Hảo tâm xuất gia
HẢO TÂM XUẤT GIA
MINH NGỌC
Theo kinh Phước Điền, được ghi trong bộ Luật Sa Di, người hảo tâm xuất gia là người có tâm ham muốn ưa thích ra khỏi 3 cái nhà: 1- Nhà thế tục 2- Nhà Phiền não 3- Nhà Tam giới (Dục, Sắc, Vô sắc). Trong đây, hai nhà sau là quan trọng và chủ đích của người xuất gia mong ra khỏi. Vì sao? Vì nếu chỉ ra khỏi nhà thế tục, tức chỉ cạo đầu, vô chùa, mặc áo nâu sồng, đắp y, đọc thuộc một vài bộ kinh, nói dăm ba câu Phật pháp... mà đời sống tu hành không hướng đến ra khỏi căn nhà phiền não, vẫn đắm chìm trong sông sâu ngũ dục, vẫn vui giỡn ở nhà lửa Tam giới, không biết, và không muốn ra khỏi, thì Phật gọi đây chỉ là Ngốc cư sĩ tức là người tại gia trọc đầu, chứ không phải hàng xuất gia Sa môn.
Cho nên, từ một người tại gia cư sĩ muốn trở thành một vị xuất gia tu sĩ, một bậc xuất trần thượng sĩ, được mọi người tôn kính, xứng đáng nhận mọi sự ứng cúng, làm ruộng phước cho tín thí, hay một vị đã xuất gia đều phải luôn luôn ghi nhớ và phát huy 5 đức tính mà khi mới bắt đầu ra khỏi nhà thế tục đã phát tâm.
Đó là:
1- Phát tâm xuất gia vì hoài bão, cưu mang cái Đạo:
Đạo hiểu ở đây là đạo Giải thoát, đạo Trí tuệ. Thông thường, người cư sĩ tại gia ham muốn xuất gia theo tình cảm nhiều hơn là theo lý trí. Chẳng hạn, thích tấm y màu vàng khoác lên vai tưởng tượng giống như đức Phật, thích bước đi thong thả khoan thai, thích đời sống an nhàn chẳng chút lo toan, thích nghe tiếng ngân nga tán tụng, thích tiếng chuông chùa vang vọng ban khuya, thích không gian tĩnh lặng u huyền, thích được mọi người xưng hô, cung kính bằng Thầy... rất nhiều những cái thích cũng tạm gọi là “nhẹ nhàng thanh thoát”, đến nỗi mọi người còn tưởng lầm đó là nghĩa họ Thích. Thật sự, các vị xuất gia theo Phật giáo Bắc truyền đều lấy họ Thích là y cứ theo Tổ Đạo An, cho rằng theo Phật dòng họ Thích Ca, (phiên âm từ tiếng Phạn là Sakya), nên đệ tử xuất gia của Phật phải theo họ Phật, tức là họ Thích, còn tại gia cư sĩ thì không được Thích.
Kể ra, thích những thứ như thế không phải là sai, nhưng chưa trúng đối với lý tưởng cao đẹp của người xuất gia và càng không nên làm nhân tố chính để vào Đạo Giải thoát và Trí tuệ, nó chỉ là một thứ bén duyên vào đạo mà thôi. Thích những thứ “nhẹ nhàng” như thế còn không đúng, huống là xuất gia để thích hưởng thụ vật chất thô thiển ư? Hơn nữa, có thích thì sẽ có chán, một khi đạt được những gì mình thích; hoặc sẽ mang vác lấy chúng, rồi nặng nề, xiêu lạc bước đi, đường trước mịt mờ chưa biết về đâu...?
Xuất gia là vì hoài bão, cưu mang cái Đạo, tức là có lý trí suy xét, có thành tựu căn duyên (theo Phật giáo gọi là chủng tử hiện hành) và tất nhiên ít nhất tuổi trẻ đủ trưởng thành mới có thể. Hoài bão gì? Ôm ấp trong lòng một lý tưởng giải thoát cao đẹp đó là giải thoát phiền não trói buộc trong tâm và những thứ dây mơ rễ má đeo bám ngoại thân như tiền tài, danh vọng, sắc đẹp... mà xuất gia là môi trường tốt để mình dễ hoàn thiện việc đó một cách trọn vẹn, trên tinh thần viễn ly mọi cám dỗ thế tục chứ không phải bỏ trốn thế gian chui đầu vào chùa tu rị. Trước hết, giải thoát phiền não, an lạc thân tâm cho chính mình, để trở thành tấm gương đạo đức tốt cho mọi người soi chiếu đi theo, từ đó hướng dẫn mọi người những sở đắc minh triết từ Phật mà mình đã trải nghiệm để cùng xây dựng một xã hội, quốc gia, thế giới an bình hạnh phúc. Và như thế sự cưu mang cái Đạo cứu đời là sứ mạng thiêng liêng phải có, phải đặt lên yếu tố hàng đầu, đúng theo tinh thần Phật dạy Vô ngã vị tha.
2- Hủy bỏ hình thức tốt đẹp của thế gian, thích ứng với y phục xuất thế gian.
Người thế gian luôn chú trọng ở hình thức từ thân thể tóc tai đến áo quần, luôn chăm chút và hãnh diện về nó, thích thú nó, nô lệ nó, lao tâm khổ tứ vì nó, hao tiền tốn của, mất thời gian vì nó, Người đẹp nhờ lụa.../ cái răng cái tóc là gốc con người... Đôi khi điên loạn trong sướng khoái vẻ bề ngoài, thà đói chứ không chịu rách... cuối cùng đau khổ vì nó.
Xuất gia từ bỏ mọi cám dỗ của ngũ dục, trong đó sắc đẹp hình tướng là dễ làm con người sa đọa nhất, nên người xuất gia theo Phật, là theo hình tướng của Phật, làm cho “xấu” đi một phần hình thức tối thiểu trên thân thể là cạo đầu, khác biệt với người đời, hơn nữa còn mặc quần áo bằng những thứ vải vụn, nhặt nhạnh từ chỗ người ta vất bỏ như nghĩa địa, bãi rác... về giặt giũ, may vá lại thành mảnh y tạp nhạp đủ màu, rồi nhuộm thẫm lại gọi là hoại sắc để mặc vào mình đủ che thân thể, khỏi bị nóng lạnh... đủ có sức khỏe sống để tu hành. Đó là y phục xuất thế gian của thời đức Phật còn tại thế, không ngoài mục đích khiến người xuất gia bỏ dần đi sự tham đắm hình sắc bản thân đến mức tối đa. Dựa trên tinh thần căn bản chán bỏ hình tướng ngoại thân, làm xao lãng tâm trí tu đạo, người đời cười chê, người xuất gia thời nay không thể ăn mặc y phục vá víu, lượm lặt giống xưa, thì phải càng chú ý quan tâm hơn đối với hình thức, nhất là ở cái thời đại bây giờ ưa chuộng bề ngoài hơn là bề trong! Người xưa thường nói giấy rách phải giữ lấy lề, bận chiếc áo rách, tấm y bạc màu nhưng tâm hồn không rách, đạo hạnh không bạc. Đâu cần gì phải pháp phục, lễ phục hoàng bào, chẳng làm tăng thêm giá trị chân thật mà còn phản ngược lại!
Trong luật còn ghi rõ ràng những tấm gương để răn nhắc người xuất gia như: Vua Võ nhà Hạ mặc áo xấu, ông Công Tôn đắp mền vải, những vị vua chúa công hầu đáng được thụ hưởng mặc đẹp mà còn biết tiết chế như thế huống là hàng xuất gia từ bỏ tham đắm vật chất thế gian mà còn xoe xua y hồng y tía, khiến người đời giảm đi lòng kính trọng hình tượng Tăng ư?!
3- Cắt đứt luyến ái, từ bỏ thân thuộc, không thân không thích:
Ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, bè bạn là những mối nhân duyên hữu cơ đối với ta, cũng là những móc xích trói chân người xuất gia vì sự nghiệp chung, vì tình yêu chung tất cả mọi người. Cho nên, Phật chọn con đường xuất gia là để cắt đứt, chấm dứt cái ái vị kỷ của mình, gia đình mình, chứ không phải cắt đứt cái ân cái nghĩa cho đến cái ái chung. Nếu cho rằng xuất gia là vô tình, vong ân, bất nghĩa thì hoàn toàn sai, mà là chuyển cái ái riêng thành cái ái chung, ân nghĩa chung. Lý thuyết là vậy, nhưng thực hành là cả vấn đề khó.
Nhìn trong thời nay cũng vì nghiệp báo phải trả chăng, mà không ít các vị xuất gia vẫn còn trói buộc, nặng gánh gia đình, thậm chí cho rằng đi tu để trả nợ cho người thân, giống như một người làm quan trăm họ được nhờ... hay phụng sự cha mẹ quá mức, lúc sống thì hầu hạ chăm sóc, cho rằng Hiếu hạnh là Phật hạnh, khi chết làm nhà thờ tự lớn, tổ chức đàn tràng rầm rộ! Đạo Phật rất chú trọng đến hiếu ân, nhưng cả bốn ân đều bình đẳng. Dù gì cũng nên nhớ và hành theo gương đức Phật, đừng tốn thời gian, lạm dụng tiền của đàn na lo phụng sự người thân của mình mà cho là hiếu của người tu sĩ thì thật là thiên kiến, tà kiến biết bao! Nếu vậy, thà rằng làm người cư sĩ hiểu Phật pháp, kiếm tiền bằng chánh mạng, cung phụng cha mẹ, giúp đỡ người thân phải chăng là tốt hơn người xuất gia hay không? Vì thế, không nên để tư tưởng “vì người thân” dù đó là cha mẹ, làm cản bước đi vì sự nghiệp chung cho tất cả mọi người mà trong đó có cả người thân của chính mình. Không có nỗi đau nào phải từ bỏ người thân nhất là cha mẹ, nhưng cũng không có niềm vui nào được hi sinh cho mọi người được hạnh phúc. Sự đánh đổi ấy thật là vĩ đại, cao thượng và tất nhiên người cư sĩ trước khi xuất gia phải lượng sức, đắn đo chấp nhận dấn thân để không hổ thẹn với chính mình chứ!
4- Sẵn sàng bỏ mất thân mạng vì tôn sùng Đạo:
Vì đạt được sự giải thoát, trí tuệ của Đạo mà bản thân đã từ bỏ hết những tình cảm người thân, thú vui thế tục, hủy bỏ hình thức tốt đẹp thì đủ biết Đạo ấy quý báu trân trọng dường nào! Thà mình phải bỏ mạng chứ không để mất đạo, hoen ố đạo, phá đi hình ảnh sáng trong của Đạo. Đạo này là gia tài tối thượng của đức Phật đã trải qua bao đời bao kiếp góp nhặt được thành, là Giới học, Định học, Tuệ học, chứ không phải là chùa cảnh già lam tự viện, cơ sở từ thiện v.v. Người xuất gia bằng chính đôi tay của mình sờ soạng, cầm lấy những “vật báu ấy mà phương tiện tùy duyên sử dụng, cũng sẵn sàng hy sinh giữ gìn và bảo vệ giá trị chân thật của chúng nếu như bị thế lực khác xâm phạm cướp đi. Điều tối kỵ nhất là mượn đạo tạo đời, bán rẻ danh tiếng Đạo, điều này người cư sĩ tại gia hiểu Phật pháp còn chẳng làm huống là người xuất gia được xưng danh là Chúng trung tôn ư!
Trong Luật ghi, ngày xưa một sa di đi khất thực đến nhà một thí chủ nữ bị cưỡng bức phá giới, vị Sa di ấy thà giữ trong sáng cho đạo mà thắt cổ tự vẫn. Hơn nửa thế kỷ trước, Bồ tát Thích Quảng Đức và một số các bậc tôn túc tăng ni đã tự thiêu hy sinh bảo vệ lấy đạo. Thời nay, các hàng cư sĩ trước khi muốn xuất gia, và các vị “đang” xuất gia nếu không thể sẵn sàng bỏ thân mạng vì Đạo, chí ít cũng đừng làm đạo rẻ rúng quá đi. Nếu không thì chỉ uổng cuộc đời tương chao, lỗ lã vô cùng, như “con dã tràng xe cát biển Đông...”.
5- Quyết chí cầu đạo rộng lớn, vì độ khắp cả mọi người, chứ không riêng bản thân.
Cần phải hiểu rõ đạo rộng lớn ở đây không phải là đạo chuyên làm từ thiện, tạo phước cho bá tánh, đó chỉ là một mặt phương tiện hoằng đạo của người xuất gia thôi. Nếu chỉ như thế, người cư sĩ tại gia làm tốt hơn nhiều và chẳng cần xuất gia cầu đạo ấy làm gì. Người tại gia dư điều kiện nhân lực, tài lực, để làm từ thiện. Điển hình các tỷ phú, doanh nhân... đương thời, họ đang làm và sẽ làm, công khai và thầm lặng.
Người xuất gia tốn thời gian nhiều làm những việc ấy, mà bớt hẳn dần thời gian tu tập thì e chừng lệch hướng ban đầu mà mình đã định. Ví như tài công định vị con tàu, chệch đi một ít độ, xa vẫn thấy bờ cứ tưởng đi đúng, hóa ra càng đi lại càng thấy xa, chở theo bao nhiêu người trên tàu đi lạc. Cụ thể hơn, từ thiện để tạo phước hữu lậu, vẫn còn phiền não; Đạo rộng lớn mà người xuất gia cần cầu đó là quả vị vô lậu, giải thoát phiền não, là quả vị Bồ đề thành Phật. Muốn thế phải nỗ lực tu, song song với thực hành Lục độ Bồ tát hạnh. Để làm sao mình tu mọi người cùng tu theo, mình vui mọi người cùng vui theo, chứ không phải xuất gia là để một mình mình vui, mặc kệ... chuyện đời!
Qua 5 điều kiện trên, cũng là lý tưởng của người hảo tâm xuất gia. Những điều này người tại gia cư sĩ trẻ tuổi, trung niên hoặc lão niên về hưu cần phải biết rõ, để xác định tâm chí trước khi muốn cất bước đi trên con đường giải thoát trọn vẹn, hóa độ chúng sanh. Nếu cảm thấy không đủ khả năng, nghị lực theo 5 điều này, thì cứ ẩn dật tu hành, xa lánh chuyện đời, không cần xuất gia, làm người cư sĩ được như ông “lão Duy ma” thì quá tuyệt, hay vua A Dục, ngài Lê Đình Thám, Thiều Chửu, Chánh Trí... cho đến một người Phật tử bình thường vẫn thọ ngũ dục, ăn chay niệm Phật, tụng kinh giữ gìn 5 giới, tu hành thập thiện mà hộ trì chánh pháp lại còn hay hơn!
Đừng xem Phật giáo là một bệnh viện để vào đó nằm chữa bệnh, một viện an dưỡng để nghỉ ngơi vào tuổi xế chiều, và càng không phải là chốn thiên đàng cực lạc thụ hưởng vinh hoa... mặc dù đạo Phật có dư thừa những vị thuốc chữa khỏi nỗi khổ niềm đau thể xác cũng như tinh thần. Mà phải xem xuất gia để trở thành một chiến sĩ, một tướng lãnh, một quân lính tài giỏi, chứ không phải què quặt bệnh hoạn, giặc đến đánh thì biết làm sao? Chưa kể còn quẩn chân quẩn tay những binh tướng khác nữa!
Hàng năm, nhìn thấy đoàn đoàn lớp lớp sĩ tử nườm nượp tiến đăng giới tràng, lòng tôi vui buồn lẫn lộn. Vui khi thấy có hàng kế thừa các bậc tiền bối, nối đèn pháp soi sáng cõi thế nhân, mà buồn không biết hết ngần ấy có đả thông tư tưởng, lập chí dũng mãnh chấp nhận dấn thân hay không? Hay là đến khi lỡ xuất gia rồi, chỉ có cái xác mà thôi, hay “dùng dằng nửa ở nửa về”, và chấp nhận hai chữ “thôi đành”, đạo cũng chẳng lợi và đời cũng chẳng ích chi!
Trong Cảnh sách, Tổ Quy Sơn từng răn nhắc hàng hậu học về mặt ý nghĩa cao quý của người xuất gia: Người xuất gia là người cất bước chân đi siêu vượt các phương, tâm tư, hình thể khác kẻ trần tục, nối thịnh giòng Thánh, trấn phục quân ma, ứng dụng hành đạo báo đáp bốn ân, nhổ sạch phiền não, cứu giúp ba cõi.
Xuất gia là hạnh cao cả vĩ đại như thế. Rất mong đừng nên xem nhẹ!
Bình luận bài viết