Tin tức

GS VŨ THẾ NGỌC NÓI VỀ “LONG THỌ VÀ TÁNH KHÔNG”

GS VŨ THẾ NGỌC NÓI VỀ “LONG THỌ VÀ TÁNH KHÔNG”

 

Ảnh: TRÍ BÁ

 

 

Sáng ngày 10-03-2018 (23 tháng Giêng Mậu Tuất), tại Chùa Phật học Xá Lợi, GS Vũ Thế Ngọc đã có buổi nói chuyện về đề tài “Long Thọ và tánh không”. Đông đảo cư sĩ Ban Phật học và nhiều thiện hữu tri thức đã tham dự.

Mở đầu, BS Đỗ Hồng Ngọc, Cố vấn Ban Phật học, đã giới thiệu sơ nét về GS Vũ Thế Ngọc. Theo lời giới thiệu, Giáo sư Vũ Thế Ngọc tốt nghiệp chuyên khoa Tiến sĩ phát triển kinh tế và Thạc sĩ xã hội học (University of California, Santa Barbara), Kỹ sư điện tử và sinh y khoa (Boston University), Thạc sĩ giáo dục (Boston State/National University), Cử nhân và Cao học khoa học xã hội, Cử nhân và Cao học Văn học Việt Nam (Đại học Vạn Hạnh, Việt Nam), tác giả nhiều cuốn sách về Phật giáo và nghiên cứu văn học.

 

BS. Đỗ Hồng Ngọc giới thiệu GS. Vũ Thế Ngọc

 

Vào phần diễn thuyết, GS Vũ Thế Ngọc cho biết đức Phật lúc còn tại thế đã có lần báo trước rằng 600 trăm năm sau sẽ có vị Bồ Tát tên là Long Thọ ra đời để xiển dương giáo nghiã của đức Phật. Ảnh hưởng của ngài Long Thọ rất lớn, đến nỗi 8 đại tông phái được thành lập sau này đều tôn ngài Long Thọ làm vị tổ khai sang. GS Ngọc nói rằng nếu không có ngài Long Thọ thì tư tưởng của đức Phật không thể được hệ thống hóa. Nhưng điều đặc biệt là ngài Long Thọ lúc nào cũng cũng cho rằng ngài chỉ trùng tuyên lại những gì đức Phật đã dạy, chứ không có nói điều gì khác.

Theo GS Vũ Thế Ngọc, vào thời đại ngài Long Thọ, các trào lưu tư tưởng tại Ấn Độ, mà mạnh nhất là Ấn Độ giáo đang xâm nhập vào Phật giáo, đã phát triển lên đến cùng cực. Chính trong bối cảnh như thế sự xuất hiện của ngài Long Thọ là điều tất yếu và ngài Long Thọ đã thực hiện công cuộc “phá tà hiển chánh” để xiển dương giáo pháp của đức Phật. GS Vũ Thế Ngọc nói rằng ngài Long Thọ hết sức logic. Ngài đã vận dụng tri thức thường nghiệm hay tương đối để nói về tuyệt đối, hay niết bàn.

GS Ngọc cũng cho biết rằng ngài Long Thọ dùng bát bất: bất sinh, bất diệt, bất thường, bất đoạn, bất nhất, bất dị, bất khứ, bất lai - để đả phá tất cả tư tưởng đương thời, nhưng không phải để phá đổ thành hư vô mà là để xây dựng cho sâu thẳm hơn. GS Ngọc lấy nhân quả làm thí dụ. Nhiều người nghĩ đơn giản rằng nhân quả là trồng cây thì được quả, nhưng thực tế không phải vậy, mà cần phải có nhiều “duyên” thì cây mới kết trái. Duyên chính là duyên khởi, mà duyên khởi thì không có tự tánh, là tánh không, điều mà ngài Long Thọ đã đào sâu từ giáo lý của đức Phật để làm cho người khác hiểu rõ, đúng và sâu hơn những gì Phật dạy.

GS Vũ Thế Ngọc cho biết, Trung Luận là tác phẩm lớn nhất của ngài Long Thọ. Trung Luận là giải thích về trung đạo mà đức Phật đã dạy. GS Ngọc trích Kinh Tương Ưng bản tiếng Pali mà trong đó đức Phật đã dạy cho ngài Ca Chiên Diên về trung đạo là xa lìa 2 thái cực chấp có, chấp không. GS Ngọc lưu ý rằng trong Hán tạng có chỗ nói trung đạo là xa lìa lối sống khổ hạnh hoặc lối sống quá hưởng thụ dục lạc, điều đó không sai, nhưng, theo GS Ngọc thì nếu nói như thế thì hóa ra đức Phật là người quá duy vật. GS Ngọc nhấn mạnh rằng trung đạo cũng không phải là ở giữa, vì ở giữa là thuyết trung dung của Khổng giáo, lại càng không phải là con đường thứ ba.

GS Vũ Thế Ngọc giải thích tánh không nằm trong tam pháp ấn: Vô ngã, vô thường và duyên khởi. GS Ngọc nói rằng các pháp luôn luôn biến dịch vô thường, không có tự tánh, không có tự ngã, là sinh khởi do các duyên, cho nên là giả có, chứng không thật. Vì vậy bản chất vạn pháp là không, tính các pháp là không. Đó là tánh không. Cho nên, theo  GS Ngọc tánh không chính là vô thường, vô ngã, và duyên khởi. Nhưng cũng nhở các pháp không có tự tánh nên các pháp mới có thể sinh khởi, vì vậy mới có thể tu hành để chuyển nghiệp và giải thoát. GS Ngọc giải thích sâu hơn về tánh không. Ông nói rằng tánh không có 3 tầng bậc: Thứ nhất, vì để đối trị với chấp có, chấp ngã nên Phật dạy các pháp không có tự tánh; thứ hai, tánh không là không có chủ thuyết duy nhất, tức là không có duy cái gì cả, vì mọi thứ đều biến dịch không dừng lại một chỗ, cũng là để đối trị thái cực; và thứ ba, tánh không là chân như, là tự do, tự tại, vô ngại, giải thoát và cũng là niết bàn.

GS Vũ Thế Ngọc cũng cho biết trong Trung Luận, ngài Long Thọ nói rằng muốn hiểu thấu đáo Phật Pháp thì phải hiểu Nhị đế là Tục đế, tức tương đối, và Chân đế tức tuyệt đối. Nhờ nương vào tương đối mới có thể tiếp cận được tuyệt đối, nếu không có tương đối không có cách nào tiếp cận được tuyệt đối.

GS Ngọc cho rằng khi hiểu rõ được mối tương quan tương duyên của Nhị đế này thì sẽ không còn chấp vào hình thức bề ngoài hay tương đối để phê phán, chỉ trích người khác.

Sau phần diễn thuyết của GS Ngọc, các vị tham dự đã cùng nhau trao đổi, tạo một không khí học thuật thật sôi nổi.

Dưới đây là vài hình ảnh về buổi nói chuyện.

 

Cư sĩ Trần Đình Sơn, Phó Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN,
Trưởng Ban Phật học gợi ý cho cử tọa trao đổi ý kiến

 Các vị cư sĩ và thiện hữu trí thức cùng trao đổi ý kiến

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 42
    • Số lượt truy cập : 6970861