Tin tức

LỄ HẰNG THUẬN

LỄ HẰNG THUẬN

NINH THỊ SINH

Vài năm trở lại đây, lễ Hằng thuận không còn xa lạ đối với nhiều người. Qua tìm hiểu, tôi thấy có nhiều bàn luận xung quanh vấn đề này, nhưng chưa thấy có ý kiến nào đề cập đến việc lễ Hằng thuận ra đời khi nào? Do ai đề xướng và ý nghĩa ra sao? Bài viết nhỏ này xin trả lời ba câu hỏi nêu trên và mong rằng độc giả sau khi đọc bài này sẽ thấy được ý nghĩa sâu xa của lễ Hằng thuận cũng như có những hiểu biết cơ bản về người đã khởi xướng ra nghi thức này ở nước ta.

Lễ Hằng thuận lúc ban đầu có tên gọi là lễ kết hôn trước cửa Phật hay lễ Phật tiền kết hôn, là nghi thức chúng ta học tập của người Nhật trong tục cưới hỏi. Đối với người Nhật ngoài các nghi thức truyền thống trong lễ cưới, họ còn làm lễ kết hôn trước Thần cung (với những người tin thần đạo), hoặc lễ kết hôn trước cửa Phật, tức là trong chùa (đối với người theo đạo Phật). Trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX do Hội Phật giáo Bắc Kỳ làm rường cột, với tư tưởng “nhân gian hóa Phật giáo”, ông Nguyễn Năng Quốc đã đề xuất sáng kiến tổ chức lễ kết hôn trước cửa Phật đối với con em thiện tín. Ý tưởng này được ông Nguyễn Trọng Thuật trình bày lại thông qua bài viết “Luận đàn lễ kết hôn trước cửa Phật” và đăng trên báo Đuốc Tuệ, số 4 ngày 31/12/1935 và số 5 ngày 7/1/1936. Bài báo đã giải thích rất cặn kẽ cách thức tiến hành lễ Phật tiền kết hôn.

Về thời gian: Lễ này nên làm liền với ngày đón dâu, còn nếu vì lý do nào đó không kịp thì để đến ngày hôm sau. Cha mẹ nhà trai hoặc nhà gái đã nhờ nhà chùa sửa soạn cho từ trước, có một vị tăng thượng tọa làm giới sư và vài người đạo tràng giúp lễ. Lễ cúng thì hương hoa, trai phẩm như thường. Cách thức bố trí theo như sơ đồ dưới đây:

 

Trước Phật điện là nơi sắp đặt vị trí dành cho Giới sư và Đạo tràng chính là các vị tôn tức tăng ni chủ trì hôn lễ, giới sư ngồi ở giữa còn đạo tràng ngồi hai bên tả hữu. Vị giới sư thường là một vị thượng tọa hay hòa thượng, còn đạo tràng là những người giúp lễ cho Giới sư. Sau đó đến vị trí của Tòa giảng, tức là nơi để giới sư đứng hướng dẫn thực hiện nghi thức.

Về các vị trí, nhà trai ở phía đông và nhà gái ở phía tây Phật điện. Cụ thể là ở giữa Phật điện là vị trí của tân lang, tân phụ (đối diện nhau) sau đó đến vị trí của người làm mai rồi mới đến cha mẹ1. Còn hai bên Phật điện là vị trí dành cho người thân, họ hàng, bạn bè,…

Nghi thức tiến hành rất đơn giản, ngắn gọn. Trước hết, đạo tràng cử nhạc Phật, thỉnh chuông rồi lần lượt xướng để Giới sư, tân lang tân phụ, và cha mẹ hai bên, các vị khách tham dự vào các vị trí như đã trình bày ở trên. Sau khi mọi người đã yên vị, giới sư đạo tràng cử nhạc cúng Phật, rồi đọc Tấu văn. Tấu văn do nhà chùa đã chuẩn bị trước và do một đạo tràng đọc. Về đại thể bản tấu văn do hai bên cha mẹ cô dâu và chú rể đứng tên, làm chủ hôn, cầu mong đức Phật cùng các chư Phật chứng minh cho sự kết duyên của con trai và con gái mình. Ở dưới bản tấu văn có ghi rõ ngày, tháng, năm. Tấu văn đọc xong đến lượt tân lang tân phụ đọc phát thệ từ (chính là lời phát nguyện). Thệ từ đã viết sẵn, cả hai người cùng ký tên vào bên dưới. Nội dung như sau: “Ngày… tháng…năm

Hai chúng tôi là… bao nhiêu tuổi… ở đâu và… bao nhiêu tuổi,… ở đâu vì nhờ có duyên lành, hai chúng tôi được biết nhau, đã đều tự ý thỏa thuận cùng nhau kết hợp làm đôi vợ chồng, đã được mệnh hai bên cha mẹ chúng tôi cho làm lễ thành hôn. Nay hai chùng tôi cùng nhau xin phát thệ trước cửa Phật, xin yêu nhau kính nhau, ăn ở cùng nhau cho trọn đạo một đời. Xin Phật chứng minh cho. Vợ chồng cùng ký tên vào bên dưới”.

Lễ hằng thuận tại chùa Quán Sứ (Hà Nội)

Phát thệ xong cùng vái Phật và ngồi xuống, giới sư bắt đầu thuyết giảng cho cặp vợ chồng trẻ, có thể hiểu đó là những lời căn dặn của nhà chùa dành cho cặp vợ chồng trẻ khi bước vào cuộc sống gia đình, phải theo lời Phật dạy mà ăn ở cùng nhau cho trọn đạo ở đời. Sau lời căn dặn của nhà chùa lễ kết hôn trước cửa Phật kết thúc.

Lễ kết hôn trước Phật tiền là một sự cải cách trong nghi thức cưới truyền thống của người Việt Nam nhằm mục đích đưa đạo Phật vào trong đời sống do Hội Phật giáo Bắc Kỳ khởi xướng. Trong nghi lễ cưới của người Việt Nam thuở xưa rể đến rước dâu phải làm lễ bái yết gia tiên nhà vợ, dâu về tới nhà chồng phải làm lễ bái yết gia tiên nhà chồng, rồi hai vợ chồng cùng nhau làm lễ tế tơ hồng. Lễ bái yết gia tiên theo quan niệm của Nho giáo, thể hiện tấm lòng biết ơn đối với tổ tiên, có ý nghĩa giáo dục đạo lý. Do vậy, nghi thức này nên giữ. Còn lễ tế tơ hồng thì theo quan niệm của Đạo giáo, mà thực chất nó giống như việc đem quà mà biếu cho những người làm mối thôi. Do vậy, nghi thức này nên lược bỏ, mà thay vào đó nên làm lễ kết hôn trước Phật điện. Trong không gian trang nghiêm có phần linh thiêng với sự chứng giám của Đức Phật cùng với cha mẹ và những người thân thích trong gia đình, nhà chùa mang luân lý tứ ân và kinh lễ sáu phương ra căn dặn cặp vợ chồng trẻ thật là có ý nghĩa giáo hóa sâu sắc. Và đó mới là phần mục đích cao nhất và ý nghĩa sâu xa của lễ Hằng thuận. Luân lý tứ ân dạy cặp vợ chồng trẻ phải lo báo đền ân đức với bốn bậc: cha mẹ - là những người có công sinh thành, đất nước, chúng sinh - xã hội và Phật thánh. Đối với cha mẹ phải giữ tròn đạo hiếu, nuối nấng, phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già (đạo hiếu thông thường), làm những việc có ích cho đời, lưu tiếng thơm cho cha mẹ (đại hiếu). Đối với đất nước, phải biết làm việc góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, đối với chúng sinh-xã hội, thực hành chủ nghĩa "bình đẳng, bác ái" của Phật, thực hành bố thí, làm những việc có ích cho người, cho vật2, đối với Phật thánh ta phải học cho rộng, biết cho nhiều mà thể hiểu được chân lý, chính đạo rồi truyền bá ra nhằm mở mang giúp ích cho đời tức là cái nghĩa "tự giác giác tha" mà đức Phật đã thân hành và truyền lại cho chúng ta3.

Lễ hằng thuận của ca sĩ Đăng Khôi và Thủy Anh tại chùa Kỳ Quang 2 (Gò Vấp - TPCM)

Sau khi giảng luân lý tứ ân cho cặp vợ chồng trẻ, nhà chùa còn giảng về Kinh Lễ Sáu phương. Kinh Lễ Sáu phương hay còn gọi là Kinh Thiện Sinh được Ban Khảo cứu Hội Phật giáo Bắc Kỳ phiên dịch từ chữ Hán ra chữ Quốc ngữ và được in thành sách lần đầu tiên vào năm 1935 để ấn tống cho thiện tín thập phương. Bản Kinh này về sau còn được viết thành thơ đăng trên báo Đuốc Tuệ. Đó là những lời Phật dạy cho cậu Thiện Sinh về sáu điều luân lý và nhiều điều đạo đức tốt đẹp để giữ gìn gia đạo của người tại gia. Trong những điều luân lý ấy có đạo lý vợ chồng. Qua đó, có thể thấy ý nghĩa của Lễ Hằng thuận thể hiện quan niệm coi trọng gia đình và giữ gìn gia đạo cùng những luân lý tốt đẹp trong xã hội, mà theo tôi nó rất có ý nghĩa trong xã hội ngày nay, khi mà trong cuộc sống người ta coi trọng vật chất, chạy theo vật chất và đang đánh mất dần đi những điều đạo lý cùng những phong tục tốt đẹp trong xã hội.

Theo tài liệu tôi có trong tay thì người đầu tiên thực hiện nghi thức này là gia đình ông Đào Thiện Luân ở Thái Bình. Ngày 14/9/1937 tức 10/8/1937 Âm lịch, ông Đào Thiện Luân tổ chức lễ Hằng thuận kết hôn cho con gái là cô Đào Thị Phương Nam kết duyên cùng anh Trần Văn Cư, ở Hà Nội tại chùa Kỳ Bá, tỉnh Thái Bình, do sư cụ Trừng Mai lên đàn làm giới sư, chủ hôn lễ4. Lễ diễn ra giản dị mà ý nghĩa. Hai bên gia đình cùng các vị khách tham dự đều lấy làm vui mừng, phấn khởi.

Ở trên tôi đã giới thiệu những nội dung cơ bản liên quan đến Lễ Hằng thuận thông qua các tư liệu trên báo Đuốc Tuệ, góp phần trả lời hai câu hỏi Lễ Hằng thuận có từ khi nào và ý nghĩa ra sao? Quay trở lại với câu hỏi thứ ba, ai là người khởi xướng ra lễ Hằng thuận kết hôn? Câu trả lời cũng đã được nhắc đến trong nội dung ở trên, đó là ông Nguyễn Năng Quốc. Vậy ông Nguyễn Năng Quốc là ai? Là người như thế nào? Bằng các tài liệu hiện có trông tay, tôi sẽ cố gắng giúp các vị độc giả có một hình dung tương đối rõ ràng về nhân vật này.

Ông Nguyễn Năng Quốc, sinh năm 1870 tại Nha Trang5, mặc dù xuất thân trong một gia đình quan lại nhưng ông lại chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp. Ông đã theo học tiếng Pháp ở Hà Nội, sau đó làm việc ở Huế với vị trí của một thông ngôn cho riêng ông Hoàng Cao Khải, rồi Giáo sư Trường Quốc học, Viên ngoại ở Bộ Chiến tranh, Lang trung ở Bộ Công trình công cộng rồi kiêm luôn cả chức Thái phó dạy học cho hoàng tử.

Năm 1904, ông chính thức được bổ nhiệm vào ngạch quan lại, và nhanh chóng giữ nhiều vị trí quan trọng: Tri phủ (1904), Án sát (1913), Tuần phủ (1920), Tổng đốc (1925). Năm 1929, ông về hưu trí, mặc dù không còn tiếp tục phục vụ chính quyền bảo hộ nhưng tiếng nói của ông rất có trọng lượng và uy tín nhờ kinh nghiệm nhiều năm làm việc của ông, đồng thời ông cũng tích cực tham gia vào nhiều công việc xã hội.

Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến vấn đề tư tưởng của ông. Ông là người có tư tưởng canh tân. Năm 1906, ông là thành viên của Phái đoàn khoa học thường trực của quan lại Đông Dương ở Pháp6 sang Pháp “du học” trong thời gian 1 năm. Chương trình tham quan học tập cho thấy chính quyền thuộc địa mong muốn mang đến cho các quan lại một cái nhìn rộng mở về xã hội Pháp trên các lĩnh vực như công nghệ, kinh tế - công nghiệp, thủ công nghiệp, thương mại, ngân hàng, kỹ thuật quản lý, chính trị, nghệ thuật... bằng cách tham quan các di tích lịch sử, giáo dục, bảo tồn di sản, cũng như những hiểu biết về thư viện và bảo tàng. Chuyến đi này đã tác động rất lớn đến tư tưởng của Nguyễn Năng Quốc. Sau khi trở về, ông đã thuật lại chuyến đi của mình vào ngày 23/3/1907 trước hơn 600 thính giả ở Thường Tín. Ông còn khuyến khích nhân dân Hà Đông thành lập các công ty hợp tác và tương tế. Do vậy mà tỉnh Hà Đông là nơi đã có sự thay đổi đáng kể về mặt kinh tế7. Ông tham gia diễn thuyết ở Hội Trí Tri8, ngày 25/4/1907, bài diễn thuyết nói về một cơ sở chăm sóc sức khỏe ở Nancy (Pháp).

Đối với Phật giáo Bắc Kỳ, ông là một trong 32 thành viên tham gia sáng lập Hội Phật giáo và giữ cương vị Hội trưởng từ năm 1934 cho đến năm 1939. Với cương vị là người lãnh đạo cao nhất, ông đã có những đóng góp to lớn về nhiều mặt như tổ chức, xây dựng chùa hội quán, mở trường Phật học, đối ngoại,… giúp Hội Phật giáo Bắc Kỳ phát triển nhanh chóng9. Tại Lễ Phật đản năm 1938, ông quy y Tam bảo, chính thức trở thành một Phật tử. Trước khi làm lễ, tại chùa Quán Sứ ông đã có bài thuyết giảng trước đông đảo Tăng ni, hội viên và thiện tín về ý nghĩa của Lễ Tam quy. Trong bài thuyết giảng, ông tâm sự, động cơ để ông quả quyết quy y là vì tấm lòng chân thành hâm mộ Phật pháp và theo nền nếp gia đình. Tháng 9/1939, do tuổi cao sức yếu ông đã viết thư xin từ chức Hội trưởng, cùng với gia quyến về dưỡng nhàn ở Thái Ninh, Thái Bình. Để cảm ơn những công lao của ông đã giúp đỡ nhân dân phát triển sản xuất, an cư lạc nghiệp trong thời gian làm Tổng đốc, ông được nhân dân 11 làng phong thờ làm thành hoàng10.


1. Xin lưu ý là trước kia tục cưới hỏi thường có người mai mối, do vậy trong sơ đồ của ông Nguyễn Trọng Thuật có vị trí của người mai mối là vì vậy. Còn ngày nay nam nữ tự do yêu đương, tìm hiểu, nên không còn vị trí của mai mối trong lễ cưới nữa.

2. Với các vật lớn nhỏ nào nếu nó không phải là giống hại người thì ko nên tàn sát. Người với người trong xã hội, có thể đem tiền bạc, cơm gạo giúp đỡ kẻ nghèo khó, ấy là tài thí; đem sức mạnh can đảm cứu người trong cơn hoạn nạn, ấy là phúc thí; đem học vấn dạy bảo cho người ta khôn; đem trí tuệ nghĩ ra những phương pháp, những phát minh để giúp cho đời người được nhiều điều tiện lợi, đỡ khổ sở đều là việc báo đền cho xã hội. Chứ không phải thả một vài con cá nhỏ, một vài con chim con ... mà là độ chúng sinh đâu.

3. Nguyễn Trọng Thuật, Luân lý tứ ân của đạo Phật, Đuốc Tuệ, số 20, ngày 28/4/1936, tr.4-7.

4. Tin trong hội, Đuốc Tuệ, no 70, tr. 43.

5. Souverains et notabilités d’Indochine, Édition du Gouvernement Général de l’Indochine, IDEO-Hanoi, au ANOM, tr.71.

6. “Mission scientifique permanente des mandarins indochinois en France” được thành lập bởi Toàn quyền Paul Beau, bằng các nghị định ngày 17/10 và 7/11/1905 cho phép quan lại, viên chức hoặc các nhà nho quê ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Campuchia, được chỉ định hàng năm sang Pháp “du học”.

7. Emmanuelle Poisson, Mandarins et subalterns au Nord du Vietnam, Éd.Maisionneuve et Larose, 2004, tr.184-185.

8. Hội Trí tri tên tiếng Pháp là “La Société d’enseignement mutuel du Tonkin” tồn tại từ năm 1892 đến năm 1946, lúc đầu nhằm mục đích học tiếng Pháp, sau đó là mở rộng nghiên cứu về văn hóa và lịch sử Việt Nam, trong đó hoạt động diễn giảng chiếm một vị trí quan trọng. Theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Phương Ngọc thì Hội Trí tri là một biểu hiện của hoạt động duy tân trong hoàn cảnh của một xã hội thuộc địa.

9. Xem thêm Lê Tâm Đắc, Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam (1924-1954), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012, tr. 91-97.

10. Souverains et notabilités d’Indochine, Édition du Gouvernement Général de l’Indochine, IDEO-Hanoi, au ANOM, tr.71.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 26
    • Số lượt truy cập : 6057630