Tin tức

NIỀM VUI TRỌN VẸN

NIỀM VUI TRỌN VẸN

HÀNG CHÂU

 

Bóng thằng bé ôm chiếc cặp táp ở nách với đôi quyển vở và tập sách giáo khoa, liêu xiêu trên con đường đê cập theo mảnh ruộng mơn mởn lá xanh non. Đi một đoạn thì rẽ vào con đường làng đất đỏ để đến ngôi trường tiểu học mà bé Quảng miệt mài qua năm năm. Từ lớp một vỡ lòng với 24 chữ cái rồi ráp thành chữ ông bà cha mẹ, quê hương đất nước. Đến lớp hai, con toán cộng trừ nhơn chia rành rẽ để lên lớp ba được nghe kể chuyện Hai Bà Trưng đánh giặc. Lớp bốn, lớp năm được biết đất nước mình có rừng vàng biển bạc, người dân hãnh diện với hàng ngàn năm văn hiến. Đất nước cậu có rất nhiều vị sư là Quốc sư tham gia giữ nước. Lên cấp hai, cậu bé Quảng chăm chú nghe cô giáo kể chuyện vua Trần Nhân Tông sau khi xong bổn phận với tổ quốc, ngài lên núi ẩn tu. Ngọn núi cao Trúc Lâm Yên Tử quanh năm mù sương trông thật huyền bí thiêng liêng, con cháu đời sau rất kính trọng, rất ngưỡng mộ vì vua nhân hậu, đức độ, tôn ngài là Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Đôi mắt mở to thơ ngây của cậu bé nhìn cô giáo không chớp mắt, tai lắng nghe không sót lời nào. Gia đình bé Quảng sống bằng nghề nông, lam lũ trong nắng sớm mưa chiều. Sáng tinh mơ con gà trống vỗ cánh ò ó o trên nhành tre là mẹ đã thức dậy lo cơm nước cho ba chuẩn bị ra đồng khi ánh bình minh ló dạng lấp lánh xa xa ở bầu trời phương Đông.

Bé Quảng nhìn theo dáng của ba với chiếc áo bà ba đen ngã màu bạc phếch lốm đốm vài ba chỗ vá, thương ơi là thương! Cậu tự nhủ mình phải gắng học, con chữ nó mở mang cái đầu mình ra. Mình sẽ lý giải được tại sao con người ta có mặt ở trên đời nầy, tại sao số phận lại quá vất vả với cuộc sống như vậy?

Quê hương Quảng Nam giáp với núi và biển, đất không được màu mỡ như ở phương Nam. Bà nội nói miền Trung như cái đòn gánh, còn Nam Bộ và Bắc Bộ như hai thùng thóc. Quảng nhớ bài hát “Quê hương anh nước mặn đồng chua, làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”. Sự hình thành mảnh đất là do sự biến thiên của vũ trụ, là do ông trời tạo nên. Con người sống ở vùng nào thì phải chịu ảnh hưởng khí hậu, thổ nhưỡng ở nơi ấy.

Bà nội và mẹ hay đi chùa lễ Phật, sống rất nhân đức, ăn ở hiền lành, rất tin vào nhân nào quả nấy. Buổi tối, nội kể chuyện Tấm Cám, chuyện Thạch Sanh Lý Thông, chuyện Mục Liên Thanh Đề. Những câu chuyện ấy thấm vào trái tim tuổi ấu thơ của cậu về sự hiếu thảo, về lòng nhân ái của con người.

Học hết lớp 9, gia đình Quảng chuyển vào sinh sống ở vùng đất mới tỉnh Bình Phước. Vùng nầy đất rừng trù phú, lúc Quảng chào đời, chiến tranh chấm dứt, hòa bình thống nhất đất nước, bà con trở về, người dân những vùng quê khác đến nơi nầy làm ăn sinh sống, người ta trồng tiêu, trồng điều xuất khẩu. Gia đình Quảng cũng vào đây, cuộc sống khấm khá, đỡ vất vả hơn ở quê nhà.

Quảng tiếp tục học lớp 10, suôn sẽ lên lớp 11 rồi lớp 12. Cậu thiếu niên ngày nào theo bạn bè trong xóm ngày hè chạy nhảy ra gò mả, rình bắt tổ chim, thoăn thoắt trèo cây hái khế, chuyền cành hái ổi, bây giờ đã thành chàng trai dáng thanh thanh, với đôi môi luôn điểm nụ cười. Những ngày lễ hội Phật giáo, như thói quen, anh cùng đi với mẹ đến chùa lễ Phật tham gia công việc lao động dọn bàn thờ, sắp xếp bàn ghế thứ tự. Những lúc ấy, Quảng cảm như ông Phật nhìn mình với ánh mắt thật từ bi. Những lúc cầm chổi quét sân, từng chiếc lá rơi thu gom vén khéo sạch sẽ như nhắc anh phải dọn sạch lòng mình, kiềm chế điều nóng giận như muốn trỗi dậy, chú ý giúp đỡ người già yếu. Những lúc nhớ ba nhắc nhở phải gắng học, bóng dáng mẹ in trên vách thức khuya dậy sớm lo từng bữa cơm, giờ phút ở chùa như soi rọi trái tim mình.

Thỉnh thoảng, buổi sáng ngoài đường bóng vị sư cầm bình bát đi khất thực, bàn chân trần nhón từng bước chậm rãi, đôi mắt nhìn xuống như khép kín, sao mà lặng lẽ, sao mà từ bi, sao mà hiền hòa, sao mà thanh thoát đến như thế! Rồi có một buổi tối, Khánh Quảng thỏ thẻ với mẹ:

- Mẹ à! Con xin phép được xuất gia!

Thật không ngờ, không có niềm hân hoan nào bằng, ánh mắt mẹ lấp lánh, khẽ gật đầu. Khánh Quảng vui lắm, anh chuẩn bị khăn gói từ giã gia đình, hứa sẽ xứng đáng với niềm tin của ba mẹ. Rồi Quảng về Biên Hòa vào Quan Âm tu viện làm công quả. Sau hơn một năm tập tu, thấy sự cố gắng quyết tâm rèn luyện mình, sư thầy xuống tóc cho anh.

Anh dự ngày thọ Bát Quan Trai vào ngày Chủ nhật, một tháng hai lần thọ học tu tập thiền tụng. Người thọ Bát quan trai giới, bỏ tất cả sự bận rộn của thế tục, vị Thầy Tỳ kheo truyền cho tám giới và “một trai” là không ăn giờ quá ngọ mà hành trì một ngày một đêm. Thầy nói đó là tập quen với đời sống thanh tịnh để thấy được giá trị của cuộc sống “đạo” đưa đến sự giải thoát sanh tử luân hồi. Những điều răn dạy trong Bát Quan Trai giới, thấy rất đơn giản như không trộm cắp, không sát sinh, không nói dối, không uống rượu, điều giữ mình không còn sống tâm ái như người thế gian cần ngẫm nghĩ giữ mình từng giây phút. Thỉnh thoảng, hình ảnh của mẹ cứ như lảng vảng hiện trong tâm trí, thương mẹ lầm than vất vả lo cho chồng cho con. Từng giọt mồ hôi lấm tấm trên trán chảy dài thấm vào môi như để thấy vị mặn của cuộc đời. Rồi điều thứ tám không được ăn sai giờ mà có lần anh bị thầy quở trách là do tham công tiếc việc mà quên cả ánh mặt trời chói chang trên đỉnh đầu. Tuổi trẻ thường cho rằng điều suy nghĩ của mình là chân lý, tuổi thầy đã già không theo kịp hiện đại, nên lý sự. Trời ơi! Sao mà dại khờ, thơ ngây đến như vậy?

Những năm tháng ở Quan Âm tu viện, từng bước rèn luyện thân tâm, rồi Khánh Quảng về chùa Tây Phương. Con đường thênh thang hơn trăm cây số qua Thuận An, qua xa lộ vùng ven Thủ Đức, đến ngã ba đường đi Vũng Tàu, nhà cửa san sát, quán xá đông, người qua kẻ lại. Đến Long Thành rồi Tân Thành, mỗi lần qua đoạn đường nầy, du khách thường nhìn qua khung cửa kính dãy núi hướng trái mờ sương mù vào buổi ban mai. Tháng hạ sang thu mưa lất phất, người nghệ sĩ mơ màng như chốn bồng lai mà thuở ấu thơ bà nội kể, tưởng tượng có hai ông tiên đang thảnh thơi vuốt râu ngồi đánh cờ. Ngây ngất giữa vùng đồng bằng lại có dãy núi chập chùng phủ đầy cây lá xanh um, hùng vĩ tuyệt đẹp.

Chùa Tây Phương nằm lưng lửng núi. Rừng cây nguyên sinh xanh lơ cao vút nên lắm khỉ mẹ, khỉ con, khỉ anh, khỉ em chí chóe hạnh phúc, hú hí trên cao chuyền cành nhìn xuống chiếc bàn đá du khách thập phương đang ngồi nhâm nhi tách trà. Khánh Quảng học tu ở đây, ngày qua ngày, thật không ngờ, thấm thoát đã 10 năm trôi qua. Ngày nào tốt nghiệp cấp ba, bây giờ đã trên ba mươi, tuổi trưởng thành đẹp nhất với đôi mắt mở to tiếp nhận sự diễn tiến của cuộc đời. Thời gian học tu đã thay đổi Khánh Quảng trở nên thâm trầm, lắng nghe lời thầy dạy dỗ, sửa mình từng bước từ điều nhỏ nhất. Rồi Khánh Quảng về chùa Hang Tổ, ngôi chùa nầy đổ nát trong chiến tranh, bây giờ sư thầy như một kiến trúc sư cùng học trò sắp xếp từng viên gạch, qua hơn một năm ròng rã mồ hôi thấm đẫm lưng áo với bao nỗi nhọc nhằn gắng sức, ngôi chánh điện nho nhỏ khiêm tốn, lưng sát vách núi được hình thành. Trên đỉnh núi cao gần 600 thước, tượng Phật Bà Quan Thế Âm như bao dung nhìn khắp thế gian. Hướng sau lưng chùa nhìn xa tắp là biển Vũng Tàu, thành phố du lịch ban đêm đèn lấp lánh như muôn ngàn vì sao. Phía trước mặt bát ngát biển Long Hải. Những ngày nắng ấm bầu trời bồng bềnh mây trắng bao la.

Không khí trong lành, phong cảnh dịu êm làm cho tâm hồn con người nhẹ nhàng thanh thoát. Người tu sĩ trẻ từng bước lên bậc thang đá cao, tà áo nâu sẫm, làn gió phất phơ vấn vương, đua chen nhánh mai vàng rực rỡ của mùa xuân mà lòng như thầm nhủ:

- Con của mẹ từng bước đã trưởng thành rồi mẹ ơi!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 6
    • Số lượt truy cập : 6131045