Tin tức

NÓI CHUYỆN CHUYÊN ĐỀ “NHÂN QUẢ”

NÓI CHUYỆN CHUYÊN ĐỀ “NHÂN QUẢ”

 

Tin ảnh: TRÍ BÁ - TRÍ TÂM 

 

Cư sĩ Trần Đình Sơn

 

Sáng 9/3/2019 (nhằm ngày mùng 4 tháng 2 năm Kỷ Hợi), tại Chùa Phật học Xá Lợi, Cư sĩ Trần Đình Sơn, Trường Ban Phật học Chùa PH Xá Lợi, đã có buổi nói chuyện về đề tài “Nhân quả”

Theo Cư sĩ Trần Đình Sơn, thời gian qua, dư luận xã hội đã lên tiếng về những hành vi phi Phật giáo nở rộ như “cúng sao giải hạn”, đến nỗi Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải ra văn bản chấn chỉnh. Đồng thời TTHĐTS cũng yêu cầu mọi hoạt động phải hướng theo điều thiện, giúp mọi người hiểu luật Nhân quả của Phật giáo, làm việc tốt, hành động chân chính.

Chính sự chưa hiểu biết về nhân quả, mới tạo nên dư luận như vừa qua, làm sụp đổ niềm tin, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Nhân quả là gì? Nhân là nguyên nhân, quả là kết quả. Nhân là công năng phát động, quả là sự hình thành của năng lực phát động ấy. Nhân quả là một định luật tất nhiên, nêu rõ sự tương quan, tương duyên giữa nhân và quả, phàm hể có một nguyên nhân tác động, tất nhiên có kết quả hình thành. Nhưng nhân quả là một định luật rất phức tạp: Nhân đã có thì quả phải thành nhưng đi từ nhân đến quả còn phải có duyên, nếu duyên thay đổi thì quả phải thay đổi ít nhiều, cũng đồng thời trồng một giống lúa mà chỗ thời trúng, chỗ thời thất, chỗ hột to, chỗ hột nhỏ, chỗ lúa mọc, chỗ lúa không mọc...

Sự tương quan giữa nhân và quả:

- Một nhân không thể sanh ra quả: Một sự vật trong vũ trụ do nhiều nhân duyên hình thành, cho nên không có một nhân nào tự nó có thể tác thành kết quả được nếu không có những nhân khác hỗ trợ.

- Nhân nào quả nấy: Chúng ta biết rằng trồng ớt thì được ớt chớ không thể trồng ớt mà được đậu, một người làm lành sẽ gặp lành, làm dữ sẽ gặp dữ.

- Trong nhân có quả, trong quả có nhân: Nhân quả là một chuỗi dài, quả hôm nay có là do nhân đã gieo từ trước và quả hôm nay cũng vừa là nhân của quả ở vị lai. Ví dụ: Anh A giàu có, đang làm phước, cứu giúp những người nghèo khó, gặp cảnh nạn tai. Vậy anh A hiện nay đang giàu có là quả của nhân kiếp trước bố thí, cúng dường Tam bảo. Kiếp nầy anh lại làm phước cũng là nhân để có quả giàu có cho kiếp sau.

- Nhân có năng lực tạo thành hình tướng: Có gỗ, đinh (nhân), cưa, búa, đục, công thợ (duyên) làm ra bàn ghế, đến khi gỗ hay đinh mục bàn ghế hư hõng làm củi chụm lửa hay ném bỏ. Như vậy nhân không còn thì sự vật tan rã theo luật khác: thành, trụ, hoại, không. 

Sự liên hệ giữa nhân và quả:

- Nhân quả đồng thời: Nhân vừa phát khởi, quả đi liền theo, như đánh chuông liền nghe tiếng, như vậy quả theo liền với nhân chớ không đợi thời gian lâu.

- Nhân quả trong hiện tại: Chúng ta tạo nhân trong đời nầy thì kết quả cũng trong đời nầy, chẳng hạn như trồng cây dừa ta được dừa có trái, trong đời người ta ăn ở hiền thì gặp việc lành, ở ác gặp việc dữ.

- Nhân quả nhiều đời: Nhân tạo từ đời trước hay những đời trước, đời nầy đủ thuận duyên mới có kết quả, nhân tạo trong đời nầy chưa đủ thuận duyên chưa có kết quả trong hiện tại, sẽ có kết quả ở kiếp sau. Có người ăn hiền ở lành, luôn luôn gặp dữ, việc dữ ấy là do nhân đã gieo từ nhiều kiếp trước nay có đủ duyên thành kết quả, còn việc ăn ở hiền lành trong kiếp nầy chưa có đủ duyên hay còn phải bị trả những quả của kiếp trước rồi những kiếp sau mới gặt được kết quả do kiếp nầy gieo, cho nên nhìn nhân quả theo khía cạnh tức thời, không thể giải thích được luật nhân quả phức tạp như thế.

Nghiệp báo

Nghiệp là những ý nghĩ, lời nói, hành động tốt hay xấu, huân tập lâu ngày thành thói quen tạo nên sức mạnh chi phối tất cả mọi sinh hoạt trong cuộc sống con người từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến lúc xuôi tay nhắm mắt. Nghiệp không biến mất khi người ta chết mà nó còn theo chúng ta qua đời sống kế tiếp.

Nghiệp là nhân, báo là quả. Nghiệp và quả báo tạo thành luật nhân quả. Ngắn gọn là “Nghiệp Quả” hay “Nghiệp Báo”. Nếu chúng ta tạo nhân (nghiệp) tốt thì sẽ trổ quả tốt, còn ngược lại nếu ta gieo nhân xấu thì sớm hay muộn gì chúng ta cũng nhận quả xấu. Chuyện nhân quả cứ thế mà xoay vần thành một vòng tròn không bao giờ chấm dứt vì con người cứ tạo nhân rồi trả quả. Trong việc trả quả lại tiếp tục tạo nhân mới và nhân quả cứ như thế mà luân hồi.

Như vậy mỗi tác động (nhân hay nghiệp) dưới một điều kiện nhất định sẽ sinh ra một quả báo. Một khi quả đó chín, nó sẽ “hồi đáp” trở lại người đã tạo ra nó. Thời gian để một quả chín muồi có thể kéo dài rất lâu cũng có khi rất mau. Nghiệp đã gieo thì trăm, ngàn kiếp vẫn không mất. Khi đủ nhân duyên nó sẽ xuất hiện. Tạo nghiệp tốt có thể mang lại kết quả tốt trong đời hiện tại hay trong đời tái sinh.

Hiểu được định luật nhân quả, cố gắng thực hành theo thì có nhiều lợi ích :

- Lý nhân quả làm cho chúng ta thấy sự thật: Đức Phật dạy cho người Phật tử biết định luật nhân quả để hiểu rỏ sự tương quan giữa nhân và quả, nhờ vậy chúng ta biết được sự thật không có sự vật nào có mà không do nhân tạo ra, nhân đã tạo ra không sớm thì chầy phải có kết quả không thể sai khác được.

- Hiểu rõ định luật nhân quả, tránh mê tín dị đoan. Không tin nơi thần quyền: Định luật nhân quả nói rõ, hễ gieo nhân thì có quả, những hoàn cảnh tốt, xấu xảy ra cho bản thân hay gia đình ta không do Phật hay một đấng thần quyền nào ban phước và giáng họa được, tất cả đều do ta gieo nhân từ trước hiện tại chỉ là kết quả của nhân đó.

- Người hiểu lý nhân quả không chán nản, trách móc: Hiểu rõ lý nhân quả rồi, gặp những hoàn cảnh trái ngang, khổ đau chúng ta không chán nản, trách móc, trái lại chúng ta hiểu rằng mình đã gieo nhân nay phải gặt quả, không trốn tránh.

- Người hiểu lý nhân quả luôn luôn ăn ở hiền lành: Hiểu được nhân quả, tin được lời Phật dạy rồi, người Phật tử quyết chỉ làm lành, tu nhân, tích đức mà thôi dù có gặp phải hoàn cảnh khó khăn nào.

Sau phần trình bày của cư sĩ Trần Đình Sơn, các thành viên Ban Phật học đã cùng nhau trao đổi để hiểu sâu thêm về nhân quả và nghiệp báo.

Dưới đây là vài hình ảnh về buổi nói chuyện.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 81
    • Số lượt truy cập : 6951968