Tin tức

NGÀY TẾT, NGHĨ VỀ TÍNH KHIÊM TỐN

NGÀY TẾT, NGHĨ VỀ TÍNH KHIÊM TỐN

VU GIA

 

Giảng và lược giảng Bát nhã Ba la mật đa tâm kinh, không ít cao tăng Việt Nam đã làm và đã in thành sách. Tôi đọc không hết, song những bản tôi đã đọc thấy không thua gì, thậm chí hơn nhiều những gì đã viết trong Pháp bảo đàn kinh.

Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ (NXB Đà Nẵng, 2001, trang 500), Khiêm tốn: “Có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho mình là hơn người”. Nhưng từ thực thế cuộc sống, tôi thấy có 2 loại khiêm tốn: khiêm tốn thậtkhiêm tốn giả vờ. Khiêm tốn giả vờ là nghĩ một đường, nói một nẻo. Còn khiêm tốn thật thì đúng như định nghĩa trên, song cũng dễ dẫn đến tự cao tự đại, bởi nó chỉ cách nhau một sát-na.

Qua mấy lần đọc Pháp bảo đàn kinh, tôi lại nghĩ về đức khiêm tốn của người xưa, cụ thể hơn là của Lục tổ Huệ Năng. Với tôi, 80 trang Pháp bảo đàn kinh cũng là 80 trang đời rất đáng để suy gẫm.

Lịch sử ra đời Pháp bảo đàn kinh

Nhục thân của thiền sư Huệ Năng đặt tại chùa Hoa Nam huyện Thiều Quang, tỉnh Quảng Đông Trung Quốc

Theo Bách khoa toàn thư mở, “Pháp bảo đàn kinh (法 寶 壇 經) là một bộ ngữ lục, 1 quyển, do Lục tổ Huệ Năng thuyết, nên còn gọi là Lục tổ đàn kinh (六 祖 壇 經). Lúc Lục tổ Huệ Năng ở chùa Bảo Lâm, Tào Khê có Thứ sử Thiều Châu là Vi Cừ thỉnh Tổ vào chùa Đại Phạm để diễn giảng pháp Ma-ha-bát-nhã-ba-la-mật. Bài giảng của Huệ Năng được đệ tử là Pháp Hải ghi lại thành sách, về sau gọi là Đàn kinh. Trải qua nhiều lần sửa chữa thêm thắt, xuất hiện hơn 10 bản khác nhau, nhưng đại khái có thể phân làm 4 bản quan trọng hơn cả:

1. Bản Đôn Hoàng (敦 煌 本), gọi đủ là Nam tông đốn giáo tối thượng Đại thừa Ma-ha-bát-nhã-ba-la-mật kinh Lục tổ Huệ Năng Đại sư ư Thiều Châu Đại Phạm tự thí pháp đàn kinh (南 宗 頓 教 最 上 大 乘 摩 呵 般 若 波 羅 蜜 經 六 祖 惠 能 大 師 于 韶 州 大 梵 寺 施 法 壇 經). Bản này gồm có 57 tiết, chẳng chia phẩm mục, chữ nghĩa chất phác, được xem là bản có sớm nhất. Bản này hiện được xếp vào Đại chính tạng, tập 48, số hiệu 2007, trang 337.

2. Bản của Huệ Hân (惠 昕), tên Lục tổ đàn kinh (六 祖 壇 經), chia làm 2 quyển thượng và hạ, gồm 11 môn, khoảng hơn 14.000 chữ, ít hơn bản Đôn Hoàng 1.000 chữ. Bài tựa của Huệ Hân viết: Bản xưa văn rườm rà được đệ tử xem qua, trước vui sau chán. Có thể thấy rằng bản này đã được lược bớt chút ít.

3. Bản của Khế Tung, gọi đủ là Lục tổ đại sư pháp bảo đàn kinh Tào Khê nguyên bản (六 祖 大 師 法 寶 壇 經 曹 溪 原 本), gọi tắt là Tào Khê nguyên bản, gồm 1 quyển, 10 phẩm, hơn 20.000 chữ, do sư Khế Tung biên sửa lại vào khoảng niên hiệu Chí Hòa (1054-1056) đời nhà Tống.

4. Bản của Tông Bảo, gọi đủ là Lục tổ đại sư pháp bảo đàn kinh (六 祖 大 師 法 寶 壇), 1 quyển, 10 phẩm, hơn 20.000 chữ, do sư Tông Bảo (宗 寶) biên tập lại vào niên hiệu Chí Nguyên thứ 28 (1291) đời nhà Nguyên, đây là bản thường thấy lưu hành, được xếp vào Đại chính tạng, tập 48, số hiệu 2008, trang 345.

Các bản ở trên không ghi chép trung thực về lời giảng ban đầu của Tổ Huệ Năng mà có sự trộn lẫn, sửa đổi về cuộc đời của Tổ cho đến những lí giải về Thiền tông. Nội dung chủ yếu của Đàn kinh bản Đôn Hoàng đại khái chia làm 3 phần:

1. Thuật lại quá trình Ngũ tổ Hoằng Nhẫn trao truyền y pháp cho Huệ Năng.

2. Huệ Năng giảng pháp cho đệ tử và các lời ứng đối của Ngài với người hỏi pháp.

3. Những lời dặn dò đệ tử trước khi Tổ Huệ Năng thị tịch.

Kinh này nói về pháp Ma-ha-bát-nhã và phát triển thành Đốn giáo "Nhất siêu trực nhập". Đem lí luận "Vô niệm", "Vô tướng" và "Vô trụ" trong kinh Kim Cương kết hợp lại, rồi đề xướng "Vô niệm là tông", "Vô tướng là thể" và "Vô trụ là bản" làm phương pháp thực tu của Thiền tông. Lại có cách giải thích mới về thiền định: "Ngoài lìa các tướng là thiền, trong không loạn là định", tức là chỉ cần đạt đến vô niệm thì chính đó là thiền định. Tóm lại Thiền tông sau Lục tổ Huệ Năng phát triển rất nhiều tư tưởng đặc sắc, như Tự tính cụ túc, kiến tính thành Phật, tự tâm đốn ngộ, trực chỉ nhân tâm, và chúng đều được phản ánh trong Đàn kinh. Có thể nói Đàn kinh đặt nền tảng cho sự phát triển của Thiền tông phương Nam”.

Trong bài viết này, tôi sử dụng bản dịch của Tỳ kheo Thích Duy Lực, đăng trên website thuvienhoasen.org. Ở bản dịch này, Tỳ kheo Thích Duy Lực cũng khẳng định: “Lục Tổ là người không biết chữ”, nên mới có chuyện “đệ tử là Pháp Hải ghi lại thành sách”. Pháp bào đàn kinh gồm 10 phẩm (chương). Chương thứ nhất, cho biết khi Huệ Năng nghe “Ngũ Tổ thường khuyên Tăng tục trì Kinh Kim Cang thì được kiến tánh, trực liễu thành Phật”, nên ông tìm đến cầu đạo.

“Trải qua hơn ba mươi ngày đường, đến huyện Huỳnh Mai lễ bái Ngũ Tổ.

Tổ hỏi: Ông là người phương nào, muốn cầu việc gì?

Huệ Năng nói: Ðệ tử là dân Tân Châu Lãnh Nam, từ xa đến lễ bái, chỉ cầu làm Phật, chẳng cầu việc gì khác”.

Với tôi, đây là lời khiêm tốn thật. Huệ Năng nói thật lòng mình là “chỉ cầu làm Phật, chẳng cầu việc gì khác” chứ không quanh co, khiêm tốn giả vờ như thói thường. Bây giờ, có ai nói thật lòng như vậy, nhất là muốn “chỉ cầu làm Phật” thì chắc chắn bị cho là bố láo và bị dư luận “ném đá” ngay.

Huệ Năng nói trực tiếp với Tổ như vậy là tự tin lắm lắm. Sự tự tin của ông được thể hiện ở câu đối thoại kế tiếp:

“Tổ nói: Ông là người Lãnh Nam, cũng là người kém văn hóa, làm sao có thể làm Phật được?

Huệ Năng nói: Người có Nam Bắc, Phật tánh vốn chẳng có Nam Bắc, thân hèn hạ này với thân Hòa thượng chẳng đồng, nhưng Phật tánh đâu có sai biệt!”.

Để có sự tự tin này chẳng hề dễ lắm đâu. Pháp đàn bảo kinh có viết: “Một ngày kia, Ngũ Tổ triệu tập môn đồ bảo rằng: Sanh tử là việc lớn, các ngươi suốt ngày chỉ cầu phước điền, chẳng cầu lìa khỏi biển khổ sanh tử, tự tánh nếu mê, phước làm sao có thể cứu được? Các ngươi mỗi người hãy tự xem trí huệ, dùng bổn tâm Bát Nhã của tự tánh, mỗi người làm một bài kệ trình cho ta xem, nếu ngộ được đại ý, thì ta sẽ trao truyền y bát cho làm Tổ thứ sáu; hãy mau lên chẳng được chậm trễ, hễ lọt vào suy lường thì chẳng dùng được. Người kiến tánh vừa nghe phải liền thấy, nếu được như vậy thì khi ra trận giữa đao kiếm cũng phải thấy được”. Thế nhưng, “Ðại chúng nghe xong nói với nhau rằng: Chúng ta chẳng cần nhọc tâm mệt trí làm kệ, đâu có ích gì, vì có Thượng tọa Thần Tú hiện làm giáo thọ sư, chắc chắn sẽ được, chúng ta làm kệ chỉ phí sức thôi, chúng ta về sau y chỉ Sư Thần Tú cũng được rồi”. Do thiếu tự tin, nên không ai dám nghĩ đến chuyện làm bài kệ trình thầy. Và sự thiếu tự tin cũng dễ dẫn đến xu nịnh. Sau khi xem bài kệ của Thần Tú, Tổ Hoằng Nhẫn “kêu môn đồ đốt nhang kính lễ, bảo cả thảy đều tụng kệ này sẽ được kiến tánh”, thì… “Môn đồ tụng kệ đều khen: Lành thay!”. Trong lúc đó, Huệ Năng không biết chữ, chưa xuống tóc, chỉ là anh giã gạo cho nhà chùa, nếu có học Phật cũng chỉ là học lóm, thế mà khi nghe vị tăng sĩ tụng bài kệ của Thần Tú, ông hỏi chuyện và vững tin vào sự giác ngộ của mình, bèn nói: “Tôi cũng có một bài kệ, xin Biệt Giá viết giùm”. Biệt Giá nói: “Ông cũng làm kệ à, việc này hi hữu!".

Nếu là người khác, cụ thể trong lớp “đại chúng” kia, thì sẽ có những lời khiêm tốn giả vờ để được sự giúp đỡ, chiếu cố cho ít nhiều. Huệ Năng thì không. Huệ Năng nói với Biệt Giá rằng: “Muốn học Vô thượng Bồ đề, chẳng nên khinh bỉ kẻ sơ học, hạ hạ nhơn hữu thượng thượng trí, thượng thượng nhơn hữu một (chìm mất) ý trí”.

Nghe vậy, Biệt Giá cảm ngộ được rằng mình đã chạm phải… đá tảng. Biệt Giá nói: “Ông hãy tụng kệ đi, ta viết giùm cho. Ông nếu đắc pháp phải độ ta trước, về sau chớ quên lời này”.

Huệ Năng kệ rằng: “Bồ đề bổn vô thụ/ Minh cảnh diệc phi đài/ Bổn lai vô nhất vật/ Hà xứ nhạ trần ai?”. Dịch nghĩa: “Bồ đề vốn chẳng cây/ Gương sáng cũng chẳng đài/ Xưa nay không một vật/ Nơi nào dính bụi trần?”.

Sự thiếu tự tin không chỉ ở đại chúng, mà ngay cả đệ tử hàng đầu của Tổ Hoằng Nhẫn là giáo thọ sư đương thời cũng thế. Pháp bảo đàn kinh kể: “Khi Thần Tú làm kệ xong, mấy lần muốn vào trình, nhưng khi đến trước Pháp đường thì trong tâm bấn loạn, mồ hôi ướt đẫm mình. Như vậy trải qua bốn ngày, mười ba lần muốn vào trình vẫn chưa trình được, sau cùng Thần Tú suy nghĩ: Chi bằng ghi trên vách tường hành lang để Hòa thượng thấy được; nếu Tổ nói tốt thì ta ra lễ bái nói của Thần Tú làm, nếu nói là chẳng được thì uổng công ta ở núi mấy năm, lại tu Ðạo gì mà được nhận lễ bái của người! Nửa đêm đó không cho ai hay, tự cầm đèn viết kệ trên vách hành lang phía Nam, trình sở thấy của tự tâm, kệ rằng: “Thân thị Bồ đề thụ/ Tâm như minh cảnh đài/ Thời thời cần phất thức/ Vật sử nhạ trần ai”. Dịch nghĩa: “Thân là cây Bồ đề/ Tâm như đài gương sáng/ Luôn luôn siêng lau chùi/ Chớ cho dính bụi trần”.

Thần Tú viết kệ xong, liền về phòng, không ai hay”.

Qua Pháp bảo đàn kinh, tôi thấy giáo thọ sư Thần Tú là gương điển hình của sự khiêm tốn giả vờ. Khi nghe Tổ bảo “Mỗi người làm một bài kệ trình cho ta xem, nếu ngộ được đại ý, thì ta sẽ trao truyền y bát cho làm Tổ thứ sáu”, đại chúng thiếu tự tin không dám làm vì thấy ngài giáo thọ sư đang ở vị trí cao cao tại thượng. “Ngài Thần Tú suy nghĩ: Ðại chúng chẳng trình kệ, vì ta là giáo thọ sư của họ, ta phải làm kệ trình Hòa thượng. Nếu chẳng trình kệ thì Hòa thượng làm sao biết được kiến giải sâu cạn trong tâm ta, ý của ta trình kệ vì cầu pháp thì tốt, vì mong làm Tổ thì không nên, chẳng khác nào dùng tâm phàm mà đoạt Thánh vị. Nếu chẳng trình kệ thì làm sao đắc pháp được, thực khó! Thực khó!”. Dĩ nhiên, chuyện “đoạt Thánh vị” không dễ nên mới có “cuộc thi làm kệ”. Thần Tú than “Thực khó! Thực khó!” chẳng qua đề cao sự hiểu biết của mình. Bởi vì “thực khó” mà ta làm được thì ta xứng đáng đoạt Thánh vị. Và ông đã biết rõ trong lớp đại chúng kia, chỉ còn mỗi ông làm được kệ để trình cho thầy. Chọn bó đũa lấy cột cờ, nên Thánh vị ấy không thuộc về ông thì thuộc về ai, thế mà ông cho rằng “Trình kệ vì cầu pháp thì tốt, vì mong làm Tổ thì không nên, chẳng khác nào dùng tâm phàm mà đoạt Thánh vị”. Nghe qua thì thấy ông khiêm tốn lắm, song lòng ông không muốn thế, bởi đã thấy “không nên” thì đừng làm. Cầu pháp không nhất thiết phải làm kệ, nhất là làm kệ trong lúc thầy hứa chỉ cần qua bài kệ “nếu ngộ được đại ý, thì ta sẽ trao truyền y bát cho làm Tổ thứ sáu”, chứ đâu phải để xem sự tiến bộ của mỗi người sau thời gian tu học.

Sự kiêm tốn giả vờ ấy còn tiếp tục. Sau khi Tổ Hoằng Nhẫn đọc được bài kệ do Thần Tú ghi lén lên tường (không đủ tự tin để vào trình cho thầy xem), “Nửa đêm Tổ kêu Thần Tú vào phòng hỏi: Kệ phải do ông làm chăng?

Tú nói: “Thiệt là Tú làm, chẳng ham vọng cầu Tổ vị, mong Hòa thượng từ bi, xem đệ tử có chút ít trí huệ chăng?”. Nếu Tổ đã thấy được ông “có chút ít trí huệ” chẳng lẽ ông từ chối nhận y, bát?

“Tổ nói: Ông làm kệ này chưa thấy bản tánh, chỉ đến ngoài cửa, chưa vào trong, kiến giải như thế tìm Vô thượng Bồ đề chẳng thể được. Vô thượng Bồ đề phải khi vừa nói liền nhận tự bổn tâm, thấy tự bản tánh, chẳng sanh chẳng diệt, với bất cứ giờ nào, niệm niệm tự thấy, chẳng kẹt vào vạn pháp, nhứt chơn nhứt thiết chơn, vạn cảnh tự như như, cái tâm như như tức là chân thật. Nếu thấy như thế tức là Vô thượng bồ Đề của tự tánh. Ông tạm đi ra suy nghĩ một vài ngày nữa, làm bài kệ khác cho ta xem, nếu kệ ông vào được cửa, thì ta sẽ truyền trao y pháp”.

Chính sự khiêm tốn giả vờ “chẳng ham vọng cầu Tổ vị” đã làm khổ Thần Tú. Sau khi nghe Tổ dạy, “Thần Tú đảnh lễ lui ra, trải qua mấy ngày sau làm kệ chẳng được, trong tâm rối loạn tâm thần chẳng yên, cũng như trong mộng, đi ngồi chẳng vui”.

Đức tính khiêm tốn của Huệ Năng còn được thể hiện liền sau khi được Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn chọn truyền Thánh vị. Pháp bảo đàn kinh, viết: “Canh ba lãnh y bát xong, Huệ Năng được Ngũ Tổ đưa đến bến đò Cửu Giang. Xuống thuyền, Huệ Năng giành chèo.

Tổ nói: Ðúng ra ta phải độ.

Huệ Năng nói: “Khi mê thì Thầy độ, ngộ rồi tự độ".

Nếu chuyện này gặp phải Thần Tú hoặc đệ tử khác trong đám đại chúng ấy, thì sẽ có lời từ chối đãi bôi, cám ơn rối rít và viện cớ mình là người trẻ hơn nên phải làm việc nặng nhọc này thay thầy… “Độ” ở đây có nghĩa là “cứu độ” cũng có nghĩa là “đưa đò”, và qua câu đối thoại trên, tôi thấy ở nghĩa nào, Huệ Năng cũng thể hiện rõ chân tâm của mình chứ không như thói thường. Đặt vào trường hợp tôi, thì tôi cũng phải đưa đẩy mấy câu để ra vẻ người khiêm tốn, chẳng dại gì huỵch toẹt chân tâm của mình. Lời thật mất lòng là như thế. Mặc dù ai cũng biết những lời đưa đẩy ấy là sự khiêm tốn giả vờ, nhưng hầu như ai cũng thích!

Ở chương thứ hai/ phẩm Bát nhã, sau khi giảng kinh này, ngài Huệ Năng nói: “Thiện tri thức, nay ta có một bài VÔ TƯỚNG TỤNG, mọi người hãy tự giữ lấy, không kể xuất gia, tại gia, nên y theo bài tụng mà tu hành, nếu chẳng tự tu mà chỉ ghi nhớ lời ta cũng chẳng ích lợi gì”. Đọc xong bài kệ, ngài nói thêm: “Nay ta ở chùa Ðại Phạn thuyết pháp đốn giáo này, nguyện cho pháp giới chúng sanh nghe được pháp này liền kiến tánh thành Phật”. Nghe vậy, “Vi Sử Quân và tất cả quan chức, đạo tục, nghe sư thuyết pháp đều được tỉnh ngộ, đảnh lễ tán thán rằng: Lành thay, đâu ngờ xứ Lãnh Nam lại có Phật ra đời”.

Cái thú ở đây là ngài Huệ Năng rất vô tư không hề có ý kiến gì khi đại chúng nghe xong bài giảng, “đảnh lễ tán thán rằng: Lành thay, đâu ngờ xứ Lãnh Nam lại có Phật ra đời”.

Giảng và lược giảng Bát nhã Ba la mật đa tâm kinh, không ít cao tăng Việt Nam đã làm và đã in thành sách. Tôi đọc không hết, song những bản tôi đã đọc thấy không thua gì, thậm chí hơn nhiều những gì đã viết trong Pháp bảo đàn kinh. Theo Lời giới thiệu khi xuất bản cuốn Bát nhã Ba la mật đa tâm kinh của Hòa thượng Thích Trí Thủ (đăng trên website thuvienhoasen.org), ngài cho biết: “Tâm kinh Bát nhã, kể từ ngày bản dịch của ngài Huyền Trang ra đời, đã được tất cả các Phật tử Á Đông chấp nhận và tụng niệm thường xuyên. Ai cũng thuộc lòng và ít nhiều thâm hiểu giá trị cùng vị trí của kinh này trong lịch sử tư tưởng Phật giáo. Đối với Việt Nam ta, cho đến nay, Tâm kinh Bát nhã vẫn là một bài nhật tụng được chuyên trì nhiều nhất”. Và “Ngài Minh Châu Hương Hải là người dịch và chú giải Tâm Kinh Bát nhã đầu tiên bằng tiếng dân tộc quốc âm hiện còn bảo tồn”. Hòa thượng Thích Trí Thủ cũng cho hay: “Với mục đích cung ứng tài liệu cho việc học tập và nghiên cứu Tâm Kinh, tôi cũng tập thành tại đây các bản Phạn văn theo thư pháp Tất đàn và Devanagari, bản tiếng Mãn Châu, Tây Tạng, Vu Điền, Mông Cổ, Pali, các dịch bản và phiên bản Hán văn, bản chú giải bằng tiếng quốc âm xưa nhất của Thiền sư Minh Châu Hương Hải, cùng các bản Anh, Pháp, Đức và Nhật.

“Nguyện rằng, bản dịch này giúp các Phật tử hiểu sâu hơn nữa giáo nghĩa của Đại thừa mà Đức Phật đã lân mẫn trao phó. Và cũng vì mục đích giúp các Phật tử lĩnh hội ý nghĩa của bản văn, tôi đã mạo muội viết thêm bản chú giải của mình. Bản chú giải này thuộc phần một. Phần hai của tập này gồm các bản văn vừa kể trên. Phần ba dành riêng để chú thích, chỉ dẫn và bản so sánh từ điển thuật ngữ Phạn, Hán, Tây Tạng, Anh, để các thiện tri thức tiện tra cứu”.

Phải chăng những cao tăng Việt Nam, không nghĩ ra được bài nào như bài Vô tướng tụng, và cũng không đủ tự tin để khẳng định “pháp giới chúng sanh nghe được pháp này liền kiến tánh thành Phật”, nên cả ngàn năm qua, chúng ta chưa “có Phật ra đời” để thuyết pháp như Lục Tổ Huệ Năng?

Ở chương thứ tám/ phẩm Đốn tiệm, cho biết nhiều đệ tử của ngài Thần Tú không phục ngài Huệ Năng, vì cho rằng ngài Huệ Năng không biết chữ làm sao đủ tri thức để giảng những lời Phật dạy, nên “đâu có gì hay”, ngài “Thần Tú nói: Lục Tổ đắc Vô Sư Trí, triệt ngộ pháp tối thượng thừa, ta chẳng bằng được. Vả lại được Thầy ta Ngũ Tổ thân truyền y pháp, đâu phải khi không mà được! Ta tiếc chẳng thể đi xa để được thân cận, uổng chịu quốc ân. Các ngươi chớ bị kẹt nơi đây, nên đi đến Tào Khê để tham học. Một hôm, Thần Tú sai môn đồ Chí Thành: Ngươi thông minh có trí, hãy thay ta đến Tào Khê nghe pháp, tận tâm ghi nhớ các điều thấy nghe, về lặp lại cho ta”.

Qua lời này của ngài Thần Tú, không ai biết ngài khiêm tốn thật hay khiêm tốn giả vờ, nhưng chúng ta cứ ghi nhận đó là sự khiêm tốn thật để thấy đời vui hơn. Ngài cho môn đồ giỏi thay mình “đến nghe pháp, tận tâm ghi nhớ các điều thấy nghe, về lặp lại cho ta” cũng là cách cầu học, đáng trân trọng.

Chí Thành “đến Tào Khê, theo chúng tham học mà chẳng nói từ chỗ nào đến. Lúc đó Sư bảo chúng: Nay có kẻ trộm pháp đang ẩn trong hội này. Chí Thành bèn bước ra lễ bái, bạch rõ nguyên do. Sư nói: Ngươi từ Ngọc Tuyền đến tức là mật thám vậy”. Đọc đoạn này, thật lòng tôi không phục. Mình giảng pháp được nhiều người tới nghe là mừng chứ tại sao cho là “kẻ trộm pháp”, là “mật thám”? Kiến thức dù thiếu, nhưng lòng trong sáng vằng vặc như sao khuê thì chẳng lo lắng gì. Hồi trước giải phóng, tôi có dịp theo mấy người bạn về miền Tây Nam bộ, trong một bữa rượu mừng chúng tôi, mấy vị lớn tuổi động viên chúng tôi ráng học để khỏi phải đi lính, có người đọc câu ca dao: “Ngồi buồn lo bảy lo ba/ Lo cau trổ muộn, lo già hết duyên”. Các chú, các bác ngồi bàn, sợ rằng hội nghị hòa bình Ba Lê (Paris) sẽ không đi tới đâu, vì Bác Hồ đã mất rồi. Nếu còn Bác thì chuyện này dễ như trở bàn tay. Qua những lời bàn, tôi biết lòng dân đang hướng về cách mạng, hướng về Cụ Hồ, nhưng họ hiểu câu ca dao theo cách hiểu của họ. Với họ, câu “sấm” ấy nói về Bảy Viễn (lo bảy), Ba Cụt (lo ba), Cao Đài (lo cau – người miền Tây Nam bộ phát âm “cau” và “cao” giống nhau), Già Hồ (lo già). Lòng những người nông dân ấy trong sáng như gương, nên chúng tôi không ai chê họ là những người không hiểu biết. Từ mẩu chuyện cụ thể ấy, nên tôi không thú lắm với đoạn đối thoại giữa ngài Huệ Năng và ngài Chí Thành.

Đã vậy, sau khi đọc cho bài kệ cho Chí Thành nghe, và Chí Thành xin chỉ dạy thêm, ngài Huệ Năng hỏi: “Ta nghe nói Thầy ngươi dạy người học pháp: giới, định, huệ; chẳng biết hành tướng giới định huệ như thế nào, hãy nói thử xem”. Qua lời đối thoại này cho thấy ngài Huệ Năng dẫu cho mình là “Phật” (vì ngài không có ý kiến khi đại chúng “đảnh lễ tán thán rằng: Lành thay, đâu ngờ xứ Lãnh Nam lại có Phật ra đời”) vẫn chưa dứt được “tam độc” (về Nam đã lâu song vẫn theo dõi bước đường hoằng hóa của ngài Thần Tú). Kẻ phàm phu như tôi vẫn thấy bận tâm như thế thì khổ lắm, chẳng sung sướng gì.

Sau khi nghe Chí Thành kể, ngài Huệ Năng nói: “Nếu nói có pháp dạy người ấy là dối ngươi, ta chỉ tùy theo căn cơ để mở trói, giả danh tam muội. Như giới định huệ của Thầy ngươi thật là bất khả tư nghì, giới định huệ của ta lại khác. Hỏi: Giới định huệ chỉ nên có một, sao lại có khác? Sư nói: Giới định huệ của Thầy ngươi độ người đại thừa, giới định huệ của ta tiếp người tối thượng thừa, chỗ ngộ giải chẳng đồng nên sự thấy có nhanh chậm. Hãy nghe ta nói, xem có giống Thầy ngươi chăng! Ta thuyết pháp chẳng lìa tự tánh, lìa tánh thuyết pháp, khiến cho tự tánh thường mê, ấy là tướng thuyết. Nên biết tất cả pháp đều từ tự tánh khởi dụng, ấy là chơn pháp của giới định huệ vậy”. Rồi ông đọc kệ. Ngài chí Thành cũng trình kệ lại. “Sư cho là đúng, lại bảo Chí Thành: Giới định huệ của Thầy ngươi dạy người căn khí nhỏ, giới định huệ của ta dạy người căn khí lớn”.

Lạ! Những lời ấy là những lời của người tu đạo – những lời của người “chỉ cầu làm Phật, chẳng cầu việc gì khác”, của người ngầm chấp nhận cho rằng mình là Phật sống giữa đời thường ư?

Chưa hết. Ở chương thứ chín/ phẩm Hộ pháp, khi biết thầy trụ thế không bao lâu nữa, đệ tử Pháp Hải lễ bái, hỏi: “Sau khi Hòa thượng viên tịch, y pháp nên trao phó cho ai? Sư nói: Tất cả khai thị kể từ khi ta thuyết pháp ở chùa Ðại Phạn đến nay, ghi chép lại để lưu truyền cho đời sau, tựa là PHÁP BẢO ÐÀN KINH, các ngươi phải hộ trì trao truyền cho nhau để hóa độ chúng sanh, y theo Kinh này gọi là Chánh Pháp”.

Tự tin là tốt, nhưng tự tin quá không nên. Nếu Pháp bảo đàn kinh là chánh pháp, thì những kinh của chư Phật để lại không phải chánh pháp ư? Qua đó cho thấy tính khiêm tốn giữa đời thường chẳng dễ gì thực hiện cho vẹn toàn.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 73
    • Số lượt truy cập : 6345997