Nhớ lời Thầy dạy
NHỚ LỜI THẦY DẠY
“Ăn chay, Thương người, Thương vật, Niệm Phật, Tụng kinh”
THANH TIỄN
Trong lời khai thị đầu năm và ngày khánh tuế hàng năm, HT. Vạn Đức luôn khuyên nhắc mọi người lấy việc ăn chay làm nền tảng, lấy việc niệm Phật, tụng kinh làm công đức xuất thế.
Từ tình thương không nỡ ăn thịt loài vật nên chúng ta ăn chay và việc ăn chay lại
giúp chúng ta nuôi dưỡng tình thương. Đó chính là tình thương tự nhiên, không dụng công, không tác ý, mong muốn mọi người được thoát khổ an vui. Tình thương đó được gọi là từ bi. Tâm từ bi là nền tảng, là cội gốc để đi lên con đường Hiền Thánh như kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện có ví: “Tất cả chúng sanh là gốc rễ, Bồ tát là hoa, Phật là quả. Dùng nước đại bi đượm nhuần gốc rễ chúng sanh thì có thể trổ bông Bồ tát trí huệ và kết thành quả Phật toàn
giác”(1). Theo lời dạy của Sư ông, chúng con bắt đầu ăn chay và việc trường chay thật sự bắt đầu từ một nhân duyên. Đó là buổi chiều sau giờ làm việc, chúng con ghé cửa hàng hải sản, mua tôm tươi sống chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Cho tôm còn nhảy lách tách và một ít nước vào nồi, đậy nắp lại. Trong vài phút chờ đợi, chúng con nghe tiếng động bên trong nồi của những chú tôm nhảy lên khỏi nước sôi, va vào thành và nắp nồi. Chúng cố vượt thoát nhưng vô vọng vì các tất cả đều bị đóng kín, không có lối thoát. Chúng con bỗng rùng mình khi tưởng tượng mình bị thả vô một nồi nước sôi sùng sục và cảm nhận “Mình đau sao thì nó cũng vậy”. Chính những hình ảnh đó làm bản thân phát tâm ăn chay trường mạnh mẽ và triệt để vì bản thân luôn tâm niệm “Không làm những gì mình không thích với người khác”.
Trên nền tảng đó, Sư ông dạy tu hành chánh niệm, đứng đầu là Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Niệm Phật là niệm danh hiệu Phật A Mi Đà, niệm Pháp là tụng kinh, niệm Tăng là niệm danh hiệu Bồ tát Phổ Hiền, Bồ tát Quan Thế Âm... Trong đó, niệm Phật là chánh hạnh.
Cũng như các pháp môn khác, Niệm Phật là pháp tu Giới – Định – Huệ “Nhiếp tâm là định học. Nhận rõ chính huệ học. Chánh niệm trừ vọng hoặc. Giới thể đồng thời đủ”.(2)
Những người bận rộn với biết bao công việc gia đình và xã hội như chúng con, cũng chỉ có nhiều lắm là hai thời tọa thiền niệm Phật sáng và tối trong ngày. Phần lớn thời gian, chúng con niệm Phật lúc làm việc nhà, lúc chờ đón con trước cổng trường, lúc vừa nhấn phím gởi tin nhắn cho người bạn và chờ tin trả lời, lúc nhấn nút “save” khi vừa soạn thảo xong một văn bản... Đó là cách “tu mót” mà Sư ông thường nhắc nhở mọi người tranh thủ thời gian lúc rảnh việc thì nhiếp tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng để được đầy đủ đạo pháp như người nhà quê đi mót lúa vẫn đủ gạo để ăn. Nhờ nhiếp tâm vào câu Phật hiệu, định lực tăng dần. Với chánh niệm tỉnh giác, chúng con tập kiểm soát ba nghiệp thân, khẩu, ý. Nơi tâm vắng lặng, trí tuệ phát sinh, chúng con dần thấy bản chất của các pháp, đoạn trừ dần các phiền não.
Bên cạnh việc niệm Phật, đọc tụng kinh điển Đại thừa là trợ hạnh. Theo lời dạy của Sư ông, chúng con cố gắng thuộc lòng những bản kinh ngắn như kinh Phổ Môn, kinh A Mi Đà, kinh Phổ Hiền và đọc thêm các kinh trong “Trí Tịnh toàn tập” như kinh Hoa Nghiêm, kinh Maha Bát Nhã Ba La Mật, kinh Đại Bảo Tích, kinh Pháp Hoa, kinh Đại Bát Niết Bàn...
Mặc dù chưa hiểu hết thâm ý trong kinh, nhưng bước đầu chúng con hưởng được niềm an lạc do chú tâm đọc từng câu chữ. Tùy theo sự hiểu biết của mình, chúng con áp dụng những lời Phật dạy trong kinh vào cuộc sống. Ví như lúc kinh hành, chúng con khởi tâm khó chịu khi người phía trước cứ dừng lại lễ xá lúc đi ngang qua hình tượng Phật, Bồ tát, làm ảnh hưởng những người phía sau. Lúc đó, chúng con nhớ đến đoạn kinh Pháp Hoa (phẩm Phương tiện) “Hoặc có người lễ lạy. Hoặc lại chỉ chắp tay. Nhẫn đến giơ một tay. Hoặc lại hơi cúi đầu. Dùng đây cúng dường tượng. Lần thấy vô lượng Phật. Tự thành đạo Vô thượng”(3). Với tâm nguyện mọi chúng sanh đều thành Phật, chúng con tập dần chuyển hóa tâm sân hận thành tâm từ bi và bản thân cảm thấy thật nhẹ nhàng.
Tâm thanh tịnh tức là Cực Lạc. Hành giả giữ tâm thanh tịnh được giây phút nào tức là đang sống trong thế giới Cực Lạc ngay trong giây phút đó. Tuy nhiên, đường tu cũng có lúc lên lúc xuống, lúc thuận lúc nghịch và con đường đến Bảo Sở còn xa vời vợi, cho nên chúng sanh trôi lăn mãi trong sanh tử luân hồi. Hàng hạ căn chúng con, nghiệp trọng phước khinh, chướng sâu tuệ mỏng, nguyện sanh về cõi nước của đức Phật A Mi Đà, để không thối chuyển nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh
giác, mau chóng “Cụ Bồ tát đạo. Quảng độ chúng sanh”.
Nhân ngày Lễ Tiểu Tường (28/01 Ất Mùi), hàng đệ tử chúng con câu hội về chùa, cùng đại chúng đọc tụng kinh Phổ Hiền nơi tháp Phù Thi. Mặc dù Thầy đã đi xa, nhưng qua Pháp thân, chúng con cảm nhận Thầy rất gần. Lời Thầy dạy, chúng con mãi khắc ghi và quyết tâm tinh tấn tu hành để khỏi uổng phí một đời được thân người, được biết Phật pháp, được gặp bậc minh sư. Chúng con cũng nguyện cầu cho muôn loài “đồng sanh Tây Phương Cực Lạc, đồng thành Phật đạo”.
1. HT. Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện, Nxb. Hồng Đức, 2014, tr. 30.
2. HT. Thich Trí Tịnh, Kệ Niệm Phật, Nxb. Hồng Đức, 2014, tr. 3.
3. HT. Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Nxb Tôn Giáo, 2006, tr.81.
Bình luận bài viết