Tin tức

MAI THỌ TRUYỀN VỚI TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

MAI THỌ TRUYỀN VỚI TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

 

VU GIA

 

Người như Chánh Trí Mai Thọ Truyền – một công chức cao cấp, được học hành bài bản tới nơi tới chốn – mà đến nước Nhật sau ngày chiến tranh tàn phá tan hoang 13 năm, thấy mình là “nhà quê”, là “chú man ra thành”, thì người đọc như tôi hôm nay không thể không nghi ngờ, nói như nhà thơ Giang Nam là “Kng tin được dù đó là sự thật” (Quê hương).

Những năm đầu thế kỷ 20, Phong trào Duy Tân được khởi xướng tại Quảng Nam trên tinh thần “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Bây giờ, đọc lại hai bài Tỉnh quốc hồn ca (I, II) được phổ biến rộng khắp các trường học kiểu mới xứ Quảng, từ năm 1907, gắn với thực tế, tôi thấy những gì Phan Châu Trinh đã viết vẫn còn nóng hổi tính thời sự, và ông có nói đến sự… chơi: “Chơi cho biết thói biết người/ Xông pha gió bụi, vẽ vời non sông/ Ấy chẳng phải chơi không vô ích/ Chơi rồi đem sự tích viết ra”. Và những người tân học đã từng bước làm được. Qua “sự tích viết ra” của họ, người đọc mới biết cái yếu kém của mình để cố gắng vươn lên, chứ không phải trên thế giới này chỉ có ta mới anh hùng, chỉ có “Ta là Một, là Riêng, là thứ Nhất” (Xuân Diệu – Hy Mã Lạp Sơn).

Trong công cuộc đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã liên tiếp đề ra và phát triển đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa với phương châm “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”, nên càng có nhiều người đi chơi bằng con đường du lịch, đi chơi thăm bà con, đi công tác kết hợp tham quan, đi học tập nâng cao kiến thức… và họ đã “đem sự tích viết ra” phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng hầu hết là “chơi cho biết thói biết người”, chứ không mấy ai có chủ ý thông qua cuộc chơi ấy giới thiệu đạo Phật các nước đến với bạn đọc quê nhà như cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền. Dù đến nước nào, cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền cũng “không quên mình là một Phật tử có trách nhiệm hợp sức cùng những bậc chí lớn trong hai giới xuất gia và tại gia, để chấn chỉnh và tài bồi cho mối Đạo của dân tộc”1.

Ngày 25-8-1958, cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền khởi hành đến Nhật Bản. Chuyến đi này, được ông ghi lại với nhan đề: Mười lăm ngày ở Nhật. Qua ký sự này, ta thấy ông viết theo lối nhật ký nhưng không thiếu chất văn. Lúc còn ở Việt Nam, ông nghe người ta xầm xì phê bình lối phục sức của những tu sĩ Phật giáo khi du học ở Nhật. Qua đến nơi, ông mới biết đó là những lời xầm xì không tốt, bởi kỷ luật nhà trường bắt buộc sinh viên phải mặc đồng phục. Và thầy Thiên Ân đến thăm ông “trong chiếc áo đà của Tăng giới Việt Nam, nhưng dưới lại mặc quần tây màu, đi giày tây và đội nón nỉ”2. Nhìn lối phục sức của thầy Thiên Ân, ông “không khỏi vừa buồn cười, vừa phục cái “can đảm” của Thầy. Buồn cười vì cái cảnh trên Tăng dưới tục, còn phục là phục cái can đảm bất chấp con mắt tò mò của công chúng”3.

Thực ra, đối với tu sĩ Phật giáo học ở những trường đại học của Phật giáo, nhà trường cũng cho phép mặc áo dài đà đi học, nhưng trong thực tế rất phiền toái. Vào giờ cao điểm, các phương tiện công cộng rất đông người. “Hồi mới qua, Thầy Thiên Ân nói, tôi vẫn mặc áo dài đà đi học, nhưng sau một hôm suýt bị chết đạp, tôi phải bận âu phục cho gọn. Này nhé, tôi vừa bước lên toa xe điện, là có người đạp lên tà áo lết phết của tôi. Tôi bị giựt ngã người ra phía sau và nếu tà áo tôi không rách, tôi đã bị té và bị cả trăm đôi giày dẫm lên mình”4.

Những ngày đầu tới Nhật, ông đến thăm Chùa Tăng Thượng và được Đại lão Pháp chủ tiếp. “Tôi trình bộ ảnh Chùa Xá Lợi, Ngài tay run run lật xem từng tấm. Xong, Ngài nói: “Lớn và đẹp không làm tôi vui bằng thấy Chùa có một Thư viện và một phòng phát thuốc. Thư viện để bồi bổ trí tuệ, nhưng nếu thân thể bạc nhược, khó mà học hỏi, vì vậy cần phải săn sóc sức khỏe, huống chi đạo Phật lấy từ bi làm căn bản thì công việc cứu tế không thể không có”5. Ý này, tôi vẫn thấy còn mới lắm.

Từ bộ ảnh Chùa Xá Lợi, Đại lão Pháp chủ hỏi thăm về tình hình Phật giáo Việt Nam. Vãn chuyện, ông xin Đại lão Pháp chủ hoan hỉ cho Chùa Xá Lợi vài chữ để làm kỷ niệm, vì trước khi tới đây, ông nghe Đạo lão Pháp chủ có bút pháp lỗi lạc. Đại lão Pháp chủ không từ chối, nói: “Tôi nay đã tám mưới sáu tuổi, tay run mắt lờ, không còn cái phong độ ngày xưa. Nhưng ông đã cố tình, vậy xin hẹn năm ba hôm”6. Và 4 chữ: “Hiện tiền thọ ký” của Đại lão Pháp sư hiện còn treo ở Chùa Xá Lợi.

Không chỉ viếng chùa, lễ Phật, gặp gỡ chư tăng, ông còn lướt qua mấy tăng phòng, đều thấy tiện nghi và sang trọng, liền cảm khái: “Ở Chùa Xá Lợi có gì đâu, chúng tôi chỉ giữ sạch sẽ, đúng vệ sinh, thế mà còn có người cho là cảnh Tiên. Tôi không hiểu tại sao người mình lại có cái ý muốn cho chư Tăng cứ sống mãi trong cảnh luộm thuộm. Ở châu thành mà thiếu vệ sinh là chết”7.

Nói đến chuyện vệ sinh, ông còn kể vào một quán bình dân ở vùng ngoại ô Đông Kinh, chỉ có “trà rất tầm thường” và mấy cái bánh “bột vừa xốp vừa dẻo, nhưn đậu đen đậu xanh ngọt”, nhưng… “Tôi xin phép ra phía sau tiểu tiện. Bà cho. Cởi giầy, tôi bước lên sàn nhà, đi ngang gian phòng chánh, dưới trải chiếu, trên kéo trần, để ra hành lang phía hậu. Bà bảo rẽ sang tay mặt rồi đưa tôi tới trước một phòng nhỏ. Ngay ngưỡng cửa, nằm chờ hai đôi dép nhẹ, đầu day ra phía ngoài. Tôi ngụ ý, xỏ chân vào một đôi và xô cửa bước vào phía trong. Úi chà! Sao mà sạch sẽ đến thế này? Chỗ tiêu, chỗ tiểu riêng biệt, bằng đồ gốm tráng men, theo lối Nhật, sạch trơn, còn sàn gỗ thì đánh sơn bóng láng. Không một mùi hôi. Khi xong trở ra, bà chỉ một hũ con đựng nước, ra dấu bảo rửa tay. Phong tục người Nhật là như thế: bất luận giàu nghèo, không lựa ở khách sạn hay tư gia, hễ vào nhà xí là phải đi dép riêng dành cho nhà xí, và sau khi tiểu đại xong phải rửa tay cẩn thận”8.

Đó là nước Nhật của hơn 60 năm trước, vừa bước ra Thế chiến thứ 2 tan tành xác pháo và còn nặng mùi phóng xạ do hậu quả của hai trái bom nguyên tử mà quân đội Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki, ngày 6-8-1945. Nhưng chưa hết. “Lên đến nhà ga. Rộng mênh mông, đường dọc, đường ngang, thiên hạ nô nức, nhộn nhàng, mỗi hướng là một dãy phòng bán vé trong đó có nhân viên làm việc không hở tay. Mình còn đang ngắm nhìn, Thầy Quảng Minh bỗng nắm tay mình kéo đi nhanh gần như chạy: “Mau, kẻo nhỡ chuyến này”. Vừa nói, tay Thầy móc túi rồi đi ngay lại một cây trụ tương tự như những “cây xăng” ở quê nhà, bỏ vào một lổ kẽ trước sau hai đồng 10 yên. Một tiếng rè, một chiếc vé bằng giấy cứng đã lọt ra ở cái máng phía dưới, rồi Thầy tiếp tục cho đến khi đủ ba vé.

- Những cái máy này rất tiện khi mình có bạc nhỏ, Thầy nói, bằng không, phải lại “ghi sê” mất thời giờ”9.

Tin được không nhỉ? Khi Chánh Trí Mai Thọ Truyền viết những dòng này, nước Nhật mới đi qua cuộc chiến đau buồn, chấp nhận đầu hàng vô điều kiện mới 13 năm.

Vậy ở Nhật có người ăn xin không? Có! Nhưng đọc những gì Mai Thọ Truyền viết, tôi thấy ăn xin ở Nhật cách đây hơn 60 năm vẫn khác với ăn xin ở Việt Nam những ngày này. Ở cấp thang đá chót, khi Mai Thọ Truyền rời Chùa Thanh Thủy, thì “gặp bà lão ăn xin, tuổi độ trên bảy mươi, thân hình gầy đét trong chiếc kimono bạc màu và chằm vá, nhưng sạch sẽ, với đôi bít tất và đôi guốc Nhật. Với bàn tay da nhăn và đen sậm vì phong sương, bà chìa một hộp gỗ con. Tôi khẽ đặt vào đấy một đồng hai chục yên, liên tưởng đến mẹ già”10.

Qua ký sự Mười lăm ngày ở Nhật, tôi chú ý chi tiết đến thăm Trường Đại học Komazawa của phái Thiền tông, ông mới biết nhà trường không chỉ dạy chữ mà còn dạy võ và ngồi Thiền. Thiền định là một môn học như những môn học khác của chương trình đào tạo. Qua đây, ông biết thêm “Thiền tông của Nhật là do các Thiền sư của phái Thiếu Lâm tự ở Trung Hoa truyền sang. Để cảm hóa dân tộc Phù Tang là một dân tộc có tinh thần thượng võ và rất trung thành với Thần đạo, các vị Thiền sư Trung Hoa, trong lúc đầu, không đem Phật giáo ra giảng mà đem môn võ Thiếu Lâm ra truyền. Về sau, khi chinh phục được lòng môn sinh, các ngài mới lần lượt đưa êm họ vào cửa Thiền. Chừng họ nhận được chân tinh thần của pháp môn này, họ hết sức hoan nghinh vì Thiền tông không làm lụn bại khí phách của dân tộc họ, trái lại còn giúp cho khí phách ấy nảy nở, phát đạt. Do đấy mà hạng thượng lưu Nhật cho rằng không thể bàn đến nền văn hóa của Phù Tang mà không đề cập đến Thiền tông…”11.

Cách làm của các Thiền sư Trung Hoa ngày đó, chính là tinh thần tùy duyên hóa độ của nhà Phật. Phật giáo ở Việt Nam chúng ta cũng có nét tương đồng, song thời nào cũng có không ít vị tu sĩ sa đà vào chuyện “tùy duyên” mà quên nhiệm vụ “hóa độ”. Những chuyện lùm xùm mà báo chí phản ánh gần đây ở một số chùa, chính là sự sa đà ấy. Nếu ngày đó, những Thiền sư Trung Hoa đến Nhật, cũng sa đà với chuyện dạy võ Thiếu Lâm, thì chắc chắn Thiền tông không thể trở thành nét văn hóa trong nền văn hóa Nhật Bản hôm nay.

13 năm sau Thế chiến thứ 2 tàn phá, ấy mà qua những trang viết của Mai Thọ Truyền tôi cứ nghi nghi ngờ ngờ không thể tin được. Đi vào thang máy, “Âu có, Mỹ có mà Á cũng không thiếu, tổng cộng 17 người. Thế mà thang rút lên một cách nhẹ nhàng. Đến từng thứ năm, cô gác thang, áo trắng ngắn tay, váy đen, khẽ đưa tay có mang bao trắng bấm nút. Thang máy ngừng, cô mở cửa bước ra ngoài cúi đầu, miệng không ngớt: “A ri ga tô” (cám ơn). Danh bất hư truyền: người Nhật rất lễ phép”12.

Trên đường đi, vì khát nước, ông vào một quán ven đường ăn miếng dưa hấu Phù Tang. Và ông “Mãi ngồi nhìn cái máy vô tuyến truyền hình đang chiếu những màn quảng cáo, trong tiếng nhạc du dương”13, đến độ, người ta mang dĩa dưa hấu ra lúc nào chẳng hay.

Chưa hết, đến nay chính quyền các đô thị lớn ở ta vẫn đau đầu với đà tăng dân số cơ học. Ai cũng muốn sinh sống ở nội thành, ra ngoại thành chừng mươi lăm, vài chục cây số đã thấy xa; phương tiện giao thông công cộng không giúp được gì cho việc này dẫu chính quyền sở tại chi tiền tỷ cho mỗi năm. Trong lúc đó, sau Chiến tranh thế giới thư hai 13 năm, nước Nhật đã giải quyết được nan đề này. Mai Thọ Truyền viết: “Quang cảnh ngoài đường thật là rộn rịp. Từ phía tay phải, nam nữ đủ hạng tuổi, nhanh nhẹn trong bộ âu phục, hướng về các tòa “Bul đinh” dung chứa những ngân hang, những công ty bảo hiểm đồ sộ, v.v… Thì ra đây là giờ các công sở, tư sở mở cửa và như có hai dòng nước người bất tuyệt chảy trên hai vệ đường theo một chiều một, là vì ở hướng nghịch có nhà ga trung ương, nơi các chuyến xe tốc hành, cứ mỗi buổi sáng, góp nhặt từ những nơi xa trung tâm Đông Kinh có khi đến vài trăm cây số, hàng vạn người để đem đổ xuống sân ga như những ngọn thác. Đông mà không rầy, đông mà có kỷ luật, tuy mọi người đều có vẻ hấp tấp, vội vàng. Một khía cạnh đời sống vật lộn của các nước văn minh!”14.

“Đông Kinh đông đến 9 triệu người, chen chúc quá trong thành cũng mệt, vả lại những thầy thợ lương ít, làm gì kiếm ra một chỗ trọ. Những lẽ ấy bắt buộc một số rất đông dân chúng phải tản ra những vùng ngoại ô, cách trung tâm Đông Kinh một vài trăm cây số. Tuy ở xa, họ không gặp gì trở ngại trong việc đi làm, nhờ vấn đề lưu thông được giải quyết một cách chu đáo thần tình”15.

Cách giải quyết được gọi là “chu đáo thần tình”, là “ở đây sự làm việc tổ chức theo lối Anh, sớm mai đến 9 giờ các công tư sở mới mở cửa, nên dù có ở cách đô thành đến vài tram cây số, công chúng vẫn có đủ thời giờ đến chỗ làm”16.

Đó là việc của nhà nước, còn cách làm ăn, cách xử sự của người dân, cụ thể là người bán vé ở điểm du lịch, ông cũng lấy làm lạ: “Ngồi vân vê hai cái vé, tôi bắt nghĩ ngợi: “Trời xấu hay tốt, có xem được thác hay không, là chuyện của du khách, còn bổn phận cô bán vé là bán vé, cô báo trước làm gì? Ngộ người ta thối chí không đi, có phải cô mất 60 yên không? Nhưng người Nhật không luận như thế… Một bài học ngay thật cho người mình…!”17. Và bài học này, hơn 60 năm qua, tôi thấy người xứ mình chẳng được mấy người học.

Đến thăm Đền thờ Vua Minh Trị (Meiji Jingu), ông lấy làm ngạc nhiên: “Toàn cảnh khu rừng có thể ví như cái tráp to, chạm trổ mỹ thuật, lòng lót nhung xanh, nhưng tất cả cái vĩ đại, khéo léo ấy tạo ra để chỉ đựng một món nữ trang rất tầm thường và rất nhỏ, là ngôi Đền thờ Vua Minh Trị và Hoàng hậu”18. Ông so sánh đền thờ này với Lăng Vua Tự Đức và mộ Thánh Gandhi, rồi kết luận: “phải làm là làm, càng to càng hay, nhưng là làm cho dân tộc, cho quốc gia, chứ không phải cho riêng mình…”19. Suy nghĩ này của cụ cũng làm cho tôi suy nghĩ.

Việc xã hội hóa giáo dục, nước Nhật cũng thực hiện rất sớm. Hồi năm 1958, Chùa Tổng Trì (Sojiji) thuộc Thiền phái Tào Động, “đã có 2 trường đại học, 3 trường cao đẳng, 4 trường trung học và 5 ấu trĩ viên”20. Nghe giới thiệu như vậy, cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền “Nghe mà mệt, mà cũng phát thèm”21. Nếu ông còn sống đến bây giờ thì càng thèm hơn, bởi những ngày này không ai dám nói nền giáo dục Nhật Bản kém, khoa học – công nghệ Nhật Bản lạc hậu.

Nhìn những cửa hàng bán cà vạt, đồng hồ, giày dép, đồ chơi trẻ con… ở Nhật cứ như rừng, ông thấy “thật là một cảnh xa lạ cho cặp mắt nhà quê của tôi”22.

Đến thăm đền Thần đạo Miumaya, ông được mời dự tiệc rượu “sa kê”, ông ghi lại: “Một phần thực, đựng trong một hộp gỗ thông trắng hình chữ khẩu, gồm có một đôi đũa bao giấy, trên đầu in tên đền, một dĩa rượu bằng đất trắng không lớn hơn quả quýt, và hai món nhấm. Lạy Phật xin sám hối: vì muốn thử cho biết cái hương vị của món uống Phù Tang, tôi đã le lưỡi nếm thử sa kê. Nước trong như rượu trắng thứ hảo hạng ở Việt Nam, nhưng mùi vị thì quá nực nồng khó chịu. Hai món nhấm mới trông qua mường tượng khô bò, khô cá rim đường, nhưng mùi tanh quá”23.

Dự tiệc do Hội Thiên lý chiêu đãi, ông “Lại một phen ngạc nhiên nữa cho chú mán ra thành”24, bởi phòng tiệc quá to, quá hoành tráng. “Vì ăn chay, tôi được mời ngồi cùng bàn với ba người ngoại quốc, một tu sĩ Ấn Độ giáo, và hai người Nam Dương. Chúng tôi được đãi như ở các bàn đồ mặn, ai ăn thức gì chúng tôi đều có thức ấy, nhưng đó chỉ là bề ngoài nhái cho giống còn bề trong thì toàn là rau cải và đậu hủ”25.

Người như Chánh Trí Mai Thọ Truyền – một công chức cao cấp, được học hành bài bản tới nơi tới chốn – mà đến nước Nhật sau ngày chiến tranh tàn phá tan hoang 13 năm, thấy mình là “nhà quê”, là “chú man ra thành”, thì người đọc như tôi hôm nay không thể không nghi ngờ, nói như nhà thơ Giang Nam là “Không tin được dù đó là sự thật” (Quê hương).

Ngày cuối ở Cố cung Kyoto và cũng kết thúc “Mười lăm ngày ở Nhật”, ông đến thăm Hoàng cung, ông không ngờ “quá đơn giản, đơn giản đến mức tầm thường”26, kể cả Tử Thìn Điện, nơi mà mỗi lần thay vua, phải về đây làm lễ phong vương. “Không biết lúc nhà vua còn ngự tại chốn cố đô này, quang cảnh Tử Thìn Điện như thế nào, chớ nay thì thật thua rất nhiều chùa Phật giáo và nhiều đền Thần đạo. Đem sánh với Điện Cần Chánh ở Huế của chúng ta, sự xa cách như trời với vực, chẳng những về mặt đồ sộ, mà luôn cả về mặt nguy nga, tráng lệ. Chỉ là một ngôi nhà cao cẳng, toàn bằng gỗ, trên lợp ngói xám, ba gian hai chái, trong lót chiếu trắng, không ngai vàng, còn bàn ghế thì hơn bàn ghế một nhà trung lưu vậy thôi. Nhưng người Nhật rất là cung kỉnh khi họ đi ngang gian giữa”27. Với tôi, có khi nhờ sự đơn giản như thế, và sự tận tâm của nhà vua vì nước vì dân thật lòng thật dạ, nên mới có sự cung kỉnh ấy. Lòng dân ở đâu cũng thế! Và ngai vàng trong lòng nhân dân mới quan trọng.

***

Ngày 12-7-1962 đến ngày 22-9-1962, cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền đến Hoa Kỳ để tiếp xúc với các tổ chức Phật giáo, các tổ chức từ thiện, thăm viếng các thư viện và các trường đại học có giảng dạy triết lý Phật giáo trong khuôn khổ chương trình “Foreign Leader Program” do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bảo trợ. Trên đường về, ông ghé thăm nước Anh và nước Pháp, đến đầu tháng 11-1962, ông mới về đến quê nhà.

Tại Hoa Kỳ, ông đã đến lưu trú và làm việc ở Honolulu, San Francisco, Philadelphia, Chicago, New York, Buffalo, Boston, New Hawen… Ông đã gặp vào trao đổi Phật pháp với Bác sĩ Dana Mc. Lean Greeley, Chủ tịch Hiệp hội Vũ trụ Duy nhất Thần giáo (Uniterian Universalit Church) và các học giả, các giáo sư triết học tại các trường đại học Harvard, Yale, Wisconsin… như GS William Ernest Hocking, GS Rosenstck Huessey…

Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền cho biết qua hành trình này, “Trên đất Mỹ, tôi đã tiếp xúc được với 8 Hội và trên 10 chùa, tại Anh quốc, 2 Hội và ở Paris, 1 Hội”28. Theo Mai Thọ Truyền, “Ở Mỹ, thật chưa có một nền Phật giáo Mỹ quốc. Những Hội, những Chùa đã gặp, phần nhiều là của người Nhật và người Tàu có Mỹ tịch (…) Ở Anh, ở Pháp, tôi chưa gặp một ngôi chùa. Trụ sở của các Hội là những tòa nhà lầu chung dãy với tư gia, hoặc ẩn mình sau hai cánh cửa hành lang của dãy nhà mặt tiền, ngoài đường cái. Họ cũng có Bảo điện, trên thờ tượng Phật theo kiểu Tích Lan, Thái Lan, vùa đủ trang nghiêm nhưng thiếu cái không khí siêu phàm, huyền diệu của chùa am Á Đông. Tình trạng ấy do quan niệm của người Anh, người Pháp gây ra. Đối với họ, Đức Phật là một vị Giáo chủ, một vị Đạo sư, một nhà Hiền triết, một bậc Thánh nhân, và chỉ có thế thôi. Vì vậy, họ kính nhưng không tôn sùng như chúng ta, họ tin ở giáo lý mà không tin ở sự gia hộ huyền bí. Phật giáo của họ rất nhẹ phần nghi lễ, mà rất nặng ở phần tham khảo, học hỏi. Vậy Phật giáo ở Âu là Phật giáo chuyên học Phật”29. Và việc học Phật của họ cũng tới nơi tới chốn, “Ông đan cử trường hợp Đại học đường Wisconsin đã lập ra văn bằng Tấn sĩ về Phật học cho ngành học chuyên môn đó”30.

Qua những chuyến đi “biết thói biết người”, ông có mấy ý kiến mà nếu không có tấm lòng Bồ tát, thì khó có được. Theo ông, “Phật giáo là đạo lý riêng biệt của Á Châu cũng như Cơ đốc giáo đối với Âu Châu và Mỹ Châu; khác nào cơm là món ăn căn bản của các dân tộc Á Châu, còn bánh mì là món ăn căn bản của các dân tộc Âu Mỹ.

Ông Truyền nhận xét rằng: Dân Đông phương và dân Tây phương chưa hề chống chọi nhau bao giờ vì sở thích ưa cơm hay bánh mì, thì chắc chắn sẽ không bao giờ có sự xung đột về vấn đề tôn giáo; tất cả đều có thể hợp tác vì hạnh phúc của nhân loại”31.

Không phải đến Âu Mỹ, Mai Thọ Truyền mới nghĩ vậy. Hồi năm 1958, qua Nhật Bản, Hội Thiên lý giáo Nhật Bản tặng ông một số sách nói về Thiên lý giáo, viết bằng tiếng Anh. Đêm về, ông đọc “Cuốn The Divine Model (Gương Thánh triết) nói về đời sống của vị Giáo Tổ - Bà Miki, Thánh danh Tenri O no Mikoto - đã làm cho tôi cảm động vô cùng và củng cố lòng tin tưởng của tôi ở kết quả hết sức tốt đẹp của hạnh Bồ tát. Tôi liên tưởng đến Cụ Tế Sinh ở Hà Nội của thời cận đại, một nữ Bồ tát của Việt Nam trọn đời hành thiện với một con tâm hoàn toàn giải thoát”32.

Nói chung, với ông, tôn giáo nào cũng muốn khơi mạch thiện trong mỗi con người, hướng con người làm lành lánh dữ, chứ không phải cái gì của mình mới tốt, còn của người khác là xấu. Chẳng ai khen cơm, chê bánh mì và cũng chẳng ai khen bánh mì, chê cơm. Cơm và bánh mì đều là “món ăn căn bản” của nhân loại. “Ông nhấn mạnh: “Cơ đốc giáo lấy nhân ái làm căn bản, Phật giáo lấy từ bi làm gốc: khác nhau chỉ ở danh từ”. So sánh Cơ đốc giáo với Phật giáo, ông Truyền nói: “Tôi có cảm nghĩ rằng những lời dạy của đấng Christ rất gần gụi với Phật giáo””33.

Đến thăm những tổ chức từ thiện, cứu tế ở Chicago, ông nhận thấy “mục tiêu hoạt động chính yếu của các nhóm Tin Lành và Thiên Chúa giáo cũng tương tự như của Tổng hội Phật giáo ở Việt Nam”34.

Qua những việc làm của cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền ở Hội Phật học Nam Việt nói chung, qua tập Hi ngoại ký sự nói riêng, tôi thấy ông là người rất biết trách nhiệm của Phật tử. Sự thật ở đời, nếu quần chúng thấy người quy y Tam bảo mà không lợi ích gì cho gia đình, cho xã hội, thì họ thấy sống đời bình thường yêu ghét rõ ràng như họ còn tốt hơn. Như chúng ta đã biết cư sĩ là hình ảnh gần gũi thiết thực nhất với quần chúng, nên nhiều vị Bồ tát, như: Quán Thế Âm, Ðại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Dược Vương… hiện thân cư sĩ. Các Ngài muốn gần gũi thân thiết để hóa độ quần chúng nên phải mang hình thức giống họ. Tinh thần Phật giáo Đại thừa là tích cực lợi tha, mang nước từ bi chan rưới khắp quần chúng nên hình ảnh cư sĩ rất cần thiết thích hợp. Thước đo cuộc đời không phải ở chỗ nó dài hay nó ngắn, mà ở chỗ chúng ta sử dụng nó như thế nào. Nếu ai thấy cuộc đời là đôi cánh, là sáng tạo, là niềm vui… chứ không phải là gánh nặng, thì sẽ thấy cuộc đời sinh động và đẹp đẽ. Và cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền đã làm hơn những gì cộng đồng Phật tử mong muốn.

 


1. Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Hi ngoại ký sự, NXB Tôn Giáo, H, 2012, trang 205.

2. Hi ngoại ký sự, sđd, trang 21.

3. Hi ngoại ký sự, sđd, trang 21.

4. Hi ngoại ký sự, sđd, trang 27.

5. Hi ngoại ký sự, sđd, trang 32.

6. Hi ngoại ký sự, sđd, trang 32.

7. Hi ngoại ký sự, sđd, trang 44-45.

8. Hi ngoại ký sự, sđd, trang 53.

9. Hi ngoại ký sự, sđd, trang 27-28.

10. Hi ngoại ký sự, sđd, trang 159-160.

11. Hi ngoại ký sự, sđd, trang 102

12. Hi ngoại ký sự, sđd, trang 25.

13. Hi ngoại ký sự, sđd, trang 56

14. Hi ngoại ký sự, sđd, trang 23-24.

15. Hi ngoại ký sự, sđd, trang 76.

16. Hi ngoại ký sự, sđd, trang 76.

17. Hi ngoại ký sự, sđd, trang 84.

18. Hi ngoại ký sự, sđd, trang 97-98.

19. Hi ngoại ký sự, sđd, trang 99.

20. Hi ngoại ký sự, sđd, trang 58.

21. Hi ngoại ký sự, sđd, trang 58.

22. Hi ngoại ký sự, sđd, trang 117.

23. Hi ngoại ký sự, sđd, trang 124.

24. Hi ngoại ký sự, sđd, trang 130.

25. Hi ngoại ký sự, sđd, trang 130.

26. Hi ngoại ký sự, sđd, trang 162.

27. Hi ngoại ký sự, sđd, trang 162.

28. Hi ngoại ký sự, sđd, trang 207.

29. Hi ngoại ký sự, sđd, trang 208-210.

30. Hi ngoại ký sự, sđd, trang 219.

31. Hi ngoại ký sự, sđd, trang 218.

32. Hi ngoại ký sự, sđd, trang 133.

33. Hi ngoại ký sự, sđd, trang 218-219.

34. Hi ngoại ký sự, sđd, trang 220.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 13
    • Số lượt truy cập : 6782458