Tin tức

Một số lễ hội Phật giáo liên quan đến Thiền sư Từ Đạo Hạnh ở Hà Nội

MỘT SỐ LỄ HỘI PHẬT GIÁO LIÊN QUAN ĐẾN

THIỀN SƯ TỪ ĐẠO HẠNH Ở HÀ NỘI

 

NGUYỄN VĂN QUÝ

 

Lễ hội Phật giáo khá phong phú và đa dạng. Ở bài viết này, chúng tôi giới thiệu khái quát hai lễ hội Phật giáo tiêu biểu liên quan đến Thiền sư Từ Đạo Hạnh là lễ hội chùa Thầy và lễ hội chùa Láng ở Hà Nội.

Lễ hội Chùa Thầy

 

Thiền sư Từ Đạo Hạnh được nhiều nơi thờ phụng, nhưng chùa Thầy (Thiên Phúc tự) thuộc địa phận hai thôn Đa Phúc và Thụy Khuê, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội ngày nay được coi là nơi thờ chính. Ngôi chùa nằm ở vị trí nổi bật trong quần thể danh thắng non nước Sài Sơn. Chùa Thầy là tên gọi tôn kính Đức thánh Từ Đạo Hạnh. Bên cạnh đó, tên núi, tên làng cũng được gọi là Thầy cho thấy sự ảnh hưởng rất lớn của Ngài đối với đời sống tâm linh của nhân dân nơi đây.

Lễ hội chính được mở vào mùng 7 tháng Ba hằng năm. Nhưng từ trước đó, thủ tự (hay sư trụ trì), nhân dân và các tín đồ quanh vùng đã chuẩn bị chu đáo để ngày mở hội được tốt đẹp nhất, đường làng ngõ xóm khang trang sạch đẹp, Thủy đình trang hoàng rực rỡ tạo không khí náo nức nhộn nhịp, thôi thúc lòng người hướng tới cửa Phật.

Ngày mùng 5 tháng Ba diễn ra Lễ Mộc dục (Lễ Tắm tượng). Nước dùng để tắm tượng bao giờ cũng nấu với 5 loại lá thơm (ngũ vị) do Chủ tế cùng với thủ tự và 12 thành viên thực hiện. 12 thành viên này được dân làng tín nhiệm bầu theo các tiêu chí: các bô lão có đạo đức, sáng suốt, được mọi người yêu kính, con cháu đề huề,...

Nghi lễ Mộc dục được bắt đầu khi lời tụng kinh của sư trụ trì vang lên. Sau đó, Chủ tế trong lễ phục áo xanh và 12 thành viên trong lễ phục áo đen quỳ khấn xin phép trang nghiêm. Khấn xong, khám thờ Đức thánh Từ Đạo Hạnh được mở (mỗi năm chỉ mở duy nhất một lần) để nhà sư và hai vị bô lão làm Lễ Mộc dục. Bên ngoài, các tăng ni, Phật tử và nhân dân kính cẩn chắp tay hướng đến bàn thờ Phật. Một không khí thành kính, thiêng liêng, hư ảo bao trùm toàn bộ ngôi chùa.

Sau Lễ Mộc dục, các đồ tế tự cũng được phất bụi trần sạch sẽ. Nước tắm tượng được vẩy khắp nơi với ý nghĩa cầu mong Đức Phật phù hộ cho nhân khang vật thịnh. Có người xin nước thoa lên người, lên mặt để cầu mong sự tốt lành, còn những chiếc khăn dùng trong nghi lễ và trang phục của Đức Thánh Từ được chia nhỏ cho nhân dân làm “bùa”, nhất là cho trẻ nhỏ tránh được tà khí, không bị ốm đau.

Ngay sau Lễ Mộc dục là Lễ Phục nghinh bài vị và Lễ An vị. Đây là hai nghi lễ rước ngai thờ bài vị của Ngài ở Điện Thánh xuống chùa Trung và đặt ở đây cho đến hết lễ hội. Với hàm ý “để Thánh Từ Đạo Hạnh có thể chứng kiến tận mắt những nghi lễ rước, cúng, lễ hội dân gian diễn ra trong chùa cũng như ngoài sân”(1) nên ngai thờ được trang phục áo Phật, đội mũ Tỳ lư, tượng trưng cho sự hiện diện của ngài.

Khi nhạc lễ vang lên, Chủ tế và hai bồi tế làm lễ xin phép, ngai thờ được rước xuống chùa Trung giữa hai hàng vãi áo nâu, tay lần tràng hạt, tay cầm phướn, tiếng trống khẩu từng nhịp vang lên. Sau khi ngai thờ được đặt ở chùa Trung thì nghi lễ an vị diễn ra. Nghi lễ này do nhà sư đảm nhận với sự phối hợp của các thành viên trong Ban Tế lễ. Sau nghi lễ, nhân dân và khách thập phương dâng lên ban thờ những vật phẩm như hoa quả, xôi oản... thể hiện lòng thành đối với Đức Thánh.

Sau khi làm Lễ An vị, nhà sư trong lễ phục cà sa, đầu đội mũ Tỳ lư dời chùa Trung xuống chùa Hạ, tất cả tăng chúng, Phật tử và nhân dân đứng dậy hành lễ, miệng tụng A Di Đà lục tự. Sau lễ tạ của nhà sư, âm nhạc Phật giáo nổi lên rộn rã với vũ điệu cúng Phật xoay vòng vô cùng lôi cuốn. Nhà sư xoay tròn lên xuống dường như bất tận với đôi bàn tay kết ấn, bắt quyết đầy huyền ảo. Những “nghi thức Phật giáo cầy lá cây vẩy nước làm phép, soi gương bắt quyết... như đưa người xem vào một thế giới vừa tâm linh vừa trần thế. Những bước đi nhanh chậm của nhà sư như biểu hiện cho vòng quay không ngừng của kiếp người”(2).

Lễ tế và lễ rước diễn ra vào ngày mùng 7 tháng Ba, ngày hóa của Đức thánh Từ Đạo Hạnh. Đây là ngày lễ chính (đại tế), nên toàn thể 4 thôn Đa Phúc, Thụy Khuê, Khánh Tân và Sài Khê rước bốn kiệu đặt bài vị thành hoàng làng mình cùng lễ vật về yết kiến Đức thánh Từ Đạo Hạnh. Đến khoảng 3 giờ chiều, đoàn kiệu của 4 thôn đã đến sân chùa theo thứ tự đã định. Từ đây, lễ hội rước thực sự bắt đầu từ chùa Thầy ra gò Quán Thánh khoảng chừng 2 km (tương truyền là nơi quân Minh đã đốt xác Đức thánh Từ Đạo Hạnh). Đám rước tuân theo trình tự: đi đầu là ngựa hồng của “anh cả” Thụy Khê, tiếp sau là ngựa trắng của làng Đa Phúc, khi rước về thì vị trí đổi cho nhau(3). Sau khi đến gò Quán Thánh, nhà sư làm lễ tại đây trong khoảng 1 giờ thì đoàn rước trở về. Điều khác là, kiệu khoác chiếc áo vàng của Đức thánh Từ Đạo Hạnh lúc rước đi, khi rước về được thay bằng áo cà sa. Nhân dân địa phương gọi đó là “đi Thần, về Phật”, diễn tả quá trình tu hành của Ngài trở thành một vị Phật.

Ngoài những nghi lễ đậm dấu ấn Phật giáo thiêng liêng, lễ hội chùa Thầy còn lôi cuốn Phật tử và du khách thập phương ở 20 tiết mục múa rối nước tại thủy đình phía trước ngôi chùa. Màn biểu diễn rối nước được thực hiện ngay sau Lễ An vị hoàn tất do làng Ra đảm nhận. Các tiết mục rối nước đã đem đến cho du khách những cảm nhận tinh tế, sâu sắc về truyền thống văn hóa, dấu ấn Phật giáo thấm đẫm trong một vùng lễ hội. Tiết mục “Rước kiệu rời tượng” có lẽ được đón chờ nhất. Bởi vì, tiết mục này “tái hiện lại cảnh rước tượng Từ Đạo Hạnh thiêng liêng để tỏ lòng biết ơn đối với vị tổ khai sáng nghề rối, vừa tái hiện lại quá trình tu luyện của Từ Đạo Hạnh từ Thần thành Phật mà dân gian vẫn quen gọi là “đi Thần về Phật”(4).

Một thú ngoạn cảnh cuốn hút trai thanh gái lịch là leo núi vào hang Cắc Cớ. Câu ca: “Hội chùa Thầy có hang Cắc Cớ/Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy”. Đây chính là hội du xuân, biểu thị tình yêu đôi lứa trong một không gian danh thắng tươi đẹp.

Lễ hội Chùa Láng

 

Chùa Láng (Chiêu Thiền tự) hiện thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội. Ngay từ khi khởi dựng, ngôi chùa này đã gắn bó mật thiết với Thiền sư Từ Đạo Hạnh và nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc.

Lễ hội chùa Láng cũng được mở vào ngày 7 tháng Ba(5), cùng ngày với Lễ hội chùa Thầy để tưởng nhớ Đức thánh Từ Đạo Hạnh: “Nhớ ngày mùng bảy tháng Ba/Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy”. Hội chùa Láng được Phật tử và nhân dân tổ chức trong tiết Thanh minh ấm áp để tôn vinh Thiền sư Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông.

Trước kia, việc chuẩn bị cho lễ hội rất công phu, như số lượng các loại pháo đủ dùng trong Lễ Đấu thần, hay việc chọn lựa, huấn luyện hai bộ đô tuỳ nội và ngoại(6). Đám rước của lễ hội từ chùa Láng đến cống Cót, sang bên kia sông, đến tận Dịch Vọng Hậu, sau đó về chùa Cả. Lễ vật dâng cúng phải có ba lễ, tượng trưng cho ba kiếp của Đức thánh Từ Đạo Hạnh gồm Lễ Thánh, Lễ Phật và Lễ Thiên tử.

 Ngày mồng 5 bắt đầu lễ rước kiệu Thánh lên Chùa Nền (tương truyền là nơi Ngài chào đời). Ngày hôm sau lại rước kiệu về chùa Tam Huyền (làng Mọc) thăm cha. Tối mùng 6, rước tượng Ngài từ chùa Cả đến ngự tại lầu bát giác chùa Láng để Ngài ngự lãm hát múa dâng hoa. Ngày mùng 7, ngày chính hội, khi ba hồi trống vang lên, hai hàng đô tùy mặc khố đen, vải nhiễu điều ngang vai, đầu đội mũ tham gia rước tượng thánh. Các làng kết nghĩa cùng đến hộ giá: làng Mọc rước kiệu bài vị Từ Vinh đến trước, làng Nhược Công (nay là Thành Công) đến sau với một kiệu long đình, hàm ý rước “vía” thánh. Khi đã tề tựu đông đủ thì lễ rước mới chính thức được tiến hành.

Nét riêng của lễ hội chùa Láng là hình thức trình diễn đấu thần: “Khi tới trước cửa chùa Thánh Tổ, nơi thờ Thiền sư Đại Điên thì lễ rước dừng lại, pháo lệnh nổ vang, rồi tiếp đó hàng loạt pháo thăng thiên và pháo chuột được đốt phóng sang chùa Thánh Tổ, sang chỗ kiệu Đại Điên đang núp. Đúng chính ngọ (12 giờ trưa) đám rước thật nhanh đi về chùa Cả”(7). Vào đêm ấy, tiếng chèo cất lên báo hiệu vãn hội.

Ngày nay, lễ hội chùa Láng được tổ chức đơn giản hơn song vẫn giữ được những nghi lễ và hoạt động truyền thống của một hội chùa vốn nức tiếng cả một vùng phía tây kinh thành Thăng Long xưa.

Vào ngày mùng 6 tháng Ba: Buổi sáng, nhà sư và các vãi trong chùa tụng kinh cúng Phật; buổi chiều, các phường lân cận biểu diễn các tiết mục văn nghệ; buổi tối, các cụ ông làm lễ bao sái tượng Phật, Thánh cùng các đồ tế tự.

Ngày mùng 7 tháng Ba, ngày chính hội: buổi sáng, rước kiệu Thánh từ chùa ra đường lớn rồi trở về chùa, an vị kiệu tại nhà bát giác; chủ tế đánh trống khai hội, đọc thần phả của Thánh và lịch sử chùa; cuối cùng là lễ tế Thánh (đội tế nam Chùa Làng thực hiện). Buổi chiều, đội tế nữ Chùa Láng làm lễ dâng hương tế Thánh. Buổi tối, các nhà sư trong chùa làm lễ tiến hương hoa và đọc kinh.

Ngày mùng 8 tháng Ba: Buổi sáng, các phường lân cận vào làm lễ tế Thánh. Buổi chiều, diễn ra các trò chơi dân gian và lễ trao giải các cuộc thi trong lễ hội. Kết thúc lễ hội là lễ tế hạ hội tiến hành vào lúc chiều tối.

Trong hai ngày diễn ra lễ hội còn có nhiều hoạt động được tổ chức như: thi thổi cơm, đập niêu, chọi gà, đi cầu kiều, thi cờ tướng, hội thơ, hội thư pháp, hát quan họ, chầu văn, cải lương, múa,v.v...

Hội chùa Thầy và Hội chùa Láng là hai lễ hội lớn nhất, tiêu biểu nhất liên quan đến Thiền sư Từ Đạo Hạnh tại Hà Nội. Ngoài ra, còn khá nhiều ngôi chùa khác ở Hà Nội hay các vùng phụ cận thờ Ngài, song thân của Ngài, hay phối thờ Ngài với Minh Không và Giác Hải(8).


 1. Dẫn theo: Đặng Thị Phong Lan. Nghệ thuận kiến trúc và điêu khắc chùa Thầy. Luận án Tiến sĩ Văn hóa học, tr. 217.

2. Đặng Thị Phong Lan, Sđd, tr.219.

3. Theo cách giải thích của dân gian, khi biết tin Phu nhân của Sùng Hiền Hầu sinh thái tử, ngựa hồng đã về báo tin trước nên được thả, còn ngựa trắng thì bị nhốt, do đó ngựa hồng được đi trước.

4. Đặng Thị Phong Lan, Sđd, tr.226.

5. Tương truyền, hội chùa Láng không phải được tổ chức hằng năm, mà cứ 10-15 năm, nhất là vào những lúc mưa thuận gió hoà, những khi vận hội thanh bình, nhà nhà no ấm hội mới được mở.

6. Bộ đô tùy nội có 18 trai đinh, phải là những người đang còn chịu tang, như có ý để tang cho Thánh phụ (Từ Vinh), còn bộ Đô tùy ngoại gồm 36 người, 918 người dự bị.

7. Dẫn theo: http://lehoi.cinet.vn

8. Ở Hà Nội có chùa Bến Thôn (Phúc Nghiêm tự), chùa Dị Nậu (Bảo Quang tự) xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất; chùa Linh Chung, xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất; Chùa Cả (Trung Hưng tự), phương La Phù, quận Hà Đông; chùa Lý Triều Quốc Sư, số 50 phố Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm; chùa Đồng Bụt (Thiền Sư tự), xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai; chùa Nền (Đản Cơ tự, Cổ Sơn tự), phường Láng Thượng, quận Đống Đa; chùa Múa (Thiên Vũ tự), chùa La Dương, phường Dương Nội, Hà Đông; chùa Hoa Lăng (Ba Lăng), phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy,v.v... Ở tỉnh Nam Định có chùa Tây Lạc (Viên Quang Như tự), xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực; chùa Lương Hàn (Bảo Quang tự) xã Việt Hùng, huyện Trực Ninh; Chùa Bí (Đại Bi tự), xã Nam Giang, huyện Nam Trực; chùa Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường,v.v...

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 11
    • Số lượt truy cập : 6115315