Một ngày đến cố đô Ayutthaya
MỘT NGÀY ĐẾN CỐ ĐÔ AYUTTHAYA
LẠC TỊNH
Thái Lan, vương quốc của những ngôi chùa Tháp nổi tiếng. Bạn có thể đi bắt cứ nới nào cũng có thể chiêm ngưỡng những kiệt tác của kiến trúc xây dựng truyền thống gắn liền với Phật giáo. Và hôm nay, xin giới thiệu về Cố đô Ayuthaya, một cố đô Phật giáo với những ngôi chùa với hàng trăm kiệt tác được thế giới ghi nhận.
Sau đoạn đường dài 76 km từ Bangkok, chúng tôi đến Ayutthaya, nơi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào tháng 12.1991. Trải rộng trên diện tích tới 2.557 km2 là cả trăm công trình kiến trúc, chủ yếu được xây bằng gạch nung đỏ au, cái nguyên vẹn, cái chỉ còn một phần.Ayutthaya được bao quanh bởi ba dòng sông thơ mộng: Chao Phraya, Lop Buri và Pasak. Được ví như cố đô Huế của Việt Nam, Ayutthaya là nơi lưu lại những dấu ấn vàng son của kinh đô tồn tại hơn 400 năm từ giữa thế kỷ XIV đến nửa cuối thế kỷ VVIII.
Kinh đô cổ Aytthaya bắt đầu được trị vì dưới triều đại của vua U Thong. Đến năm 1767 sau bảy triều đại cai trị với 33 vị vua, toàn bộ kinh đô Ayutthaya đã bị đội quân Burma (tên cũ của đất nước Myanmar) xâm lược và phá hủy. Khi giành được độc lập, nhà vua đã di dời kinh đô về Bangkok. Kể từ thuở đó, địa danh Ayutthaya dần bị quên lãng.
Với lòng thành kính đức Phật Thích Ca và đạo Phật, các vị vua xứ chùa Tháp đã cho xây dựng những ngôi chùa bằng đá, đất và những chất liệu thô sơ, nhưng đã tạo nên những kiệt tác ngoài sức tưởng tượng. Điểm đầu tiên khi đến Ayutthaya mà không ghé thăm chùa Wat Mahathat thì chưa thể nói đến cố đô này. Wat Mahathat là ngôi chùa lớn của cố cung Ayutthaya, bắt đầu xây dựng vào năm 1374 dưới thời vua Borom Rachathirat I và hoàn thành dưới thời vua Ramesuan. Những năm đầu của thế kỷ XVII, Ayutthayanằm dưới sự cai trị của vua Songtham, ngôi tháp chính của Wat Mahatat bị sụp đổ và có lẽ đã được khôi phục và hoàn thiện bởi đức vua kế vị sau đó là Pra Sathong, Wat Mahatat là ngôi chùa quan trọng của Hoàng Cung lúc bấy giờ. Ngôi chùa bị phá hủy một lần vào năm 1767. Từ năm 1911, ngôi chùa này tiếp tục bị quân đội Miến Điện phá hủy. Hầu như Wat Mahatat bị thiêu rụi hoàn toàn, các bức tượng Phật dài dọc dãy hành lang bị thiêu rụi. Nhất là việc khám phá ra bức tượng Phật trong các tháp 7 lớp và đặc biệt nhất là tìm ra bức tượng Phật (chỉ còn phần đầu) nằm kẹt trong cây bồ đề đại thụ mà ngày nay là điểm chiêm bái nổi tiếng của chùa này.
Rời chùa Wat Mahathat, chúng tôi tiếp tục đến viếng Chùa Wat Lokaya Sutha là một ngôi chùa nằm trong quần thể di tích Công viên lịch sử Ayutthaya, thuộc thành phố Ayutthaya. Ngôi chùa này được xem là nơi linh thiêng của người hành hương vì nó rất nổi tiếng với bức tượng Phật Thích Ca nằm nghiêng về bên phải trầm mặc và uy nghi, bức tượng được xem là bức tượng Phật may mắn còn nguyên vẹn so với các di tích khác trong toàn thể khu di tích Ayutthaya.
Tượng Phật nằm khổng lồ được xem là di tích quan trọng nhất trong hầu hết di tích ở Lokaya Sutha. Bức tượng nghiêng đầu trên tòa sen, mặt hướng về phía đông, hai bàn chân chồng khít lên nhau với những ngón chân cân đối. Bức tượng được các Phật tử cúng dường và khoác bằng chiếc áo cà sa vàng rực, cao 8m và dài khoảng 29m, làm bằng xi măng, phủ thạch cao và một số chỗ được người hành hương sơn son thếp vàng bằng những miếng mạ lá mỏng dính và nhỏ xíu. Nhiều người dân Thái Lan và các du khách bày tỏ đức tin bằng việc dán tấm vàng lá lên các bức tượng Phật, tin sẽ được công đức và được Ngài, cùng chư Thiên Hộ Pháp phù hộ và che chở.
Một điểm đến trong hành trình của Chúng tôi là ghé thăm chùa Wat Yai Chaimongkhon là một tổ hợp các kiến trúc gồm các Tu viện, mộ tháp và chùa chiền. Mộ tháp lớn nhất được xây trên một nền cao với hai ngôi mộ tháp nhỏ hai bên và hai tượng Phật khổng lồ. Ngay tại bức tượng Phật khổng lồ này là những cây hoa đại (hoa sứ) trăm tuổi. Chùa được xây năm 1357, khi vua U-Thong đã cho xây dựng Tu viện trong quần thể này vào năm 1357 để dành cho các vị Sư đi học từ Srilanka trở về. Thoạt đầu nó có tên là Wat Pra Kaeo, sau khi đức vua trao tặng danh hiệu “Somdej Phra Vanarat”, tu viện được mang tên lại là Wat Phra Chao Phyathai, nghĩa là “Ngôi đền tối cao”.
Nét kì bí của khu di tích này chình là ngôi mộ tháp của các vị vua, bậc thang lên đến đỉnh mộ tháp rất dốc gần 90 độ và du khách rất khó khăn để đi lên ngôi mộ tháp này. Tuy nhiên ở khoảng giữa có một hành lang chạy quanh ngôi mộ tháp lớn nhất. Bên ngoài bức tường là những ngôi mộ tháp nhỏ hơn nằm rải rác trên bãi cỏ xanh, những nét đổ nát làm lộ ra những viên gạch bên trong các mộ tháp khiến cho vẻ cổ kính của di tích thêm thu hút. Chính sự đổ nát này khiến cho tổ hợp kiến trúc mang một nét rất cổ kính. Phần bức tường gạch bao quanh chùa và các ngôi mộ đã đổ nát nhưng đã được trùng tu, các bức tượng Phật trải dài thẳng tắp và được khoát lên những mảnh áo vàng khiên cho chùa thêm phần linh thiêng.
Tuy chỉ có vài tiếng lang thang ở cố đô Ayutthaya, đứng giữa những phế tích trầm mặc linh thiên song vẫn cảm nhận được sự hưng thịnh một thời của “Venice phương Đông”, về những giáo lý của Đức Phật, có Sanh ắt có Diệt, có Thành ắt có Hoại, quy luật muôn đời của vũ trụ. Vọng bái về tôn Tượng của Đức Bổn Sư và các vị Thánh chúng, rời Ayuthaya vào buổi trưa nắng đầu hè, nhưng trong lòng đầy hứng khởi sau một ngày chiêm bái những kiệt tác của xứ chùa tháp. Tạm biệt nơi đây để quay lại và tiếp tục những hành trình.
Bình luận bài viết