Tin tức

NÓI CHUYỆN CHUYÊN ĐỀ: “TRUYỀN THỐNG CƯ NHO MỘ THÍCH CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM

NÓI CHUYỆN CHUYÊN ĐỀ:

“TRUYỀN THỐNG CƯ NHO MỘ THÍCH

CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM”

 

Tin ảnh: TRÍ BÁ

 

 

 

Sáng 07/07/ 2018, tại Chùa Phật học Xá Lợi, Cư sĩ Trần Đình Sơn, Phó Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, đã có buổi nói chuyện về đề tài “Truyền thống Cư Nho mộ Thích của Phật giáo Việt Nam”.

Mở đầu, ông Trần Đình Sơn cho biết “Cư Nho mộ Thích” có nghĩa là ăn ở, tố chức cuộc sống, điều hành đất nước theo Nho giáo nhưng tâm linh thì một lòng theo Thích Ca (Phật giáo)

Cư sĩ Trần Đình Sơn cho biết, sự manh nha của tư tưởng Tam giáo đồng nguyên xuất hiện ở Giao Châu (Việt Nam) vào khoảng thế kỷ thứ II.

Phật giáo Đại Việt đời Trần với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là một Phật giáo nhất tông, mang đậm bản sắc Việt, chủ trương nhập thế, tùy tục, tùy duyên, hòa quang đồng trần, cư trần lạc đạo, có sự dung hợp và Việt hóa ba hệ tư tưởng Phật – Nho – Lão.

Nhưng có một sự thật không thể không quan tâm là giai đoạn vàng son nhất của thời kỳ phong kiến Việt Nam với những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực như văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội, quân sự, thương mại,… nhất là, tinh thần hào hùng của thời đại và nhân cách siêu việt của những đứa con tinh thần trong thời đại đó, được hầu hết các sử gia công nhận đó là thời Lý - Trần. Thời này, tư tưởng Tam giáo (Phật - Đạo - Nho) ảnh hưởng sâu rộng đến mọi tầng lớp xã hội, trên từ vua, quan và các tầng lớp thức giả, dưới cho đến thứ dân. Vấn đề ở chỗ, mặc dù lúc này tư tưởng chính thống của xã hội là tư tưởng Tam giáo nhưng trung tâm điểm vẫn là tư tưởng Phật giáo.

Hoàn cảnh lịch sử đã làm cho Phật giáo không còn phát triển huy hoàng như thời Lý Trần. Vì Phật giáo kể từ cuối đời nhà Trần đến đời nhà Hồ rơi vào suy yếu. Khi quân Minh xâm lược Đại Việt thì Phật giáo Đại Việt dường như bị bật gốc. Quân Minh đã thủ tiêu nền văn hóa của Đại Việt (gom và đốt kinh, sách, phá chùa, đình, miếu, văn bia...), đưa văn hóa Trung Hoa sang để đồng hóa dân Việt thành dân Trung Hoa. Khi đất nước giành lại độc lập tự chủ, triều đại Lê Sơ ra đời, Nho giáo giữ địa vị độc tôn. Phật giáo chỉ còn yên phận lui về dân dã và ảnh hưởng trong xã hội như hình thức của văn hóa tín ngưỡng lâu đời.

Từ khoảng nửa cuối thế kỷ XIV về sau, những nhân sĩ của Nho gia dần dần chiếm vị trí quan trọng trên chính trường, Nho giáo ngày càng có ảnh hưởng lớn trong xã hội. Đến nửa cuối thế kỷ XVIII, tình cảnh nước ta vô cùng đen tối, các thế lực phong kiến xâu xé lẫn nhau, nội chiến liên miên giữa các thế lực của nhà Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn, rồi phong trào nông dân khởi nghĩa chống lại các thế lực phong kiến, đã làm cho nhân dân khốn khổ, cơ cực. Lúc này tư tưởng Tam giáo vẫn ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội.  Nếu ở đời Trần, tư tưởng Tam giáo lấy Phật giáo Thiền phái Trúc Lâm làm chủ đạo, thì thời kỳ này Nho giáo lại là hạt nhân của tư tưởng Tam giáo.

Qua chín đời chúa Nguyễn (1558-1775) ở đất Thuận Hoá – Đàng Trong, Nho và Phật đã hoà quyện vào nhau, song hành bên nhau. Để xây dựng một đế chế phong kiến kiểu phương Đông, Nho giáo tất nhiên giữ vị trí then chốt, điều đó cũng dễ hiểu vì Nho giáo là một hệ thống học thuyết về chính trị, tư tưởng và đạo đức, phương châm là nhập thế hành động, là hữu vi mà mục tiêu cuối cùng là tổ chức một xã hội trật tự, trong đó mọi người đều có vị trí,thứ bậc, có trách nhiệm nghĩa vụ rõ ràng trong từng quan hệ từ trong gia đình đến xã hội. Yếu tố tích cực của Nho giáo không chỉ phù hợp với lợi ích của giai cấp phong kiến mà còn góp phần thúc đẩy sự ổn định và phát triển của quốc gia phong kiến nữa. Chính thế, các chúa Nguyễn trong sự nghiệp gầy dựng cơ đồ đã không thể không vận dụng Nho giáo một cách khéo léo và triệt để nhằm đạt đến mục đích cuối cùng của mình. Tuy vậy, đạo Phật vốn có gốc rễ sâu bền ở Thuận Hoá, một phần là từ tín ngưỡng dân gian, do phải sống giữa cảnh còn hoang sơ lạ lùng mà thanh giáo của triều đình chưa thấm khắp. Để tồn tại và phát triển, các chúa Nguyễn đã phải tìm cách dung hoà cả hai luồng tư tưởng ấy.

Tuy vua chúa nhà Nguyễn đều sử dụng tư tưởng Nho giáo để xây dựng vương triều, lấy xã hội Nghiêu Thuấn làm mẫu mực, nhưng để thích nghi với hoàn cảnh cụ thể, họ đã tỏ ra tôn sùng Phật giáo. Thái độ của các chúa Nguyễn với đạo Phật vẫn thể hiện ít nhiều sự chân thành theo quan niệm cư Nho mộ Thích. Hầu hết bà con trong hoàng gia đều quy y thọ giới, các chúa Nguyễn về sau đều có pháp danh đạo hiệu, quý trọng các cao tăng, lo việc dựng chùa, đúc tượng, ban pháp khí nhằm làm công đức, cầu mong sự gia trì của Phật tổ cho sự nghiệp của mình.

Thời các chúa Nguyễn, các cao tăng từ Trung Quốc đến truyền đạo như Giác Phong, Từ Lâm, Nguyên Thiều, Thạch Liêm, Tử Dung, Tế Viên... hoặc các cao tăng người Việt như Hương Hải, Giác Thù, Liễu Quán... rất được nhà chúa kính trọng và ưu ái.

Từ Nguyễn Phúc Nguyên trở đi, đạo Phật bắt đầu có vị trí không những trong hệ thống chính trị mà còn góp phần vào việc hình thành và phát triển của đời sống văn hoá vùng Thuận Hoá – Đàng Trong. Thời chúa Nguyễn, Nho và Phật đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn, tạo ra một phong cách đặc biệt trong giới cầm quyền cũng như trong quần chúng.

Trong hành trình Nam tiến của lịch sử Việt Nam, chúa Nguyễn Phúc Chu (triều Nguyễn truy tôn là Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế, là đời chúa thứ 6 của Ðàng Trong) được ghi nhận là người có công lớn trong việc mở mang, phát triển và ổn định đất nước ở Ðàng Trong vào thế kỷ 17-18. Trong thời gian tại vị, ngoài thành công trong việc mở rộng bờ cõi, ngài còn có rất nhiều công lao trong việc xây dựng đời sống tư tưởng/ tâm linh, đặc biệt là Phật giáo ở Ðàng Trong. Ngài đề ra chủ trương “cư Nho mộ Thích”, kế thừa một cách sáng tạo chủ trương của vua - Phật Trần Nhân Tông “cư trần lạc đạo” ở thế kỷ XIII. Ngài cũng là người bảo trợ cho sự phát triển các đền, chùa ở Ðàng Trong...

Sau khi nghe cư sĩ Trần Đình Sơn trình bày về “Truyền thống Cư Nho mộ Thích của Phật giáo Việt Nam”, cử tọa đã đánh giá đây là một đề tài rất thú vị, cần thêm những buổi nói chuyện về đề tài này để hiểu rõ hơn về lịch sử đất nước cũng như lịch sử phát triển Phật giáo Việt Nam./.

Dưới đây là vài hình ảnh về buổi nói chuyện.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 20
    • Số lượt truy cập : 6967415