Hoạt tính của nước và tính Phật
HOẠT TÍNH CỦA NƯỚC VÀ TÍNH PHẬT
TRỊNH SÂM
Bài này, chỉ bàn đến sự nhận thức về hoạt tính của nước, cách thức mô phỏng nước để lập thức và dẫn giải có tính trực quan trong các bài giảng, cũng như những ảnh hưởng từ tư tưởng này đến ứng xử phật pháp của tổ sư Minh Đăng Quang, người sáng lập ra hệ phái phật giáo Khất Sĩ, một hệ phái cấp tiến, với nhiều chủ trương bản địa hóa mang ý nghĩa cách mạng đáp ứng được nguyện vọng tu hành của đông đảo quần chúng.
Khổng Tử cũng viết: Trí giả nhạo thủy. Ở Việt Nam, học giả nổi tiếng Cao Xuân Huy (1900 – 1983), trong quá trình nghiền ngẫm về bản sắc và lịch trình tư tưởng của Việt Nam, cụ đã nhận ra: “Dân tộc ta có cái đặc tính mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt, lưu động như nước...Từ đó, ông khái quát rằng, Dân tộc ta có tính nước...” và ghi nhận chính khả năng thích ứng và cân bằng, là bí quyết sinh tồn của người Việt Nam trước nhiều thế lực ngoại xâm hùng mạnh.
Trong các bài thuyết giảng của mình, nhà sư Minh Đăng Quang nhiều lần bàn đến nước, hoặc trong những ý riêng biệt hoặc trong mối tương quan với các các phạm trù vật chất khác khác, nhưng có lẽ tập trung nhất là trong bài Tánh Thủy từ trang 269 đến 280 của bộ sách Chơn Lý. Trong đó đáng chú ý là các ý tưởng sau:
Nước là đạo, là pháp, nước là thiện, là lành. Nước là sống đời vĩnh viễn, nước ấy là tánh của người quân tử, là tâm của Phật, là thân của trời, là trí của loài người, mà khi xưa các bậc hiền triết muốn cho chúng sanh tập theo tánh nước để ăn ở sống đời, (bài viết nhấn mạnh) nên đặt tên là nước, nước là dân, là đạo, đạo là tâm thủy, tánh của nước đó.
Rõ ràng, những chiêm nghiệm này của nhà sư, cần phải tìm hiểu sâu hơn, bởi vì, theo chúng tôi, đây là những căn cứ, những xuất phát điểm cho những hành xử phật giáo rất tích cực có ý nghĩa cách mạng, cho đến nay chưa hẳn đã mất tính thời sự.
3.1. Nước và tính thích nghi
Quan sát hoạt động của nước, dù tồn tại bất cứ ở môi trường nào, chúng ta thấy nước rất dễ tính (chữ dùng của cụ Cao Xuân Huy), sẵn sàng thích nghi với vật chứa tự nhiên hay nhân tạo: Hồ nước, ruộng nước, ngòi nước... chai nước, gàu nước, chĩnh nước... Thế nhưng, đó không phải là cách ứng xử ba phải, mà chính là cái khả năng thích ứng vô hạn của nước. Và điều này làm nên sức mạnh vô song của nước và tương ứng với nó là cách ứng xử theo đặc tính thủy của người đạt ngộ, khi nắm được lẽ huyền biến của nước.
Nhà sư Minh Đăng Quang viết: “Nước tuy dẻo dai mềm yếu nho nhã nhu hòa chan sớt theo hình lớn nhỏ, mà lại bền bỉ mạnh cứng to lớn ”, “Tuy mềm yếu lỏng nhẹ trôi chảy chiều chuộng như sợ sệt, ai muốn sao theo vậy, cũng như không ta, không tự chủ, không nhứt định, là cái sống của chúng sanh, sống theo nhân duyên, mà như thế mới là một sức mạnh, to lớn, ích lợi bền dài sống mãi”.
3.2. Nước và tính cân bằng
Trong quá trình hòa kết với tự nhiên, không phải ngẫu nhiên mà con người hay nhắc đến bề mặt phẳng lặng của nước. Ngày xưa, người phương Đông hay xem mặt phẳng của nước như một hình mẫu: Thước thủy trong đo đạc xây dựng, tính cân đối trong kiến trúc, tính bền vững niêm luật trong thơ ca... Do vậy, cho dù có thể lúc này, lúc khác, nước, một mặt, có thể uốn cong, luồn lách theo mọi ngõ ngách, uyển chuyển theo địa hình, nhưng mặt khác bao giờ cũng vươn tới thế cân bằng. Nói cách khác, cân bằng là thế tồn tại ổn định của nước. Dựa vào đặc điểm này, con người có nhiều khái quát tuyệt diệu về cách hành xử ở đời, cũng như xây dựng những liệu pháp tâm lý trong xã hội công nghiệp.
Vẫn trên nền tảng ấy, con nhà phật còn vươn xa hơn trong việc xác lập tính tĩnh tại có tính chất hướng nội thuộc về tâm giác, còn theo cách hướng ngoại, đó là cách khai thị theo hướng vô ngôn và như một sự thể hiện bản chất cân bằng của tự nhiên. Sách Chơn lý nhìn nhận: “Mặt nước thì bằng phẳng, sáng rỡ và tự nhiên cũng như sự im lặng, chơn như, sự công bình theo đạo lý, như sắc diện sáng rỡ của bậc quân tử trượng phu”... “Không ai chém giết đánh đập được nước, dầu sau cơn bị động rồi, thì nước vẫn trở lại yên lặng bằng phẳng như nhiên, như không có chi hề hấn...”
3.3. Nước và tính cố kết
Có lẽ một trong những đặc tính làm nên sức mạnh của nước là tính cố kết chứ không phân rã và khả năng dung nạp rất lớn của nó, cho nên có thể nói là đặc trưng cố kết trong thế hoàn toàn mở chứ không phải đóng kín. Nói cách khác, cố kết như một động lực để chan hòa và cộng hưởng, có khi chấp nhận tiểu dị để vươn tới đại đồng. Dựa vào cách hình dung vừa phân tích, dân gian Việt Nam coi tất cả chất lỏng trong cơ thể con người đều là nước, ngoại trừ máu và mồ hôi.
Trở lại, vấn đề đang bàn, nhà sư Minh Đăng Quang đã sớm nhận ra điều này: “Nước là một chất lỏng chan hòa với tất cả các chất, cũng như sự không xan tham, chan sớt sống chung cùng với chúng sanh” và “Nước không có hột phân tách, cũng như lòng sống chung từ bi bác ái, đại đồng, bình đẳng của nhà đạo đức, không chia rẽ phân biệt, ích kỷ riêng tư”.
3.4. Nước và tính thông thoáng, lưu chuyển
Làm nên tính chất mở và cũng gần gũi với sự chan hòa, không chia rẽ, phân biệt như ở (3.3), là tính chất thông thoáng của nước. Nhìn nước xuất phát từ nguồn, vượt qua bao thác ghềnh để về với biển cả, nó không chỉ là đạo, hành trình ấy theo tri nhận quan không khác chi đời người. Đó là cách nhìn có tính trực quan, thật ra sự liên thông của nước hầu như không có vật gì ngăn cản được; khác biệt, cách ngăn chỉ có tính chất tạm thời.
Về điểm này, tổ sư như đã vượt chấp để nhận ra: “Nước thì liên thông không có chi ngăn bít được...” và “Tuy nước ao nầy ao kia cách khoảng, nhưng nó cũng có hang mạch thông đồng; cũng như xứ đạo đức bên nầy, nước quân tử bên kia, tuy ở cách xa, chớ tinh thần lý trí điển lành lúc nào cũng dung hợp làm một, mà không ai ngăn cản được”.
Quả nhiên, từ sự lưu chuyển thông thoáng của nước mà nghĩ đến tính chất dung hợp và tương đồng giữa các nét tích cực của những học thuyết, những đức tin của nhiều tôn giáo, rất cách xa về mọi phương diện, chính nhà sư đã cung cấp một cái nhìn nhất thể hóa, cho thấy tính chất trung đạo trong lập thuyết của tổ sư. Xa hơn, phải chăng xuất phát từ chủ trương, khác biệt chỉ là phương tiện mà cái chính là ở mục đích, mục đích sẽ biến đổi và hoán cải phương tiện? Đúng như thế, chính tổ sư Minh Đăng Quang đã xác nhận: “Dầu nước ao, nước sông, nước rạch, nước nguồn, thảy đổ vào biển cả, bao nhiêu màu sắc đều hóa một màu. Cũng như bao nhiêu tôn giáo, giáo phái, chi nhánh pháp môn của đạo đức, đều gồm có một mục đích là Niết Bàn nhà đạo!”
3.5. Nước và tính thanh lọc
Trong thế đối lập với đất, Chơn lý đề cập đến tính chất sạch/dơ, trong/đục của sông nước, cũng chính là muốn nói đến cuộc đời và con người.
Sách viết: “Những khi bão tố nước đục dâng lên, tràn vào ao nước trong cao ráo, khi đến đó rồi là ở yên đó và lần hồi phải tự lóng trong, theo như chất nước ao trong.” ... (còn) “Nước ao trong chảy ra ngoài sông đục, cũng như đào đất moi giếng gặp nước trong, nước trong ấy ai cũng quí giá hoan hô cất giữ...” “Ví bằng khi nước dơ tràn ngập đến người ta nếu có ích kỷ muốn giữ nước ao trong, thì lấy đất đắp ngăn chận lại, đất ấy tức là vật chất, của cải, tiền tài...”. “Như thế, đạo lý là nước ao trong, cao ráo, nước đục dơ tràn lên là sự sôi nổi của ý tham, tiền của là đất đắp bờ...”
Dễ thấy, theo cách lập thức của tổ sư, nước trong, sạch là đạo cần phải theo; nước đục, dơ là lòng tham nên tránh, trong cuộc sống đục/trong, dơ/sạch lẫn lộn nên phải nhờ đến sự thanh lọc của nước. “... dùng pháp lý mà gội rửa thân tâm, gần người tu quân tử (hiểu là phật pháp, theo cách nói ngày nay, chú của bài viết) thì thân tâm mát nhẹ, trí sáng làu làu”.
Ta hãy suy ngẫm tiếp: “Người ta giặt rửa cái dơ vào trong nước, thì với sự yên lặng, cái dơ lắng xuống đáy, hay cũng có sóng gió là cái dơ ấy bị tạt thải lên bờ. Sự điềm tĩnh của người tu cũng y như vậy, hạ bỏ tất cả phiền não xuống tận đáy lòng, cùng khi nói cùng xô dẹp qua một bên, mà tánh người tu vốn thường trong sạch và yên lặng. Nước dơ thì phải tự rửa nó bằng yên lặng..., người tu có dơ tự họ rửa lấy... Ai cũng uống nước mà sống, tắm nước làm sạch...”
3.6. Nước và tính thanh khiết
Trong văn hóa Việt Nam, trong ba ngày Tết, hay khi cúng quảy, trên bàn thờ ngoài hoa quả, bao giờ cũng có một ly hay chén nước trắng tinh khiết. Điều này phần nào cho thấy tính chất biểu trưng về lẽ uyên nguyên của nước trong đời sống tâm linh của người Việt.
Nhà sư Minh Đăng Quang viết: “Nước chỉ một màu sáng trắng, tức là sự thanh bạch của các vị đạo sư”. “Nước một màu sáng trắng cũng như trí của quân tử chẳng chút si mê”. “Nước thì trong như lòng không dính lợi của nhà đạo. Vị của nước ngọt, giống lời nói của người hiền. Nước ngọt lòng nhẹ tan chảy có đường, nên kêu là sự nho nhã, nhu hòa nhu đạo”.
3.7. Nước và sự vĩnh hằng
Về bản thể của nước, với cái nhìn của phật học, nó luôn là sự vĩnh hằng cho dù có sự thay đổi trên bề mặt hiện tượng.
Sách Chơn lý nhiều lần đề cập, xin được trích một vài đoạn: “Nước bao giờ cũng mát, dầu phải bị cơn đốt nấu đi nữa, thì sau khi đó thì nó cũng mát trở lại tánh cũ”. “Dầu có ai múc nước uống, đem nước nấu khô, hay là đổ đi đâu thì nước bao giờ cũng trở về với nước”. “Người quân tử chẳng mất, cũng như nước bao giờ cũng vẫn còn hoài hoài”. “Nước biển thì bay lên không trung làm mây, mây mưa rưới lại sông ngòi, sông ngòi đổ tuôn về biển, phận việc xoay tròn như thế nên nước biển vẫn mãi một mực, không cao thấp...”.
4. Nước và người tu hành
Khi đi tìm đặc điểm của nước, về mặt biểu đạt, tổ sư Minh Đăng Quang có khi trình bày như một vấn đề tách biệt ít nhiều có tính chất tự nhiên như bản chất vốn có của nó, nhưng cũng có khi đặt những trải nghiệm về nước gắn liền với người tu hành mà sư hay dùng là người quân tử, người đạo. Dễ thấy, từ góc độ của tri nhận luận, nước ở đây được dùng như một miền nguồn với những đặc tính cụ thể, các lập thức lấy đó làm căn cứ để phóng chiếu về những suy tưởng có tính chất trừu tượng. Cho nên, trong lập thức của mình, có khi dưới hình thức trực tiếp, có khi dưới hình thức gián tiếp, tổ sư hay dẫn giải theo hướng liên hệ đến các cách ứng xử của con nhà Phật.
Khi liên hệ đến bản tính hiền mát của nước, nhà sư biện giải: “Cũng như người quân tử không bao giờ sân giận, dầu phải bị ai gây gổ trêu chọc, thì cái nóng ấy cũng chỉ trong giây lát mà thôi. Vì bởi người đã quen tánh mát, tánh mát đã tự nhiên, để tự nhiên là nó mát lấy nó”. Cũng trong chiều hướng đó, có thể tìm thấy mối liên hệ về một số thuộc tính của nước và bản thể phật mà con người cố gắng để đạt đến, chẳng hạn như (i) Tính vĩnh hằng của nước và lòng đạo: “Không ai chém giết đánh đập được nước... Dầu ai có múc nước uống, đem nước nấu khô hay đổ đi đâu thì nước bao giờ cũng là nước. Khác nào người đạo dầu bị ai cám dỗ bắt đi đâu, dầu cho lợi danh ràng buộc thì lòng đạo bao giờ cũng trở về với đạo, chẳng trở lại bằng xác thịt được thì khi chết đi, linh hồn cũng trở về sanh nơi xứ đạo của mình”, (ii) Tính chất thanh lọc của nước và bổn phận của người tu: “Nước biển thì bay lên không trung làm mây, mây mưa, rưới lại sông ngòi, sông ngòi đổ tuôn về biển... Phận sự của người tu là phải tế độ sàng lọc các pháp của chúng sanh, phải y như vậy, mới gọi là con rồng ở trong biển, phún mưa giúp đỡ thiên hạ”.(iii) Và bao trùm lên tất cả là thông điệp mà tổ sư muốn gửi đến cho người học đạo là phải luôn trau dồi tâm thủy, tánh thủy, học tập đạo thủy để mà tu tâm, hành đạo: “...trao dồi tâm thủy, tập tánh quen như nước... Nước là quân tử, là phật, mà các bậc đại hiền muốn cho tất cả đều tu và chỉ đạo cho ngó thấy, lấy nước mà so sánh dễ hiểu, mong cho cõi đời trở nên xứ phật, xứ đạo đức, xứ hiền lương, chớ nào có bảo việc hơn thua tranh lợi”.
Nói ứng xử Phật pháp là cách nói khiêm nhường của con nhà Phật chứ thật ra, nhà sư rất có ý thức trong lập thuyết và trên cơ sở kế thừa các cách biện giải của các nhà tư tưởng tiền bối trong và ngoài Phật giáo, bước đầu nhà sư đã xây dựng cho mình một hệ suy nghĩ có tính hệ thống, nhất quán và triệt để hơn về đặc tính thủy. Hơn thế nữa, toàn bộ những trải nghiệm về nước được nhà sư tập trung vận dụng để giải quyết những vấn đề Phật học ở một thời điểm cụ thể, trên một địa bàn cụ thể, mà kết quả là sự ra đời của hệ phái Khất sĩ chỉ có ở Việt Nam, với những chủ thuyết khác biệt, vừa dung hòa, vừa cấp tiến trên con đường hoằng pháp đưa tư tưởng Phật giáo đến với đời sống, phù hợp với đất Nam Bộ lúc bấy giờ.
Về phương thức tri nhận, vẫn là dấu ấn của văn hóa nhận thức của người Việt xuất phát từ ba nguyên lý: sông nước là thực thể gần gũi nhất nên xuất hiện trước nhất, sông nước là thực thể gần gũi nhất nên xuất hiện nhiều nhất, sông nước là thực thể gần gũi nhất nên có tầm tác động lớn nhất. Điều này được thể hiện trong ứng xử của người Việt nhưng có lẽ đậm nét là trong cá tính của người Nam Bộ. Nói cụ thể, có thể kể ra các ẩn dụ bậc trên đã hằn sâu trong trí óc của người Việt, kiểu như: Dòng sông là cuộc đời, Dòng sông là đời người, Hành trình sông nước là hành trình đời người, vận động của sông nước là ứng xử của con người, Nước là vật chứa, Thời gian là sự vận động của nước, trên cơ sở này, nhà sư đã xây dựng nên các ẩn dụ: Nước là con người, Hoạt động của nước là cách thế ứng xử phật pháp, và có ý nghĩa bao trùm và chi phối, theo cách diễn đạt của tổ sư là ẩn dụ tri nhận: TÁNH THỦY LÀ TÁNH PHẬT.
Về mặt chủ thuyết và ứng xử thực tiễn, hệ phái chủ trương: Du tăng đi xin ăn (khất sĩ) là để học đạo, để rèn luyện tinh thần, không tích trữ của cải vật chất; để hạ lòng tự tôn tự đại, giải quyết mối quan hệ giữa nhận và cho, lập lại sự cân bằng tâm thân cho chính mình và cho người khác; khất sĩ học pháp Phật cũng như đang học tư tưởng của các
giáo lý khác, không có gì khác biệt; mục đích tu hành của khất sĩ cũng giống như các tôn giáo khác (khất sĩ là như tất cả, tất cả cũng là như khất sĩ). Hệ phái khất sĩ không câu nệ vào ngôn ngữ gốc của kinh Phật (tiếng Phạn) hay ngôn ngữ vay mượn (tiếng Hán), họ chủ trương ngôn từ chỉ là phương tiện, tiếng nói của Phật có tính phổ quát, cho nên việc tụng niệm, trì chú, giảng giải tất cả đều bằng tiếng Việt, thậm chí tiếng Việt ở Nam Bộ (Phương ngữ Nam Bộ).
Trong tất cả các căn nguyên làm nên tính thích nghi để phù hợp với thực tiễn Nam Bộ của Phật giáo khất sĩ có thể có, không thể không nhắc đến việc mô phỏng đặc tính của nước hay nói như tri nhận quan, chính đặc tính của nước là miền nguồn cơ sở để từ đó tổ sư Minh Đăng Quang xác lập những không gian tinh thần thể hiện nguồn gốc và cách thức mà nhà sư lập thuyết.
6. Thoạt nhìn, dễ tưởng tư tưởng thông thoáng, dung hợp, thích nghi trong chủ thuyết của hệ phái Phật giáo khất sĩ không liên quan gì đến đặc tính của nước. Thế nhưng, thông qua cách lập thức, cách minh họa về nhiều vấn đề Phật pháp của tổ sư Minh Đăng Quang, như đã phân tích, có thể thấy, những trải nghiệm về nước nói riêng, sông nước nói chung, trong tương tác với môi trường văn hóa Nam Bộ, rõ ràng là nguồn gốc suy tưởng chi phối mạnh mẽ đến ứng xử Phật pháp của hệ phái.
Chúng ta có thể tán đồng hoặc không tán đồng về chủ thuyết của hệ phái, nhưng xét về mặt ứng dụng, có lẽ những hoạt tính của nước như lý giải của tổ sư nhất là khi liên hệ với cách ứng xử cần có của người tu hành, đã gợi mở nhiều suy tưởng bổ ích trong quá trình thanh lọc tâm hồn, xây dựng tâm thân.
Bình luận bài viết