Tin tức

Năm uẩn trong hành trình diệt khổ

NĂM UẨN TRONG HÀNH TRÌNH DIỆT KHỔ

TRẦN CAO LỘC

 

Theo Phật giáo, con người trong kiếp này do nhân duyên hòa hợp từ những nghiệp duyên trong những đời quá khứ tạo ra. Do vậy, con người chỉ là sự kết hợp, tạo thành của ngũ uẩn. Uẩn có nghĩa là tích tụ, nhóm họp lại, còn có nghĩa là ngăn che nên có tên ngũ ấm. Nói cách khác thân thể con người gồm có hai phần là tâm hồn và thể xác, còn gọi là danh và sắc. Danh bao gồm thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn và sắc tức sắc uẩn. Vậy ngũ uẩn là một danh từ dùng chỉ cho con người hay nói một cách rộng lớn hơn là toàn thể nhân sinh vũ trụ. Sau đây ta hãy tìm hiểu về năm uẩn

1) Sắc uẩn

Sắc uẩn chính là sự kết tụ của vật chất để tạo ra những hình tướng như thân thể và cảnh vật. Sắc uẩn gồm có bốn yếu tố căn bản là địa (chất rắn), Thủy (chất lỏng), Hỏa (nhiệt độ), Phong (chất khí).

Thân thể là sắc uẩn, vì vậy chúng không phải là một thực thể độc lập mà là một hợp thể vật chất biến động và mâu thuẫn. Nó tùy thuộc vào các môi trường xung quanh như mặt trời, dòng sông, không khí... Quan điểm của Phật giáo về thân thể vật lý dựa trên cơ sở lý duyên sinh, nghĩa là trình bày rõ về mối tương hệ giữa yếu tố con người với yếu tố vũ trụ thiên nhiên gồm môi trường, hoàn cảnh...

Bản chất của sắc uẩn là vô thường và chuyển biến theo lý duyên sinh, vì vậy bản chất của chúng là không. Sự chấp thủ, tham ái, hoặc bất cứ một đối tượng vật lý, sinh lý nào cũng đều tiềm ẩn nguy cơ đau khổ. Như trong kinh Phật đã dạy, ai cho rằng sắc uẩn là ta, là của ta, là tự ngã của ta thì chắc chắn gặt hái đau khổ, thất vọng, sầu muộn...

Nhờ thấy rõ thân thể qua phân tích sắc uẩn đưa đến trí tuệ sâu sắc làm rơi rụng tâm lý tham ái thân thể, chặt đứt sợi dây trói buộc vào sắc uẩn.

2) Thọ uẩn:

Thọ là cảm giác, do sự tiếp xúc giữa giác quan và đối tượng mà sinh ra.  Nên có sáu thọ: Mắt tiếp xúc với hình sắc, tai với âm thanh, mũi với mùi, lưỡi với vị, thân với vật xúc chạm, ý với đối tượng tâm.

Thọ được chia làm ba loại: Lạc thọ, khổ thọ và vô ký thọ.

- Lạc thọ là cảm nhận được cái vui,Cảm giác vui sướng là một loại cảm giác dễ chịu khi ta tiếp xúc với một đối tượng thích ý, nó tạo cho ta niềm vui.

- Khổ thọ là cảm nhận sự đau khổ Cảm giác khổ là khi ta tiếp xúc với một đối tượng không thích ý, nó kèm theo một chuỗi tâm lý khó chịu, bất mãn...

- Xả thọ hay vô ký thọ là không vui cũng chẳng buồn. Tất cả những loại cảm thọ ấy tạo thành một dòng sông tâm lý chi phối hệ thống tâm thức, chúng thay đổi vô chừng; chuyển biến vô tận nên chúng vô thường và vô ngã vì cái tôi không làm chủ được. Vì vậy, chấp thủ vào cảm thọ vào cái tôi bao giờ cũng sai lầm và gặt hái khổ đau.

3) Tưởng uẩn:

Sau khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần lãnh thọ các cảnh khổ vui thì sau đó sanh ra tưởng nhớ để bắt đầu so sánh phân biệt.

Đây là khả năng kinh nghiệm của sáu giác quan và sáu đối tượng của giác quan. Sự nhận biết đối tượng có hai loại: Một là nhận biết đối tượng bên ngoài như mắt thấy sắc nhận biết đó là đóa hoa hồng, tai nghe âm thanh nhận ra bản nhạc...; hai là khả năng nhận biết đối tượng bên trong, tức là các đối tượng tâm lý như những khái niệm, hồi tưởng ký ức... Như vậy, tưởng uẩn là cái thấy, cái biết của mình về con người, hoặc sự việc.

Tưởng bao gồm mọi nhận thức về thế giới vật lý, tâm lý được ký hiệu hóa, khái niệm hóa, nên giữa tri giác và thực tại luôn có một khoảng cách.

Sự có mặt của tri giác là sự có mặt của kinh nghiệm. Vì vậy tri giác dễ bị đánh lừa bởi kinh nghiệm, do vì thực tại luôn sinh động, chúng vô thường, trống rỗng và đầy hư vọng mà ta thường gọi là vọng tưởng.

4) Hành uẩn:

Sau khi so sánh phân biệt, ý niệm bắt đầu sai khiến thân và miệng thực hành những gì ý muốn. Vì thế tạo ra  nghiệp lành hay dữ tùy theo hành động tốt hoặc xấu

Hành uẩn ở đây có nghĩa là các hiện tượng tâm lý mang tính chất tạo  nghiệp, có năng lực đưa đến quả báo tạo động lực tái sinh.

Hành tạo nên một năng lực tiềm ẩn trong chiều sâu tâm thức. Chúng làm nền tảng và lực đẩy để hình thành một năng lực hành mới.Hành uẩn tồn tại nhờ các điều kiện do duyên sinh nên chúng vô thường, trống rỗng và biến động.

5) Thức uẩn:

Thức là có khả năng rõ biết, phản ánh thế giới hiện thực, thức chỉ nhận biết sự hiện diện của đối tượng giống như tấm gương phản chiếu tất cả những hình ảnh đi ngang qua nó.

Thức uẩn là nền tảng của các hiện tượng tâm lý như biển là nền tảng của các ngọn sóng nhấp nhô. Vì vậy thức còn gọi là yếu tố căn bản của tâm lý, thức dung chứa các hiện tượng tâm lý và căn cứ để các hiện tượng tâm lý phát khởi. Mặc dù thức uẩn là nền tảng của tâm lý nhưng nó không tồn tại độc lập, chúng hiện hữu, lưu chuyển, vô ngã và do duyên sinh.

Ta có thể so sánh sự vận hành của ngũ uẩn như một chiếc máy vi tính.

 Ngày nay những chiếc máy vi tính chạy rất nhanh (high speed), chứa biết bao dữ kiện (documents) nhưng thật ra sự hoạt động của nó giống y như là sự hoạt động của bộ óc con người. Bộ óc của máy vi tính là CPU (Central Processing Unit) (đơn vị trung tâm xử lý).

Trong những thập niên tới, chúng ta sẽ không lạ gì khi thấy xuất hiện nhiều con chip rất nhỏ và chạy rất nhanh làm thay đổi cách sống của nhân loại trên thế gian này.

 Ngoài bộ óc, máy vi tính phải có phần nhớ để dự trữ và so sánh dữ kiện. Dung chứa tất cả những dữ kiện mà không bị mất. Vì thế khi máy vi tính bị hư (có virus) thì bộ óc (CPU) bị hư, nhưng phần nhớ cứng vẫn tồn tại nên tất cả dữ kiện dung chứa trong đó không bao giờ mất được.

Nhưng khi có máy vi tính mới thì tất cả những dữ kiện từ phần nhớ cứng (hard drive) của máy vi tính cũ có thể chuyển sang phần nhớ của máy vi tính mới chớ không bị mất bất cứ một dữ kiện nào.

Con người cũng thế, khi chết thì tất cả những chủng tử thiện ác tốt xấu từ trong A lại da thức sẽ kết tập với những nhân duyên mới để định đoạt con người mới của chúng ta nghĩa là chúng ta sẽ thọ sanh vào gia đình nào, làm con cái của ai và thọ lãnh phước đức lành dữ, tốt xấu như thế nào.

Tưởng uẩn có thể hiểu là nơi phát xuất ra mọi ý niệm dựa theo sự phân biệt đối đãi nhị nguyên để sai khiến hành uẩn thực hiện những tư tưởng đó. Vì thế chính tưởng uẩn là nguồn gốc tạo ra sinh tử luân hồi.

Đã là con người thì ai cũng có cảm giác vui buồn nhưng không nên dính mắc vào, nhưng ta thường chạy theo ý thức phân biệt để kéo dài cảm thọ thì tâm tham liền nổi dậy. Thậm chí còn tìm cách giữ cảm giác đó cho dài thêm cho nên lòng tham cũng tăng theo, mà giữ không được thì tâm sân phát khởi làm cho cuộc đời điên đảo. Đối với đức Phật thì Ngài không bao giờ dính mắc vào nên Ngài mới có Vô thượng Niết bàn, tâm hằng tự tại. Trong khi đó chúng sinh có cảm giác rồi lại say mê chìm vào trong cảm giác lạc thọ hay khổ thọ để phải chịu khổ.

Do đó thức uẩn là quan trọng nhất bởi vì nếu không có nó thì tưởng uẩn không thể nào thực hiện sự phân biệt được.

Tóm lại, khi con người chết thì sắc uẩn ngưng hoạt động. Sau đó thần kinh đứt nên cảm giác bị gián đoạn tức là thọ uẩn cũng mất. Bộ óc chết thì tư tưởng bám víu vào bộ óc cũng chết theo nên tưởng uẩn cũng biến mất. Tưởng uẩn không còn nên không còn nghiệp để sai khiến hành uẩn vì thế hành uẩn cũng tan theo. Duy chỉ có thức uẩn là không tùy thuộc bộ óc nên tuy thân chết nhưng nó vẫn tồn tại.

Cứu cánh của giáo lý đức Phật dạy chúng sinh diệt khổ để có an lạc, hạnh phúc ngay trong cái thế giới có sinh có diệt này.Thế thì ngay trên cái khổ đó mà con người làm chủ được nó thì gọi là diệt khổ. Vì vậy khi tâm thanh tịnh, không còn phiền não quấy phá thì nơi ấy chính là cõi Phật thanh tịnh rồi.

Nguyên nhân gây ra tất cả những nỗi khổ đau của cuộc sống là đều do ý thức tức là tư tưởng mà ra. Vì thế đức Phật dạy chúng sinh chuyển tất cả tư tưởng (ý thức) thành ra trí tuệ thì chấm dứt khổ đau và dĩ nhiên Niết bàn an lạc hiển hiện.

Tôi và cái của tôi là cội gốc của vô minh và từ đó nó phát sinh đâm chồi nẩy nhánh tạo thành ba thứ vô mình căn bản tham - sân - si. Và từ cái tam độc này nẩy sinh ra tham đắm về tài, sắc, danh, thực, thùy còn được gọi là đam mê theo ngũ dục lạc.

Đến đây có người thắc mắc rằng có tiền nhiều, danh vọng lớn, ăn ngon, mặc đẹp thì nếu đây không phải là hạnh phúc, là những cứu cánh của cuộc đời thì còn là gì? Thật ra, Phật giáo không phủ nhận những hạnh phúc giả tạm nầy, nhưng nếu quán chiếu lại thì sẽ thấy rằng tất cả những hạnh phúc ở trên đều phải có điều kiện. Mà hễ bất cứ cái gì trên thế gian mà có điều kiện thì cái đó bị ràng buộc. Nói cách khác hễ có ràng buộc dầu ít hay nhiều thì vẫn là cội nguồn cho những nỗi khổ. Chỉ có trí tuệ mới có sức mạnh và công năng tiêu diệt ý thức, vọng tưởng. Đến đây thì những tham sân si vi tế mới thật sự bị hủy diệt, tâm hằng tự tại thanh tịnh Niết bàn. Lục Tổ dạy rằng: “Tịch tịch bất kiến văn” nghĩa là không còn chấp nơi thấy, nghe, hay, biết thì có thanh tịnh nhẹ nhàng

Đức Phật giới thiệu giáo lý “Như Thị” để người tu Phật có một cái nhìn, một nhận định chính xác về tánh “Như Thị” tức là “Như Vậy” của vạn pháp.Con người vì không nhìn vạn pháp bằng “Như Thị” mà nhìn đời bằng những phạm trù đối đãi phân biệt cho nên mới sinh ra phải quấy, thương ghét, tốt xấu, thân sơ, vui mừng, buồn giận... Vì thế kinh Lăng Nghiêm, đức Phật dạy rằng:

Tri kiến lập tri tức vô minh bổn,

Tri kiến vô kiến tư tức Niết bàn.

Nghĩa là nếu con người lấy sự thấy biết nếm ngửi bên ngoài đem vào tâm làm tâm phát khởi sự phân biệt khiến tham - sân - si dấy khởi thì đây là căn nguyên của vô minh. Còn thấy biết thì cái gì cũng thấy biết, nhưng không đem vào tâm thì thấy biết mà cũng như không thấy biết gì hết nên tâm hằng thanh tịnh thì đây chính là Niết bàn vậy.

Vì thế đối với thế gian là khổ đau, là phiền não mà ta vẫn an vui hạnh phúc. Quán vạn pháp giai không thì tâm không dính mắc, không còn lưu luyến hay bị nhận chìm đọa lạc. Con người có khổ vì sống trong vô minh, bất giác cho nên khi thức tỉnh để biết rằng thật tánh của khổ là Phật tánh thì làm gì còn khổ nữa.

Ngày xưa lúc còn là vị Thái tử giàu sang quyền quý, sống trên nhung gấm lụa là mà Tất Đạt Đa vẫn xuất gia. Đến khi thành đạo, ngày ăn một bữa, đêm ngủ gốc cây mà lòng an vui tự tại.

Vì thế đối với đức Phật bỏ tất cả thì sẽ được tất cả. Được tất cả nghĩa là không được gì hết tức là không còn dính mắc. Do đó tôn chỉ của đạo Phật là diệt khổ chớ không trốn đời bởi vì khi quán chiếu để thấy biết cuộc đời là vô thường vô ngã, tịch tịnh thì ở đâu cũng thanh tịnh, làm việc gì cũng an vui tự tại. Cho nên đức Phật đến đâu thì nơi ấy là cõi thanh tịnh bởi vì tâm Ngài thanh tịnh thì thế giới sẽ thanh tịnh theo.

Trong kinh Tương Ưng, Phật đã dạy ngũ uẩn là vô thường, khổ, vô ngã. Chúng là gánh nặng, nếu trên hành trình diệt khổ ta biết đặt xuống thì sẽ được an lạc vậy :

"Ngũ uẩn là gánh nặng,

Kẻ gánh nặng là người.

Mang gánh nặng ấy lên

Chính là khổ ở đời.

Còn đặt gánh nặng xuống

Chính là lạc ở đời...”  

Trích nguồn: Các website Phật giáo và tham khảo 
các sách giáo lý căn bản, giáo trình Phật học

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 12
    • Số lượt truy cập : 6116353