TQ10 - Gia đình Phật tử
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ
TỐNG ANH NGHỊ
Các em Áo Lam thân mến! Cũng đã lâu, trên những trang gia đình này, riêng với các em, anh không viết gì cho các em. Vì tài liệu của gia đình Phật tử (GĐPT) thiếu thốn, nên anh thường dùng những trang giấy này làm việc cho các ban Huynh trưởng cho các anh chị của các em. Ngoài ra, anh còn dành chỗ để khuyến khích phần sáng tác của những mầm non văn nghệ, để giới thiệu những khả năng chớm nở của các em.
Vì những lẽ trên, mà các em càng hiểu trong GĐPT, giữa anh chị em đoàn viên chúng ta không có sự im lặng với nghĩa lạnh nhạt, lãng quên, trái lại là nặng niềm triu mến và tin yêu. Thường thường, đoàn người con Phật ham im lặng làm việc, và muốn trưởng thành trong im lặng. Cũng chính nhờ có sự im lặng, người ta mới tưởng nhớ thành thật và suy nghiệm lợi ích.
Hôm nay với những trang giấy quý báu này, anh mật thiết nói với các em hay như thế nào là người “được” la rầy , và kẻ “bị” rầy la.
Hồi nhỏ còn trạc tuổi của các em, anh cũng hay lầm lỗi và bị quở phạt. Những người được sử dụng cái quyền hành quở phạt tất nhiên các em đều đã biết, ở nhà là cha mẹ, anh chị; ở trường là thầy cô, và trong GĐPT là các anh chị Huynh trưởng, Đoàn trưởng. Trong những trường hợp ấy, anh cũng như các em bây giờ hay buồn, hay giận, đôi khi còn cảm thấy tủi thân nữa! Phải có gì uất ức bằng đang vui mà bị ngăn, đang hăng mà bị chận lại, muốn như thế này, lại buộc phải làm theo thế khác.
Một buổi sinh hoạt của Gia đình Phật tử Xá Lợi
Nhưng có một hôm, bắt gặp một người anh trong Đoàn, đang ngồi một mình với vẻ người vừa mệt, vừa buồn, vừa ưu tư nghĩ ngợi, sau một cuộc rầy la các em đã nhiều lần phạm lỗi... Trông thấy anh trưởng như thế, lòng anh lúc bấy giờ cũng ái ngại thoáng qua, rồi chẳng hiểu gì hơn...
Ngày nay, đã lớn khôn, trở lại làm anh của các em, anh mới thấu rõ những buồn nản kín đáo ấy của các Huynh trưởng. Vì anh đã lại phải rầy la, quở phạt các em mà lòng chẳng chút yên vui.
Hỡi các em Áo Lam! Thói thường được ăn ngon mặc đẹp thì hân hoan, được vinh hoa phú quý thì thích thú, chứ không ai sung sướng vui mừng với sự được la rầy, gào thét, nhất là trong phạm vi giáo dục.
Bởi thế, chúng ta cần nhận chân rằng những người gánh nặng trách nhiệm coi chừng kỷ luật, giữ gìn trật tự của các tổ chức giáo dục, chính là những người không bao giờ muốn phải áp dụng cái quyền hành rầy la sửa phạt con em, dầu rằng đoàn thể đã giao phó cho cái quyền hành ấy. Rầy la là cực nhọc, sửa phạt là bực mình, và khi bất đắc dĩ phải làm một công việc mà lòng không vui, trí không nhẹ, sân hận cho cả đôi bên, thì thật không có gì phiền não hơn! Thế mà có những người Huynh trưởng tháng năm tinh thần như căng thẳng, tâm trí hằng phải lo âu, vì một số em thơ khó bảo, một số em thơ kém đạo nguyện, đạo tâm! Các em có hiểu đâu, những Huynh trưởng ấy thực đã cực lòng phải bắt ngưng nguồn vui của các em, một khi xét rằng nguồn vui ấy đã lan đến nơi vô bổ. Các em có hay chăng, các Huynh trưởng ấy đã bực trí phải chận lại sức hăng của các em, một khi xét rằng sức hăng ấy đã vượt ngoài vòng lễ giáo. Và những bực dọc còn gia tăng thêm cho những anh chị trưởng, đến khi phải dùng đến thẩm quyền rầy la, quở phạt, để các nội lệ của Đoàn được duy trì, và mọi chương trình của gia đình không bị gãy đổ. Những lỡ lầm tái phạm, những tội lỗi không vơi, tất nhiên bằng phương tiện này hay phương tiện khác, người Huynh trưởng phải có bổn phận điều trị ngay với quyền uy sẵn có đối với các đoàn viên, hầu bảo tồn thanh danh đoàn thể. Cái thanh danh ấy, nếu không còn, thì tự mỗi mỗi chúng ta, ngay thân tâm của mình, cũng mất hết ý nghĩa thanh cao, trong sạch của đạo phẩm rồi vậy.
Lỗi lầm quở phạt đã đành
Mặt em sầu não, lòng anh vui gì!
Các em ơi! Ngăn nước mặn làm hại đồng ruộng xanh tươi, trừ cỏ xấu làm hư hoa màu tốt đẹp, cũng trong cái chủ trương đó, những người anh, chị đã từng quên mình hứng chịu mọi hiểu lầm, bao ý nghĩ không tốt của nhiều em, đặng bảo vệ và tăng trưởng phần đức hạnh cho chính các em!
Trong một việc la rầy quở phạt, người “được” chẳng vui thú gì, mà cốt lo tròn trách nhiệm; kẻ “bị” đành có buồn phiền, nhưng thật sự thì hưởng phần lợi ích.
Các em thấy không, tuy nói theo cấp bậc của Đoàn, có người "được" kẻ “bị”, cho rõ danh từ trong việc dắt dìu, giáo hóa, chứ kỳ thật anh chị em chúng ta, nếu nhất quyết cùng một tinh thần, đạo chí xây dựng, cải tiến cho nhau, thì những danh từ kia không còn nghĩa gì nữa.
Hỡi các em Áo Lam thân mến! Đã biết rồi trong gia đình chúng ta, rầy la không là ghét bỏ, quở phạt không là hằn thù, mà chính thật là trái lại, thì hãy thành thật xua tan đi, xóa sạch hẳn những cảm tưởng không hay đối với các anh chị trưởng đã buộc lòng nghiêm khắc, cương quyết trong những trường hợp cần thiết.
Các em hãy tin tưởng, rồi đây đến phiên các em, sẽ là những người anh, người chị tận tụy với chức vụ của mình, các em sẽ hiểu thấm thía lòng dạ, đức tánh và nỗi khổ tâm cao thượng của người anh trong Đoàn, khi ngồi một mình, vừa mệt, vừa buồn, vừa ưu tư chịu đựng, mà anh đây đã bắt gặp, khi anh còn nhỏ dại vào trạc tuổi của các em ngày nay.
Chào hỷ xả tinh tấn
Trích Tạp chí Từ Quang số 77 tháng 6 năm 1958
Bình luận bài viết