Tin tức

NÓI CHUYỆN CHUYÊN ĐỀ VỀ “TÌM HIỂU THANH VĂN THỪA VÀ BỒ TÁT THỪA”

NÓI CHUYỆN CHUYÊN ĐỀ VỀ
“TÌM HIỂU THANH VĂN THỪA VÀ BỒ TÁT THỪA”

 

Tin ảnh: TRÍ BÁ & TRÍ VỊNH

 

Cư sĩ Trần Đình Sơn

 

Sáng 04/11/2017, tại Chùa Phật học Xá Lợi, Cư sĩ Trần Đình Sơn, Phó Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, đã có buổi nói chuyện về đề tài “Tìm hiểu Thanh văn thừa và Bồ tát thừa”.

Cư sĩ đã trình bày về hai thừa rất rõ ràng, rành mạch và dễ hiểu. Thanh văn thừa và Bồ tát thừa đều hướng con người đến sự giải thoát khổ đau, thoát khỏi sanh tử luân hồi.

Đức Phật Thích Ca sau khi thành đạo (giác ngộ) dưới cội Bồ-đề Ngài liền nghĩ đến năm người bạn đồng tu (5 anh em Kiều Trần Như). Phật liền phương tiện huyền xão nói pháp Tứ Diệu Đế , năm vị này nghe liền ngộ đạo chứng quả A la hán. Thanh văn thừa tuân thủ 5 bộ kinh trong Hệ Pali do lần kết tập kinh điển lần thứ nhất. Trong đại hội kết tập kinh điển này tôn giả A nan đọc về kinh, tôn giả Ưu ba li đọc về luật. Năm bộ kinh này là: Trường bộ kinh, Trung bộ kinh, Tương ưng bộ kinh, Tăng chi bộ kinh và Tiểu bộ kinh.

Trong giới luật của Thanh văn thừa, cư sĩ giữ 5 giới, người mới xuất gia (sadi) giữ 10 giới và tỳ kheo giữ 250 giới. Giới có nghĩa là đạo đức nói chung, đồng thời là những phép tắc, đặt ra cho các Phật tử xuất gia và cư sĩ đã thọ giới nhằm ngăn ngừa ác nghiệp và giữ gìn phẩm hạnh. Bên cạnh đó, Thanh văn thừa còn có Bát quan trai giới để người cư sĩ tập đời sống của người xuất gia nhằm gieo duyên. Những giới trên gọi chung là Thanh văn giới.

Các quả vị của Thanh văn thừa gồm: Đối với người cư sĩ tại gia, quả vị sẽ là luân hồi về cõi Trời, Người. Đối với tăng sĩ có 4 quả vị theo thứ tự là: Tu đà hoàn (còn gọi là Dự lưu), Tư đà hàm (còn gọi là Nhất lai), A na hàm (còn gọi là Bất hoàn), A la hán (còn gọi là Bất sinh).

Còn về Bồ tát thừa, tuân thủ tam tạng kinh điển nói chung. Trong giới luật của Bồ tát thừa, cư sĩ thọ 5 giới, người mới xuất gia (sadi) giữ 10 giới, tỳ kheo thọ 250 giới, tỳ kheo ni thọ 348 giới. Bên cạnh việc thực hành Bát quan trai giới, người cư sĩ còn phải hành Thập thiện. Thập Thiện giới là con đường tu học thiết thực trong các phần giới, đó cũng là ý nghĩa của chánh đạo. Ở kinh Tạp A Hàm quyển 29, Đức Phật có dạy: “Thế nào là chánh đạo? Đó là không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không vọng ngữ, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời hung ác, không ỷ ngữ, không tham lam, không sân hận, không tà kiến”. Đó là ý nghĩa Thập Thiện giới cũng là chánh đạo, là con đường thành tựu Giới-Định-Tuệ. Vì muốn vĩnh viễn thoát khỏi khổ đau trong luân hồi sanh tử, thoát khỏi cảnh địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh thì nên tu tập Thập Thiện giới. Nội dung thực hành có 2 bước: Chỉ và Hành. Chỉ là dừng mọi hành động xấu ác có hại đến mình và chúng sanh. Hành là làm việc lành, giữ đúng giới luật, đem lại lợi ích cho mình và chúng sanh.

Cư sĩ tại gia có thể thọ giới Bồ tát. Trong các đại giới đàn (cấp tỉnh, thành) hiện nay, các giới tử thọ nhận giới Bồ tát theo tinh thần Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới, gồm 10 giới trọng và 48 giới khinh. Giới pháp này được truyền trao cho các vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni và thiện nam tín nữ cư sĩ phát tâm thọ trì. Riêng giới Bồ tát theo quan điểm của Ưu Bà Tắc Giới Kinh (Đại Chính, tập 24) gồm 6 giới trọng và 28 giới khinh.

Sau khi nghe cư sĩ Trần Đình Sơn trình bày về “Tìm hiểu Thanh văn thừa và Bồ tát thừa”, cử tọa đã nêu nhiều thắc mắc để cùng nhau trao đổi, làm sáng tỏ những băn khoăn giữa Nam tông và Bắc tông hiện nay.

Dưới đây là vài hình ảnh về buổi nói chuyện.

 

 

Cử tọa trao đổi sôi nổi quanh đề tài Thanh văn thừa và Bồ tát thừa

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 28
    • Số lượt truy cập : 6796233