Tin tức

HIẾU THUẬN LÀ MÙA XUÂN ĐẸP NHẤT

HIẾU THUẬN LÀ MÙA XUÂN ĐẸP NHẤT

TRÍ BÁ

 

Hiếu là điều quan trọng nhất của đạo làm người. Đức Khổng Tử nói: “Quân tử vụ bản, bổn lập vị đạo sinh. Hiếu để dã giả, kỳ vi nhân chi bổn”. (Người quân tử coi trọng cội gốc, gốc vững thì đạo phát sinh. Hiếu thuận là cội gốc của đạo làm người).

Và người xưa cũng dạy:

“Thiên hữu tứ thời xuân tại thủ,

Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên”.

(Trời có bốn mùa xuân là gốc,

Nhân sinh trăm nếp hiếu đứng đầu).

Trong Phật giáo, nhiều kinh tạng cũng đã đề cao và hướng con người đến việc nhận thức và thể hiện lòng hiếu hạnh của mình đối với đấng sinh thành:

“Gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật”.

                                                                        (Kinh Đại Tập)

Hay:

“Thờ trời đất quỷ thần, không bằng có hiếu với cha mẹ, vì cha mẹ là vị thần minh cao nhất trong các thần minh”.

                                                  (Kinh Tứ Thập Nhị Chương)

Phật giáo xem chữ hiếu là giới hạnh cao nhất, là điều thiện tối cao và bất hiếu là điều ác lớn nhất:

“Điều thiện tối cao không gì hơn hiếu,

Điều ác, ác nhất không gì hơn bất hiếu”.

(Kinh Nhẫn Nhục)

Hằng ngày đọc báo, xem tivi, chúng ta thấy đây đó không thiếu người bất hiếu với cha mẹ chỉ vì mảnh đất, cái nhà hoặc coi cha mẹ già là gánh nặng đời mình... Thế nhưng ở đời vẫn còn đó những tấm gương hiếu thảo đáng trân trọng.

Lòng hiếu không biến mất, nó vẫn hiện diện trên cõi đời này, vì hiếu thuận là cội gốc của đạo làm người, nếu không có nó thì chẳng phải là con người. Câu chuyện nhảy vào lửa cứu cha của em Trần Vương Công Thành, sinh viên năm thứ ba ĐH Hàng hải TP Hải Phòng đã gây xúc động đối với nhiều người. Hôm 27-10-2015, đang nấu nước thì ông Lâm, cha của Thành, nghe mùi gas xì ra từ ống dẫn. Ông lúng túng chưa kịp phản ứng thì lửa đã bùng lên. Thành vội vàng lao vào bếp đẩy cha ra ngoài cửa và hứng trọn ngọn lửa. Ông Lâm bị cháy sém cả phần mặt, cẳng chân, cánh tay, riêng bàn tay phỏng hơi gas bị rụng từng mảng thịt. Còn Thành bị nặng hơn: sốc phỏng, phỏng 58% cơ thể, có những chỗ phỏng đến độ III, bị nấm phổi phải lọc máu. Thành ở trong tình trạng hôn mê, phải lọc máu, mọi người sợ hãi vì nghĩ rằng như thế khó mà qua khỏi. Thế nhưng như có một phép màu, Thành dần khá lên và đã qua được cơn nguy kịch.

 

Trần Vương Công Thành đang điều trị tại Viện Bỏng - Ảnh: Quỳnh Liên

Hay câu chuyện hai người con hiến 80% lá gan để giữ cha mẹ ở lại cuộc đời. Ngày 10-10-2015, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết nơi đây vừa thực hiện ghép thành công hai ca ghép gan từ người cho sống. Bệnh nhân bà L.T.P.M (66 tuổi, ngụ TP HCM) và ông H.T (60 tuổi, ngụ Bến Tre). Bà M. bị ung thư gan, xơ gan giai đoạn cuối, nhiễm viêm gan siêu vi C. Khi nhập viện bệnh nhân còn được phát hiện có khối ung thư gan, bụng căng rất to, cứ vài ngày phải chọc hút 4 lít nước. Nếu không ghép gan nhanh, bệnh nhân sẽ suy thận bất kỳ lúc nào, lúc đó khả năng ghép sống rất ít. Con trai đầu lòng của bà năm nay 37 tuổi đã tự nguyện hiến gan cứu mẹ. Đây là trường hợp được các bác sĩ đánh giá là ca ghép gan khó nhất từ trước đến nay.

Tại phòng mổ người cho gan trong ca ghép gan ngày 10.10.2015 - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Ngay ngày hôm sau, 11-10-2015, bệnh viện tiếp tục tiến hành ca ghép gan cho ông H.T., 60 tuổi, ngụ ở Bến Tre. Ông T. được chẩn đoán ung thư gan, xơ gan nặng, nhiễm viêm gan siêu vi B, điều trị nội khoa không còn đáp ứng. Người hiến gan là con trai đầu của ông năm nay 32 tuổi.

Cả 2 bệnh nhân trên nguy cơ tử vong cao. Trước tình hình nguy cấp đó, 2 người con đã quyết định hiến phần gan mình cho cha mẹ không chút đắn đo. Cả hai mỗi người được nhận khoảng 80% lá gan của chính con trai của mình. Lại một phép màu, chức năng gan của người nhận đã hoạt động tốt, cả 2 bệnh nhân không còn thở máy và sức khỏe của hai người con ổn định dần.

Cảm động không kém là trường hợp hai anh em làm thuê nuôi mẹ: Nguyễn Hữu Nam và Nguyễn Hữu Định ở thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai). Nam đang là sinh viên Trường ĐH Giao thông Vận tải TP. HCM và Định đã học xong lớp 12. Nam biết mẹ đau yếu, làm lụng vất vả nhưng vẫn quyết tâm lên đường vào thành phố để tìm cơ hội đổi đời cho ba mẹ con. Nam để mẹ lại cho Định chăm sóc. Nhưng đến năm thứ hai đại học, Nam nhận được tin mẹ bị bệnh trụy tim, phải chữa trị cấp bách để duy trì sự sống, Nam liền quay về quê phụ em nuôi mẹ. Nam trở lại trường xin đăng ký bảo lưu kết quả học tập, ra ngoài đi làm bất cứ việc gì kiếm tiền nuôi mẹ, dự định năm sau học tiếp. Thế nhưng hết năm, bệnh tình của mẹ không khá hơn, mỗi ngày phải thuốc thang cả trăm ngàn đồng. Nam quyết định bỏ học, gửi lại trường ước mơ làm kỹ sư để lang thang hết TP. HCM rồi qua Lào, Thái Lan theo người làng đi làm thuê kiếm tiền nuôi mẹ. Còn Định bỏ dở con đường vào đại học để ở nhà vừa trồng rau để phụ anh nuôi mẹ vừa thay anh chăm sóc mẹ.

Định tâm sự: “Bằng tuổi em, các bạn giờ là sinh viên năm hai, năm ba rồi, nhưng hoàn cảnh không cho em lựa chọn. Em chỉ mong mẹ sống được ngày nào hay ngày đó vì mình có thể không làm việc này vẫn còn việc khác, còn mẹ thì chỉ có một.”

Định thay anh chăm sóc mẹ - Ảnh: B.D.

Những tấm lòng hiếu thuận trên đã làm lay động mọi trái tim, điều đó chứng tỏ rằng hiếu thảo không biến mất mà nó vẫn còn đầy ắp trong lòng người, tuy kiểu cách thể hiện ra ngoài mỗi người có khác nhau. Ngoài mùa xuân của đất trời, hãy cùng nhau tạo cho cha mẹ một mùa xuân trong lòng, đó là sự hiếu thuận. Hiếu thuận chính là mùa xuân đẹp nhất dành cho cha mẹ và của cha mẹ.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 32
    • Số lượt truy cập : 6345887