Tin tức

NÓI CHUYỆN CHUYÊN ĐỀ VỀ “UY NGHI TẠI GIA”

NÓI CHUYỆN CHUYÊN ĐỀ VỀ “UY NGHI TẠI GIA”

 

Tin ảnh: TRÍ BÁ

 

 Cư sĩ Trần Đình Sơn

 

Sáng 05/8/2017, tại Chùa Phật học Xá Lợi, Cư sĩ Trần Đình Sơn, Phó Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, đã có buổi nói chuyện về đề tài “Uy nghi tại gia”. Đây là bài Sám tụng của Hòa thượng Thích Tâm Thi, đạo hiệu Tuệ Tạng, viết vào năm Quý Tỵ 1953.

Các thành viên Ban Phật học và Phật tử các đạo tràng của Chùa PH Xá Lợi đã tham dự. Trước khi vào nội dung chính, cư sĩ Trần Đình Sơn đã sơ lược tiểu sử của Thượng thủ Tuệ Tạng.

Hòa thượng Tuệ Tạng sinh năm 1889 tại làng Quần Phương Trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Sau khi xuất gia, ngài rất chú trọng về Luật Tạng, nổi tiếng nhớ Luật và trì Luật bậc nhất.

Năm 1951, thể theo nguyện vọng của Phật tử thành phố Nam Định, Ngài nhận chức trụ trì chùa Vọng Cung. Cũng trong năm này, Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam được thành lập, trụ sở đặt tại chùa Từ Đàm Huế, Hòa thượng nhận ngôi Chứng minh Đạo sư cho Tổng Hội.

Năm 1952, đại biểu Tăng Ni toàn quốc tề tập về chùa Quán Sứ trong thời gian từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 để thảo luận; duyệt định Quy chế Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc do ba Giáo Hội Bắc, Trung, Nam dự thảo, và bầu Ban Tổng Trị Sự Trung Ương. Ngài được toàn thể Đại biểu suy tôn lên ngôi Thượng Thủ Tăng Già Toàn Quốc (ngày 7-9-1952), làm thạch trụ cho hết thảy Tăng tín đồ toàn quốc quy ngưỡng. Năm đó Ngài được 63 tuổi.

Năm 1953, Ngài đã soạn thảo và ấn hành Lá Tâm Thư đại ý kêu gọi Tăng tín đồ toàn quốc chung sức chung lòng trùng hưng Phật giáo như thời đại Lý, Trần xưa kia.

Từ năm 1954 trở đi, Ngài lui về Nam Định tịnh tâm tu dưỡng. Thế nhưng định luật vô thường rồi cũng đến, nguyện lực hoằng thâm đã viên mãn, thân tứ đại đến lúc trả về cho tứ đại, Ngày 3 tháng 4 năm Kỷ Hợi, tức 10-5-1959, Ngài xả báo thân từ 70 năm qua tại Vọng Cung để nhập về Vô Ưu quốc, và công đức tu trì 50 hạ lạp.

Theo như Hòa thượng răn dạy, uy nghi đầu tiên của người Phật tử tại gia là phải hiếu thuận với ông bà, cha mẹ. Bài sám viết:

Một là hiếu thuận ở nhà,

Tổ tiên, cha mẹ, ông bà mọi ngôi.

Hiện còn hiếu thảo dưỡng nuôi,

Sáng thăm tối định, vâng lời thừa hoan.

Ở sao đạo hiếu hoàn toàn,

Ấy là chư Phật hỷ hoan hộ trì.

Hoặc khi người đã mất đi,

Dốc thành tôn kính tụng trì kệ kinh.

Mong cho sớm được siêu sinh,

Báo đền tính chút công trình dưỡng nuôi.

Kìa ai sẵn có hai ngôi,

Ở nhà cha mẹ đôi người rất thân.

Ðấy là vị Phật riêng phần,

Ai mà thờ được ắt gần Như Lai.

Ðây là lời Phật dạy đời,

Trong nhà sẵn có hai ngôi Phật đà.

Ai hay thờ đó được a,

Cũng là Di Lặc, Thích Ca khác nào!

Ði về kính cẩn hỏi chào,

Của ngon vật lạ tơ hào dâng thân.

Phải coi hơn bậc Thánh Thần,

Mới là trọn đạo nhân luân ở đời.

Đây là điều hoàn toàn khác với các tôn giáo khác. Nếu là người bất hiếu thì đi lạy Phật ở chùa cũng chẳng có nghĩa lý gì, mọi công đức đều đổ sông đổ biển, lại còn mang thêm tội nữa.

Đến phần thứ hai, bài sám mới đề cập đến phụng trì Tam bảo. Bài sám căn dặn rất rõ ràng từ việc dâng lễ đến thắp hương; từ trang phục đi lễ chùa đến khi bước vào chánh điện...

Thứ hai lại tỏ phụng trì Tam tôn.

Ở nhà chu đáo mọi môn,

Chánh tín Tam Bảo để vun gốc lành.

Tới chùa lễ Phật nghe kinh,

Chào Sư hỏi bạn để sinh phúc dầy.

Hương hoa nến sáp dâng nay,

Cùng là quả phẩm kính bầy trang nghiêm.

Còn như vàng mã đừng đem,

Các đồ rượu thịt chớ kèm lẫn đưa.

Tỏi hành kia cũng phải chừa,

Thức gì Hiền Thánh không ưa chớ dùng.

Áo xiêm nghiêm chỉnh thung dung,

Dép giày không sạch chớ xông bước vào.

Lễ thời nên tránh tòa cao,

Những nơi Tăng lễ đừng trèo lễ chung.

Thắp hương đừng có quá xông,

Một ba năm nén đủ dùng tôn nghiêm.

Lễ là trọng đức Thánh hiền,

Lễ xa thêm phúc đừng nên chen người.

Nón gậy xe đạp mọi loài,

Tường chùa điện Phật chớ bầy dựa kia.

Tinh thành lòng giữ chớ lìa,

Chuyện trò nhảm nhí mọi bề phải im.

Chu chuân thành kính một niềm,

Ăn trầu nhổ bã phải tìm nơi xa.

Không nên vứt bỏ rác ra,

Kẻo mà tổn phúc nữa đà người chê.

Đặc biệt, hòa thượng còn dạy rằng, khi tiến hành lễ cầu an, cầu siêu hay cúng trai đàn thì liệu sức mình, “không nên đo đắn như nghề bán buôn”, không nên xin Đức Phật cho mình làm ăn phất lên gấp nhiều lần lễ vật mình cúng dường:

Hoặc khi xin lễ cầu an,

Hay là siêu tiến trai đàn mọi nghi.

Tùy tình lượng sức của gì

Không nên đo đắn như nghề bán buôn.

Lại thêm gây mối tội nguồn,

Phúc kia đâu hưởng vạ luôn chịu liền.

Chỉ nên thành kính một nguyền,

Lượng nghi lễ đó bao tiền đủ xong.

Kính tin Tam Bảo một lòng,

Phóng sanh, bố thí bao dong việc lành.

Của dâng Phật, cúng vong linh,

Trai nghi lễ phẩm tinh thành mới hay.

Ðã vì vong giả làm chay,

Ðừng dùng rượu thịt thức này thức kia.

Kẻo mà tội lỗi khó lìa,

Lại thêm bận đến vong kia đó mà.

Lại còn cúng thí Tăng già,

Phải nên định trước của là bao nhiêu.

Tùy lòng cúng được ít nhiều,

Không nên xong việc tạ theo lối đời.

Mặc dù bài sám đã 64 năm nhưng đến nay vẫn còn mang tính thời sự cao. Những hiện tượng chưa tốt trong Phật tử tại gia xảy ra 64 năm trước, hiện nay vẫn còn, do đó, các Phật tử tại gia cần đọc bài sám này để sửa mình:

Ðể chung hưởng phúc biền-trăn,

Khắp nguyền ai cũng thiện căn dồi dào.

Cùng lên chính giác ngàn cao,

Cùng thành Phật đạo cùng vào chân như.

Sau khi nghe cư sĩ Trần Đình Sơn trình bày về bài sám “Uy nghi tại gia” cử tọa đã nêu nhiều thắc mắc để cùng nhau trao đổi, làm sáng tỏ những uy nghi cần thiết của người Phật tử tại gia hiện nay.

Dưới đây là vài hình ảnh về buổi nói chuyện.

 

 

Các cư sĩ cùng trao đổi với diễn giả

Cư sĩ Trần Đình Sơn giải đáp những thắc mắc

Hồi hướng

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 25
    • Số lượt truy cập : 7008088