Tin tức

HÃY SỐNG NHƯ LÀ NGƯỜI

HÃY SỐNG NHƯ LÀ NGƯỜI

 

Tin ảnh: NHUẬN KIÊN

 

ĐĐ Thích Phước Tiến

 

Tối 23/08/2018, tại Giảng đường Chánh Trí Chùa Phật học Xá Lợi, ngày thứ sáu của Tuần lễ Pháp hội Vu lan - PL 2562, Đại đức Thích Phước Tiến đã có buổi pháp thoại với đề tài “Hãy sống như là người”. Đông đảo Phật tử đã đến rất sớm để nghe bài pháp, sơ lược như sau:

Theo Đại đức, trong mỗi con người, ai cũng có phần con và phần người.

- PhầnCon được hình thành từ bản năng, là những ham muốn, dục vọng; được tạo nên bởi sự tham lam, tranh giành, lối sống ích kỷ, tìm kiếm dục vọng để thỏa mãn nhu cầu của xác thịt.

- Phần Người được hình thành từ các mối quan hệ trong đời sống xã hội. Nếu những mối quan hệ đó bị lệch lạc thì chắc chắn sẽ hình thành là một Người lệch lạc. Nếu phân tích nhân cách, khi người có các mối quan hệ xã hội tốt, thì sẽ trở thành một Người hướng thiện, sống có đạo đức, có phẩm hạnh tốt, luôn quan tâm đến những người khác. Nói cách khác Phần Người là một quá trình tu dưỡng, rèn luyện và không ngừng hoàn thiện mình.

Như vậy mỗi người trong chúng ta cần xác định “ta là ai” và “ta cần lm gì”;

Đức Phật đã dạy một triết lý sống đơn giản nhưng sâu sắc, giúp con người tiếp cận gần hơn tới hạnh phúc và vui vẻ. Cùng nghe lời Phật dạy về cuộc sống, hiểu được tôn trọng người khác cũng là tôn trọng chính mình.

Đức Phật đã dạy con người sống trên đời tránh nhất là tham, sân, si vì ba điều này gây ác nghiệp, khiến cuộc sống bế tắc, đảo lộn. Vì sao coi thường người khác là phạm ác nghiệp? Vì coi thường người khác chính là đang vướng vào tham, sân, si.

- Việc xem thường có thể xuất phát từ sự tự mãn, xem mình cao hơn người khác, hoặc có tính đố kỵ, ganh ghét, nên tạo ra tính tham lam, tham vọng. Lòng tham này có thể dẫn tới làm ác để chiếm đoạt, sở hữu cái không thuộc về mình. Như vậy, sống thuận theo tự nhiên mới mong có một cuộc đời viên mãn, sống tham lam thì quả báo ắt không trừ.

- Xem thường người khác là sân, là nóng giận, thù hận. Nếu biết rằng, khi xem thường ai đó thì trong lòng chúng ta nảy sinh ác nghiệp sân.

- Xem thường người khác là si, là mê muội, nông cạn, thiếu hiểu biết. Nếu ta làm được điều gì đó, đạt được thành tựu gì đó không có nghĩa là người khác cũng phải làm được, và ngược lại cũng như vậy.

Lời Phật dạy về cuộc sống đã nhấn mạnh tới bản ngã của mỗi con người. Bất cứ ai cũng là một cá thể hoàn chỉnh với những năng lực, cảm xúc, quan điểm khác biệt. Người thì có thế mạnh ở mặt này, người thì có thế mạnh ở mặt khác, trên đời không có người hoàn hảo và cũng không có ai là vô dụng cả.

Đánh giá thấp về người khác chính là biểu hiện của sự ngu muội, không nhìn thấy thấu đáo vấn đề, có cái nhìn phiến diện của cá nhân. Vì vậy mà dễ bị kích động, dễ sai lầm, dễ cho mình đứng trên, đến khi đối diện với cuộc sống rộng lớn mới ngỡ ngàng, thất bại và hối hận.

Mặt khác, Phật giáo luôn hướng con người tới cuộc sống an nhiên, tự tại, vô thường. Được như vậy có thể loại bỏ tham, sân, si và hạnh phúc. Để có được điều ấy, trước tiên phải tôn trọng người khác, tôn trọng chính mình.

Người đánh giá thấp người khác thực chất là người không biết tôn trọng chính mình, luôn so sánh bản thân với người xung quanh mà không biết rằng, giá trị của mỗi người đều xứng đáng được tôn vinh. Mình yêu quý bản thân bao nhiều thì người khác cũng yêu quý họ như vậy.

Hơn nữa, mỗi chúng ta là một cá tính riêng, sao phải trở thành thước đo so bì hơn kém với người khác. Chúng ta phải biết nhận lỗi, giá trị đích thực của con người phải biết nhẫn nhục, kiềm chế, chỉ cần ta trung thực chia sẻ, chỉ cần ta sống tốt, không quanh co, thì mọi chuyện sẽ đều tốt đẹp.

Khi ta tôn trọng chính mình thì cũng sẽ biết tôn trọng người khác. Mình tôn trọng mọi người, mọi người sẽ tôn trọng mình, tạo nên vòng tròn quan hệ dựa trên tinh thần tích cực, hòa đồng và nhân ái, mở rộng tâm hồn thì đương nhiên niềm hạnh phúc sẽ đến.

Hãy nhớ lời Phật dạy về cuộc sống, luôn để con mắt nằm ngang, nhìn thẳng một cách trong sáng, chính trực, cuộc đời tất bằng phẳng. Người mà mắt nhìn lúc nào cũng từ trên chiếu xuống, sẽ không thể thấy quang cảnh tươi đẹp xung quanh, càng không thể thấy trước chướng ngại trên đường mà tránh. Đó không phải là tự mình tạo nghiệp cho mình hay sao.

Dưới đây là vài hình ảnh tại buổi thuyết pháp.

 

Cung thỉnh Đại đức lên pháp tòa

Lắng nghe giảng pháp

Phật tử nêu thắc mắc

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 14
    • Số lượt truy cập : 6784299