Tin tức

LỄ HỌC VÀ ĐỨC HỌC

LỄ HỌC VÀ ĐỨC HỌC

HOÀNG VĂN LỄ

 

 

1. Lễ học, tức sự học về lễ phép, quy tắc ứng xử, những nghi thức được xã hội (nhất là nhà nước, sau là tập quán địa phương như làng xã) thống nhất đề ra, làm căn cứ giám sát hoặc phê phán các hành vi ứng xử của con người với nhau trong sinh hoạt hàng ngày. Chữ Lễ đối với đạo Khổng rất quan trọng, tạo thành chuẩn mực cần thiết để xây dựng một xã hội có tôn ti trật tự, có trên có dưới mà cao nhất là vua, đến quan... đến thường dân là bậc thấp nhất trong xã hội.

Tiên học lễ, trước hết là học phép tắc ứng xử từ ngoài xã hội đến trong gia đình. Tiếp biến văn hóa Trung Quốc, đạo Khổng ở Việt Nam hàng ngàn năm vẫn dạy "trung với vua" và "hiếu với cha mẹ", kính trọng người trên (quan chức, người cao tuổi...), dung hòa đồng liêu, nêu gương nghiêm túc với kẻ dưới... Học lễ ngày nay trong các trường học được cụ thể thành môn công dân giáo dục, truyền thừa và học tập các phép tắc có tính luật pháp như "đi đường" thì áp dụng luật giao thông, có thái độ ứng xử phù hợp như với người trên thì khiêm cung, với kẻ dưới thì rộng lượng nhân từ; không còn dạy phải tuyệt đối trung thành với vua nữa vì không còn chế độ phong kiến vua quan, còn nhắc nhở khuyến khích sự yêu kính hiếu thảo với cha mẹ và ông bà, quý mến gần gũi bạn bè, giúp đỡ nhau khi khó khăn hoạn nạn. Phương pháp giảng dạy có giáo khoa trên một số phương diện, song chủ yếu là giáo dục khi có tình huống khác thường biểu hiện như một hiện tượng xã hội; bấy giờ xử lý rất đa chiều có lúc
tranh cãi gay gắt ở người trong cuộc hay trên diễn đàn báo chí (nhất là báo mạng). Học lễ đang trở thành hướng giáo dục rất chung chung, một hoài niệm về cách học hành của người xưa, như một chuẩn mực phương Đông huyền bí.

Ở gia đình, học "lễ" gắn với "nghĩa", gọi là lễ nghĩa, là những phép tắc phải theo, để cư xử trong gia đình và xã hội, điều cần thiết phải biết trước tiên. Chính vì vậy mà ngay từ thuở còn nằm nôi, được dạy qua lời ru rất êm thấm và truyền cảm, đó là những câu hát trong dân gian đúc kết qua truyền thống và kinh nghiệm cuộc sống của nhiều thế hệ. Tuổi niên thiếu được cha mẹ hướng dẫn cho cách xử sự từ lời cám ơn đến tiếng xin lỗi, dạ thưa với người lớn tuổi, đi thưa về trình… Rõ ràng, lễ nghĩa ở đây không dừng ở phép tắc mà chuyển dần sang đạo lý được thấm nhuần trong nhận thức của mỗi người. Đến khi đi học, ta được thầy cô giáo dục lễ nghĩa, nhất là tình huống cần có để ứng xử thích hợp. Ở gia đình lớn hơn như dòng họ, những vụ việc được trình bày khi cần thiết, nhất là những thành tích quan trọng, nổi bật hoặc những thiếu sót có tác động xấu đến gia đình và họ tộc, qua đó để người trong họ góp sức giải quyết. Tiếc rằng việc giáo dục qua những ngày họp họ (thường là ngày giỗ) đang rất ít được tổ chức nghiêm túc và thiêng liêng như trước đây.

Lễ học có giá trị trong việc tạo dựng phẩm giá con người.

2. Đức học, sự học về các biểu hiện tốt đẹp của đạo lý trong tính nết, tư cách, hành động của con người. Đạo lý là tư duy, nhận thức, cái lẽ hợp với đạo đức. Và đạo đức, những tiêu chuẩn, nguyên tắc được cộng đồng thừa nhận; quy định hành vi, quan hệ của con người với nhau và đối với xã hội…

Như vậy, nội hàm Đức học rộng và sâu sắc hơn Lễ học, nặng về tư duy nhưng rất thực tế, ra đời, tồn tại và phát triển do nhu cầu của xã hội, theo một khuynh hướng triết lý nhất định và được trải qua thực tiễn kiểm nghiệm. Đạo đức luôn mang tính lịch sử cụ thể vì mỗi thời đại, mỗi cộng đồng đều xây dựng cho mình thể chế đạo đức khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Chẳng hạn như triết lý đạo đức “Thánh chiến” khác hẳn và trái ngược với triết lý “từ bi hỷ xả” của lời Phật dạy, còn đạo đức xã hội vì cộng đồng nhân sinh không nặng tính giải thoát như đạo đức Phật giáo, song có tác động hỗ tương tích cực.

Sau đây, chúng ta phân tích và ứng dụng theo lời dạy của Đức Phật, học Phật diệt “tham sân si”.1

Xuất phát từ thế giới quan cho rằng, thế giới không phải do đấng tối cao sáng tạo mà do danh và sắc tạo thành (tức vật chất và tinh thần). Con người do 5 yếu tố tạo nên (tức ngũ uẩn: Sắc, thụ, tưởng, hành, thức). Thế giới quan Phật giáo dựa trên quy luật nghiêm khắc nhân - quả, gieo nghiệp ác chắc chắn lãnh quả xấu, không ở kiếp này sẽ ứng hiện ở những kiếp sau, sự ứng quả khó tránh, song sự chuyển nghiệp qua hành vi thiện nghiệp góp phần giảm thiểu các quả ác ứng hiện.

Phật giáo cho rằng, thế giới Ta bà này là vô thường, vô ngã, mọi sự vật đều biến đổi, mọi cái chỉ thoảng qua, là tạm bợ. “Sinh, trụ, dị diệt” ứng với tất cả vạn vật theo thời gian và tác nhân bên trong, bên ngoài.

Từ đó, nhân sinh quan Phật giáo xây dựng và thực hiện các nguyên tắc đạo đức thể hiện nơi lơi dạy của Đức Phật về “Tứ Thánh đế”.

“Đời người là bể khổ”: Sự hiện hữu của con người trên thế giới này là khổ. Cái kiếp khổ của con người được Phật giáo thể hiện trong “Tứ diệu đế” gồm: Khổ đế: Sinh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc, ngũ ấm xí thạnh. Tập đế gồm 3 nguyên nhân chính gây khổ: Tham, sân, si. Diệt đế: Trạng thái an vui giải thoát khỏi tham, sân, si. Đạo đế: Con đường căn bản tiêu diệt tham, sân, si - nguyên nhân dẫn đến khổ, được gọi Bát Chính đạo: Chính kiến: Thấy, xem xét sự vật một cách đúng đắn, hiểu biết một cách đúng đắn. Chính tư duy: Suy nghĩ đúng đắn. Chính ngữ: lời nói đúng đắn. Chính nghiệp: hành vi đúng đắn. Chính mệnh: Mưu sinh đúng đắn. Chính tịnh tiến: Cố gắng, nỗ lực phấn đấu một cách đúng đắn. Chính niệm: Ghi nhớ, tâm niệm đúng đắn. Chính định: tập trung tư tưởng một cách đúng đắn.

Nguyên tắc thực hiện đạo đức Phật giáo: Giới - định - tuệ phải đi liền với nhau, đó là điều kiện tiên quyết để diệt dục, hết vọng tưởng, hết ngã chấp, đoạn tuyệt vô minh và đạt giác ngộ. Quy tắc đạo đức Phật giáo được thể hiện trong giới luật, quy định nguyên tắc ứng xử của các tín đồ, các cư sĩ và thế tục (giới luật cho hàng xuất gia gồm 250 giới cho nam - (tăng) và 348 giới cho nữ - (ni) về cuộc sống tăng đoàn). Đây là những quy phạm đạo đức giúp cho tu sĩ xuất gia vượt qua những giá trị đạo đức thông thường trong xã hội để đạt đến sự lìa bỏ ngã chấp.

Đối với các tín đồ, quy tắc đạo đức mà Phật giáo đưa ra gồm Ngũ giới: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu, không vọng ngôn. Thập thiện: ba nghiệp ác của thân: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm; bốn nghiệp của khẩu: không nói dối, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời độc ác, không nói thêu dệt; ba nghiệp ác của ý: Không tham dục, không ghen ghét thù hận, không tà kiến. Giới lục hòa: Thân hòa đồng trụ. Lục độ: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tịnh tiến, thiền định.

3. Có thể nói rằng, đạo đức Phật giáo là một hệ đạo đức xuất thế, giá trị đạo đức Phật giáo thiên về nội tâm, phản tỉnh hơn là xử lý các quan hệ bề ngoài. Cho nên Phật giáo phát huy tối đa tính tự chủ cá nhân trong việc thực hành các quy tắc đạo đức. Sự phán xét của đạo đức là 

nghiệp báo, nghiệp quả, nó điều chỉnh đạo đức của mỗi người theo quy luật nhân - quả tự tại. Điều đặc biệt hơn, Phật giáo là tôn giáo có khuynh hướng vô thần, không thừa nhận sự sáng tạo của một đấng siêu nhiên nào, mọi giá trị luân lý, đạo đức đều diễn ra trong thế giới nhân sinh chứ không phải do một thế lực siêu nhiên nào chi phối. Đây là điểm ưu trội của Phật giáo so với các tôn giáo khác.

Đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh là các chuẩn mực hành động trong cuộc sống đời thường, tính nhân văn sâu sắc; là tôn chỉ phấn đấu suốt đời của mọi người, nhất là đội ngũ cán bộ viên chức hiện nay.

Tác dụng qua lại trong rèn luyện, trong tu tập của chúng ta, thấu đáo các lời dạy của Đức Phật, áp dụng trong đời sống theo tư tưởng của Bác về đạo đức chắc chắn là người hữu ích cho cộng đồng, xã hội; đó cũng là nghiệp thiện trên con đường tu tập của Phật tử.

Tóm lại, học lễ và học đức thể hiện qua quy tắc hoặc chuẩn mực được cộng đồng xã hội thừa nhận đều có ý nghĩa thực tiễn rất sâu sắc. Khi thể chế thành lễ phép của nhà nước, chắc chắn nội hàm phục vụ cho giới cầm quyền, song cũng hữu ích cho cộng đồng, xã hội. Trong khi đó, đức học có nền tảng triết học căn bản hơn, giá trị bền vững hơn nên tồn tại lâu bền hơn. Chính vì vậy nhiều nhà khoa học lớn trên thế giới công nhận minh triết trong Phật giáo nói chung và đạo đức học Phật giáo nói riêng tuy có ý nghĩa lịch sử, song có tính vĩnh hằng.


1. Tham khảo bài "Luận giải triết học về đạo đức và đạo đức Phật giáo" của Nguyễn Quang Trường - Trịnh Khánh Sơn, http://www.daophatngaynay.com/vn/pg-nganh/dd-tl/10041-Luan-giai-triet-hoc-ve-dao-duc-va-dao-duc-Phat-giao.html

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 36
    • Số lượt truy cập : 6345892