụ việc, hai vợ chồng anh Sơn mới thuê nhà cạnh nhà bà được hai năm nay. Anh Sơn may gia công, chị Anh làm nội trợ. Hai vợ chồng chưa có con nhưng thường xuyên xảy ra cãi vã. Nguyên nhân là do chị Anh nhiều lần đi chơi mà anh Sơn khuyên không nghe.

5/ Khoảng hơn 8 giờ ngày 22-10, thi thể nạn nhân Nguyễn Thị Hà (24 tuổi, quê Nghệ An) được phát hiện tại nhà nghỉ N.H.C (thuộc khu phố Bình Dương, phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Cùng thời điểm, nghi can giết người là La Văn Linh (30 tuổi, ngụ tỉnh Tuyên Quang) đã đến trụ sở công an đầu thú. Linh khai nhận chính là chồng của chị Hà. Theo lời khai, Linh mới từ ngoài quê vào thăm vợ. Tối 21-10, Linh cùng vợ đến thuê phòng trọ ở nhà nghỉ N.H.C. Sau đó, xảy ra mâu thuẫn, Linh đã dùng dao đâm chết chị Hà rồi cắt cổ tự sát nhưng không chết.

Và còn rất nhiều những vụ án tương tự những ngày, những tháng trước đó... Có phải đó là hậu quả của thói bạo hành gia đình không? Chính xác và không chính xác. Chính xác là vì theo Nghiên cứu quốc gia về Bạo lực Gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam được Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp Quốc công bố, cứ ba phụ nữ có gia đình hoặc đã từng có gia đình thì có một người (34%) cho biết họ đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục. Số phụ nữ có hoặc từng có gia đình hiện đang phải chịu một trong hai hình thức bạo hành này chiếm 9%.

Nếu xem xét đến cả ba hình thức bạo hành chính trong đời sống vợ chồng – thể xác, tình dục và tinh thần, thì có hơn một nửa (58%) phụ nữ Việt Nam cho biết đã từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức bạo lực gia đình kể trên. Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy khả năng phụ nữ bị chồng mình lạm dụng nhiều hơn gấp ba lần so với khả năng họ bị người khác lạm dụng.

Các số liệu mới được đưa ra đã nêu bật một thực trạng là đa số phụ nữ Việt Nam đều có nguy cơ tiềm tàng bị bạo lực gia đình ở một hay một vài thời điểm nào đó trong cuộc sống của họ. Tại một số vùng ở Việt Nam, cứ mười phụ nữ thì có bốn người nhận thấy gia đình không phải là nơi an toàn đối với họ. Ví dụ, ở vùng Đông Nam Bộ, 42% phụ nữ cho biết họ đã từng bị chồng mình bạo hành.

Nhưng nói không hoàn toàn chính xác vì có những trường hợp phụ nữ phản kháng và họ đã gây ra cái chết hay thương tật cho chính gã chồng thô bạo của mình. Nói gì thì nói, nền móng gia đình đã đổ vỡ, lung lay!

Vì đâu nên nỗi?

Liệu chúng ta có đồng ý với nhau rằng do nguyên nhân sâu xa là tính cách gia trưởng từ chế độ phụ hệ hay quan niệm trọng nam khinh nữ từ  xưa(?) Tình trạng bất bình đẳng giới còn tồn tại phổ biến trong gia đình và ngoài xã hội. Dựa vào tâm thế ấy, nhiều ông chồng tự cho mình quyền được đánh vợ, như là một hình thức  giáo dục “Dạy vợ từ thuở ban sơ mới về”. Cũng chính vì tư tưởng này, nhiều phụ nữ bị chồng đánh đập vẫn cam chịu và chấp nhận chung sống mà không dám phản kháng. “Mặc dù bạo lực gia đình là một hiện tượng rất phổ biến nhưng vấn đề này vẫn bị giấu diếm nhiều” - Bà Henrica A.F.M. Jansen, Trưởng nhóm nghiên cứu về bạo hành gia đình tại Việt Nam phát biểu. “Bên cạnh sự kỳ thị và sự xấu hổ khiến cho phụ nữ phải giữ im lặng, nhiều phụ nữ còn nghĩ rằng bạo lực trong quan hệ vợ chồng là một điều “bình thường” và người phụ nữ cần bao dung, nhẫn nhịn chịu đựng để gìn giữ sự êm ấm cho gia đình”. Thực tế là cứ hai phụ nữ tham gia nghiên cứu thì có một người cho biết trước khi tham gia trả lời phỏng vấn, họ chưa từng nói cho ai biết về việc bị chồng mình bạo hành. 

Về mặt quản lý nhà nước, có thể nói các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương chưa có các kế hoạch và giải pháp cụ thể. Hình thức đưa ra để giảm bớt bạo lực gia đình hiện nay chủ yếu tập trung vào công tác tuyên truyền giáo dục. Tại các địa phương nơi có hành vi bạo lực gia đình diễn ra, việc thiết lập và vận hành cơ chế phòng chống  chưa hiệu quả, không ngăn chặn kịp thời thậm chí thờ ơ khi nhận những báo cáo ban đầu, khi  phát hiện thì hậu quả xảy ra đã quá nghiêm trọng và muộn màng (!).

Tại Việt Nam, Luật phòng chống bạo lực gia đình đã được Quốc hội thông qua năm 2007, có hiệu lực từ ngày 01/07/2008 nhưng có mấy ai quan tâm, kể cả những người có trách nhiệm, nên việc thực hiện vẫn còn khó khăn, vẫn quan niệm bạo lực gia đình là chuyện riêng của từng nhà “Đèn nhà ai nhà nấy  rạng”, không buồn can thiệp.

Quan trọng nhất, theo chúng tôi, là  tình trạng văn hóa đạo đức ứng xử xuống cấp nghiêm trọng trong phạm vi toàn xã hội mà những xung đột, mâu thuẫn phải giải quyết bằng máu, bằng cái chết của “đối tác” là nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu. Có ai dạy bảo họ những quy tắc, hành vi ứng xử trong tình yêu, trong hôn nhân hay xây dựng gia đình? Trong rất nhiều vụ án xảy ra do cái ác hoành hành trong xã hội thì gã chồng hay người vợ cũng ít nhiều ảnh hưởng những kiểu hành xử man rợ, mất nhân tính như trong những vụ việc nêu trên.

Hậu quả thì đã rõ: Ngoài việc gây ra những tổn thất về thể xác và tinh thần đối với nạn nhân (thường là phụ nữ) và tất cả các thành viên khác trong gia đình, tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế, không thể lao động lại tốn kém chi phí bệnh viện. Bạo lực gia đình đã trở thành gánh nặng cho hệ thống giáo dục. Bởi lẽ, trẻ em trong những gia đình có bạo hành gia đình thường xuyên chứng kiến cảnh bố hành hạ, đánh đập mẹ để rồi thường  rối loạn tâm lý và sa sút trong học tập. Trẻ thường có các biểu hiện như trầm cảm, buông xuôi mọi thứ và trong một số trường hợp trẻ có những hành vi hung bạo để chống lại bạo hành gia đình. Có những vụ án gần đây con giết cha vì chứng kiến quá nhiều lần cha đánh đập mẹ như vụ án  Đặng Hùng Phương (27 tuổi, ngụ xã Long An, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long)  khai nhận do thấy người cha nhiều lần đánh chửi mẹ con Phương nên y nảy sinh ý định giết cha ruột và đã thực hiện một cách rùng rợn, sau đó đem xác lên Sài Gòn vứt. Số liệu thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cho thấy 71% trẻ em phạm pháp là do không được quan tâm, chăm sóc đúng mức. Trong đó, nguyên nhân phạm tội của trẻ xuất phát từ bi kịch của chính gia đình nơi trẻ sinh sống: 8% trẻ phạm tội có bố mẹ li hôn, 49% phàn nàn về cách đối xử của bố mẹ. Theo số liệu điều tra 2.209 học viên các trường giáo dưỡng, có tới 49,81% trong số này sống trong cảnh bị đối xử hà khắc, thô bạo, độc ác của bố mẹ.

Điều đáng buồn nhất là nó phá hủy nền tảng đạo lý gia đình, phá hủy tế bào “yêu thương” đầu tiên của xã hội, làm băng hoại và lung lay tận gốc rễ cái nôi trưởng thành của mỗi con người.

Phải xây dựng lại “nếp nhà”

Có thể nói, gia đình được coi là nơi yên bình đầu đời của mỗi con người, là nơi mà người ta tìm được sự chia sẻ yêu thương, là nơi tiếp sức để vượt qua những áp lực trong cuộc sống, học hành, công việc và những gian nan, thử thách ngoài xã hội. Quan hệ gia đình giữa các thành viên là quan hệ thiêng liêng và ấm áp.

Bạo lực gia đình là chất “axit” hủy hoại sự gắn kết giữa các thành viên, là một vấn đề nan giải hôm nay của gia đình, cộng đồng và xã hội. Nhưng trước hết chúng ta cần phải thay đổi nhận thức nơi từng cá nhân, nam cũng như nữ, kẻ bạo hành và người bị bạo hành, về bình đẳng giới, về vai trò và sự phân công trách nhiệm trong gia đình, việc giáo dục thông qua trường lớp, đoàn thể, khu phố, và nhiều hình thức khác, làm sao cho thanh thiếu niên thấm nhuần ý thức tôn trọng lẫn nhau. Tăng cường các biện pháp cưỡng chế những đối tượng có biểu hiện bạo hành ngay từ lúc manh nha thái độ hay có những hành vi không chuẩn mực. Việc này phải được các cán bộ địa phương hay Mặt trận tham dự sâu sát. Đã có những chương trình hay kế hoạch xây dựng những “mái ấm“ cho những chị em bị bạo hành nương náu nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, không có ý nghĩa lâu dài và giải quyết rốt ráo vấn đề.

Những điều Đức Phật dạy

Là con Phật, chúng ta lại càng phải trau dồi giáo lý. Phải hiểu  gia đình là  một xã hội thu nhỏ. Do vậy, quan hệ đạo đức trong gia đình là điểm khởi đầu cho quan hệ đạo đức trong xã hội. Trong kinh Thi Ca La Việt (Sìgalovàda sùttra), Phật dạy bổn phận làm chồng có 5 điều đối với vợ và làm vợ cũng có 5 điều đối với chồng; bổn phận làm cha mẹ có 5 điều với con cái và con cái cũng có 5 điều với cha mẹ. Chẳng hạn:

“Vợ thờ chồng có năm việc:

Một là chồng đi đâu về phải đứng dậy nghênh tiếp; Hai là khi chồng đi khỏi phải lo mọi việc nấu nướng, quét dọn chờ chồng về; Ba là không được có lòng dâm dục với người khác, chồng có trách mắng cũng không được có thái độ trách mắng lại; Bốn là hãy làm theo lời chồng răn dạy, có nhặt được vật gì cũng không được che giấu; Năm là khi chồng ngủ nghỉ, phải lo sắp xếp xong rồi mới ngủ.

Chồng đối với vợ cũng có năm điều:

Một là đi đâu phải cho vợ biết; Hai là việc ăn uống đúng giờ, cung cấp áo quần cho vợ; Ba là phải cung cấp vàng bạc châu báu; Bốn là những vật ở trong nhà nhiều ít đều phải giao phó cho vợ; Năm là không được ngoại tình, bằng cách nuôi dưỡng, hầu hạ, chuyển tài sản”.

Đây là mối quan hệ bình đẳng, không đề cao vai trò nam giới, buộc phụ nữ phải tuân phục “tam cương” như  Nho giáo. Thế nên, chỉ cần thực hiện những lời dạy của Phật, thì thiết nghĩ gia đình sẽ chan hòa hạnh phúc và ở đó có sự tôn trọng lẫn nhau.

Kinh Tăng Chi Bộ có đề cập đến tám bổn phận và trách nhiệm mà một nữ cư sĩ Phật giáo nên trau dồi để làm tròn bổn phận cao quý là làm mẹ và làm vợ của mình trong một gia đình:

1- Sắp xếp các việc trong gia đình một cách hiệu quả. 2- Quan tâm đến người làm công, người ở. 3- Cố gắng làm vui lòng chồng. 4- Khéo bảo quản tài sản mà chồng kiếm được. 5- Có niềm tin vào tôn giáo. 6- Giữ gìn tiết hạnh. 7- Tốt bụng. 8- Rộng lượng.

Ngài dạy rằng, người vợ chính là người bạn thân thiết nhất của chồng.

Về bổn phận người chồng, anh ta phải luôn chung thủy với vợ, không nên đi tìm phụ nữ khác, điều đó sẽ khiến cho gia đình đổ vỡ. Vì gia đình xây dựng trên nền tảng tôn trọng thương yêu nhau nên người chồng có thể giao phó tài sản gia đình cho vợ quản lý. Người vợ có một vai trò hết sức quan trọng trong gia đình. Nói như ông bà ta “Của chồng công vợ”. Còn những nhiệm vụ khác như đã nói trong Thi Ca La Việt.

Một gia đình có hạnh phúc hay không, một gia đình có đóng góp cho xã hội những nhân tố tích cực hay không, tuỳ thuộc vào mỗi thành viên trong một gia đình có làm tròn bổn phận và trách nhiệm, mà đức Phật đã chỉ dạy, ngay chính trong gia đình của mình.

Tóm lại, phải xây dựng lại nền móng gia đình hôm nay vì đã có nhiều dấu hiệu báo động sự xuống cấp, tha hóa sẽ không dừng lại, mà còn đang lan rộng trong từng tâm hồn, từng ngôi nhà, từng cộng đồng... Phục hoạt lại những giá trị của đời sống gia đình qua những việc cụ thể về bổn phận vợ-chồng, nam-nữ như vừa nêu là trách nhiệm không của riêng ai, mà của toàn thể những con người còn đang ấp ủ xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho nhau và vì nhau.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 8
    • Số lượt truy cập : 6059567