Tin tức

HỘI THẢO KHOA HỌC “CƯ SĨ CHÁNH TRÍ- MAI THỌ TRUYỀN VỚI HỘI PHẬT HỌC NAM VIỆT”

HỘI THẢO KHOA HỌC

“CƯ SĨ CHÁNH TRÍ- MAI THỌ TRUYỀN

VỚI HỘI PHẬT HỌC NAM VIỆT”

 

Tin ảnh: TRÍ BÁ - NHUẬN KIÊN

 

 

 

Để tiếp tục làm rõ những đóng góp to lớn của Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền và Hội Phật học Nam Việt, nhân dịp kỷ niệm 46 năm ngày mất của Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, trên tinh thần tri ân và tiếp bước các vị tiền bối hữu công của Phật giáo Việt Nam, ngày 20-4-2019 (16-3 Kỷ Hợi) tại Chùa Phật học Xá Lợi - TP. HCM, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Cư sĩ Chánh Trí- Mai Thọ Truyền với Hội Phật học Nam Việt”.

Quang lâm và chứng minh hội thảo có các vị cao tăng HT. Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN); HT. Thích Hiển Tu, Phó Thư ký Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Viện chủ Chùa Phật học Xá Lợi; HT.TS Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Thông tin Truyền thông GHPGVN, Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội; HT.TS Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Phật giáo Quốc tế GHPGVN; HT. Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự kiêm Chánh Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN; HT. Thích Tấn Đạt, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, Phó Chánh Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN; HT. Thích Hải Ấn, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế; HT. Thích Quang Nhuận, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Hoằng pháp GHPGVN; HT. Thích Minh Thiện, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Ban Hoằng pháp GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Long An; TT.TS. Thích Đồng Bổn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Tổ chức Hội thảo.

Tham dự buổi hội thảo còn có các nhà nghiên cứu, nhà khoa học PGS.TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Đồng Trưởng ban Tổ chức Hội thảo; PGS.TS Nguyễn Hồng Dương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; PGS. TS Trần Hồng Liên, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam; PGS. TS  Hoàng Thị Thơ; PGS. TS  Phạm Anh Dũng; TS.BS Đỗ Hồng Ngọc; TS. Lương Thị Thu Hường;  Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam; Nhà nghiên cứu Nguyễn Đại Đồng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam; cùng nhiều vị thiện tri thức.

Đến dự còn có các thành viên của Ban Phật học và Phật tử các đạo tràng Chùa Phật học Xá Lợi.

 

Niệm Phật trước khi Hội thảo

TT. TS. Thích Đồng Bổn, Phó Trưởng Ban tổ chức Hội thảo, tuyên bố khai mạc Hội thảo

PGS.TS Chu Văn Tuấn giới thiệu đề dẫn Hội thảo

Ông Lý Việt Hoàng, đại diện gia đình cố cư sĩ Chánh Trí chào mừng Hội thảo và cảm tạ chư tôn đức, thiện tri thức.

 

Sau phần khai mạc, Hội thảo được tổ chức tại 2 phòng với 2 chủ đề:

Phòng 1 dưới sự chủ trì của PGS.TS Chu Văn Tuấn, HT.TS Thích Gia Quang, PGS. TS  Phạm Anh Dũng, PGS. TS Trần Hồng Liên, TS.BS Đỗ Hồng Ngọc, các diễn giả đã tham luận và tranh luận sôi nổi với chủ đề “Cuộc đời và sự nghiệp Cư sĩ Chánh Trí”.

 

Tham luận tại Phòng 1 

 

Phòng 2 dưới sự chủ trì của PGS.TS Nguyễn Hồng Dương, HT. Thích Hải Ấn, HT. Thích Quang Nhuận, PGS. TS  Hoàng Thị Thơ, Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, các diễn giả đã tham luận và cùng nhau trao đổi chủ đề “Tư tưởng, tác phẩm và Hội Phật học Nam Việt”.

 

Tham luận tại Phòng 2

Ban tổ chức Hội thảo cho biết, đã nhận được 43 bản tham luận của các nhà nghiên cứu và chư tôn đức. Nội dung các bài tham luận khá phong phú, đề cập đến nhiều chủ đề khác nhau như về cuộc đời, tư tưởng, con đường đến với Phật pháp, những đóng góp của Chánh Trí Mai Thọ Truyền; về Hội Phật học Nam Việt, v.v.. có thể khái quát nội dung các báo cáo tham luận như sau:

Thứ nhất, các tham luận, ở các mức độ đậm nhạt khác nhau đều đã đề cập đến cuộc đời và tư tưởng Phật học của Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, một người được đào tạo bài bản cả Nho học và Tây học, hiểu biết rộng, từng giữ rất nhiều chức vụ quan trọng của chế độ đương thời, nhưng luôn giàu lòng trắc ẩn, một lòng vì đạo pháp, một cư sĩ, phật tử thuần thành, uyên thâm phật pháp. Ông được đánh giá là điểm sáng chói trong phong trào chấn hưng phật giáo ở miền Nam, vị đại cư sĩ đầu thế kỷ XX, là cư sĩ hiếm hoi được tôn xưng với 4 từ “cuộc đời tận hiến”, hình tượng của trí thức miền Nam, v.v... Một số báo cáo đánh giá ông là người có tầm nhìn xa, có chí khí lớn lao, có tinh thần, phong cách và tư duy khoahọc. Về tư tưởng Phật học, Chánh trí Mai Thọ Truyền đã đề cập đến nhiều quan điểm và tư tưởng khác nhau như tư tưởng tịnh độ tông, về các giai đoạn học phật, đường lối học phật. Chánh Trí Mai Thọ Truyền cho rằng, cần nhận rõ bản chất chân tướng của sự vật rồi mới tu hành; cần siêng năng huân tập những thói quen tốt lành, và dần loại bỏ những thói quen không có lợi, ông đưa ra quan điểm “sáng suốt nhân quả, tường tận muôn duyên, tỉnh thức chánh niệm”, v.v..

Thứ hai, các tham luận đã đề cập đến vai trò, đóng góp của Chánh Trí Mai Thọ Truyền trên các lĩnh vực như: việc thành lập Hội Phật học Nam Việt, việc xây dựng chùa Xá Lợi, việc thành lập tạp chí Từ Quang – một tạp chí Phật học được đánh giá rất cao, góp phần to lớn trong sự nghiệp hoằng dương phật pháp. Mai Thọ Truyền cũng đóng vai trò tích cực trong đấu tranh chống chính sách đàn áp tôn giáo của chế độ Ngô Đình Diệm. Ngoài ra, Chánh Trí Mai Thọ Truyền còn đóng vai trò là một giảng sư trong các lớp Phật học, một người biên soạn, phiên dịch kinh sách Phật giáo, ông đã để lại nhiều công trình, tác phẩm có giá trị cho hậu thế. Các bài tham luận cho thấy, Mai Thọ Truyền rất chú trọng đến hàng cư sĩ Phật tử, ông đã nhìn thấy vai trò của hàng cư sĩ trong việc hộ pháp, ông đã quy tụ được một đội ngũ đông đảo các cư sĩ để phụng sự đạo pháp.

Thứ ba, các báo cáo đã đề cập đến Hội Phật học Nam Việt: sự ra đời, tổ chức, tôn chỉ, mục đích, phương châm của Hội. Các bài viết cũng trình bày cơ cấu tổ chức, các hoạt động của Hội, các kỳ đại hội … cũng như mạng lưới các chi hội ở khắp các tỉnh thành Nam Bộ. Không chỉ đóng vai trò phổ biến Phật học, hoằng dương Phật pháp, Hội Phật học Nam Việt còn đóng vai trò quan trọng trong phong trào đấu tranh Phật giáo năm 1963, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong tiến trình thống nhất Phật giáo. Bên cạnh những hoạt động giáo dục, đào tạo tăng tài, Hội Phật học Nam Việt còn có nhiều hoạt động từ thiện xã hội như mở phòng phát thuốc miễn phí, v.v.. Một trong những nội dung mà Hội Phật học Nam Việt rất qua tâm đó là tổ chức thành lập Gia đình Phật tử nhằm giáo dục đạo đức, tri thức cho thế hệ kế tiếp.

Thứ tư, các tham luận đã đề cập đến sự hình thành tạp chí Từ Quang, đây là một tạp chí Phật học có thời gian phát hành lâu nhất, có lượng độc giả lớn, có ảnh hưởng xã hội sâu sắc. Sự hình thành, phát triển và những đóng góp của tạp chí Từ Quang gắn liền với Chánh Trí Mai Thọ Truyền. Ông không chỉ là người sáng lập, chủ bút, chủ nhiệm mà còn là một cây bút chủ chốt của tạp chí. Ông có thể viết đủ mọi thể loại, trừ thơ. Trong 24 năm kể từ khi tạp chí Từ Quang ra đời cho đến khi Chánh Trí Mai Thọ Truyền qua đời, ông đã viết được một khối lượng đồ sộ các bài viết, sau này được tập hợp để biên soạn thành các công trình của ông. Không chỉ có những công trình luận giải về Phật học sâu sắc, Mai Thọ Truyền cũng để lại phong cách viết văn, viết báo súc tích, cô đọng, có sức hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Chính vì vậy, có ý kiến cho rằng cần học tập phong cách làm báo của Chánh Trí Mai Thọ Truyền.

Thứ năm, một số báo cáo đã nói đến những bài học từ cuộc đời, đóng góp của Chánh Trí Mai Thọ Truyền đối với đạo pháp, dân tộc trong giai đoạn phát triển của Phật giáo Việt Nam hiện nay. Một trong những bài học đó là cần phát huy hơn nữa vai trò của cư sĩ Phật giáo đối với sự nghiệp bảo vệ và phát triển Phật giáo trong giai đoạn hiện nay. Cần cơ cấu vào các Ban của Giáo hội các cư sĩ có tài có đức, có tinh thần phụng sự đạo pháp. Cần phát huy mô hình Phật học hội ở các cấp độ và quy mô khác nhau. Một số báo cáo còn kiến nghị cần phải tôn vinh cư sĩ Chánh trí Mai Thọ Truyền hơn nữa so với hiện nay. Có ý kiến kiến nghị một cách cụ thể như Thư viện chùa Xá Lợi nên đặt tên là thư viện Chánh trí Mai Thọ Truyền.

Có thể nói, các tham luận gửi tới Hội thảo đã đề cập đến rất nhiều nội dung và chủ đề khác nhau, qua đó mang lại cho chúng ta sự hiểu biết khá toàn diện về cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp của Chánh Trí Mai Truyền; về sự hình thành, phát triển, những hoạt động, vai trò của Hội Phật học Nam Việt; về sự hình thành, phát triển và đóng góp của tạp chí Từ Quang. Qua đó, người đọc hiểu thêm về lịch sử Phật giáo Việt Nam giai đoạn chấn hưng và hậu chấn hưng Phật giáo, cũng như diễn trình thống nhất Phật giáo Việt Nam, giai đoạn mà cho đến nay vẫn còn chưa có nhiều nghiên cứu đề cập. Đồng thời, các bài tham luận cũng góp phần chỉ ra những bài học của Chánh Trí Mai Thọ Truyền và Hội Phật học Nam Việt đối với Phật giáo Việt Nam hôm nay.

Với tinh thần khoa học, khách quan, Hội thảo khoa học “Cư sĩ Chánh Trí- Mai Thọ Truyền với Hội Phật Học Nam Việt” đã thảo luận và làm rõ những vấn đề cơ bản:

Một là, cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp của Chánh Trí Mai Thọ Truyền đối với sự nghiệp hoằng dương phật pháp nói chung, với Hội Phật học Nam Việt nói riêng.

Hai là, sự hình thành, phát triển, những hoạt động, những đóng góp của Hội Phật học Nam Việt trong diễn trình vận động của Phật giáo Việt Nam.

Ba là, sự hình thành, phát triển những đóng góp của Tạp chí Từ Quang đối với sự nghiệp hoằng dương Phật pháp.

Bốn là, vai trò của cư sĩ trong việc hộ pháp và hoằng dương chánh pháp.

Hội thảo đã bế mạc vào buổi chiều cùng ngày./.

 

TOÀN VĂN NHỮNG BÀI THAM LUẬN CỦA HỘI THÀO. KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TẠI ĐÂY

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 68
    • Số lượt truy cập : 6951897