Tin tức

Lần đầu đến Mông Cổ

LẦN ĐẦU ĐẾN MÔNG CỔ

NGÔ LỆ THU

 

Từ Hàn Quốc, chúng tôi đáp máy bay chuyển tiếp đến sân bay Thành Cát Tư Hãn tại thành phố Ulan Bator vào giữa đêm. Tôi thật ngạc nhiên trước thủ tục nhập cảnh rất nhanh chóng cùng với sự giao tiếp vui vẻ của các nhân viên ở sân bay. Đường phố không ồn ào, xe cộ thưa thớt, có lẽ vì đã quá nửa đêm; chúng tôi về khách sạn nghỉ ngơi, tuy có hơi mệt mỏi nhưng ai cũng phấn khích chuẩn bị cho ngày mai, ngày đầu tiên trên đất nước Mông Cổ xinh đẹp theo lịch trình đã định.

Mông Cổ là đất nước mà từ lâu, tôi rất mong có dịp được đến không chỉ vì nơi đây có danh tướng kiệt xuất Thành Cát Tư Hãn, có bề dày lịch sử hào hùng và các di sản văn hóa độc đáo mà còn bị thu hút bởi thiên nhiên tươi đẹp với thảo nguyên ngút ngàn và được tận mắt nhìn đời sống của dân du mục. Thật vậy, đất nước này quá rộng lớn với diện tích hơn 1,5 triệu kilômét vuông nhưng dân số chỉ có gần 3 triệu người, một mật độ dân cư thấp nhất thế giới.

Mông Cổ là quốc gia ở miền Trung Á, phía Bắc giáp Liên Xô cũ và phía còn lại từ Đông, Nam, Tây giáp với Trung Quốc. Một nửa dân số của Mông Cổ sống tại thành phố lớn, thủ đô là Ulan Bator và Phật giáo là quốc giáo. Ulan Bator hay Ulaanbaatar (nghĩa là "Anh hùng Đỏ") là thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của Mông Cổ với vị thế là một đô thị trực thuộc trung ương, không thuộc bất kỳ một tỉnh nào. Thành phố được hình thành từ năm 1639 với vai trò là một trung tâm tu viện Phật giáo và di chuyển dần cùng với những người dân du mục. Năm 1778, thành phố được hình thành cố định tại địa điểm hiện nay, nơi hợp lưu của hai dòng sông Tuul và Selbe. Thành phố có độ cao 1.310 mét trên một thung lũng nằm bên sông Tuul. Ulan Bator là trung tâm văn hóa, kinh tế và tài chính của toàn bộ đất nước Mông Cổ và cũng là trung tâm của mạng lưới đường bộ tại Mông Cổ, và có thể kết nối với cả đường sắt xuyên Siberi của Nga và hệ thống đường sắt Trung Quốc...

 Theo lịch trình, chúng tôi cùng tham gia với đoàn đến từ Đài Loan để tham quan Tu Viện Gandan Tegchinlen Khiid, tượng đài TCTH, thăm Viện Mồ Côi, Trường Đại học Y Dược... và tất nhiên, không thể thiếu chuyến dã ngoại đến các vùng thảo nguyên mênh mông, hưởng thú cưỡi ngựa rong ruổi và được nâng chú đại bàng trên tay để chụp hình làm kỷ niệm.

Trên đường đến tu viện, tôi thấy chỉ toàn là xe hơi, không có chiếc xe gắn máy nào. Hai bên đường, các cửa hàng lớn và công ty nằm san sát nhau. Tôi có cảm giác như mình đang đi trên đường phố của nước Nga vì các bảng hiệu đều dùng mẫu tự của tiếng Nga. Tôi cũng trông thấy một cửa hàng sửa xe hơi do người Việt Nam kinh doanh dịch vụ tại thành phố Ulan Bator. Người dân Mông Cổ có dáng cao, to, khỏe mạnh; phụ nữ ăn mặc đẹp và rất thời trang như ở Hàn Quốc. Khuôn mặt người Mông Cổ có chung một đặc điểm là đôi mắt nhỏ, mũi thanh, miệng lúc nào cũng tủm tỉm trông rất hay. Đặc biệt, họ có tiếng cười rất sảng khoái, tạo cho khách phương xa cảm giác thân mật, gần gũi. Vào tháng 8, khí trời mùa Thu mát lạnh nhưng lại rất nắng. Cái nắng thật chói chang giống như ở Tây Tạng. Ban đêm thì rất lạnh, nhiệt độ tụt xuống  chỉ còn vài độ C.

Đoàn chúng tôi tháp tùng được các nhà sư của tu viện đón tiếp thật chu đáo vì có Ngài Khangser Rinpoche từ Nepal đến Mông Cổ để giảng pháp. Ngài là nhân vật chính mà tu viện cung nghinh cùng bao Phật tử Mông Cổ đón chào. Tôi đã từng được nghe Ngài giảng pháp tại Việt Nam về “Giải Thoát Trong Lòng Bàn Tay” của Pabongka Rinpoche; lời giảng của ngài rất gần gũi, dễ hiểu và cũng dễ thực hành. Qua bài viết về Phật giáo Mông Cổ của Thầy Thích Nguyên Tạng thì Phật giáo được truyền vào Mông Cổ từ Ấn Độ, Trung Á và Trung Hoa từ thế kỷ IV trước Tây lịch theo con đường tơ lụa và đã phát triển đến thế kỷ XIII Tây lịch với nhiều đợt truyền giáo của Phật giáo Tây Tạng và Trung Hoa. Tuy nhiên, Phật giáo Tây Tạng lại có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của người dân Mông Cổ. Đất nước Mông Cổ cũng đã trải qua bao thăng trầm, đặc biệt vào sau những năm 1922, các chùa chiền của Phật giáo hầu hết bị phá hủy theo tình hình thế sự. Tu viện Gandan Tegchenling mà chúng tôi đến là một trong vài tu viện còn giữ được nguyên trạng từ xưa. Gandan (còn được gọi dưới cái tên Tu viện Gandantegchinlen Khiid) là một trong những Tu viện lớn nhất, đồng thời cũng là Trường Đại học Phật giáo quan trọng nhất đối với người Mông Cổ và là một điểm tham quan không thể thiếu của các đoàn khách du lịch ở Ulan Bator. Được thành lập vào năm 1838 bởi Jebsundamba thứ 5, Tu viện còn phát triển như trung tâm Phật học ở Mông Cổ. Vào những năm 30 thế kỷ XX, chính phủ Mông Cổ ra lệnh phá hủy gần 100 tu viện Phât giáo, Tu viện Gandan được giữ lại. Đền Janraisig Migjid là một phần quan trọng của Tu viện Gandan. Ngôi đền có bức tượng Janraisig Migjid (Quán Thế Âm) cao 26m, nặng 20 tấn, được mạ vàng và trang sức, là bản sao của một bức tượng đã bị phá hủy năm 1920. Bức tượng này là sự đóng góp của nhân dân Mông Cổ, là biểu tượng của Phật giáo hồi sinh.

 

Tượng thờ Quán Thế Âm Bồ Tát mạ vàng nặng 20 tấn

 

Tu viện Gandan Tegchinlen Khiid.

Cũng như bao du khách tìm đến Mông Cổ, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước thái độ thân thiện và hiếu khách của người dân ở đây. Đi đến đâu, chúng tôi cũng được ân cần tiếp đón với nụ cười mỉm luôn trên môi người bản xứ. Họ rất tự hào với danh tướng của mình là Thành Cát Tư Hãn, nhà chính trị và quân sự kiệt xuất trong lịch sử thế giới. Sinh năm 1162, cuộc đời của Thành Cát Tư Hãn gắn liền với những trận chiến trên lưng ngựa, ông đã chinh phục các nước từ Á sang Âu và được người Mông Cổ dành cho sự tôn trọng cao nhất. Đoàn đến thăm tượng đài của ông được đặt uy dũng trên thảo nguyên mênh mông, nhìn từ xa tôi chợt nhớ lại câu “tiếng vó ngựa Mông Cổ đến đâu thì san bằng tất cả, ai cũng phải khiếp sợ...” đã đọc trong sách vở ngày nào. Đất nước Mông Cổ đã sản sinh ra một trong những danh tướng kiệt xuất nhất lịch sử nhân loại: Thành Cát Tư Hãn. Trong cuộc đời câm quân của mình, Thành Cát Tư Hãn phát động vô số cuộc chinh phạt nhằm vào Đông Á, Trung Đông, châu Âu. Vó ngựa Mông Cổ đã tung hoành khắp lục địa Á - Âu bao la rộng lớn, giẫm nát bao thành quách vốn được coi là "bất khả xâm phạm" của các cường quốc lúc bấy giờ. Lãnh thổ Mông Cổ liên tục được bành trướng, mở rộng từ mọi hướng từ Đông sang Tây, từ Nam sang Bắc.Vào thời kỳ cực thịnh, diện tích của Đế chế Mông Cổ đạt tới 33 triệu kilomét vuông, gấp đôi diện tích quốc gia rộng lớn nhất thế giới hiện nay là nước Nga.

Và rồi, trước mắt tôi, một tượng đài uy nghi to, đẹp hiện ra, nổi bật trên nên trời xanh biếc. Tượng Thành Cát Tư Hãn cao 40 mét, được đúc bởi 250 tấn thép không gỉ và đặt trên một bệ cao 10 mét, bao quanh bởi 36 cột trụ, biểu tượng cho 36 vị vua khác sau đời ông (còn gọi là Hãn) ở Mông Cổ. Bức tượng rất sinh động, trông như vó ngựa của vị danh tướng vẫn sẵn sàng xé gió, tung lên giữa trời cao.

 

Tác giả trước tượng đài Thành Cát Tư Hãn (1162-1227)

Tháng cuối Thu, tiết trời vẫn se lạnh vào ban ngày và rất lạnh vào ban đêm. Đồng cỏ trên thảo nguyên đã chuyển sang màu vàng, héo lá để chuẩn bị chuyển sang mùa đông gần kề. Nếu đến vào mùa xuân, mùa hạ, tôi nghĩ chắc không ai muốn về trước cảnh sắc tuyệt vời với màu xanh của đồng cỏ cùng những đàn gia súc ung dung vì no đủ thức ăn của mùa mới. Những túp lều hình tròn màu trắng rất bắt mắt đối với khách du lịch. Tôi bước vào lều để xem và tìm hiểu cách sống của người dân du mục. Bên trong lều, nơi để thờ phượng đặt đối diện với cửa vào, những chiếc giường nhỏ kê dọc hai bên vách và chính giữa là lò sưởi cùng bếp nấu nước hay sữa phía trên lò; ống khói trên nóc lều vừa để thoát khói vừa giúp không khí lưu thông từ ngoài vào trong và ngược lại. Đối với tôi, cuộc sống của người dân du mục sao mà tự do, thoải mái quá! Họ được ngắm nhìn cả thảo nguyên xanh mát, được tận hưởng một bầu không khí trong lành, thơm sạch của đồng cỏ, của hoa dại đủ sắc màu. Trước khung cảnh thiên nhiên hùng vỹ với núi đồi trùng điệp khởi, lòng ta không thể không xao xuyến, tâm ta dễ dàng cảm nhận được sự an bình và niềm hạnh phúc choáng ngợp, dù trong giây lát thôi song cũng đủ đong đầy ý nghĩa của cuộc đời, đủ khẳng định sức hút của một chuyến đi lần đầu đến đất nước Mông Cổ...

 

Thảo nguyên bát ngát với phía xa là những túp lều của dân du mục.

Giã từ Mông Cổ, đất nước đã để lại đậm nét trong tôi hình ảnh thân thiện của những con người mới gặp với nụ cười luôn nở trên môi, Tôi tự nhủ với lòng: Thế nào rồi tôi cũng sẽ quay lại đây, vào mùa xuân hay mùa hạ nào đó không xa...

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 39
    • Số lượt truy cập : 6058065