Tin tức

NÓI CHUYỆN CHUYÊN ĐỀ: “UY THẦN LỰC BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM”

NÓI CHUYỆN CHUYÊN ĐỀ:

“UY THẦN LỰC BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM”

 

Tin ảnh: TRÍ BÁ

 


Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn

 

Sáng 6/10/2018 (nhằm ngày 27 tháng 8 năm Mậu Tuất), tại Chùa Phật học Xá Lợi, Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, Trưởng Ban Phật học Chùa PH Xá Lợi, đã có buổi nói chuyện về đề tài “Uy thần lực Bồ tát Quán Thế Âm”.

Mở đầu, ông Trần Đình Sơn cho biết Quán Âm hay Quán Thế Âm là tên gọi của một vị bồ tát nổi tiếng trong hệ thống Phật giáo Bắc truyền. Chữ Phạn của tên gọi này là Avalokitésvara, dịch là Quang Thế Âm hay còn dịch là Quán Tự Tại. Ðây là vị bồ tát chuyên cứu khổ ban vui, có năng lực cứu vớt con người ra khỏi khổ nạn, giải phóng họ ra khỏi tam độc tham, sân, si. Danh xưng  Quán Thế Âm, theo cách dịch mới của pháp sư Huyền Tráng, rất nổi tiếng và thông dụng. Đến đời vua nhà Đường là Lý Thế Dân do tránh chữ Thế nên chỉ còn Quan Âm.

Bồ tát Quan Thế Âm có 32 ứng thân để tùy thuận theo các chúng sanh mà hóa độ, ngài dùng vô số phương tiện để nhiếp hóa chúng sanh, tùy nghi mà thị hiện, hoặc hiện bằng thân Phật, thân Phật Bích chi, thân Thanh văn, thân Phạm Thiên… cho đến thân khẩn-na-la, ma-hầu-la-dà, thần Chấp kim cang… hễ với thân hình nào mà độ được chúng sanh thì Ngài đều biến hiện ra thân đó để mà hóa độ.

Ngài thường giúp đỡ chúng sanh thoát khỏi bảy nạn của thế gian (thất nạn) và được hai sự mong cầu (nhị cầu). Bảy nạn đó là lửa, nước, la sát, đâm chém đánh đập, tà ma quỷ quái, gông cùm, giặc cướp thù địch. Hai sự mong cầu trong kinh nói là cầu con trai và con gái, ở đây còn muốn nói đến sự mong cầu phước đức, trí tuệ và sự đoan chánh.

Tuy nhiên, tại sao có người nhờ niệm danh hiệu Ngài mà vượt qua hoạn nạn, nhưng cũng có người thì chẳng thấy linh ứng? Điều quan trọng là phải có lòng chân thành, niệm một cách thiết tha, chuyên tâm, nhất chí. Điều này thấy rõ ở nhưng người lâm nạn, họ đặt hết niềm tin tưởng và khẩn thiết cầu sự cứu độ của Bồ tát Quán Thế Âm, chính nhờ vào sự chí thành, nhất tâm đó mà có cảm ứng. Nhưng điều cần phải có trước tiên là người niệm danh hiệu Bồ tát phải phát tâm đại bi. Chúng ta chuyên tâm, chí thành niệm, buông bỏ các duyên bên ngoài để trì niêm danh hiệu Bồ tát thì dần dần nghiệp chướng, báo chướng, phiền não chướng tiêu trừ, đến khi tâm ta thanh tịnh thì chính là giải quyết được “thất nạn nhị cầu” mà kinh đã nói. Niệm Quán Thế Âm ở đây là trở về với tự tánh thanh tịnh của chúng ta. Nhưng khi niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm cần phát khởi tâm đại bi để tương ứng với tâm đại bi của Ngài, từ đó ta với Bồ tát đồng nhất thể, cùng một thể đại bi.

Tâm đại bi ở đây là chí nguyện độ sanh, cứu chúng sanh thoát khổ, mang đến niềm vui cho tất cả chúng sanh.

Sau phần trình bày của cư sĩ Trần Đình Sơn, các thành viên Ban Phật học đã cùng nhau trao đổi để hiểu sâu thêm sự màu nhiệm, linh ứng của Bồ Tát Quán Thế Âm.

Dưới đây là vài hình ảnh về buổi nói chuyện.

 

Các thành viên Ban Phật học lắng nghe thuyết trình

Cùng nhau trao đổi

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 49
    • Số lượt truy cập : 6954150