“Ngai vàng như đôi giày rách”
Nghĩ về câu nói TRẦN THÁI TÔNG:
“Ngai vàng như đôi giày rách”
HUỲNH VĂN ƯU
Từ xưa đến nay, nói đến ngai vàng là nói đến ngôi báu cao tột đỉnh. Thiên hạ từng chết sống để tranh giành, không kể người ngoài hay anh em ruột thịt đều cấu xé giết hại lẫn nhau để đoạt ngôi báu. Chuyện về các triều đại phong kiến, cả nước ngoài và nước ta đâu đâu cũng thấy sự tranh giành ngôi báu.
Vì ngôi báu là ngai vàng của một nước. Giữ được ngôi báu là giữ được nước, mất ngôi báu là mất nước. Người bất tài, thất đức giữ ngôi báu chỉ làm khổ dân. Ngược lại, người có tài có đức, một lòng yêu nước thương dân mà bất lực trước quyền thế thì càng đau khổ hơn. Trần Thái Tông, ông vua nhà Trần ở thế kỷ XIII là người có hoàn cảnh như thế. Khi xét về câu nói của Trần Thái Tông “Ngai vàng như đôi giày rách”, chúng ta phải xét Ngài nói trong hoàn cảnh nào, có chịu áp lực ai không.
Phải suy xét để thấy nỗi lòng nhà vua cũng như giá trị nội dung câu nói. Nên phân tích kỹ mới thấu đáo lời nói của Ngài và thấy Ngài là một người luôn đặt đất nước lên trên và một lòng lo dân lo nước, lúc nào cũng xem ngai vàng tượng trưng cho đất nước cho nhân dân là cao quý, cần phải bảo vệ giữ gìn. Cũng vì mất ngai vàng, mất ngôi báu mà đất nước ta bị giặc phương Bắc đô hộ 1.000 năm dưới gót giày xâm lược. Còn ngồi trên ngai vàng tham lam quyền lợi, làm bù nhìn, tay sai, rước giặc vào quậy phá để giặc theo dõi động tịnh tình hình đất nước, đó cũng là hành động phản dân hại nước, chỉ làm dân chúng lầm than cơ cực, không sớm thì muộn cũng mất ngôi, mất nước mà lịch sử các triều đại đã chứng minh.
Những vị vua cận cuối đời Lý phần nhiều tuổi nhỏ ham ăn chơi, bất tài, kém đức nên đất nước suy thoái đưa đến mất ngai vàng. Lý Anh Tông lên ngôi mới 2 tuổi, Lý Cao Tông lên ngôi 2 tuổi, Lý Huệ Tông lên ngôi 16 tuổi, Lý Chiêu Hoàng lên ngôi 6 tuổi. Cao Tông lấy công quỹ xây dựng vui chơi khoái lạc, Lý Huệ Tông nhu nhược thiếu bản lĩnh để quyền hạn rơi vào tay ba anh em Trần Lý, Trần Thừa, Trần Thủ Độ. Như vậy, hoàng thân trong triều khó mà qui phục các vị vua nầy, nên triều đình dễ dàng sụp đổ mất ngôi.
Nhà Trần lên nắm ngôi báu từ một cuộc hôn nhân chính trị, giữa Trần Cảnh tuổi vừa lên 8 và Lý Chiêu Hoàng độ chừng 7 tuổi do Trần Thủ Độ làm chủ mưu, cuộc kết hôn trong ấm ngoài êm, không tốn một giọt máu mà được ngôi báu. Nhưng mọi quyền hành đều nằm trong tay Trần Thủ Độ.
Là một vị vua ngồi trên ngai vàng chín bệ mà không quyết định được gì, kể cả việc chọn bạn đời cho mình. Như vậy, ngai vàng đối với Ngài có nghĩa gì đâu, nếu luận về cá nhân, về ý nghĩa làm chủ cuộc sống chẳng phải thua một đôi giày rách đó sao?!
Trong lòng đã chán nản nên đến đêm vua Thái Tông trốn đi, lên chùa Phù Vân ở núi Yên Tử thọ giáo quốc sư Viên Chứng. Trần Thủ Độ biết tin ấy, đem quân thần đi đón Thái Tông về. Quốc sư Viên Chứng thấy thế vào bái Thái Tông và nói: “Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ có trong tâm”. Thái Tông bất đắc dĩ xa giá về kinh, Quốc sư còn dặn rằng: “Hãy lấy tâm của chúng sanh làm tâm mình, hãy lấy ý của chúng sanh làm ý mình. Phật pháp bất ly thế gian”. Trần Thái Tông trở về tu học Phật và Nho suốt 10 năm. Chính nhờ sự chứng ngộ câu nói của Quốc sư Viên Chứng mà vua Thái Tông ra sức xây dựng đất nước, viết Thiền Tông Chỉ Nam là cơ sở sau nầy để Trần Nhân Tông thống nhất ba dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, dòng thiền Vô Ngôn Thông và dòng thiền Thảo Đường thành dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử hoàn toàn với tinh thần Đại Việt.
Sau ngày chiến thắng giặc Nguyên Mông xâm lược, đấng quân vương đứng trên muôn vạn người, ai ai cũng phục tùng, muốn gì được nấy, vậy mà Ngài xem “ngai vàng như đôi giày rách”, chuyên tâm tu thiền học đạo. Đó là hành động của người giác ngộ chứ không phải tìm cầu danh lợi, quyền thế.
Vua Trần Thái Tông là một thiền sư học Phật, nên ông hiểu rõ về giáo lý vô thường, vô ngã. Ngai vàng mà ông có hôm nay không phải tồn tại mãi mà nó phải được thay thế nay mai, có tồn tại chăng là đất nước và đồng bào, nên ông không xem nặng danh sắc mà luôn trau dồi đức hạnh. Xét đến cùng, quyền lực cũng chỉ là phương tiện để người đứng đầu đất nước thực hiện lý tưởng quốc thái dân an. Vì thế, thay vì chìm đắm “mắc kẹt” trong quyền lực, danh vọng, ông sẵn sàng buông bỏ. Nhìn góc độ nào đó nhằm tạo ra đất nước hùng mạnh, nhà vua đã hòa mình vào hai chữ “tùy duyên” của đạo Phật cho thấy Trần Thái Tông nhập thế mà không trụ thế.
Bằng sự nỗ lực cá nhân để giữ gìn bờ cõi, đồng thời quay về biện tâm, Trần Thái Tông đã thực hiện thành công hai lĩnh vực: vừa là một vị vua anh minh yêu dân trị nước với 33 năm, vừa là một thiền sư sống động trong màu áo hoàng tộc. Phải có một trí tuệ tuyệt vời được thăng hoa từ sự nhận thức chân lý cuộc sống khổ, không, vô thường, vô ngã, Trần Thái Tông mới xây dựng nên tư tưởng tự chủ, tự lực cho thiền học đời Trần và ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền độc lập tự cường của dân tộc.
Ngài nói “Ngai vàng như đôi giày rách” là ngai vàng hiện tại của Ngài chứ không phải ngai vàng của đất nước của triều đại. Nhưng câu nói này là bài học sâu sắc cho những ai quá trọng quyền thế xem cái ngã to tát mà đánh mất lương tri đạo đức. Nếu ai cũng nghĩ và hành động như Trần Thái Tông thì dân tộc mình hạnh phúc biết bao!
Câu nói hơn tám thế kỷ trôi qua, nay ngồi ôn lại, chúng ta thấy Trần Thái Tông quả là bậc chí tôn, có một không hai, biết tự xét mình, rồi tìm hướng đi phù hợp, biết gạt bỏ cái riêng, nắm bắt cái chung. Khi thấy mình chưa đủ sức thì ra đi nhường ngai vàng cho người khác để xã tắc khỏi nhục. Về góc độ tư tưởng, tình cảm, chúng ta thấy Trần Thái Tông một đời lo dân, lo nước, không màng danh lợi, địa vị, quả là một ông vua anh minh đức độ hiếm có, yêu dân như yêu con. Cho nên, đời Trần có nhiều danh tướng đứng ra đánh giặc bảo vệ, xây dựng một đất nước Đại Việt hùng mạnh, bền vững làm cho nước lớn phải nể phục là lẽ đương nhiên.
Bình luận bài viết