Tin tức

Gia đình Phật tử và đoàn thể Phật giáo Tây Nguyên (tt)

GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VÀ ĐOÀN THỂ PHẬT GIÁO Ở TÂY NGUYÊN HIỆN NAY (t.t)

PHẠM THỊ CHUYỀN


 

2. Vấn đề đặt ra đối với Hội đoàn Phật giáo Tây Nguyên hiện nay

2.1 Gia đình Phật tử thuộc sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Theo đánh giá của đại diện Ban trị sự các tỉnh Tây Nguyên, tổ chức Gia đình Phật tử ở Tây Nguyên hiện nay hoạt động không hiệu quả như Gia đình Phật tử trước năm 1981. Tình hình này có rất nhiều nguyên nhân:

Nguyên nhân thứ nhất, do đội ngũ huynh trưởng của Gia đình Phật tử trước năm 1981 được đào tạo bài bản, khoa học; chương trình hoạt động công phu; sinh hoạt đều đặn và có kỷ luật tốt; hiện nay những mặt đó không được trú trọng phát triển.

Nguyên nhân thứ hai, hiện nay số Gia đình Phật tử trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở Tây Nguyên và trên cả nước vẫn chưa được Giáo hội Phật giáo Việt Nam quan tâm đúng mực, cho nên Gia đình Phật tử do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng ký quản lý hoạt động vẫn ở trong tình trạng thiếu huynh trưởng, huynh trưởng chưa có uy tín, chưa đáp ứng được nhu cầu của tổ chức. Gia đình Phật tử ở Tây Nguyên mấy năm gần đây hoạt động cầm chừng, không phát triển về số lượng tín đồ cũng như chưa nâng cao được chất lượng, chưa phát huy tốt nhất vai trò của nó đối với thanh thiếu niên và xã hội. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã công nhận tổ chức này, nên nghiên cứu để thấy hết được vai trò của nó với Phật giáo Việt Nam và xã hội Việt Nam để có sự quan tâm đúng mực với tổ chức này.

Nguyên nhân thứ ba, đã có những thời điểm, ở một số địa phương chưa thấy hết tính chất quần chúng rộng rãi, tính lịch sử phức tạp của Gia đình Phật tử. Do đó, trong một thời gian khá dài phía nhà nước nặng về sử dụng đối sách bằng biện pháp hành chính nhằm ngăn chặn và xóa bỏ nhanh chóng sự tồn tại và hoạt động của tổ chức này, phía tăng sĩ Phật giáo phản đối và xóa bỏ Gia đình Phật tử sinh hoạt trong chùa. Ví dụ tại Đắc Lắc, có một số tăng sĩ gắt gao xóa sổ Gia đình Phật tử, không cho sinh hoạt ở trong chùa do xuất hiện xung đột về tư tưởng giữa vị tăng sĩ trụ trì và huynh trưởng của Gia đình Phật tử đó. Nhưng, nếu chính quyền và tăng sĩ Phật giáo càng đối sách thô bạo thì vấn đề Gia đình Phật tử càng trở nên phức tạp và khó kiểm soát. Giả thiết vấn đề này được giải quyết theo phương châm “lấy đạo để giải quyết việc đạo” dẫn dắt họ, có thể mâu thuẫn sẽ được giải quyết, Gia đình Phật tử vẫn có thể sinh hoạt và phát huy vai trò tích cực của nó.

2.2 Gia đình Phật tử ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Gia đình Phật tử ngoài Giáo Hội còn được gọi là “Gia đình Phật tử truyền thống”, “Gia đình Phật tử cũ”... là những tổ chức Gia đình Phật tử được thành lập từ trước năm 1981, sinh hoạt theo đường hướng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, hiện chưa đăng ký sinh hoạt trong sự quản lý của Phân ban Hướng dẫn Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tổ chức này được hình thành rất sớm trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam những năm 30-40 của thế kỷ XX, có một quá trình hoạt động khá dài và bài bản, có những vị huynh trưởng được đào tạo bài bản và có tinh thần hy sinh vì đạo cao. Trong lịch sử họ đã từng phát huy được vai trò lịch sử của mình. Từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời năm 1981 thành lập Phân ban Gia đình Phật tử, tổ chức Gia đình Phật tử ngoài Giáo hội sinh hoạt riêng, không tuân theo sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Ở Tây Nguyên, sau năm 1981, Gia đình Phật tử ngoài Giáo hội vẫn sinh hoạt bình thường. Thời gian đầu, Tăng sĩ trụ trì vẫn chào đón các em thanh thiếu niên Phật tử của Gia đình Phật tử tới chùa sinh hoạt. Vì thế, hai tổ chức Gia đình Phật tử trong và ngoài
Giáo hội vẫn tồn tại song song. Cách đây 10 năm, lãnh đạo các Ban trị sự nhận thấy xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp, đằng sau các em thanh thiếu niên của Gia đình Phật tử ngoài Giáo hội là những vị huynh trưởng có tư tưởng khác, ý hướng khác, quan điểm về thống nhất, độc lập tổ quốc khác. Do đó, Ban trị sự Phật giáo ở các tỉnh Tây Nguyên không đồng ý cho họ sinh hoạt theo đường hướng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Tuy nhiên, vẫn có một số huynh trưởng thuộc tổ chức Gia đình Phật tử bất hợp pháp được phong cấp Tấn (trái phép): Ở Lâm Đồng năm 1996 có Trần Hưng Long, Hoàng Thọ Hiệp; ở Đắc Lắc năm 1996 có Nguyễn Tấn Hà, Trần Trung Phong, năm 2001 Trần Văn Dũng, Đoàn Sanh và Nguyễn Muôn. Theo họ là những Gia đình Phật tử ngoài Giáo hội với số lượng đoàn sinh khá đông, có thể gây ra những mâu thuẫn khó giải quyết đối với chính quyền và Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Ở các tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông và Gia Lai, tăng sĩ trụ trì khuyến khích các huynh trưởng của Gia đình Phật tử ngoài Giáo hội đăng ký vào trong Phân ban Hướng dẫn Phật tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, giúp đỡ họ hoàn thiện thủ tục đăng ký, kiên trì mềm mỏng gợi hỏi những lý do vì sao họ không chịu đăng ký. Số các huynh trưởng và Gia đình Phật tử sau khi được khuyến khích và giúp đỡ đăng ký sinh hoạt trong Giáo hội không nhiều. Trên thực tế, những huynh trưởng của Gia đình Phật tử ngoài Giáo hội là những người có trình độ, được đào luyện cẩn thận, có ảnh hưởng lớn tới các thành viên của Gia đình Phật tử của họ, do đó, họ rất khôn khéo, nhẫn nhịn chờ thời. Sự cương quyết không đăng ký sinh hoạt trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam của họ đã tạo những mâu thuẫn không nhỏ trong những người tin theo Phật giáo, gây xáo trộn trong giới Phật tử.


2.3. Ban hộ niệm tự phát

Hơn 2 năm gần đây, tại Tây Nguyên xuất hiện một nhóm những người mặc trang phục theo cung cách của Phật giáo có danh xưng là “Ban hộ niệm”, nhưng nằm ngoài sự quản lý của Ban trị sự Phật giáo các tỉnh, cho nên tạm nhận định họ là “Ban hộ niệm tự phát”.

Ban hộ niệm tự phát hoàn toàn khác những đạo tràng niệm Phật. Tại Tây Nguyên, mỗi chùa thông thường có những đạo tràng thực hiện hoặc hỗ trợ tăng sĩ trụ trì thực hiện những Phật sự nhằm đem lại lợi ích cho đông đảo quần chúng tín đồ, trong đó có đạo tràng niệm Phật. Đạo tràng niệm Phật dưới sự hướng dẫn của tăng sĩ trụ trì thường bao gồm những Phật tử lớn tuổi. Đạo tràng niệm Phật cùng tăng sĩ trụ trì thực hiện niệm Phật (tụng kinh, chú và niệm “Nam mô A Di Đà Phật”...) cầu an cho người sống, cầu siêu cho người chết. Phương thức thực hiện việc “hộ niệm” của Ban hộ niệm tự phát không giống với đạo tràng niệm Phật, không theo sự hưỡng dẫn niệm Phật của tăng sĩ Phật giáo, không cần đến chùa, không cần sử dụng kinh sách, và họ luôn có một cách giải thích huyền bí về những hiện tượng tự nhiên đối với thi thể người chết.

Thượng tọa Thích Giác Tâm, Phó ban Trị sự - Trưởng ban Thông tin truyền thông Phật giáo Gia Lai, trả lời phỏng vấn của đoàn chúng tôi cho biết, tại Gia Lai có một Phật tử là Nguyễn Minh Đường, là em ruột của cư sĩ Diệu Tâm, sang Úc tu tập và sinh hoạt theo pháp môn của Hòa thượng Tịnh Không (một cao tăng người Đài Loan). Khi trở về Gia Lai, ông truyền bá cách thức hộ niệm vãng sinh cho người chết, không nhận thù lao của bất cứ gia đình nào. Ví dụ, một gia đình có người lâm bệnh nặng, ban hộ niệm tự phát cử người tới truyền bá phương thức hộ niệm vãng sinh, yêu cầu người bệnh cho người nhà soạn di chúc: Khi chết đi chỉ mời ban hộ niệm này, không mời bất cứ tăng sĩ trụ trì của chùa nào, cho phép ban hộ niệm toàn quyền lo đám tang, từ đây gia đình hoàn toàn không được giao lưu, lui tới với các chùa, các tăng sĩ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Khi người bệnh qua đời, ban hộ niệm tới niệm 4 chữ “A Di Đà Phật” trong vòng 24 đến 48 tiếng liên tục, cho tới khi thi thể mềm trở lại, lúc đó họ tung hô rằng người chết “đã vãng sinh”. Họ quay phim, chụp ảnh, truyền bá khắp nơi tỏ ra phương thức hộ niệm vô cùng mầu nhiệm. Tính tới thời điểm cuối năm 2013, ở Gia Lai có tới 500 đến 700 người theo ban hộ niệm này.

Xét về mặt giáo lý, đạo tràng niệm Phật vãng sinh cho rằng, chính việc niệm Phật bằng lời sẽ được giải thoát bằng Bản nguyện của Phật A Di Đà và việc vãng sinh sẽ khó thực hiện bằng hình thức tu hành khác, ngoài niệm Phật bằng lời và vừa niệm Phật vừa suy tưởng đến Phật. Chủ trương này vốn được Hòa thượng Tịnh Không trình bày một cách rõ ràng, mạch lạc, khắc phục được điểm yếu của giáo lý cũng như những nghi lễ phức tạp của Tịnh độ tông trước đây là tư tưởng có sức thuyết phục mạnh mẽ vì có tính thực tiễn cao. Với chủ trương này, đạo tràng niệm Phật vãng sinh dễ thu hút bà con đồng bào ở Tây Nguyên tin theo.

Tuy nhiên, những việc như không được tới chùa, không liên hệ tới tăng sĩ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, không cần nghe thuyết giảng giáo lý, không cần một hình thức tu hành gắn với đời sống nào khác, lợi dụng quy luật tự nhiên của thi thể sau khi chết thực hiện nghi thức tang lễ theo cách riêng có tính linh thiêng chính là những việc thoát ly ra khỏi những thường thức vốn có của giới Phật giáo và đang trở thành vấn đề tôn giáo và vấn đề an ninh đáng lo ngại.

Trong lịch sử các tôn giáo, chúng ta thường thấy việc có được đảm đương tiến hành tang lễ hay không, là yếu tố quan trọng góp phần quyết định tôn giáo/giáo phái đó có thâm nhập được vào đời sống xã hội hay không. Đạo tràng niệm Phật vãng sinh ở Tây Nguyên độc chiếm việc tiến hành tang lễ của gia chủ nhằm vào mục đích thâm nhập xã hội. Tang lễ theo nghi thức Niệm Phật vãng sinh đóng một vai trò rất lớn khi
giáo phái này thâm nhập vào xã hội Tây Nguyên, tăng số lượng tín đồ và rất có thể trở thành thế lực phân ly và đối kháng với Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay.

Xem xét vấn đề này từ quan điểm của phía tăng sĩ Phật giáo Tây Nguyên, dù tăng sĩ đứng trên lập trường của Mật tông, Tịnh độ tông hay Thiền tông đều phê phán niệm Phật vãng sinh dạng thức này ở hai điểm, là phủ nhận bồ đề tâm (tâm nguyện được giác ngộ) và phủ nhận con người tu tập bằng "tự lực", thậm chí là “đuổi tăng ra khỏi Tam bảo”.

Xem xét vấn đề từ góc độ tu dưỡng đạo đức của con người, Phật tử không cần phải nghiên cứu giáo lý đạo Phật, không cần phải tu sửa đạo đức, tự giác và giác tha, không phát huy vai trò giáo dục đạo đức Phật giáo cho quần chúng, đặc biệt là thanh thiếu niên. Tình trạng này dễ làm xuất hiện những thành viên là tăng sĩ và Phật tử “tạo ác vô ngại” (làm những việc ác tùy thích) giống như sự quá khích trong giáo đoàn của Honen (1133 - 1212) tại Nhật Bản thế kỷ XII - XIII.  Điều này không phát huy được vai trò của giáo dục đạo đức Phật giáo, không kết hợp được giáo dục đạo đức tốt đẹp của Phật giáo với giáo dục của gia đình và xã hội.

Từ mối quan hệ với các vị thần bản địa ở Tây Nguyên, trong đó thần Rừng là quan trọng nhất, nếu chủ trương chỉ tin Phật A – Di – Đà và niệm Phật là được thì con người sẽ không cần đến các vị thần nữa. Từ xưa tới nay, người Tây Nguyên sùng bái thần Rừng. Tín ngưỡng thờ thần Rừng như một bộ phận thuộc cổ tầng của văn hóa Tây Nguyên. Quay lưng lại với các vị thần, trong đó có thần Rừng chính là đoạn tuyệt với cổ tầng văn hóa truyền thống của Tây Nguyên. Ban hộ niệm tự phát vô hình chung đã quay lưng lại với việc kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Tây Nguyên.

Ban Hộ niệm tự phát mà người ta gọi là “Niệm Phật vãng sinh” ở Tây Nguyên là một hội đoàn nằm ngoài sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thực hiện những phương cách tu hành thoát ly khỏi những thường thức vốn có của giới Phật giáo Việt Nam, đã và đang tạo sự phân ly gây mất đoàn kết trong quần chúng những người tin theo Phật giáo, chưa phát huy được việc giáo dục đạo đức Phật giáo cho những người tin theo, chưa có sự tiếp thu kế thừa truyền thống văn hóa của đồng bào Tây Nguyên, dễ bị thế lực xấu lợi dụng gây chia rẽ.

Kết luận

Những hội đoàn Phật giáo có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của Phật giáo ở Tây Nguyên, tác động trực tiếp tới sự bồi dưỡng đạo đức, hình thành lối sống lành mạnh trong các thành viên là những thanh thiếu niên Phật tử, gián tiếp ảnh hưởng tới nhân cách công dân, an ninh trong khu vực.

Trong thời gian tới, Gia đình Phật tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh về số lượng trên phạm vi rộng, hình thức sinh hoạt sẽ đa dạng và phong phú hơn nữa, họ sẽ trở thành lực lượng nòng cốt của Ban trị sự. Chính quyền và Ban trị sự ưu tiên phát huy mặt giáo dục đạo đức tôn giáo có những điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới, góp phần xây dựng con người Tây Nguyên: Chân – thiện – mỹ, góp phần đấu tranh xóa bỏ các hoạt động mê tín dị đoan, xóa bỏ lực lượng lợi dụng tôn giáo phá hoại lợi ích của nhân dân, đi ngược lại lợi ích của quần chúng.

Vấn đề gây xáo trộn, tạo mâu thuẫn và mất đoàn kết trong quần chúng tín đồ theo Phật giáo của những hội đoàn Phật giáo như Ban Hộ niệm tự phát là những vấn đề mang tính tôn giáo,  đã xuất hiện vài năm gần đây ở Tây Nguyên, cần được chính quyền và Ban trị sự các tỉnh kiên trì, khéo léo giải quyết theo phương châm “lấy đạo giải quyết việc đạo”, tiến tới đưa họ vào những hội đoàn Phật giáo có sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, giúp họ phát huy vai trò tích cực đối với sự phát triển nhân cách con người, môi trường tự nhiên và xã hội ở Tây Nguyên hiện nay và trong tương lai.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 25
    • Số lượt truy cập : 6061099